CSGT bị tố giữ giấy tờ nhưng không lập biên bản Theo anh Thịnh, khi anh yêu cầu được ghi ý kiến vào biên bản xử phạt, hai cảnh sát giao thông huyện Mê Linh (Hà Nội) liền cầm giấy tờ ôtô bỏ về trụ sở. Anh Nguyễn Đức Thịnh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chiều 7/5, anh lái ôtô đến xã Tiền Phong (Mê Linh), khi có tín hiệu chuyển hướng rẽ phải thì bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe xuất trình giấy tờ. Theo camera hành trình, tại chốt cảnh sát, chỉ có một người vi phạm khác đang bị xử lý, không có nhân chứng nào khác. Chốt cảnh sát giao thông bị tố vi phạm quy trình công tác. Ảnh chụp từ clip. Cho rằng mình đi đúng phần đường, tốc độ, không uống rượu bia và rẽ phải có tín hiệu, anh Thịnh đề nghị cảnh sát Đặng Đình Tuấn là sẽ ký vào biên bản với điều kiện phải được ghi ý kiến vào lời khai người vi phạm. Tuy nhiên, theo anh Thịnh, cảnh sát Tuấn không cho anh ghi thêm bất cứ nội dung gì mà chỉ được phép ký. Sau đó, cả hai cảnh sát được cho là đã cất biên bản, giấy tờ xe của anh Thịnh vào cặp rồi lên ôtô công vụ phóng đi. Ngay sau khi clip ghi lại vụ việc được đưa lên diễn đàn mạng, nhiều ý kiến cho rằng, cảnh sát giao thông đã vi phạm quy trình công tác. Sáng 10/5, trao đổi với VnExpress.net, Trung tá Trương Văn Biện - Đội trưởng đội CSGT huyện Mê Linh cho hay, đã mời anh Thịnh lên công an huyện làm việc. Trước câu hỏi "khi bị xử phạt, người vi phạm giao thông có được quyền ghi ý kiến cá nhân vào phần lời khai, cũng như cảnh sát có được phép giữ giấy tờ mà không lập biên bản"?, ông Biện từ chối trả lời. Trong khi đó, một trung tá cảnh sát giao thông Hà Nội khẳng định với VnExpress, cảnh sát không lập biên bản mà cầm giấy tờ của người vi phạm về là sai quy trình. "Muốn giữ giấy tờ thì phải lập biên bản vi phạm hành chính tại chỗ và nếu người vi phạm không ký thì có thể lấy chữ ký của 2 nhân chứng theo dõi vụ việc từ đầu và có tên tuổi, địa chỉ cụ thể", trung tá này chia sẻ. Ông này cũng lưu ý, trong biên bản vi phạm hành chính có phần ghi lời khai của người vi phạm. "Lời khai này để cán bộ xử lý vi phạm có căn cứ ra quyết định xử phạt. Do đó, nếu không thỏa mãn với lý do bị xử phạt, người vi phạm có thể ghi ý kiến vào phần này, nhưng không quá 1,5 dòng", cảnh sát này nói. <>Tiến Dũng Nguồn : VnExpress