Đường từ Mã Pí Lèng đến Mèo Vạc chắc chắn sẽ là cung đường chán nhất trong hành trình Hà Giang. Cung đường này nằm giữa thung lung của hai dãy núi đá vôi cao ngất. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà với kết cấu hiện đại, thỉnh thoảng mới có một vài hàng rào đá thấp lè tè. Không còn những bản làng người H’mong treo leo trên đỉnh núi, lưng đèo. Chiếc máy ảnh của tôi chưa một lần được bấm máy trong suốt một đoạn đường dài này. Chúng tôi cố gắng chạy thật nhanh tới thị trấn Mèo Vạc, kiếm một quán ăn, lấp đầy cái bụng đang biểu tình.
Sabina và Clemont bất chợt hỏi tôi về Chợ tình Khâu Vai và cả hai có ý định muốn đến đó tìm hiểu nét văn hóa và phong tục tập quán của ngôi chợ nổi tiếng khắp Việt Nam này. Tôi cố gắng giải thích với họ phiên chợ tình yêu đặc biệt này một năm chỉ có 1 ngày vào ngày 26 tháng 3 hàng năm (thường tổ chức từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 4 (tức từ 25 đến 27 tháng 3 âm lịch). Chợ tình Khâu Vai có
nguồn gốc từ một câu chuyện tình buồn. Phiên chợ “ngoại tình” nổi tiếng nhất Hà Giang.
Đây là dịp để người ta tìm đến nhau, sau một năm (cũng có thể là nhiều năm) xa cách, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau, nay mỗi người đều có duyên phận riêng của mình. Đúng ngày này, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm xưa. Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ; đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng, họ không ghen tuông, không bực bội, mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình; họ coi đó là sự linh thiêng, là bổn phận và trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời.
Sau bữa ăn ngon lành, đồng hồ đã chỉ đúng 1 giờ. Chúng tôi vội vã tạm biệt Mèo Vạc và tiếp tục hành trình đến Mậu Duệ trên những con đường ngoằn ngèo, đèo dốc. Mặc dù không còn những đỉnh núi đá vôi cao ngất, hay những đường đèo dốc đứng như Đồng Văn. Nhưng ánh nắng chiều như dát vàng trên các đỉnh núi mờ sương cũng đủ để làm ngất ngây lòng du khách. Chúng tôi đứng lại lặng lẽ ngắm nhìn non nước Hà Giang với một cảm giác say mê, lâng lâng khó tả. Sabine và Clemont cũng chỉ biết hét lên một cách đầy cảm xúc “so wonderful your country” trong tiếng gió lạnh rì rào thổi qua các nhánh cây và tiếng vọng trở lại từ vách đá tai mèo.
Do khu vực này rất hiếm nước, nên người H’mong chủ yếu canh tác Ngô và Đậu tương. Những thửa ruộng khô cằn từng đám đậu tương vào vụ chín vàng rực, hứa hẹn một vụ mùa thu hoạch đủ no cho người dân một năng, hai sương canh tác. Chúng tôi xin phép vào thăm một nhà người H’mong, trong nhà chỉ còn một bà già với đám trẻ, người lớn đã đi làm nương chưa về. Đứa nhỏ nhất đang phong phanh trong chiếc áo thun mỏng dính và ho như cóc cụ, khóc ngặt nghẹo trên lung bà cụ già. Chắc nó đang bị bệnh, sờ trán nóng rực vì đang sốt, Sabine lấy trong túi ra mấy viên thuốc cảm sốt cho đứa bé uống, nhưng ngôn ngữ bất đồng chúng tôi chỉ có thể dùng tay ra hiệu. Sau khi uống xong khoảng 15 phút đứa trẻ tỉnh lại và lim dim ngủ, còn tôi thì dùng hết mọi cử chỉ để nói với bà ấy cách cho đứa nhỏ uống hết số thuốc còn lại vào buổi tối và ngày hôm sau. Không ai bảo ai mỗi chúng tôi tự lấy ra một chiếc áo thun dày nhất đem mặc cho từng đứa trẻ, cùng chia bánh kẹo, sữa và những chiếc nơ kẹp tóc, vòng tay sắc màu sau khi chụp hình với gia đình.