(Autodaily.vn) Muốn hiểu tại sao Đức duy trì được vị trí cường quốc kinh tế châu Âu thì hãy nhìn vào thành quả mà ngành công nghiệp ôtô đã đạt được. Bốn thương hiệu hàng đầu là Mercedes-Benz, BMW, Audi và Porsche đều có mức doanh số kỷ lục và dự báo năm 2013 tình hình còn khả quan hơn nhiều.
Hãy cùng điểm qua vài nét của thị trường. Trong khi hầu hết người tiêu dùng đang tính toán chi tiêu thì những chiếc xe Đức lại được bán với giá cao. Với giá xăng tăng chóng mặt, sử dụng động cơ V6 và V8 hiệu suất cao chẳng khác gì đốt tiền. Ngoài ra, có khá nhiều người ưa chuộng các mẫu xe nhỏ gọn và không mặn mà với những chiếc limo cao cấp được trang bị còn hơn cả ghế máy bay hạng nhất.
Vậy mà, trong 5 tháng đầu năm, doanh số toàn cầu của BMW tăng 6,4%, Porsche tăng 13% và nổi bật là Audi với 14%.
Làm thế nào mà những người Đức đạt được thành công đến như vậy? Có thể họ thông minh, chăm chỉ và có động lực rõ ràng. Nhưng họ còn 10 lợi thế sau đây:
1.Lịch sử lâu đời
Ôtô được phát minh khi Karl Benz chế tạo một trong những động cơ đốt trong đầu tiên trong thập niên 1870 và lắp nó vào một cỗ xe năm 1887. Các công ty khác trẻ hơn như BMW đến tận năm 1928 mới bắt đầu sản xuất xe. Nhưng đã có hàng tỷ euro được đầu tư để marketing những di sản đó. Hãy nhìn vào các bảo tàng được xây dựng ở Stuttgart, Munich và Ingolstadt. Khách hàng trân trọng tinh thần tôn vinh lịch sử của người Đức.
2.Chiến thắng trên đường đua
Không có nước nào, thậm chí là Italy, có được lịch sử đua xe như của Đức: những “mũi tên bạc” Auto Union và Mercedes thập niên 1930, những nhà vô địch như Juan Fangio, Stirling Moss và Michael Schumacher và đường đua Nurburgring huyền thoại, vòng quanh một lâu đài trung cổ và được mệnh danh là “địa ngục xanh”. Thậm chí tai nạn ở đó cũng đi vào sử sách: 83 khán giả đã chết tại LeMans vào năm 1955 khi một chiếc Mercedes 300 SLR lao vào đám đông. Di sản đó là vô giá và đầy ý nghĩa.
3.Không giới hạn tốc độ
Gần 13.000 km đường ôtô ở Đức là trường hợp hi hữu trên thế giới khi chúng không có giới hạn tốc độ. Khu vực đô thị, tình hình ùn tắc giao thông và các công trình giữ vận tốc ở hầu hết các nút giao cắt dưới mức 115 km/h và những nhà sản xuất Đức đã ngầm hạn chế tốc độ tối đa của xe ở ngưỡng 250 km/h nhưng chúng vẫn có thể đạt 300 km/h trên một số cung đường. Ngoài Đức ra còn có nơi nào cho những chiếc xe này thỏa sức phóng?
4.Công thức cho sức mạnh thương hiệu
Đó là tính minh bạch, cam kết, độ tin cậy và kết nối tất cả lại là một tinh thần Đức ẩn sâu bên trong. Mercedes-Benz bắt đầu thu hẹp sản xuất từ những năm 1950 và đã có một số sản phẩm tồi (như chiếc hatchback C230 vài năm trước) nhưng không một ai có thể coi thường họ. Porsche cũng thế, mặc dù hãng đã định hướng sai ở dòng SUV và sedan. Cả bốn hãng xe Đức đều được xếp trong số các thương hiệu hàng đầu thế giới, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
5.Thắng lợi của công nghệ
Đội ngũ kỹ sư đóng vai trò cực kỳ quan trọng ở một đất nước đánh giá cao về công nghệ và sự lành nghề. Điều này giải thích sự có mặt của rất nhiều Tiến sĩ Kỹ thuật trong những hãng xe Đức. Liệu ngoài người Đức ra ai có thể lắp ráp chính xác động cơ diesel (đây cũng là phát minh của Đức) cho những chiếc xe? Chính những cống hiến trong lĩnh vực chế tạo máy của họ đã gây ấn tượng cho khách hàng.
