Từ vị thế là thương hiệu xe giá rẻ, chất lượng bị nghi ngờ, xe Hàn đã phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng ở thị trường Việt Nam, trở thành đối thủ hàng đầu của những hãng xe Nhật.
Sau 2 thập kỷ xuất hiện, xe Hàn đã định hình lại "cuộc chơi" trên thị trường ô tô Việt Nam bằng giá bán, trang bị và cả văn hóa riêng của mình.
Sự vươn lên của xe Hàn
Khái niệm "xe Hàn" xuất hiện lần đầu tại Việt Nam từ năm 1998 thông qua những chiếc xe giá rẻ như Daewoo Matiz.
Tại thời điểm đó, Daewoo Matiz là kết quả của liên doanh giữa Daewoo Hàn Quốc và Xí nghiệp Liên hiệp Cơ khí 7893 thuộc Bộ Quốc Phòng. Matiz ra đời đã thay đổi thói quen sử dụng xe hơi tại Việt Nam khi có giá niêm yết chỉ gần 10.000 USD (khoảng 130 triệu đồng), nhỉnh hơn 1 số dòng tay ga cao cấp một chút.
Mẫu xe giá rẻ Hyundai Grand i10 góp công lớn vào doanh số xe Hàn tại Việt Nam thời gian qua
"Giá rẻ"" là một nước đi khởi đầu khá thông minh của xe Hàn, nhằm thay đổi quan điểm về giá trị xe hơi. Những chiếc xe 4 bánh không còn là một niềm ao ước hay một gia sản nữa mà đã trở thành một tài sản có thể mua được nếu cố gắng.
Tuy nhiên, sự vươn lên của xe Hàn chỉ thật sự rõ ràng trong vòng 3 năm trở lại đây, khi Hyundai lần đầu công bố doanh số bán hàng.
Doanh số các hãng xe Top đầu tại Việt Nam trong 3 năm gần đây
Điểm sơ doanh số của Hyundai và Kia thông qua 2 nhà phân phối TC Motor và Thaco tại thị trường Việt Nam, ta có thể dễ dàng thấy sự thay đổi vượt bậc này. Những Grand i10, Accent, Tucson, SantaFe của Hyundai hay Cerato của Kia thường xuyên nằm trong top xe bán chạy tại Việt Nam.
Nếu năm 2018, doanh số xe Hyundai đạt
63.526 chiếc, đứng thứ hai thị trường sau ông lớn Toyota với
65.856 chiếc thì sang năm 2019 cán cân đã có sự dịch chuyển.
Doanh số Hyundai năm 2019 bỗng vượt lên dẫn đầu thị trường với
79.568 xe ô tô được bán ra, đánh bại ngôi vương của Toyota (
79.328 xe). Kia cũng bám sát các thương hiệu khác trên thị trường như Honda, Mazda, Ford, Mitsubishi, loanh quanh mức 30.000 xe với 30.103 chiếc tới tay khách hàng.
Kết quả kinh doanh của Hyundai năm 2020 lại càng ấn tượng hơn. Hãng xe Hàn đã tận dụng triệt để ưu thế của một nhà lắp ráp xe trong nước để đưa mức giá tốt nhất cho khách hàng trong thời điểm
nhà nước ưu đãi 50% phí trước bạ. Kết hợp cùng việc ra mắt phiên bản Accent mới và sự thống trị của Kona vào thời điểm xe CUV đô thị trở thành trào lưu, Hyundai vươn lên thành hãng xe bán chạy nhất thị trường Việt.
Tổng doanh số Hyundai năm 2020 là 81.368 xe, vượt xa con số 70.692 xe của Toyota.
Năm 2020 cũng là một điểm sáng của Kia ở nước ta. Thaco quyết định thay đổi chiến lược kinh doanh, tập trung vào một Kia đang thay đổi tích cực, thay vì một
Mazda vốn đang trong giai đoạn phát triển thế hệ sản phẩm tiệm cận sang tại quê nhà.
