RE: Về miền Tây!
em góp chút thông tin về chuyến đi của các bác
------------
Xẻo quít - Điểm du lịch sinh thái,
Đồng Tháp nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử như: Gò Tháp, lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc… Nhưng có lẽ khu di tích Xẻo Quít là một nơi có môi trường thiên nhiên lý tưởng, để lại trong lòng du khách nhiều ấn tượng đẹp nhất.
Khu địa danh lịch sử và du lịch Xẻo Quít rộng 50 ha, trong đó có 20 ha rừng tràm thuộc hai xã Mỹ Hiệp và Mỹ Long, cách thị xã Cao Lãnh 30km. Đó là một khu rừng tràm ngập nước nguyên sinh. Thời xa xưa, nơi đây toàn là kinh, xẻo, bưng, trấp đan xen nhau. Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đây là khu căn cứ chiến lược, là nơi tập kết và di chuyển vũ khí, lương thực. Riêng thời chống Mỹ, Xẻo Quít được gọi là “Căn cứ lòng dân”, vì xung quanh có đến 10 đồn bót bao vây, nhiều lần B.52 ném bom rải thảm, và những cuộc đánh phá, càn quét rất ác liệt của địch vào căn cứ. Vậy mà Tỉnh ủy Đồng Tháp vẫn “vững như bàn thạch” nhờ nhân dân chở che, đùm bọc.
Ngày nay, đến với Xẻo Quít, du khách không những chiêm ngưỡng nét độc đáo của thiên nhiên mà còn được tận mắt quan sát thế trận của quân và dân ta, đặc biệt là các hầm tránh pháo, các công sự chiến đấu cá nhân hình chữ L, nhà đón khách Tỉnh ủy, các nơi hội họp, làm việc và sinh hoạt của cán bộ, bộ đội trong suốt thời kỳ đánh Mỹ ác liệt giữa một vùng trời nước bao la. Đặc điểm của khu du lịch nầy là không có bê tông, không có tường vôi, gạch đá mà hầu hết các hạng mục công trình đều được phục chế bằng gỗ, tre, tràm, đưng, lá dừa nước, trong đó có không ít di tích vẫn còn nguyên trạng, như hầm bí mật của đồng chí Trần Anh Điền, Bí thư Tỉnh ủy, được thiết kế bằng lu mái đầm ngụy trang rất tài tình.
Hấp dẫn nhất là các tour bơi xuồng. Các cô hướng dẫn viên du lịch trong bộ bà ba đen, nón tai bèo, dịu dàng, bơi xuồng đưa chúng ta dạo quanh khu căn cứ. Chiếc xuồng mỏng manh len lỏi giữa những hàng cây chằng chịt, cao vút, xanh rì. Hầu hết các thân cây đều được bao phủ bởi lớp dây leo mềm mại, mươn mướt, tạo nên vẻ đẹp hoang sơ. Mỗi lần có cơn gió nhẹ thoảng qua, tiết trời trở nên se lạnh, nghe như có tiếng thì thầm rất khẽ của ngàn xưa vọng lại. Luồn lách theo những đường nước giữa các lùm cây, du khách có dịp nhìn lại chiến trường xưa, những dấu tích của chiến tranh như bãi ngù, tử địa có gài lựu đạn chống trực thăng đổ quân và xe tăng địch càn vào. Chính những hiện vật và di tích đó là một minh chứng hùng hồn để quân và dân ta viết lên những trang sử chói lọi mang ý nghĩa giáo dục rất lớn đối với thế hệ hôm nay và mai sau.
Vào khu rừng tràm nầy, mọi người đều cảm thấy thích thú khi nghe tiếng chim rừng líu lo, thú vị nhứt là tiếng bìm bịp kêu nước lớn nước ròng và tiếng cúm núm gọi đàn lẻ loi, sâu lắng. Khu rừng tràm hiện nay còn nhiều loại động - thực vật quý hiếm như rùa, rắn, vịt trời, rái cá, chim ưng, trong đó có 13 loài được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam.
Đối diện với khu di tích là trụ sở ban quản lý, nhà hàng, khu nghỉ ngơi, nhà thủy tạ và một hồ sen rộng 3.000m². Xung quanh hồ trang trí nhiều loại cây cảnh đặc trưng của xứ Đồng Tháp. Mọi người đến đây sẽ được đắm mình vào khoảng xanh thơ mộng của một vùng quê yên ả, thanh bình và phảng phất chút gì sắc thái của U Minh.
Hiện nay, khu di tích Xẻo Quít đã được nhiều cơ quan, đoàn thể và khách du lịch từ mọi miền đất nước đến tham quan và du lịch về nguồn, đông nhất là vào các ngày cuối tuần. Hướng tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cấp các khu vui chơi giải trí, du lịch dã ngoại, ăn uống và dịch vụ du lịch để giữ màu xanh và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Trọng Đức (Theo TTXVN)
-----------------------------
Gáo Giồng
Với diện tích 1.700 ha, trong đó có 250 ha rừng nguyên sinh và là nơi cư trú của nhiều loại chim quý, Gáo Giồng là khu du lịch sinh thái mang những nét đặc trưng của vùng đất trũng phèn Đồng Tháp Mười. Hè năm nay, Gáo Giồng sẽ chính thức mở cửa đón du khách.
