Nếu như phiên bản Everest 3.2 Titanium có giá “không tưởng” lên đến gần 2 tỷ đồng thì lựa chọn Everest 2.2 Trend có mức giá 1,249 tỷ đồng không đổi sau 1/7 được xem là hợp lý hơn cả. Với các trang bị ở mức vừa đủ dùng cùng khả năng vận hành vượt trội so với thế hệ cũ giúp cho Everest 2.2 Trend chắc chắn là một lựa chọn không tồi trong phân khúc SUV 7 chỗ ngồi tại Việt Nam.[pagebreak][/pagebreak]
Đầu tháng 7 vừa rồi, nhóm Test Drive của otosaigon đã có dịp trải nghiệm phiên bản rẻ nhất trong gia đình Everest hoàn toàn mới với cung đường khá dài gần 1000 km. Cám ơn đại lý Sài Gòn Ford đã tạo điều kiện cho anh em trong nhóm có cơ hội tiếp cận chiếc SUV đầy tiềm năng này ở Việt Nam.
Trong số các phiên bản Everest hoàn toàn mới được phân phối tại Việt Nam thì 2.2 Trend có cấu hình thấp nhất và giá bán “dễ chịu” nhất. Hơn 1,2 tỷ cho một chiếc xe được xem là “bình dân” ở thế hệ trước, liệu Everest có gì để chứng minh giá trị của mình là hoàn toàn xứng đáng ?
Ngoại hình lực lưỡng
Mặc dù là phiên bản thấp nhất nhưng Everest 2.2 Trend cũng sở hữu một ngoại hình rất ngầu. Gầm xe cao ráo, bánh xe to bản với mâm đúc 18 inch. Điểm dễ phân biệt với các bản Titanium là đèn pha của xe chỉ là bóng Halogen tương tự Ranger, và không có đèn LED ban ngày. Còn lại các chi tiết khác đều khó phân biệt với các bản Titanium.
Ford Everest mới có kích thước tổng thể dài x rộng x cao lần lượt là 4893 x 1862 x 1837 mm, kích thước này khá lớn, ngang ngửa với Mercedes-Benz GL-Class hay Audi Q7, đủ để tạo ra một không gian thoải mái cho 7 người ngồi, và trên hết là giúp cho kiểu dáng của xe thêm phần vững chãi, bề thế.
+ Ưu điểm :
- Kiểu dáng tổng thể đậm chất SUV, nam tính và to lớn
- Gầm xe cao 225 mm, thân xe khoẻ khoắn
- Mâm xe thể thao 18 inch cho phiên bản 2.2.
- Đèn pha dạng thấu kính Projector, nhưng chỉ là bóng Halogen
- Kính hậu có đèn báo rẽ, chỉnh và gập điện
- Có sẵn bậc lên xuống cỡ lớn
+ Nhược điểm :
- Lưới tản nhiệt chrome sang nhưng kém mạnh mẽ, nếu sơn đen thì hay hơn
- Thiết kế đuôi xe không thật sự bắt mắt, hơi tròn trịa mũm mĩm.
- Xe không được trang bị Chìa khoá thông minh (Smartkey) cho tất cả các phiên bản nên để lộ phần ổ khoá bên ngoài tay nắm mở cửa.
Về tổng quan, Ford Everest 2016 có kiểu dáng dung hoà giữa vẻ đẹp nam tính đậm chất bụi bặm cũng như phù hợp cho mục đích là một chiếc xe gia đình 7 chỗ ngồi. Với chiều cao gầm xe tương đối lớn, chiếc xe có thể dễ dàng vượt qua các loại địa hình xấu, phù hợp cho mục đích di chuyển tại Việt Nam. Tuy nhiên kích thước khá lớn với chiều dài gần 5 mét của xe cũng phần nào gây khó khăn cho việc xoay sở trong thành phố, hi vọng với tay lái trợ lực điện, điều này sẽ được cải thiện.
Nội thất vừa đủ dùng
Phiên bản Everest 2.2 Trend là phiên bản thấp nhất, do vậy những trang bị trong xe chỉ ở mức vừa đủ dùng. Đối với cá nhân em thấy tiện nghi trong xe như vậy là tạm ổn và đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng đơn giản.
