Các khách hàng Việt Nam càng ngày càng chú ý vào các trang bị an toàn trên xe. Tuy nhiên, việc đơn giản nhất là đeo đai an toàn khi lên xe thì vẫn còn nhiều người chưa thực hiện được.
"Tại sao xe này chỉ có 2 túi khí?"
"Tại sao túi khí chưa bung?"
"Tại sao túi khí bung nhưng tài xế vẫn thiệt mạng?"
Đây là một số câu hỏi mà nhiều người thắc mắc khi đọc phải một vụ tai nạn nào đó trên báo chí, khi ra mắt một chiếc xe mới, khi nghe tới xe Toyota...
Tuy nhiên, ít ai thắc mắc là tài xế đã thắt đai an toàn chưa? Hành khách có thắt đai an toàn chưa? Người ta chỉ đổ hết trách nhiệm của một vụ tai nạn lên hệ thống túi khí. Trong khi đây chỉ là hệ thống an toàn bị động (Tức là nó chỉ có thể giảm thiểu tác động của một vụ tai nạn đã xảy ra).
Hình ảnh vụ tai nạn ở Hải Phòng. Xe Camry tông vào gốc phượng, túi khí bung nhưng người ngồi trên xe vẫn chấn thương khá nặng
Nguyên lý hoạt động của túi khí:
Túi khí chỉ bung trong những trường hợp va chạm rất mạnh, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng người ngồi trên xe.
Khi có va chạm mạnh về phía trước, phần lớn lực va chạm được hấp thụ và phân tán bởi phần co rụm của thân xe. Vì xe dừng lại đột ngột, quán tính làm cho người lái và hành khách lao về phía trước với vận tốc lớn nên
dây an toàn/ đai an toàn sẽ làm nhiệm vụ giảm đến mức tối thiểu có thể chuyển động về phía trước. Như vậy, trong một số trường hợp va chạm vừa phải vàở tốc độ thấp, theo thiết kế, phần trước hoặc sau của thân xe sẽ biến dạng trước để hấp thụ và phân tán lực chấn động nhằm làm giảm lực chấn động truyền đến hành khách, cùng với dây đai an toàn đã có thể bảo vệ hành khách, nên túi khí được thiết kế không cần thiết phải hoạt động.
Trong trường hợp xảy ra những va chạm rất mạnh, có nguy cơ tính mạng người ngồi trên xe bị đe dọa hoặc gây chấn thương nghiêm trọng, phần trên của cơ thể có thể bị ném về phía trước, thì đấy là lúc túi khí được thiết kế hoạt động để giảm sự chuyển động và hấp thụ va đập giữa đầu, ngực với vô lăng/bảng đồng hồ.
Túi khí an toàn khi nào?
Túi khí không thể hoạt động một mình. Nó chỉ hoạt động hiệu quả khi người lái thắt đai an toàn.
Túi khí không thể thay thế mà chỉ hỗ trợ thêm cho dây an toàn. Túi khí cùng với dây an toàn bảo vệ người ngội trong xe hiệu quả hơn. Nếu túi khí bung trong mọi trường hợp va chạm mà người ngồi không thắt dây an toàn, có thể còn gây tổn thương lớn hơn vào vùng mặt, ngực, tay.
Túi khí bung vẫn rất nguy hiểm
Tốc độ bung của túi khí vào khoảng 320 km/h, kết hợp với lượng khí làm phồng nhanh nên khiến bộ phận này trở thành quả bom khi phát nổ.
Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp túi khí bung khi tai nạn nhưng tài xế vẫn mất mạng do lực đẩy quá mạnh của túi khí kết hợp với sự va đập của chiếc xe.
Vì vùng nguy hiểm của túi khí người láI là trong phạm vi từ 50 đến 75mm đầu tiên. Vì vậy, cần ngồi cách xa túi khú người lái một khoảng là 250mm để đảm bảo khoảng cách an toàn (khoảng cách này được đo từ tâm của vô lăng tới xương ngực của người lái).
Đặc biệt, trẻ em dưới 12 tuổi cần sử dụng ghế riêng (lắp thêm) ở hàng ghế sau. Do trẻ nhỏ không thể chịu nổi sức nổ của túi khí.
Kể từ năm 1995, túi khí trên ôtô ghi nhận đã nổ khoảng 800.000 lần, cứu sống 1.700 người. Nhưng có một quy luật để đảm bảo khả năng an toàn của túi khí.
Ở Mỹ, số liệu cho thấy dùng dây an toàn giảm 42% số người chết do va chạm. Khi dây an toàn cùng với túi khí hoạt động giảm số người chết tới 46% và khi túi khí hoạt động không có dây an toàn, số người chết chỉ giảm được 18%.
Nói vui là:
Thắt đai an toàn = có thể sống (42%)
Thắt đai an toàn + túi khí = có thể sống (46%)
Chỉ có túi khí = khó sống (18%)
Các bác nghĩ sao về việc này?
Các bác có thắt đai an toàn khi lên xe hay không?