(Autodaily.vn) Sau 11 năm gia nhập thị trường Việt Nam, Jupiter được ví là cỗ máy kiếm tiền của Yamaha. Jupiter thế hệ 5 hoàn toàn mới vừa ra mắt và được Yamaha tuyên bố là mang nhiều ưu điểm vượt trội, song, vẫn còn đó những nhược điểm.
Ưu điểm
Jupiter FI là một trong những cải tiến quan trọng của Yamaha năm 2012 bởi mẫu xe này đóng vai trò quyết định thành công trong phân khúc xe số. Phải thừa nhận chiếc xe mới của Yamaha mang rất nhiều ưu điểm như thiết kế trẻ trung và thể thao, động cơ mạnh mẽ nhưng lại rất tiết kiệm nhiên liệu, hệ thống khung mang lại tính ổn định cao…
Hệ thống khung xe
Trái với các dòng xe trước, được sử dụng cho hệ thống treo động cơ giảm chấn bằng cao su, Jupiter FI đã thay thế cao su bằng hệ thống gắn kết cứng, nhằm tối ưu hóa công suất động cơ làm tăng thêm sức mạnh của xe.
Hơn nữa, càng sau cũng đã được bỏ đi phần ống ngang, đồng thời độ cứng của bề mặt trên và dưới của càng sau cũng được điều chỉnh, đảm bảo độ cứng cao hơn so với các mẫu xe “Jupiter phiên bản cũ”. Hiệu quả tổng hợp từ những cải tiến này đã mang lại tính ổn đinh cao khi vận hành.
Động cơ tiết kiệm nhiên liệu
Xe sử dụng động cơ SOHC 4 thì, xi-lanh đơn với dung tích 115 cc, phun xăng điện tử, làm mát bằng không khí. Đây là dòng xe số của Yamaha đầu tiên ứng dụng công nghệ phun xăng điện tử cùng với sự thay đổi trong thiết kế nhằm tối ưu hóa hiệu quả của hệ thống hút, thải khí giúp công suất động cơ tăng nhưng tiết kiệm nhiên liệu.
Cùng với việc ứng dụng công nghệ phun xăng điện tử FI, ống nạp nhiên liệu bằng nhựa tổng hợp và cụm bướm ga mới cũng được lựa chọn sử dụng. Với đường kính và hành trình của piston là 50mm×57.9mm và tỷ số nén 9.3:1, động cơ đạt được công suất tối đa là 7.4kW /7,750 vòng/phút.
Tối ưu hệ thống truyền động
Tỷ số truyền động sơ cấp và thứ cấp được thay đổi từ (3.315→2.900) thành (2.714→3.154) nhằm tối ưu lực truyền động ra bánh sau. Để tạo ra lực truyền động này, độ rộng bánh răng của số 3 và số 4 được nới rộng nhằm đảo bảo tính tin cậy cho hệ thống truyền động.
Công nghệ xi-lanh mới
Xi-lanh đúc kiểu ống gai là công nghệ lần đầu tiên được áp dụng cho dòng xe máy Yamaha tại thị trường Đông Nam Á. Mặt ngoài của lòng xi-lanh được cấu tạo dạng gia không chỉ tăng diện tích bề mặt tiếp xúc giữa lòng xi-lanh và thân xi-lanh mà còn tăng độ độ chính xác cao do hợp kim nhôm kết đặc lại bao quanh các chỗ lồi lõm ở mặt ngoài của lòng xi-lanh trong khi đúc giúp tăng cường khả năng tản nhiệt và nâng cao tính ổn định cho động cơ.
Trong hệ thống phối khí, dàn cò mổ kiểu con lăn được áp dụng thay thế cho kiểu cò mổ dạng trượt nhằm làm giảm độ ma sát giữa cò mổ và trục cam , đảm bảo cho động cơ vận hành êm ái, giảm thiểu việc thất thoát công suất và tiết kiệm nhiên liệu.
Những tính năng khác
Hệ thống hiển thị trên đồng hồ công-tơ-mét thiết kế hoàn toàn mới với ứng dụng hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED với hiệu ứng. Ngoài ra, công tơ mét còn được trang bị đèn cảnh báo mức nhiên liệu và có chức năng báo lỗi động cho người điều khiển.
Yên sau được thiết lại có kích thước thon gọn vừa đảm bảo cảm giác ngồi thoải mái vừa mang lại hình ảnh gọn nhẹ cho phần đuôi xe.
