Xe Trung Quốc xuất hiện tại Việt Nam từ rất lâu nhưng mãi vẫn chưa gây được ấn tượng đặc biệt. Sau 2 đợt đổ bộ không thành công, xe hơi Trung Quốc một lần nữa gia nhập thị trường Việt với những thương hiệu mạnh hơn và loạt sản phẩm điện khí hóa hiện đại. Thế nhưng, khó khăn vẫn còn đó và đang thách thức các hãng xe Trung Quốc.
Các hãng ô tô Trung Quốc đã xâm nhập nước ta từ năm 2005 nhưng phần lớn chỉ dừng ở mức bán vừa phải, thăm dò và phân phối thông qua một vài công ty nhỏ, chưa hình thành mô hình đại lý phủ rộng.
Có thể kể đến 2 đợt đổ bộ lớn của xe Trung Quốc vào thị trường Việt là
- Thời kỳ 2005-2010 với sự xuất hiện của Lifan, Chery với những sản phẩm giá rẻ bằng một nửa xe Hàn/Nhật cùng loại.
- Thời kỳ 2015-2020 với những đại diện như Zotye, BAIC, Brilliance V7, Beijing với những mẫu xe giá rẻ mà đầy ắp công nghệ.
Tuy nhiên, dù "tấn công" thị trường xe Việt bằng chiến lược về "giá" hay "option" thì thị phần xe Trung Quốc cũng chưa thể mở rộng ở nước ta.
Xe điện trưng bày ở một trung tâm thương mại tại Bắc Kinh
Đến năm 2023-2024, chúng ta được chứng kiến cuộc đổ bộ mới của xe Trung Quốc tại Việt Nam với những chiếc xe điện có thiết kế đẹp, công nghệ pin hiện đại và vô vàn trang bị. Hơn hết, chúng đều có xuất thân từ những thương hiệu lớn của nước bạn như BYD, GWM, BAIC, SAIC, Haima, Chery và được kiểm chứng độ thành công ở nhiều nước Đông Nam Á.
Nhưng liệu cuộc đổ bộ thứ 3 này có thành công trước những thách thức phải đổi mặt?
Rào cản thiết kế
Dù đã qua thời những năm 2000 nhưng thiết kế xe Trung Quốc vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi các thương hiệu lớn khác trên thế giới.
Những chiếc xe Trung Quốc ngày nay đẹp hơn, bóng bẩy hơn và đa dạng phong cách từ cứng cỏi đến mềm mại. Tuy nhiên, người ta vẫn thấy kiểu thiết kế của chúng "quen quen" và "hao hao" một mẫu xe nào đó từng xuất hiện trên thị trường.
Và thật vậy, dù nhiều hãng đã nỗ lực tìm hướng đi mới về thiết kế nhưng định kiến vẫn còn, khiến người dùng ngần ngại chi một khoảng tiền lớn cho dòng xe gắn mác "xe sao chép".
Để cải thiện điều này, các hãng xe Trung Quốc phải chi nhiều hơn cho mảng phát triển sản phẩm cũng nhưng chứng minh "ngôn ngữ thiết kế cá nhân" qua nhiều đời/model xe nữa.
Trạm sạc
Trạm sạc là vấn đề được khách hàng quan tâm hàng đầu khi mua xe điện. Ở Trung Quốc, với sự hỗ trợ hạ tầng từ nhà nước, trạm sạc không phải là vấn đề đối với một hãng xe điện. Nhưng ở Việt Nam thì câu chuyện khác hẳn.
Nhà nước chưa thể đầu tư vào hệ thống trạm sạc. Các hãng xe buộc phải "tự thân vận động" hoặc liên kết với các đơn vị cung cấp sạc tư nhân.
Trạm sạc ở Thâm Quyến,Trung Quốc
Trong câu chuyện này, VinFast đã chủ động mở hệ thống trạm sạc từ năm 2021 khi ra mắt VF e34. Đến nay, hạ tầng trạm sạc VinFast phủ sóng tại 63 tỉnh, trên 106 tuyến quốc lộ, cao tốc, đạt mật độ cách nhau khoảng 3,5 km ở 80 thành phố trên cả nước.
Các hãng xe Trung Quốc thì vẫn chưa có lộ trình rõ ràng cho việc phát triển trạm sạc. Động thái ban đầu của các thương hiệu này là khuyến khích người dùng sạc tại nhà hoặc tại các đại lý chính hãng. Điều này làm họ mất hẳn 1 lợi thế khi gia nhập thị trường Việt nam.
Cam kết lâu dài chưa có
Hiện nay, thị trường Trung Quốc có hàng trăm hãng xe và người ta vẫn chưa rõ thương hiệu nào sẽ tồn tại đến cuối kỷ nguyên xe điện.
Vào những năm đầu của thế kỷ 21, thị trường Trung Quốc có khoảng 25 thương hiệu. Lúc đó, quốc gia châu Á chủ yếu sản xuất các mẫu xe "nhái"/"bản sao" của những chiếc xe châu Âu và Nhật Bản để bán trong thị trường nội địa.
Nhưng từ năm 2001 đến 2010, đã có thêm 14 thương hiệu xe hơi khác xuất hiện.
Từ năm 2011 đến 2015, tổng cộng có 12 thương hiệu mới ra mắt thị trường nước này bao gồm: Maxus, Beijing Auto, VGV, Haval, Xpeng, Nio, Cowin (hiện đổi tên thành Kaiyi), Hozon, Leap Motor, Weltmeister, Enovate và Li Auto.
Từ năm 2016 đến nay, đã có thêm trên 50 hãng ô tô mới, cho phép người tiêu dùng Trung Quốc tha hồ lựa chọn xe từ tổng số 99 thương hiệu khác nhau.
