Re:TỐC ĐỘ TRÊN ĐƯỜNG CAO TỐC TRUNG LƯƠNG = 100KM/H
CÁC BÁC THAM KHẢO (báo thanhnien)
Choáng vì bồi thường trên đường cao tốc
25/05/2010 23:38
Nhiều xe rủi ro gặp sự cố, gây hư hỏng đường cao tốc trong thời gian qua đã bị buộc bồi thường thiệt hại với số tiền rất cao - Ảnh: Hoàng Phương
Chưa kịp hưởng trọn niềm vui rút ngắn khoảng cách và giảm chi phí khi đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đưa vào sử dụng thì giới chủ xe và tài xế nơm nớp và choáng váng với nỗi lo... không đủ tiền bồi thường.
Điều đáng nói là việc phạt này mới chỉ dựa trên đề xuất của Trung tâm Quản lý đường cao tốc mà chưa có sự chấp thuận của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Choáng với mức bồi thường
Bà Trần Thị Bạch (ấp 4, xã Tam Hiệp, H.Châu Thành, Tiền Giang), cho biết, chiều 23.3.2009, khi lưu thông trên đường cao tốc từ hướng TP.HCM về Trung Lương, đến cây số 31 (thuộc địa phận tỉnh Long An) thì chiếc xe tải Hino, biển số 63L-0581 của nhà bà bị nổ vỏ trước rồi lao vào dải phân cách bê tông và làm xây xát một đoạn, còn thùng xe bị hư hại nặng. Ngay sau đó các nhân viên thuộc Trung tâm Quản lý đường cao tốc (QLĐCT) tới lập biên bản rồi cẩu xe về Long An, giao cả xe và giấy tờ cho CSGT tạm giữ.
Theo lời hẹn, 5 ngày sau bà Bạch tới Trung tâm QLĐCT để giải quyết thì... bật ngửa vì số tiền mà bà phải bồi thường lên tới 40 triệu đồng, vì vết cày trên mặt đường được biết dài tới 41m. Choáng hơn nữa là trường hợp của ông Nguyễn Phong Tuấn (ngụ thị trấn Phú Long, H.Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận). Ngày 22.5, khi chiếc xe tải loại 11 tấn, biển số 54T-3157 của ông chạy từ hướng TP.HCM về Trung Lương, đến cây số 44 thì bị nổ vỏ rồi va vào hành lang bảo vệ bên phải. Chiều 24.5, ông tới Trung tâm QLĐCT để nhận bản chiết tính thì tá hỏa vì số tiền mà ông phải bồi thường lên tới 75,371 triệu đồng. Cho rằng đây là mức bồi thường quá cao và bất hợp lý, ông Tuấn cho biết sẽ khiếu nại, nhờ cơ quan chức năng giám định lại. Cũng trong chiều 24.5, ông Nguyễn Thái Phú (ngụ H.Chợ Mới, tỉnh An Giang), là chủ chiếc xe tải biển số 67L-9720, tới Trung tâm QLĐCT để nhận bản chiết tính với mức bồi thường hơn 92 triệu đồng.
Xe gặp nạn trên đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh: Ngọc Hạnh
Tính mức bồi thường trên trời nhưng Trung tâm QLĐCT chỉ có bản chiết tính và ra phiếu thu mà không có hóa đơn tài chính nên các công ty bảo hiểm không chấp nhận thanh toán khiến chủ xe phiền phức đủ điều. Ông Huỳnh Văn Lắm, Giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt chi nhánh Tiền Giang, cho biết: “Theo nguyên tắc, khách hàng phải có hóa đơn tài chính mới được chi trả quyền lợi bảo hiểm. Còn biên lai thu tiền, cho dù có đóng dấu vẫn không thay thế được hóa đơn tài chính.
Vì rất thông cảm với khách hàng, bởi nếu không được bồi thường thì xe của họ sẽ bị giữ lâu càng thiệt hại nặng, do vậy chúng tôi chỉ linh động giải quyết những trường hợp mức bồi thường nhỏ chừng 4-5 triệu đồng. Còn mức từ vài chục triệu đồng trở lên thì đành chịu”. Trước thông tin bức xúc từ phía người dân, ngày 22.5 chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại xin gặp Giám đốc Trung tâm QLĐCT Nguyễn Huy Thao. Nhưng ông Thao cho biết muốn làm việc với trung tâm thì phải xin ý kiến của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận. Chiều 24.5, chúng tôi tiếp tục liên lạc thì ông Thao cho biết là “đang bận họp”. Hôm qua, sau khi có ý kiến từ Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, ông Thao đã hẹn vào ngày hôm nay (26.5) sẽ trả lời.
Mới đề xuất đã thu tiền
Trên thực tế, các văn bản pháp luật và quy định hiện hành không có điều khoản quy định nào về việc chủ phương tiện giao thông phải bồi thường những hư hỏng do xe bị sự cố gây ra đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong các tờ rơi tuyên truyền về lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được phát cho lái xe cũng không có quy định này.
