13.
Cuối cùng tôi và Tú khỉ cũng lê lết về đến Hà Nội sau trận lũ kinh hoàng đó. Mất ba ngày vạ vật ăn chực nằm chờ ở nhà ông Văn trong lúc người ta sửa chữa những cung đường bị sạt do trận lũ gây ra. Đó là những ngày dài mệt mỏi, chán nản, bi quan, chúng tôi hầu như không nói với nhau câu nào. Ông Văn thi thoảng tìm cách động viên hai thằng tôi, nhưng chúng tôi luôn đáp lại bằng những câu khách sáo kiểu như: “không sao không sao đâu bố, của đi thay người là mừng rồi, không sao đâu mà, cái xe được hãng bảo hiểm đền bù mà…”
Nhưng đôi lúc tôi thấy Tú khỉ ngồi thẫn thờ bên bờ sông, nhìn vô định vào dòng nước đục ngầu chảy xiết đó, hỏi gì cũng ừ hữ. Đã có lúc tôi từng nghĩ thằng này quen ném tiền qua cửa sổ, nhưng có lẽ tôi đã nhầm. Một kẻ lăn lộn kiếm tiền như nó hẳn luôn coi trọng giá trị đồng tiền, đằng này trong phút chốc nó bỗng dưng mất toi chiếc xe bạc tỉ, thử hỏi sao không choáng váng?
Với tôi thì hầu như luôn luôn ở trong tình thế mọi chuyện chẳng thể tồi tệ hơn được nữa, nên tôi thờ ơ với mọi biến cố đời mình. Tôi đã nghỉ trễ mấy ngày phép, nghĩ đến cái lúc trở lại văn phòng công ty, đối diện với tay trưởng phòng và núi công việc buồn tẻ ở đó, tôi phát ốm cả người.
Tôi nghĩ đến khuôn mặt rầu rĩ lạnh nhạt của vợ chào đón ở nhà, với những cuộc cãi vã, những câu nói cộc lốc trống không thiếu chủ ngữ, hoặc có thể chỉ là sự im lặng nặng nề. Những bữa cơm nguội ngắt, bầu không khí gượng gạo, và vẻ mặt đầy tự kỷ của thằng bé con nữa. Nghĩ đến tất cả những điều đó, tôi thở dài hắt ra một hơi và chỉ muốn chết quách đi cho rồi. Cuộc đời, thật là chán quá đi!
Thế rồi cũng đến lúc phải quay về, người ta đã sửa xong đường, Tú khỉ tháo cái đồng hồ mà nó gọi là đồng hồ thủy quân lục chiến ra mang gạ gẫm khắp chợ cóc xóm huyện, nhưng chả ma nào thèm mua, dù chỉ với cái giá rẻ mạt. Theo lời nó, đây là một cái đồng hồ rất đắt tiền, đa tác dụng, đo được đủ thứ áp suất, độ cao, nhiệt độ, độ ẩm, kiêm la bàn… v v…
Ông Văn thấy thế bèn đưa cho tôi ít tiền mua vé xe khách và ăn uống để quay về. Tú khỉ đưa cho ông ấy chiếc đồng hồ, nhưng ông ấy nổi cáu: “Tao lấy cái đồng hồ của mày để làm mắm à thằng ranh con?”
- Thì bố cứ giữ lấy, để con còn có cớ quay lại đây dịp nào đấy chứ? – Tú khỉ chống chế yếu ớt, vừa nói vừa cười gượng gạo. Chưa bao giờ nó lại phải ngửa tay xin xỏ vay mượn dúm tiền lẻ như thế này, hẳn là nó cảm thấy rất tệ.
- À thế ra nếu không để lại cái đồng hồ thì chúng mày không thèm quay lại đây chứ gì?