Sự bùng nổ về số lượng thương hiệu một phần đến từ quy mô của thị trường. Trung Quốc hiện là thị trường xe con lớn nhất trên thế giới, với khoảng 25 triệu xe bán ra hàng năm. Năm ngoái, nó chiếm gần 32% doanh số ô tô toàn cầu, tương đương với tổng số lượng bán của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Đức cộng lại.
Nhưng nếu theo quy luật thị trường, vốn đã có tiền lệ ở phương Tây, thì
khi số lượng hãng đạt đỉnh trong 10 năm tới, sẽ đến thời điểm số lượng hãng xe thu hẹp lại. Các hãng xe nhỏ và yếu kém biến mất, thay thế chúng là những hãng kinh doanh hiệu quả hơn. Quy mô thị trường sẽ có ít hãng xe hơn nhưng người tiêu dùng vẫn sẽ có vô vàn lựa chọn hợp lý và ổn định hơn.
Vì các hãng xe Trung Quốc còn quá trẻ và thiếu ổn định, rủi ro khi mua xe từ nước này cũng khá cao. Nhiều khách hàng lo ngại dịch vụ hậu mãi và linh phụ kiện xe nếu hãng mẹ ở Trung Quốc biến mất.
Nhiều khách hàng Việt còn dự định sẽ đợi đến khi 100 hãng xe Trung thu gọn còn 10 hãng mới bắt đầu tìm hiểu về xe từ nước này.
Phụ tùng, phụ kiện, sau bán hàng?
Trung Quốc là công xưởng của thế giới. Nên chuyện phụ tùng cho các dòng xe từ nước này không thiếu nhưng chúng chủ yếu nằm ở bên kia biên giới. Do vẫn là là thương hiệu non trẻ ở Việt Nam, nguồn phụ kiện của các xe xứ Trung không có sẵn trong nước.
Khách hàng muốn thay thế sửa chữa xe buộc phải phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này gây mất thời gian và thậm chí là bực mình cho nhiều người.
Sự bỡ ngỡ của các thương hiệu Trung Quốc tại thị trường Việt cũng đem đến nhiều lo ngại về việc vận hành hệ thống bán hàng, chăm sóc khách hàng sau khi mua xe.
Băn khoăn về độ bền
Với tư cách là nước có nền kinh tế phát triển thuộc top đầu trên thế giới, các sản phẩm chính hãng đến từ Trung Quốc đều có chất lượng từ khá trở lên. Thậm chí, có những sản phẩm cực tốt, đứng đầu thế giới.
Tuy nhiên, sản xuất xe hơi là một ngành tổng hợp, là sự kết hợp hàng ngàn linh kiện thuộc vô vàn thương hiệu khác nhau. Và nhà sản xuất xe hơi là trung tâm của quá trình này, kiểm soát chất lượng từng linh kiện và cả việc kết nối chúng lại với nhau.
Các hãng xe từ Trung lại không có lịch sử lâu đời như Đức, Mỹ, Nhật, hay thậm chí là Hàn Quốc. Ngành sản xuất ô tô Trung Quốc là một ngành công nghiệp lớn nhưng rất trẻ:
58% thương hiệu có tuổi đời 10 năm. Con số này khi so với hàng trăm năm của Đức thì quá nhỏ bé.
Định kiến sâu đậm của người Việt về xe Trung Quốc
Trong năm 2023, hàng loạt thương hiệu và mẫu xe từ Trung Quốc đã ra mắt dồn dập tại Việt Nam, đặc biệt là dịp cuối năm. Trào lưu này tiếp tục mở rộng trong năm 2024 này.
Một số thương hiệu nổi bật đã ra mắt trong năm 2023 và dự định ra mắt trong năm 2024 gồm: BYD, GWM, BAIC, SAIC, Haima, Chery, Aion...
Điểm chung của các thương hiệu này là đều giới thiệu các xe sử dụng năng lượng mới, chạy điện hoặc hybrid và đều có mức giá cao hơn kỳ vọng dành cho
xe Trung Quốc. Đi kèm với giá cao đương nhiên là các dòng xe này cũng sở hữu thiết kế xuất sắc và những công nghệ hiện đại nhất.
Tín hiệu rõ ràng này cho thấy các hãng xe phương Bắc không muốn bó mình trong tư duy "xe giá rẻ" nữa. Họ sẵn sàng tạo ra những mẫu xe tốt nhất, với giá bán được cho là phù hợp nhất với công nghệ của nó, để có thể cạnh tranh sòng phẳng cùng các đối thủ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Âu, Mỹ...
Chất lượng đi kèm giá cao là điều dễ hiểu. Nhưng người Việt vốn có định kiến sâu đậm về xe Trung Quốc sẽ khó lòng chấp nhận trong một sớm một chiều. Những định kiến này bao gồm:
- Ý thức dân tộc
- Ký ức chất lượng
- Chủ quan về giá bán và khấu hao
- Phán xét của xã hội dành cho người dùng xe Trung Quốc
Mà với tư cách là một sản phẩm có giá trị lớn như một tài sản, xe hơi Trung Quốc buộc phải giải bài toán hóc búa về định kiến này trước khi có tiếng nói ở thị trường Việt.
Rõ ràng, nếu muốn thành công tại thị trường Việt, các hãng xe Trung Quốc, đặc biệt là các hãng xe điện sẽ phải vượt qua không ít rào cản kể trên nhưng quan trọng và khó khăn nhất vẫn là rào cản cuối cùng - Người Việt không thích và không mặn mà với xe Trung Quốc.
>>> Xem thêm:
Ngoài những ý trên, các bác còn thấy xe điện Trung Quốc sẽ gặp phải những rào cản nào nữa tại thị trường Việt?