Trao đổi qua điện thoại vào hôm qua, ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương), cho biết: "Trung tâm QLĐCT đã có đề xuất thu tiền bồi thường của những người gây ra thiệt hại đối với đường cao tốc. Giá trị thu bằng với chi phí tháo dỡ và xây dựng mới, căn cứ theo dự toán đã được duyệt.
Đề xuất về phương án thu đã được trình lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và hiện nay Bộ chưa có ý kiến trả lời, nhưng phải tiến hành thu để khi có trả lời của Bộ thì tổ chức thực hiện. Trung tâm đã phát hành phiếu thu và chuyển tiền đó vào Kho bạc Nhà nước, để nhờ giữ hộ. Nếu sau này Bộ GTVT trả lời là không thu, tức là Nhà nước sẽ bỏ tiền ra để bồi hoàn thiệt hại, thì lúc đó sẽ hoàn trả tiền lại cho người gây thiệt hại; nếu Bộ trả lời là thu, thì sẽ sử dụng số tiền đó, hoặc là sẽ nộp số tiền đã thu vào ngân sách và sau đó ngân sách cấp lại tiền để sửa chữa". Ông Dương Tuấn Minh cũng cho hay, hiện chưa có văn bản pháp lý quy định cụ thể nào về việc thu tiền bồi thường này.
Như vậy có thể thấy, việc xe bị sự cố gây hư hỏng đường cao tốc có bị thu tiền bồi thường thiệt hại hay không còn phải chờ câu trả lời từ Bộ GTVT. Hiện tại, việc này mới chỉ dừng lại ở giai đoạn đề xuất nhưng Trung tâm QLĐCT đã tiến hành thu tiền của người dân. Trong khi đó, lại không hề đả động tới trường hợp nếu như đường cao tốc không đảm bảo an toàn, gây sự cố cho phương tiện giao thông, thì cơ quan QLĐCT có chịu trách nhiệm và chủ phương tiện có được bồi thường thiệt hại hay không, mức đền bù như thế nào.
Theo luật sư Nguyễn Minh Thuận - Công ty Luật hợp danh Sài Gòn Việt Nam, cần chia ra hai trường hợp để xem xét: Thứ nhất, nếu trong khi điều khiển, tài xế có lỗi mà gây ra thiệt hại thì tài xế và chủ phương tiện phải bồi thường (đây gọi là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng). Thứ hai, nếu như tài xế ô tô không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại cho các công trình đường bộ thì không phải bồi thường. Trong trường hợp xe nổ vỏ là trường hợp bất khả kháng thì cũng không phải bồi thường. Điều này đã được quy định rất rõ trong Bộ luật Dân sự 2005. Tuy nhiên, nếu đây là trường hợp thuộc sự kiện bảo hiểm thì tài xế và chủ xe ô tô có nghĩa vụ thông báo với công ty bảo hiểm để công ty bảo hiểm hướng dẫn việc thu thập các tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc bồi thường.
Thượng tá Trần Sơn - Phó phòng Hướng dẫn luật và xử lý tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt:
Từ trước đến nay, các tai nạn giao thông khiến đường bị hư hỏng thì thường do các đơn vị đầu tư quản lý tự khắc phục, chưa có ai đứng ra bồi thường. Tuy nhiên, đối với dạng công trình đường BOT, tức là tư nhân bỏ tiền ra xây dựng - vận hành - chuyển giao thì chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý đoạn đường có thể yêu cầu người gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả hoặc bồi thường. Không chỉ đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương mà các đoạn đường khác cũng áp dụng tương tự, nếu không bồi thường được thì có thể đưa ra tòa.
Bà Trịnh Minh Hiền - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT:
Về mặt cá nhân, tôi ủng hộ việc ai gây ra thiệt hại thì người đó phải bồi thường, tuy nhiên vấn đề này phải được xem xét, phân tích rất kỹ. Việc xử phạt là cách hành xử giữa Nhà nước với người dân, còn vấn đề bồi thường mang tính chất giữa người dân và người dân và phải mang tính chất dân sự. Một con đường do chủ đầu tư phải đi vay hoặc bỏ tiền ra làm, khi đưa vào sử dụng mà người khác làm hỏng thì chủ đầu tư phải tiếp tục bỏ tiền túi ra sửa thì họ có thể yêu cầu người gây ra hư hỏng phải bồi thường. Trong Nghị định 34 cũng đưa ra vấn đề bồi thường trách nhiệm về mặt dân sự nên việc yêu cầu bồi thường là đúng và không vướng cái gì cả.
Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng văn phòng luật sư Vì dân (Đoàn luật sư Hà Nội):
Khi người gây ra tai nạn giao thông dẫn đến sự va quệt trên đường thì họ đã phải chịu xử phạt hành chính về vi phạm các quy định về an toàn giao thông. Một hành vi vi phạm không thể bị xử phạt hai lần, tức là nếu gây tai nạn do va quệt, gây hư hỏng thì họ đã chịu phạt về hành vi vi phạm các quy định về Luật Giao thông, chứ không thể bắt họ bồi thường hư hại của con đường. Hơn nữa, việc xử lý này là do cơ quan nhà nước chứ không thể để cá nhân đứng ra.
Thái Sơn (ghi)