- Có chứ bố – Tú khỉ gãi tai - Chắc chắn bọn con sẽ quay lại bắt con cá thần, chắc chắn đấy… phải không hả Cuội? – Nó quay sang nhìn tôi dò hỏi. Tôi đành gật đầu chiếu lệ, chứ tôi không chắc rằng tôi có muốn quay lại cái chỗ chết tiệt này nữa hay không, nếu không muốn nói thẳng ra là có dí súng vào đầu có lẽ cũng không khiến tôi trở lại nơi này nữa. Mọi chuyện đã kết thúc, game over, sẽ không có lần thứ hai tôi tham gia những trò phiêu lưu của Tú khỉ, không bao giờ…
- Thôi được rồi, được rồi, cất cái đồng hồ đi – ông Văn xua tay nói – chúng mày quay lại đây lúc nào cũng được, năm sau, hay là năm sau nữa, tùy, chừng nào tao còn sống thì cứ coi như đây là nhà, con Vân thì chúng mày cứ coi nó như là em gái, được chưa? Thôi mau về đi, còn công việc làm ăn, còn gia đình, trăm thứ bận bịu ấy chứ, khi nào rảnh lên đây chơi với tao là được rồi, đừng có ham cá mú làm gì cho mệt, tao đã bảo rồi, dính vào nó là đen lắm!
- Nhưng con vẫn còn cay lắm, chưa tóm được nó con chưa thể quên vụ này – Tú khỉ hậm hực.
- Thôi thôi mau về đi kẻo lỡ xe! – Ông Văn xua tay như đuổi hai thằng tôi ra khỏi nhà.
Để mặc họ đôi co với nhau, tôi đi ra khoảng sân nhỏ trước cửa nhà tìm cô con gái, cô ta đang cơm nước trong bếp. Tôi đứng ở cửa hắng giọng. Thoáng thấy tôi, cô ta ngẩng đầu lên nhìn rồi lại cắm cúi nấu nướng, tay cầm que củi cời cời bếp lửa, vầng trán lấm tấm mồ hôi, xinh đẹp tuyệt trần. Trong thoáng chốc, tôi thấy trái tim mình run rẩy, trĩu nặng, và tôi phải kìm nén một hơi thở dài nhè nhẹ.
- Bọn anh về đây, chào Vân nhé! – Tôi nói.
- Vâng, các anh đi may mắn! – Cô ta lí nhí.
- Bọn anh sẽ quay lại khi nào rảnh rỗi – Tôi bỗng buột miệng nói dối.
- Vâng.
- Anh rất muốn quay lại sớm, nhưng chưa biết khi nào… - Tôi lại tiếp tục nói dối, như thể đó là điều tôi muốn thật sự vậy.
- Vâng.
- Bọn anh rất quý mến gia đình ta, bố em rất tốt, em cũng thế, rất cảm ơn bố con em… anh không biết phải nói sao nữa…
- Không cần phải nói, em hiểu mà! – Cô ta bỗng ngẩng lên nhìn tôi, mắt loang loáng ánh lửa, và ươn ướt, không rõ tôi có bị quáng gà hay không nữa, nhưng có lẽ là có, đôi mắt cô ta có lửa.
- Tạm biệt em! Bọn anh sẽ sớm quay lại! – Tôi nuốt nước bọt khan, nói một cách khó khăn mấy từ đó, lí nhí, như thể nó cứ bị mắc ở cổ họng vậy. Tôi quay bước ra sân đi về phía Tú khỉ và ông Văn đang chờ. Tú khỉ ông ổng chào vọng vào bếp tạm biệt cô em kết nghĩa, có vẻ nó đã lấy lại phong thái tự tin và vui vẻ.
Chúng tôi leo lên chiếc xe ôm Minsk chờ sẵn, kẹp ba ra phố huyện bắt xe khách. Tú khỉ ngồi giữa, tôi ngồi sau. Trước khi xa khuất, tôi ngoái lại, thoáng thấy ông Văn đứng ở cổng vẫy tay, cô con gái nép phía sau nhìn theo chúng tôi. Tôi cố giơ tay lên vẫy chào lại, có lẽ tôi sẽ không gặp lại họ. Vĩnh biệt!
- Lưu luyến cô em gái xinh đẹp quá hả? - Tú khỉ nói, không thèm ngoái lại nó cũng biết tôi đang giơ tay vẫy.
- Lưu luyến cái đếch gì, tao sẽ không bao giờ quay lại chỗ này, chắc chắn là thế.
- Tốt thôi, lần sau quay lại tao sẽ chén con em gái mày.
- A, thằng đểu!
- Làm thằng đểu còn hơn là thằng ngu, mỡ đến miệng còn đéo biết đường mà đớp, phải tay anh thì xong từ lâu rồi em ạ.
