Chuyện rời quê hương đi nơi khác sinh sống là chuyện khó nói. Bề nổi thì người ta thấy, còn bề chịm ít ai hay. Chung quy lại là người đi đều có những cân nhắc và lựa chọn.
Mình ở đây chỉ phân tích và áp lên trường hợp riêng của mình, vì thế có thể phù hợp với người này, không phù hợp với người khác.
Thật sự "đất khách quê người" bao giờ cũng buồn thăm thẳm cho dù mình có thoải mái sống. Đôi lúc nhìn những dòng người cảm thấy xa lạ và chỉ ước mình tức thì đang đứng ở quê hương mà nhìn dòng người thân thương.
Ai ra đi để sinh sống nơi khác đều có những hy sinh và mong muốn. Những hy sinh là những lý do các bạn không muốn đi. Những mong muốn là những gì họ không thể có được ở quê hương.
Ví dụ như tôi, lý lịch xấu, học hành chẳng đến nơi, nhà đất không có (chỉ ở nơi mướn), tài sản cũng không, chỉ có chiếc xe đạp còi cọc đi làm công. Chẳng có thân nhân nào làm trong chính quyền và chẳng có bạn bè là bác sĩ hay kỹ sư hoặc là chủ doanh nghiệp nhỏ. Kiến thức và tài sản cũng như không có khiếu buôn bán thì cả đời khó có cuộc sống thoải mái.
Khi tôi ra đi thì biết bao nước mắt trong lòng. Khi đến thì nước mắt sống nó cứ tuôn trào khi chỗ vắng người. Khi sống thời gian thì chỉ muốn bỏ về quê hương cho dù có cực có khổ có đi làm thợ hồ dưới mưa dưới nắng trong điều kiệu kém an toàn.
Tôi không khen cũng không chê nơi tôi đến sống. Nhưng tôi chỉ nói đến cảm giác của mình.
Quanh tôi, do gần trường ĐH, du học sinh từ VN cũng nhiều. Những du học sinh này đa số ở VN là những "cậu ấm, cô chiêu" có người hậu hạ. Sang đây thì bị bình dân hoá như bọn Mỹ trắng là phải đi làm cho dù con nhà giàu. Chúng đi phục vụ bàn, làm những việc chân tay,... Thấy chúng cực, tôi có hỏi học xong về VN làm không? Đa số lắc đầu và muốn tìm đường ở lại.
Có cậu kia, ở VN không biết tự chăm sóc bản thân, qua đây, đi vấp té mà nằm la chãi bãi không biết tự sơ cứu là đi tìm nơi rửa vết thương và tìm băng dán lại (nhà trường luôn có phòng có vài thứ sơ cứu). Cậu ta chỉ than khóc. Ai đi ngang cũng dững dưng vì thấy chuyện không đáng để phải giãy đành đạch. Một lát sau cậu ta tự đứng dậy đi tìm băng dán vết thương nhỏ.
Bây giờ cậu ấy rất năng động, vừa học vừa làm vừa lăn lộn với cộng đồng. Từ một cậu ấm con nhà giàu ở VN trở thành một người năng động cho cộng đồng. Chỉ còn 2 học kỳ nữa ra trường và được công ty Mỹ bảo lãnh cho ở lại làm. Cậu ta dứt khoát không chịu về cho dù cha mẹ có năn nỉ về.
Các bạn trong này đa số khá giả và có khả năng luồn lách trong xã hội và có vị trí. Cho nên đi nước ngoài các bạn cần 5 năm để hoà nhập. Từ vị trí khá giả đến vị trí "học hoà nhập" là cú sốc lớn và 90% các bạn chịu kông nổi. Riêng tôi thì từ bần hàn lên vị trí "học hoà nhập" thì thấy đời sống sáng sủa và khi hoà nhập (không hoà tan) phần nào thì thấy thoải mái.
Tôi không có ý ca ngợi XH tôi đang định cư mà là tôi cảm thấy hài lòng hơn so với điều kiện sống bần hàn của tôi trước kia tại VN.
Cho dù hiện tại, tôi không dám mua iPad, iPhone, áo quần hiệu, ... như các bạn đang ở VN. Chỉ đủ tiêu dùng bình thường nhưng tôi thấy nó gấp nhiều lần cuộc sống thợ hồ xây dựng lúc tôi còn ở VN. Ít ra, tôi làm việc trong môi trường an toàn hơn, có bảo hiểm sức khoẻ, có hưu trí,... Nếu tôi còn ở VN thì tôi không có cơ hội rờ tới Internet hầu chuyện các bạn. Còn các khoản khác như bảo hiểm và hưu trí thì ai sẽ cho một thằng thợ hồ như tôi?
Tóm lại là khi dứt áo rời quê hương rất buồn, tủi nhục, đắng cay,... Nhưng ai ra đi cũng có lý do rất riêng cho dù có những hy sinh rất lớn.