Hãng xe Hàn mở đầu bằng động thái đem Kia Seltos về lắp ráp và phân phối tại Việt Nam chỉ 1 năm sau mẫu xe này ra mắt toàn cầu. Sau đó là việc "nhảy đời" cho
Kia Sorento từ thế hệ thứ 2 lên thứ 4. Nhờ đó, trong năm 2020, doanh số Kia đã tăng hơn gần 10.000 chiếc so với năm 2019 (
từ 30.103 lên 39.180 xe)
Thị phần của xe Hàn tại nước ta đã tăng từ 27% trong năm 2018 lên 28% trong năm 2019 và thật sự bùng nổ với
31,15% vào năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc cứ mỗi 10 xe bán ra trên thị trường thì có 3 chiếc xe Hàn.
Sự trì trệ của xe Nhật
Sự mở rộng thị phần của xe Hàn đồng nghĩ với việc các hãng xe khác bị thu hẹp do dung lượng thị trường không thay đổi nhiều. Và trong bối cảnh thị trường xe phổ thông Việt Nam, xe Hàn lên ngôi thì xe Nhật lại dần bị thất sủng. Trong đó, Honda và Toyota chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Honda đã giảm doanh số đến gần 10.000 xe, từ 33.102 (2019) xuống còn 24.418 xe (2020) do cơ cấu sản phẩm chỉ có City và CR-V là chủ lực.
Nhận thức được điều này, Honda đã quyết tâm đem dòng
City mới về để cạnh tranh với Accent và Vios mới, kỳ vọng tăng trưởng doanh số tốt hơn trong năm 2021.
Ngược lại, Toyota lại chịu áp lực gồng gánh quá nhiều mẫu xe, phiên bản, khiến cho hãng xe Nhật bị "đuối" trên thương trường. Ngoại trừ Vios, các dòng xe từng "một mình một cõi" của Toyota như Altis, Innova, Fortuner đều dần mất sức hút, tụt khỏi top 10 xe bán chạy ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh của xe Hàn và các hãng xe Nhật còn lại, Toyota đã phải thay đổi chính bản thân mình.
Sự vươn lên của Hyundai và KIa trong năm 2020 vừa qua
Năm 2020, Toyota gây bất ngờ khi giới thiệu mẫu Corolla Cross cùng bản hybrid của nó. Hãng cũng đem về 2 mẫu xe mới là Fortuner facelift và Hilux facelift. Sang năm 2021, hãng xe này còn hứa hẹn sẽ ra mắt Vios facelift với ngoại hình và trang bị đáng kỳ vọng để cạnh tranh với Accent.
Việc nhiều xe mới về Việt Nam không ấn tượng bằng việc Toyota đã có những thay đổi tích cực về tư duy bán hàng như: quyết liệt với nạn "bia kèm lạc", ra mắt những phiên bản thời trang (Fortuner Legender, Hilux Adventure thể thao) hay phiên bản hybrid thân thiện môi trường (Corolla Cross 1.8HV).
Người tiêu dùng hưởng lợi
Nếu như trước kia xe Hàn cạnh tranh với xe Nhật bằng giá bán thì ngày nay, các mẫu xe Hàn còn cạnh tranh thiết kế, trang bị tiện nghi và an toàn.
Nếu xe Nhật có cộng đồng dùng xe lâu đời thì xe Hàn cũng không hề kém cạnh với những cộng đồng và văn hóa xe riêng của mình.
Hyundai Fest 3-ngày hội dành cho người đi xe Hyundai được tổ chức vào 10/2020 vừa qua quy tụ rất đông thành viên tham gia cho thấy sự lớn mạnh của cộng đồng người đi xe Hyundai nói riêng và xe Hàn nói chung.
Khoảng cách về độ bền và thương hiệu của xe Hàn-Nhật cũng không còn quá lớn. Hệ thống garage, lượng linh phụ kiện cũ mới và độ bền bỉ, giá trị bán lại giữa 2 loại xe cũng không khác biệt quá nhiều.
Sự bùng nổ của các hãng xe Hàn và những động thái thay đổi của các hãng xe Nhật hứa hẹn sẽ đẩy "Cuộc chiến xe Hàn-Nhật" tiếp tục nóng hơn bao giờ hết trong thời gian tới.
Khi các hãng xe cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi có thể thoải mái chọn cho mình mẫu xe đẹp, mới, an toàn, tiện nghi với giá hợp lý.
Các bác thấy sao về sự thay đổi của các hãng xe Hàn và Nhật tại Việt Nam trong thời gian gần đây?