6.Chọn đúng thị trường
Như một nhà kinh tế học bình luận: “Điều đó thực sự khá đơn giản – Đức sản xuất những chiếc xe mà khách hàng ở các nước kinh tế đang phát triển muốn mua”. Ví dụ với thị trường Mỹ và Trung Quốc. Trong tháng Năm, ở Trung Quốc doanh số bán hàng của Audi tăng vọt lên 44,2% còn BMW tăng tới 31,5% và đều tăng trưởng nhanh hơn so với thị trường Mỹ. Chỉ có hãng GM mới tăng trưởng đồng đều ở cả hai thị trường mà thôi.
7.Giữ vững mục tiêu
Ngoài Mercedes ra liệu còn hãng xe nào dám đưa dòng chữ ”The best or nothing” trở thành khẩu hiệu quảng cáo của mình? Nó tồn tại cùng với khẩu hiệu lịch sử của BMW “Ultimate driving machine”. Thậm chí nếu những tuyên bố đó không phải lúc nào cũng đúng, thì họ cũng luôn nhấn mạnh về mức độ tham vọng mà không một chiếc xe của nước nào khác có thể so sánh được. Như một tờ báo ở Zurich phân tích vài năm trước đây, tầm quan trọng của những chiếc ôtô đối với nước Đức cũng giống như những tài khoản ngân hàng đối với Thụy Sĩ.
8.Tiền nào của nấy
Nhiều khi, bạn mua một thứ gì đó mà chẳng cần tính đến giá trị đem lại của nó, cốt là để cho vui, như việc trả 3,5 triệu đôla để ăn tối với Warren Buffett. Xe ôtô Đức chưa đạt đến mức độ đó nhưng cũng gần như thế. Chẳng hạn như bỏ ra 137.500 đôla để sở hữu chiếc Porsche Turbo 911 phiên bản 2013 và sau đó thêm 330 đôla để lắp biểu tượng Porsche vào cần số. Những người mua xe Đức hay đòi hỏi những thứ này bởi họ thuộc dạng rủng rỉnh hầu bao.
9.Hàng đặc biệt và siêu đặc biệt
Một chiếc BMW 5-series thông thường giá 47.000 đôla là chưa đủ cho bạn? Vậy một chiếc M5 được trang bị đặc biệt giá 90.695 đôla thì sao? Tương tự Mercedes cũng có những chiếc Black Series với chỗ ngồi đặc biệt và trọng lượng được cắt giảm giúp nâng cấp hiệu suất. Mức giá của một chiếc C-class coupe như vậy được đẩy lên thành 125.000 đôla.
10.Đối thủ bị xếp sau
Liệu có thế lực nào đối chọi được với bộ tứ siêu đẳng này? Lexus có thể cung cấp chất lượng cao hơn và dịch vụ tốt hơn, nhưng việc còn cần nhiều thay đổi và thiếu mất bề dày truyền thống đã làm hãng chỉ được xếp hạng hai. Cadillac đã rất nỗ lực để vươn đến đẳng cấp quốc tế và gần như đã đạt được với dòng V-series, nhưng hãng cần phải giữ vững vị thế này trong một vài thập kỷ trước khi tiến được xa hơn. Và cho dù bóng bẩy đến thế nào, Ferrari cũng chỉ là một đối thủ nhỏ nhoi trước Porsche, khi lượng xe tiêu thụ chênh lệch nhau tới 20 lần.
http://autodaily.vn/2012/07/10-ly-do-khien-xe-duc-thong-tri-thi-truong/