15 năm khai thác vùng Đồng Tháp Mười, đến nay hình ảnh về một vùng đất "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh" với những bưng trấp, sình lầy... dường như chỉ còn trong ký ức. Thế mà hình ảnh đó đã được tìm thấy ở Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Hè này, khu du lịch Gáo Giồng-điểm du lịch sinh thái đầu tiên ở vùng Đồng Tháp Mười-sẽ chính thức mở cửa đón du khách. Được xem là một Đồng Tháp Mười thu nhỏ, rừng tràm Gáo Giồng có diện tích khoảng 1.700 ha, trong đó có hơn 250ha rừng nguyên sinh, với những bưng trấp, lung, bàu đầy sen, súng, lau, sậy, cà na, gáo... - những nét đặc trưng của vùng đất trũng phèn Đồng Tháp Mười.
Trên một vạt rừng rộng hơn 20ha cạnh ban quản lý rừng là nơi hàng chục loài chim nước sinh sống và làm tổ quanh năm như: trích mồng đỏ, cồng cộc, le le, vịt trời, diệc, điên điển..., nhiều hơn hết vẫn là đàn cò trắng hàng chục nghìn con khiến rừng tràm này được xem là vườn cò lớn nhất hiện nay ở vùng Đồng Tháp Mười. Lúc bình minh hay hoàng hôn, rừng tràm Gáo Giồng vừa sống động vừa tĩnh mịch với tiếng chim gọi đàn và từng đàn cò trắng từ bốn phương trở về tổ. Vào mùa nước nổi, trên các cánh đồng vừa thu hoạch còn trơ gốc, đàn cò trắng hàng nghìn con đang cặm cụi kiếm mồi trên nền tràm xanh tạo nên một cảnh đẹp ngoạn mục. Các lung sen-nơi quy tụ hàng nghìn con trích mồng đỏ về đây vui múa, nhộn nhịp suốt ngày. Trên bãi ăn của trích, hàng nghìn con dạn dĩ, mồng đỏ ối trên bộ lông xanh lam thư thả nhổ những cọng năn tươi non, thỉnh thoảng chúng cất tiếng gáy kèm theo những vũ điệu tuyệt đẹp.
Trên 40 km kênh phân lô chia rừng tràm ra nhiều ô nhỏ bàn cờ, là vựa cá nước ngọt lớn vào bậc nhất hiện nay ở vùng Đồng Tháp Mười, với sản lượng cá tự nhiên khai thác hằng năm hơn 30 tấn, nhiều nhất là cá nóc, rô, thát lát. Đặc biệt có rất nhiều "cá rô biết nói" (lớn hết cỡ). Với nguồn thức ăn tự nhiên phong phú nên rất nhiều loài chim nước đã khéo chọn đây làm nơi sinh sống, quần tụ.
Anh Trần Thành Công, trưởng ban quản lý rừng tràm Gáo Giồng, cho biết đang phối hợp với Công ty Du lịch Đồng Tháp mở tuyến du lịch về Gáo Giồng và đã chính thức khai trương vào trung tuần tháng bảy vừa qua. Hơn 300 triệu đồng đã được đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du khách, trong đó có một đài quan sát cao 18m (có thang máy) để từ đây du khách phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh rừng tràm. Một đội xuồng 10 chiếc để đưa du khách dạo quanh rừng và một nhà khách sức chứa khoảng 100 người là nơi khách dừng chân thưởng thức các món ăn "cây nhà lá vườn" như cháo cá lóc, chả cá thát lát, cá rô kho tộ và nhất là món cá lóc nướng trui, bắt từ các lung, bàu, chắc chắn sẽ đem đến một hương vị khó quên. "Trước mắt, chúng tôi sẽ dành 7 ha ở khu vực trung tâm để trồng thêm các loại cây bản địa và giữ nguyên hiện trạng 250 ha rừng nguyên sinh để du khách đến đây có thể hình dung lại một Đồng Tháp Mười xưa" - anh Trần Thành Công cho biết.
Hiện tại, đi bằng đường thủy từ thị xã Cao Lãnh đến Gáo Giồng mất khoảng một giờ rưỡi. Đồng Tháp cũng đang đầu tư 9 tỷ đồng để nâng cấp cùng lúc hai tuyến đường bộ từ Bình Trị và Đường Thét đến Gáo Giồng, dự kiến hoàn thành trong năm nay. Dọc hai tuyến đường thủy, bộ là những cánh đồng lúa bao la như tấm thảm vàng vào mùa thu hoạch. Gáo Giồng cũng là điểm dừng trong tour Sài Gòn-Xẻo Quýt-Gáo Giồng-Cao Lãnh của Công ty Du lịch Đồng Tháp.
Gia Dũng (Theo Nhân Dân)
--------------------------------------------------------------
và đây là tọa độ GPS và đường đi trên bản đồ