Nhược điểm
Những điểm cộng khiến Jupiter FI trở thành một chiếc xe xứng đáng với số tiền mà khách hàng bỏ ra để sở hữu nó. Tuy nhiên, đây không phải là một chiếc xe hoàn hảo. Người viết xin chỉ ra một vài nhược điểm nhỏ, mang tính góp ý để nhà sản xuất hoàn thiện hơn nữa chiếc xe của mình.
Giảm xóc trước cứng
Yamaha trang bị cho Jupiter mới giảm xóc trước dạng phuộc nhún, giảm chấn dầu, lò xo. Khi quan sát, có thể nhận thấy hành trình giảm chấn của giảm xóc trước khá ngắn. Điều này khiến người lái khi vận hành xe ở những đoạn đường xấu cảm nhận khá rõ độ cứng.
Giảm xóc trước cứng tác động trực tiếp lên tay lái gây mỏi cho người điều khiển khi phải ghì tay lái liên tục trong trường hợp di chuyển 1 quãng đường xấu dài.
Chắn bùn sau quá cao
Để đảm bảo tính thời trang cho tổng thể ngoại hình của chiếc xe, Yamaha đã thiết kế chắn bùn sau của Jupiter khá cao. Tiết diện của tấm chắn bùn nhỏ, góc cạnh và thuôn nhọn xuống phía dưới khiến nhiệm vụ của nó mang tính hình thức nhiều hơn là chắn bẩn bắn lên từ lốp xe khi vận hành.
Nhược điểm này cũng làm người lái xe khác đi sau chiếc xe này cảm thấy khó chịu khi vận hành dưới trời mưa, bẩn vì nước văng cao ra phía sau từ lốp xe.
Cần số chúi về phía trước
Cần đạp số của xe được bố trí chưa thực sự hợp lý. Nó được đặt chúi về phía trước nên khi người điều khiển muốn vào số phải dúi chân sâu hơn. Mỗi lần lên số khá bất tiện. Ngược lại, cần trả số lại quá cao nên khi về số, người lái lại phải nhấc gót lên để thao tác.
Tay nắm sau không cải tiến
Đây đã là thế hệ thứ 5 nhưng tay nắm phía sau của Jupiter (kể từ đời đầu tiên) vẫn không được cải tiến. Tay nắm đằng sau có gờ mỏng, khiến khi nâng, rê đuôi xe, quay đầu xe, phần tay nắm sẽ không được êm ái.
Đuôi Jupiter vẫn được tiếng là nặng hơn phần đầu xe khá nhiều nên khó nâng, nay vẫn giữ thiết kế tay nắm cũ làm việc nâng dắt xe không thoải mái.
Trọng lượng nhẹ
Trọng lượng 104kg, khá nhẹ, giúp chiếc xe dễ dàng xoay chuyển, quay đầu, dắt xe, và hỗ trợ tăng tốc rất tốt tuy nhiên, đặc điểm này đã dẫn đến 2 điểm chưa hợp lý trên Jupiter FI.
Một là, khi tăng tốc từ 80km/h trở lên thì xe bắt đầu cho thấy một vài điểm không mong muốn, tính ổn định của xe bắt đầu giảm và không còn cho cảm giác lái an toàn như dưới 60km/h. Trọng lượng nhẹ không đủ để giữ cho chiếc xe được đầm khi đi với vận tốc cao, cho nên ở vận tốc này, xe bắt đầu chuyển sang “chế độ” bồng bềnh và làm cho người lái cảm thấy chùn tay ga.
Hai là, trọng lượng nhẹ đồng nghĩa với phanh đĩa phía trước rất nguy hiểm nếu sử dụng không hợp lý. Đầu Jupiter vốn có tiếng rất nhẹ, hành trình của phuộc trước lại không dài, nên nếu vô tình phanh đột ngột bằng tay phải, người lái sẽ gặp nguy hiểm.
Kết luận
Triết lý phát triển dòng xe Jupiter là sự kết hợp giữa sự tiện dụng, kiểu dáng thể thao và có hiệu suất cao. Yamaha đã làm tốt điều đó ở thế hệ thứ 5 này. Dù mang một số nhược điểm mang tính tiểu tiết, nhưng những gì mà hãng xe máy Nhật Bản trang bị trên chiếc xe này vẫn khiến khách hàng hài lòng.
Nguồn: Autodaily.vn