- Mày xôi thịt bỏ mẹ, hay ho gì chứ, đúng là cái loại trẻ không tha già không thương.
- Mày đúng là thằng ngu, chả hiểu gì về điện, mày không đè gái ra hiếp, nó hận mày cả đời đấy em ạ.
- Vâng, em biết những thằng hiếp dâm phụ nữ thường có trí thông minh khá cao mà anh.
- Ha ha, tốt thôi, mày chê thì để anh, không phải nói nhiều – Tú khỉ cười ha hả.
- Được rồi, ngậm mồm lại, thằng ôn vật! – Tôi cáu - Văng cả nước bọt vào mặt tao rồi đây này!
Từ đó đến lúc lên xe khách, cho đến lúc về Hà Nội, tôi hầu như không nói với Tú khỉ câu nào, bởi tôi chỉ thấy trĩu nặng trong lòng, còn chán nản hơn cả lúc bắt đầu chuyến đi. Phần tệ nhất của câu chuyện bây giờ mới bắt đầu.
Khu chung cư cũ nát xập xệ, cầu thang tối om, tôi nặng nhọc leo từng bước, thi thoảng lại đá phải một cái kim tiêm bọn nghiện vứt bừa bãi. Tôi đã sắp sẵn một câu chuyện cụt lủn trong đầu để kể, nếu vợ tôi tra hỏi, nhưng tôi đoán là chuyện đó phải vài ngày sau. Còn bây giờ có lẽ cô ta sẽ lầm lì xưng xỉa cái mặt không thèm nói năng gì hết. Tôi bỗng ước gì cái cầu thang này dài vô tận, và tôi cứ leo mãi, leo mãi, không bao giờ về đến nhà hết, cứ leo mãi cho đến già nua, rồi chết đi. Như thế kể cũng hay đấy nhỉ, chết trên đường về nhà. Hừ, người ta gọi là chết như trong phim!
Nhưng đời thì không như trong phim, cuối cùng tôi lê lết hết những bậc thang và dừng lại trước cánh cửa căn hộ 502, nhà tôi, nghe như keo dán 502 ấy nhỉ? Đúng rồi, đây là nhà tôi, nhưng nó khóa ngoài im ỉm. Đã 6 giờ chiều, nhẽ ra giờ này vợ con tôi phải ở nhà. Tôi linh cảm chuyện tồi tệ đang chờ đón mình sau cánh cửa kia, nhưng tôi chưa nghĩ ra nó tệ đến đâu. Chiếc chìa khóa cửa đã bị mất trong trận lũ, tôi thò tay vào qua cái lỗ trên cửa, mò mẫm sợi dây treo chìa khóa dự phòng giấu trong hốc tủ giày dép kê gần đó, mãi rồi cũng thấy.
Bước vào nhà, mùi khen khét ngột ngạt là lạ, có vẻ như cả tuần nay không ai ra vào. Tôi bật đèn lên, thấy nhà cửa bừa bãi, nhưng trống trải, chỗ góc bàn học thằng bé con nhẵn nhụi chả thấy sách vở và đồ chơi nó đâu. Tôi mở tủ, trong đó chỉ còn vài bộ quần áo cũ của vợ, giày dép cũng biến mất. Chắc cô ả lại giận dỗi dắt con bỏ về nhà bố mẹ rồi đây, tôi nghĩ bụng.
Đói và mệt, tôi chả buồn gọi điện cho cô ta nữa, tôi bật bình nước nóng, lấy bộ quần áo tắm rửa qua loa. Tủ lạnh trống rỗng, đã rút phích điện. Lục mãi tìm được gói mì tôm sắp hết hạn sử dụng, tôi đun nước úp mì nuốt tạm, định bụng sau đấy ngủ một giấc dài, mọi chuyện tính sau.
Trong lúc đang cố nuốt những sợi mì tôm hôi rình, tôi mới để ý thấy một tờ giấy trên mặt bàn ăn, chặn cái gạt tàn. Hóa ra đó là một lá thư ngắn gọn: “Hai mẹ con tôi hết chịu nổi anh rồi, anh về ly dị giải quyết dứt điểm cho xong, thủ tục cũng đơn giản nhanh chóng thôi, tôi đã tìm hiểu rồi”
Dù sao, sau đó tôi cũng đã nuốt hết bát mì.
Còn nữa…