Vào năm 1993, hãng Mitsubishi bắt đầu đưa vào sản xuất loại động cơ có ứng dụng công nghệ MIVEC (Mitsubishi innovative Valve timing Electronic Control System). Vào thời điểm đó, MIVEC đứng đầu trong hàng ngũ những công nghệ giúp tiết kiệm nhiên liệu với mức tiêu thụ nhiên liệu vào khoảng 16 km cho 1 lít xăng khi đi trong thành phố.
Đây là một trong những công nghệ đầu tiên trong các giải pháp nhằm nâng cao công suất và bảo vệ môi trường bằng cách tác động vào hệ thống nạp nhiên liệu, và công nghệ này hiện nay vẫn được ứng dụng. Trên thị trường ô tô Việt Nam hiện nay, hãng Mitsubishi ứng dụng công nghệ MIVEC trên xe GRANDIS.
Trong công nghệ MIVEC sử dụng các biên dạng cam khác nhau để mở xupap nạp theo hai chế độ động cơ: tốc độ thấp và tốc độ cao, nó sẽ nâng cao hơn công suất lớn nhất và và tăng mô men xoắn trong trong các chế độ làm việc của động cơ. Khi động cơ ở số vòng quay thấp MIVEC sẽ chọn biên dạng cam nhỏ và cung cấp hỗn hợp cháy ổn định, ít khí xả. Khi bướm ga được mở rộng, tốc độ động cơ tăng lên, MIVEC sẽ cho phép tăng thời gian và hành trình mở của xupap nạp, vì vậy nó sẽ cung cấp cho động cơ công suất và mômen lớn hơn hẳn so với các động cơ không cử dụng công nghệ này.
H1. Công suất và mô men của động cơ đạt được khi sử dụng MIVEC ở 2 chế độ
Điểm đặc biệt của công nghệ MIVEC là việc bố trí trên trục cam với 3 biên dạng cam có kích thước khác nhau. Biên dạng cam lớn nhất đặt ở giữa và hai biên dạng cam nhỏ và trung bình đặt ở hai bên (như hình 2), mặc dù có 3 biên dạng cam như vậy nhưng chỉ tạo ra 2 chế độ động cơ: Chế độ tốc độ thấp, sử dụng biên dạng cam nhỏ, trung bình và chế độ tốc độ cao sử dụng biên dạng cam to. Ở chế độ tốc độ thấp, các xupap nạp được dẫn động bởi hai biên dạng cam nhỏ và trung bình và sẽ được điều khiển độc lập bởi hai cò mổ riêng biệt, còn biên dạng cam to này được dẫn động trực tiếp cần chữ T, cần này sẽ điều khiển cả thời gian và khoảng mở của cả hai xupap nạp khi động cơ chạy ở chế độ tốc độ cao.
H2. Bố trí dẫn động xupap nạp
Khi động cơ chạy ở chế độ tốc độ thấp, cần chữ T vẫn kết nối với biên dạng cam to, nhưng lúc này chỉ chuyển động tự do và không tiếp xúc với cò mổ của xupap nạp. Khi đó vấu cam nhỏ và trung bình được dẫn động từ trục cam sẽ điều khiển khoảng nâng và thời điểm mở thích hợp cho xupap nạp. Bên trong cò mổ có các piston được nén lại nhờ các lò xo, khi đó cần T chỉ chuyển động tự do và không điều khiển các cò mổ. Ngoài ra, việc sử dụng hai biên dạng cam khác nhau để mở xupap nạp khi ở chế độ tốc độ thấp giúp tạo ra sự xoáy lốc cho dòng khí nạp đi vào bên trong xilanh,làm quá trình cháy ổn định và giảm lượng khí thải.
H3. Cấu trúc của hệ thống MIVEC
Khi động cơ ở chế độ tốc độ cao: MIVEC sẽ điều khiển mở van dầu làm tăng áp suất dầu tới piston, khiến cho piston được nâng lên và tiếp xúc với cần chữ T, khi đó biên dạng cam lớn thông qua cần chữ T tác động vào cả hai cò mổ và điều khiển đóng mở xupap nạp. Nhờ biên dạng cam lớn hơn nên sẽ tăng thời gian và độ mở của xupap nạp, vì vậy sẽ làm tăng được công suất và mô men của động cơ.
Ở động cơ 4G69 của hãng Mitsubishi (lắp trên xe Grandis), khi tốc độ động cơ đạt khoảng 3600 vòng/phút thì hệ thống MIVEC sẽ điều khiển mở van dầu để động cơ hoạt động ở chế độ tốc độ cao, và khi tốc độ động cơ giảm xuống dưới 3600 vòng/phút van dầu sẽ đóng lại và động cơ lại hoạt động ở chế độ tốc độ thấp.
Hiện nay hãng Mitsubishi đã ứng dụng công nghệ MIVEC trên xe Grandis 2.4 ở Việt nam và chuẩn bị cho các dòng xe khác. Với việc ứng dụng công nghệ này sẽ giúp giảm được đáng kể chi phí nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.