1. Khởi động: Một chiếc xe tạm coi là ổn phải có khả năng khởi động tốt nghĩa là động cơ có thể nổ một cách dễ dàng. Nếu xe phải khởi động quá lâu hoặc nhiều lần mới nổ được nghĩa là xe đang có vấn đề về động cơ hoặc hệ thống cung cấp nhiên liệu hay hệ thống điện.
2. Khói xe: Đây là một cơ sở quan trọng để bạn đánh giá động cơ xe. Về lý thuyết, qua màu khói thoát ra từ ống pô bạn có thể biết được khá nhiều điều. Nếu khói có màu đen, đó là bằng chứng cho thấy động cơ đã tiêu thụ quá lượng nhiên liệu định mức tiêu chuẩn. Nếu khói màu xanh lam, đó nghĩa là động cơ hoạt động tốt. Còn nếu khói có màu trắng, rất có thể động cơ bị lỏng hệ thống séc-măng chặn dầu bôi trơn.
Trên thực tế, khi xe thải ra khói màu đen, rất có thể ống pô xe đã bị hỏng bởi hiện nay, tất cả các xe đều có bộ lọc khí thải và khi đã quá thời hạn sử dụng thì bộ lọc này không hoạt động đồng thời lượng khí bị chặn lại ở trong đã thoát ra ngoài gây nên tình trạng màu đen. Điều này cho thấy chiếc xe này cũng khá “cứng tuổi” và có thể đã được sửa chữa động cơ.
Còn khi động cơ có khói màu trắng, bạn nên cho xe nổ máy trong hơn 5 phút. Trong thời gian này, nếu thấy có nước nhỏ giọt ở ống pô là hệ thống lọc khí thải đang làm việc tốt. Tuy nhiên, sau 5 phút nổ máy, nếu hiện tượng khói trắng vẫn không đổi sang màu xanh lam thì bạn không nên mua chiếc xe đó vì nhiều khả năng hệ thống đánh lửa hoặc hệ thống phun xăng, dầu có trục trặc. Trong lúc thử, các bạn nên chú ý xem xét nhiệt độ động cơ.
3. Khung xe và hệ thống giảm xóc: Hệ thống giảm xóc rất quan trọng, nó không chỉ giúp bạn có cảm giác thoải mái khi ngồi trong mà còn cho phép ngăn chặn một vài tai nạn không đáng có như lật xe, chi phối đường đi của xe ra ngoài ý muốn. Bạn không thể tháo rời từng bộ phận để kiểm tra nên cách tốt nhất là kiểm tra "thô" bằng cách tỳ tay để nhún xe. Nếu xe nhún "mềm nhưng không dẻo" nghĩa là xe nhún xuống rồi nhảy trở lại nhưng không dao động liên tiếp nhiều lần, trong lúc thay đổi chiều nhún của xe chúng ta sẽ nhìn thấy sự "khựng lại" của xe rất nhỏ chứng tỏ hệ thống giảm xóc còn tốt.
Sau khi thử độ nhún của xe, bạn nên nhìn qua các khớp nối ở hệ thống tay đòn hiệu chỉnh độ chụm của hệ thống lốp xe. Đa số xe hiện nay dùng cao su ở khớp nối, kiểm tra hư hỏng của cao su có thể dùng mắt thường, kiểm tra mức độ sử dụng của cao su thì bạn có thể so sánh tâm của các đường tròn của cao su, lõi sắt trong, lõi sắt ngoài và vòng tay đòn.
Ở đây còn một chi tiết hiệu chỉnh lệch tâm, bạn cần so sánh độ lệch tâm của hệ thống bên phải và bên trái, nếu thấy độ lệch này gần như đối xứng qua mặt phẳng dọc tâm xe là tốt. Độ đối xứng này càng sai lệch nhiều càng nên xem kỹ hơn. Nếu sai lệch quá lớn, xe này có thể bị biến dạng phần khung xe.
Mở nắp capô để xem thật kỹ các chi tiết. Ảnh: Bobi
4. Hệ thống truyền động sau hộp số: Trong lúc kiểm tra hệ thống tay đòn ở gầm xe, bạn nên kiểm tra kết hợp phần truyền động sau hộp số. Nhìn qua động cơ và hộp số để thấy không có hiện tượng dầu bôi trơn bị rò rỉ, các bộ bi hành tinh (các-đăng) không bị rò rỉ mỡ bôi trơn bên trong và không có hiện tượng vỡ các phốt chặn mỡ. Lắc thanh truyền từ hộp số đến cầu sau (với xe dùng cầu sau), hộp số ra hai bánh trước để xem độ rơ của hệ thống.
5. Hộp số: Khi máy đang nổ, chúng ta không thể "nghe" được những tiếng động lạ ở hộp số, muốn nghe được chúng ta phải đạp côn (ly hợp) và vào một số bất kỳ rồi lắng nghe. Tất cả những tiếng động mới phát ra đều từ hộp số.
6. Côn: Để máy chạy ở ga cầm chừng, đạp côn và vào số nhỏ nhất (số 1, số lùi), nhả chân côn chậm. Xe di chuyển không giật, không tắt máy là tốt.
7. Hệ thống lái: Không chỉ đối với xe cũ mà cả với xe mới thì đây cũng chính là điều quan trọng nhất khi mua xe, vì an toàn của lái xe, những người trên xe và cả người đi đường. Hầu như toàn bộ xe hiện tại đều có hệ thống trợ lực lái, bạn cho nổ máy xe và lái thử một đoạn. Bạn nên cho xe tiến, lùi để kiểm tra xe tay lái có đều hay không. Bên cạnh đó, bạn cũng nên để ý nghe tiếng kêu lạ nào không vì bơm trợ lực sẽ phát ra tiếng động nếu có vấn đề.