Các Bác nào còn ý định theo đuổi cổ phiếu ngân hàng có thể tham khảo thêm đây. Em thì chán NH từ rất lâu rồi, ăn được đúng con STB giá 77 lên đến 101, kịch kim.
Ngân hàng trước áp lực tăng vốn
Theo quy định, đến cuối năm nay, các ngân hàng (NH) phải tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng. Điều này đang gây áp lực lớn cho các NH, đặc biệt là các NH nhỏ. Thị trường chứng khoán sẽ chuẩn bị đón nhận một lượng cổ phiếu NH cực lớn trong năm nay.
Tại thời điểm hiện nay có khoảng 20 NH cổ phần có vốn điều lệ trên 1.000 tỉ đồng nhưng dưới 2.000 tỉ đồng. Như vậy chỉ trong năm 2010, mỗi NH này sẽ phải tăng vốn điều lệ thêm 1.000 - 2.000 tỉ đồng, và tổng số vốn mà các NH này cần huy động lên đến 22.500 tỉ đồng. Đó là chưa kể các NH có vốn trên 3.000 tỉ đồng cũng vẫn tiếp tục tăng vốn điều lệ để phát triển các nghiệp vụ kinh doanh.
Quy mô nhỏ càng gặp khó
Áp lực tăng vốn lên gấp 2 - 3 lần đối với các NH nhỏ trong năm 2010 có thể nói là cực lớn. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TP.
HCM phân tích, có nhiều hình thức để tăng vốn như phát hành cổ phiếu phổ thông, cổ phiếu ưu đãi, trái phiếu chuyển đổi, lấy lợi nhuận để chia cổ tức, liên kết - sáp nhập...
Tuy nhiên, việc phát hành cổ phiếu đối với những NH lớn thì dễ hơn các NH nhỏ. Các NH nhỏ phát hành cổ phiếu phổ thông sẽ gặp khó khăn vì phí phát hành cao. Bên cạnh đó, quy định 50% vốn điều lệ để xây dựng điểm giao dịch khiến phần vốn này chưa thể “đẻ” ngay ra lợi nhuận. Đó là chưa kể đến việc, ban điều hành của NH cũng ngồi trên “đống lửa” trước áp lực lợi nhuận để có thể trả cổ tức cho cổ đông.
Năm 2010, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 25% nên việc mở rộng các điểm giao dịch cũng khắt khe hơn..., vì thế hoạt động kinh doanh của ngành NH không được thuận lợi. Đó là những yếu tố gây khó cho không ít NH khi tăng vốn.
Mặt khác khi vốn điều lệ tăng lên gấp 2 - 3 lần thì tất nhiên các chỉ tiêu kết quả hoạt động kinh doanh cũng phải tăng trưởng gần như tương đương. Đây cũng là áp lực lớn cho các NH trong năm nay.
Phát hành thêm cổ phiếu, không dễ!
Việc tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng là điều mà các NH cần phải làm. Các NH có thể tăng vốn thông qua việc phát hành trái phiếu chuyển đổi và cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi, giữ lại lợi nhuận để tăng vốn. Đồng thời phương cách sáp nhập NH dự báo sẽ có thể diễn ra. Tuy nhiên theo một phó tổng giám đốc NH cổ phần, việc sáp nhập sẽ không thể có trong ngành NH bởi việc xin giấy phép thành lập NH mới hiện nay rất khó. Do đó phương thức chủ yếu là phát hành cổ phiếu hoặc kêu gọi các cổ đông chiến lược.
Hiện có 6 NH đã niêm yết trên thị trường chứng khoán gồm NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), NH TMCP Á Châu (
ACB), NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (
SHB), NH TMCP Ngoại thương (Vietcombank), NH TMCP Công thương (Vietinbank) và NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Trong số các NH này, chỉ còn
SHB có vốn điều lệ dưới 3.000 tỉ đồng. Một số NH cổ phần khác như NH TMCP Miền Tây (Western Bank), NH TMCP Nam Việt... cũng đang nộp hồ sơ xin niêm yết cổ phiếu trên sàn. Khi thị trường chứng khoán sôi động, tính thanh khoản cao thì không những cổ phiếu của các NH niêm yết mà cả những NH chưa niêm yết cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động vốn.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận xét: “Các NH quy mô nhỏ đang chạy đua lên sàn và kỳ vọng sẽ huy động vốn thông qua thị trường này. Một làn sóng mới về tăng vốn và cổ phần hóa đang bắt đầu xuất hiện trở lại”. Theo tiến sĩ Nghĩa, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh hơn vào thời gian tới, bởi điểm tựa là thị trường trái phiếu đã sôi động hơn.
Tuy nhiên, người trong cuộc thì không lạc quan đến vậy. Đại diện một NH cổ phần có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng cho biết, tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỉ đồng lên 3.000 tỉ đồng thì không thể thực hiện theo phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. Bởi lợi nhuận của các NH nhỏ chỉ ở mức vài chục đến hơn trăm tỉ đồng là cùng. Do đó hình thức phát hành thêm cổ phiếu thông qua thực hiện quyền mua đối với cổ đông hiện hữu hay cổ đông bên ngoài sẽ là chính. Việc NH phát hành cổ phiếu tăng vốn có thuận lợi hay không còn phụ thuộc nhiều vào thị trường chứng khoán có khởi sắc hay không trong năm 2010.