Cụ thể xe vẫn có ghế ngồi bọc da, tuy nhiên bảng táp lô là loại nhựa cứng, không bọc da như bản Titanium. Bù lại xe vẫn có hệ thống SYNC 2 với màn hình lớn, ghế người lái chỉnh điện, ghế phụ chỉnh cơ.
Everest 2.2 Trend không có một số chức năng của bản Titanium như cửa sổ trời, không có cốp điện, không đèn pha tự động, hàng ghế thứ 3 gập tay. Nhưng xe cũng có các trang bị đáng tiền như hai dàn lạnh, gạt mưa tự động, điều hoà tự động. Nhược điểm chung của tất cả các phiên bản là không có smartkey, không nút bấm khởi động – một trang bị đã trở thành tiêu chuẩn từ lâu của nhiều hãng xe.
Ưu điểm của một chiếc xe có kích thước lớn như Ford Everest chính là phần nội thất rộng rãi được phát huy tối đa, nhất là ở hai hàng ghế đầu tiên, mọi vị trí ngồi đều thoải mái về không gian đầu gối, khoảng không đầu phía trên.
Hàng ghế thứ 3 là nơi nhiều người quan tâm cũng không làm khách hàng thất vọng, thử nghiệm thực tế cho thấy 2 người lớn có thể ngồi thoải mái ở khu vực này. Tuy nhiên việc ra vào hàng ghế thứ 3 không thật sự thoải mái khi cách xếp ghế có vẻ khó khăn và vướng víu, bù lại hàng ghế thứ 2 có thể trượt lên xuống để tạo thêm không gian cho người ngồi phía sau.
Ford bố trí các cửa gió máy lạnh cho 2 hàng ghế sau ở vị trí trần xe, cho từng vị trí ngồi. Như vậy tại mỗi vị trí hành khách có thể chủ động điều chỉnh hướng gió sao cho phù hợp, hoặc đóng hẳn nếu thấy quá lạnh.
Đáng chú ý, đèn trong xe sử dụng bóng LED có ánh sáng hài hòa, dễ chịu. Bảng đồng hồ tốc độ hiện đại với hai màn hình lớn hiển thị thông tin (hành trình, lượng xăng, tiêu hao nhiên liệu, điều chỉnh các thiết lập của xe, thông tin của hệ thống SYNC2), ở giữa là nơi thể hiện tốc độ. Điều bất tiện là ghế lái không có chế độ nhớ và vô lăng không chỉnh điện.
Tổng quan nội thất em thấy thiết kế chấp nhận được, nhưng màu của các chi tiết nhựa không thật sự sang trọng, khu vực chỉnh điều hoà cũng thiết kế sơ sài nếu không muốn nói là xấu so vói tổng thể.
Ưu điểm là hệ thống SYNC 2 dùng khá sướng đối với nhu cầu giải trí, nó có hai khe cắm USB, thẻ nhớ SD, kết nối Bluetooh, AUX, rất đầy đủ. Tuy nhiên xe lại không có camera lùi để hỗ trợ tài xế mặc dù có màn hình lớn. Hệ thống cảm biến sẽ làm thay việc này, nhưng nếu có camera lùi thì sẽ hợp lý hơn với một chiếc xe tiền tỷ này.
Vận hành êm – cách âm tốt
Về lý thuyết thì nhiều người cho rằng Ford Everest được phát triển dựa trên nền tảng là chiếc bản tải xát-xi rời Ranger, do đó cảm giác lái của Everest cũng sẽ tương tự Ranger. Điều này có phần đúng nhưng Everest được Ford điều chỉnh nhiều về “phần cứng” để giúp nó êm ái hơn, cách âm tốt hơn so với người anh em.
Cụ thể Ford Everest có thiế kế hệ thống treo sau là kiểu ống lò xo, trục giảm xóc sau liền khối, đảm bảo khả năng vượt địa hình và phát huy sức kéo. Liên kết Watt’s của Everest 2016 được sử dụng để thay thế cho hệ thống treo phổ thông kiểu thanh xoắn Panhard. Nhược điểm của thanh Panhard là khi thân xe chuyển hướng, kết cấu này cũng sẽ di chuyển theo, tạo nên sự bất đối xứng khi điều khiển phương tiện. Trong khi đó, liên kết Watt của Everest mới cho phép trục lái di chuyển lên xuống với rất ít sự rung lắc sang hai bên, giúp kiểm soát tay lái và vận hành xe chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Và thật sự như vậy, trong quá trình vận hành xe ít rung lắc, ít xóc hơn hẳn so với bán tải Ranger, và đương nhiên vượt trội so với Everest đời trước. Đặc biệt khi chở đủ tải ( 5 người cùng hành lý) xe sẽ càng êm ái hơn.
