Câu hỏi mà nhiều người vẫn thắc mắc
Trong bối cảnh thị trường ngày càng ít xe phổ thông có máy dung tích lớn cũng như giá xăng cứ "giảm mạnh tăng nhẹ" thì có khá nhiều bác tài đam mê lái rất quan tâm đến máy xăng 3.0L v6 của Mitsubishi về khả năng vận hành và mức tiêu hao nhiên liệu. Đặc biệt, so với động cơ xăng 2.7L của Fortuner thì như thế nào.
Động cơ
- Dung tích 3.0L v6 sử dụng xăng và hút khí tự nhiên (chính xác là 2.998 cc, 6 xy lanh)
- Công suất max 220 mã lực, tại 6250 vòng/phút
- Momen xoắn max 281 Nm, tại 4000 vòng/phút
Đây là con máy được lắp phổ biến trên Mitsubishi Pajero Sport máy xăng, sắp tới phiên bản mới sẽ không còn dùng nữa mà chỉ còn máy dầu, chắc là lý do tiền thuế và bảo vệ môi trường hơn. Công nghệ em nó cũng là van biến thiên với tên nhận diện MIVEC (giống như VVT của Toyota hoặc VTi của Honda vậy) mục đích là tăng khí nạp khi vòng tua máy đạt mức cao từ đó tăng công suất máy. Công nghệ này khá phổ biến giống về nguyên lý chỉ khác cơ cấu vận hành/cấu tạo giữa các hãng mà thôi.
Nếu so sánh với các đối thủ cùng phân khúc thì con máy này thuộc dạng mạnh mẽ nhất bọn, nhưng thông số thì không phản ánh hoàn toàn thực tế vận hành đâu các bác nhé. Phải trải nghiệm thử mới biết được.
Hộp số
Nói đến vận hành và tiêu hao nhiên liệu mà không nói đến hộp số thì quả là thiếu sót lớn. Hộp số tự động gắn liền với em nó là bản AT 5 cấp, Fortuner cùng thời điểm là AT 4 cấp thôi. Thực tế em thấy hộp số này cũng khá mượt, với tốc độ <90 km/h thì tua máy dưới 2.000 vòng/phút, cao tốc 120 km/h thì khoảng 2.300-2.500 vòng/phút. Xe đạt lực kéo khá tốt từ vòng tua thấp.
Theo các chuyên gia về động cơ thì vòng tua máy thấp là một yếu tố quyết định việc tiết kiệm nhiên liệu nha các bác.
Khối lượng
Khối lượng xe không tải là 1.995 kg, bản 2 cầu nên nặng hơn 1 cầu ~100 kg. Tất nhiên khối lượng càng nhẹ thì càng tiết kiệm, tuy nhiên nặng thì xe sẽ đầm hơn. Em nhớ có một lần nói chuyện với một bác tài già thì bác lại bảo xe này máy mạnh xác nặng chạy tiết kiệm hơn do khi đã có gia tốc đủ thì động lượng xe lớn sẽ lướt tốt hơn.
Cái vụ này thì em cũng chưa rõ vì em chỉ là tài xế gia đình, chưa chạy qua nhiều loại xe nên mong các bác có kinh nghiệm bàn luận thêm. Em thì nghĩ nếu bác ấy đang nói về xe máy dầu thì hợp lý hơn. À quên em khuyến mãi thêm một yếu tố nữa, 4 bánh xe em bơm hơn mức đề nghị 0.1kg, bánh trước 2.1 kg, bánh sau 2.3 kg
Tiêu hao nhiên liệu
Em thực hiện đo trên 3 quãng đường. Với phương pháp đổ xăng đầy bình + reset đồng hồ. Sau đó mỗi lần đổ xăng đầy bình lại thì ghi nhận số km và số lít xăng đã đổ.
- Sài Gòn - Đà Lạt 398 km, 53.3L → 13.4L/100 km
- Đà Lạt - Sài Gòn 448 km, 55.65L → 12.4L/100 km
- Sài Gòn đi-và-về Long Thành 523 km 57.23L → 10.94L/100 km
Quãng đường 1
Em đi theo lộ trình cao tốc LT-DG > QL20 > Đèo Chuối > Đèo Bảo Lộc > cao tốc Liên Khương > Đèo Prenn > lòng vòng Đà Lạt 2 đêm > đổ xăng ở Lạc Dương
Xe đi 3 người, mở máy lạnh 2 dàn tự động set ở 25-26 độ. Đường thoáng và khô ráo nên xe hầu như chạy tốc độ tối đa cho phép ở mỗi cung đường. Các đoạn đèo và lúc tới ĐL em luôn để chế độ 2 cầu nhanh (4H). Leo đèo và đổ đèo đa số dùng số 3, khi có xe tải xe khách trước mặt thì số 2. Phong cách đạp ga của em là bình thường, không có chủ ý nhẹ nhàng để cố gắng tiết kiệm, thường xuyên vượt xe khác nếu có điều kiện.
Quãng đường 2
Là chuyến về của (1). Đường về cũng đi 3 người + hoa củ rau quả mua từ ĐL. Sau đó mang xe đi bảo dưỡng mốc 30.000 km, bảo dưỡng xong thì đi một chuyến Long Thành bằng cao tốc và đổ xăng ở LT.
(có 2 thùng rau củ bên trong, phải lật 1 ghế hàng 2 để chứa hành lý)
Quãng đường 3
Chủ yếu em đi đi về về LT, thỉnh thoảng đi siêu thị trên tp.
Kết luận
Đó là tổng kết 3 lần đo đạc của em. Cá nhân em đánh giá thì mức tiêu hao này khá hợp lý cho một SUV 2 cầu lại còn động cơ 3.0L V6. Tuy nhiên có lẽ nó phù hợp hơn cho gia đình thường xuyên đi đường trường và du lịch hơn là chạy dịch vụ hoặc đi phố. Về trải nghiệm, em đánh giá nó xứng đáng với chữ “sport”.
Các bác đã từng trải nghiệm thì chia sẻ thêm với nhé.
Cám ơn các bác đã đọc bài. Chào thân ái./.
*Ảnh minh họa