Trái ngược với kích thước to lớn, vô lăng của Everest cho cảm giác nhẹ nhàng quá mức cần thiết, làm người lái mất đi cảm giác đang điều khiển một chiếc xe to xác, nặng nề. Hệ thống trợ lực lái điện giúp chiếc xe linh hoạt, lanh lợi hơn trong thành phố. Khi chạy tốc độ cao em nhận thấy vô lăng nặng hơn, đầm hơn mà không thấy bất kì sự nguy hiểm nào. Tuy nhiên cá nhân thì em lại không thích vô lăng quá nhẹ khi chạy chậm, cảm giác không thật !
Phiên bản Everest Trend được trang bị động cơ TDCi 2.2 Lít Duratorg VGT, cho công suất tối đa là 160 mã lực tại vòng tua máy tới 3.200 vòng/phút, cùng với mô-men xoắn cực đại là 385 Nm tại vòng tua máy là 1600-2500 vòng/phút. Với sức mạnh như vậy không thể đòi hỏi Ford Everest cho khả năng tăng tốc mạnh mẽ như ý muốn, nếu không muốn nói là xe hơi ỳ khi cần tăng tốc nhanh, nhất là ở tốc độ trên 70 km/h. Bù lại hộp số 6 cấp tự động hoạt động êm ái và mượt mà, có thể chuyển sang chế độ số tay khi cần thêm gia tốc để vượt xe hay leo đèo, đổ dốc.
Tuy nhiên nếu lái xe trong điều kiện thực tế thì động cơ này cũng không có gì gọi là quá yếu, nhất là với những người ít đi thốc ga như em. Ở tốc độ và dãi vòng tua thấp thì đáp ứng chân ga của Everest vẫn nhanh nhạy, vừa đủ cho nhu cầu sử dụng thực tế tại Việt Nam. Điểm yếu của nó chỉ thể hiện khi leo đèo hoặc cần vượt gấp mà thôi.
Trọng tâm của Everest 2016 hơi cao do vậy các bác cũng nên lưu ý tốc độ khi ôm cua trên đèo (tất nhiên là chỉ đối với những khúc cua gắt kiểu tay áo), xe vẫn chắc chắn nhưng cảm giác bồng bềnh và hơi lắc cho người ngồi trên xe là không thể tránh khỏi.
Em ấn tượng đặc biệt với khả năng cách âm của Everest mới. Trong quá trình vận hành chỉ nghe thấy tiếng động cơ “xè xè” quen thuộc của máy dầu diesel, nhưng cũng rất nhỏ và lắng tai mới nghe thấy, còn tiếng ồn gầm thì hầu như chẵng nghe thấy gì. Bánh mâm nhỏ 18” (so với 20”) phải chăng là một ưu điểm cho khả năng cách âm gầm của Everest ? Để dễ so sánh, cách âm của Everest theo em thấy là tương đương với Hyundai Santa Fe. Và các khách hàng cũ của Everest khi lái thử xe này cũng sẽ thấy bất ngờ đối với khả năng cách âm của bản 2016.
Về tính năng an toàn, Ford Everest 2.2 Trend được trang bị 6 túi khí, Cảm biến sau, hệ thống chống bó cứng phanh ABS, phân phối lực phanh điện tử EBD, cân bằng điện tử ESP, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, Cruise Control.
Kết luận
Với những gì mà Ford Everest Trend 2.2 thể hiện thì trở ngại duy nhất của mẫu xe này là giá bán. Với giá 1,249 tỷ đồng thì người dùng có thể chọn Hyundai SantaFe phiên bản máy dầu AWD full option với các trang bị hấp dẫn hơn. Tuy nhiên đối với những khách hàng yêu thích một mẫu xe gầm cao, nhìn ra dáng SUV và “trâu bò” hơn khi đi đường xấu thì Everest là một mẫu xe như vậy.