<span style=""color: #000080;""> 9 cách chống trộm phụ tùng ô tô hữu hiệu ở Việt Nam </span>
Hiện nay, tình trạng mất cắp phụ tùng xe ô tô đang có chiều hướng gia tăng vì xe ô tô là tài sản có giá trị lớn nên phụ tùng kèm theo của xe cũng rất có giá, từ tiền trăm tới tiền triệu…
Trước nạn “vặt” đồ ô tô ngày càng tràn lan và không thể kiểm soát, các chủ xe có thể tham khảo một số cách dưới đây để có thể “bảo toàn” phụ tùng cho xế yêu, khả năng tránh lọt vào tầm ngắm của kẻ gian là cao nhất.
1. Cài bộ báo động có âm thanh
Thiết bị này được lắp vào trong củ gương, sợi dây xích được luồn cùng với dây điện điều khiển mô tơ gương rồi buộc lại với phần vỏ xe. Khi gương bị bẻ sợi dây này sẽ giữ lại chốt công tắc để kích hoạt thiết bị báo động.
Điều này sẽ gây sự chú ý của người khác và rất có thể tên trộm sẽ bị bắt quả tang. Giá của một bộ báo động âm thanh dao động từ 600.000 - 700.000 đồng trên thị trường.
2. Bắn đinh bảo vệ logo
Hiểm họa bị vặt logo ngày càng nhiều. Tuy rằng logo không đáng nhiều tiền nhưng cũng là mối lo ngại cho người có ô tô vì mất logo đồng nghĩa với việc làm mất thẩm mỹ, "xe sẽ trở nên quái dị". Điều quan trọng nữa là logo của xe nhập thì phải đặt hàng mua về (thời gian chờ mất khoảng 2 tuần). Vì vậy, để tránh bị mất logo, chủ xe nên dán keo AB hoặc bắn đinh quanh logo.
3. Gắn cáp vào gương
Kính chiếu hậu ô tô là một phần không thể thiếu cho bất kì "xế yêu" nào. Nó không những giúp cho người lái xe quan sát tốt phía sau mà còn giúp "xế" thêm hoàn hảo, cân đối. Đối với các loại xe ô tô đắt tiền, cặp gương chiếu hậu có giá trị hàng chục triệu đồng, vì vậy nó chẳng khác gì “miếng mồi” béo bở đối với đám chuyên "vặt" phụ tùng xe ô tô.
Do đó, để hạn chế việc bị đánh cắp đôi gương, chủ xe có thể đến các cửa hàng bán phụ tùng ô tô yêu cầu tháo cả hai củ gương, luồn cáp vào trong củ gương và bắt chặt lại rồi tiến hành lắp mặt gương, đai inox bảo vệ mặt gương. Sợi cáp này sau khi đã được bắt chặt phải luồn theo đường dây điện vào xe và sau đó khoan lỗ hay bằng cách nào đó bắt chặt vào trong cửa xe.
Sau đó thì thử kiểm tra xe gương đã hoạt động trơn tru chưa, có vướng dây cáp không, nếu chưa được thì yêu cầu thợ chỉnh sửa lại cho chuẩn. Cách này có cái hay là khi thấy gương đã có bảo hiểm, bọn trộm sẽ ngại “vặt” hơn.
Hơn nữa, khi được gắn cáp, muốn tháo gương sẽ phải mất thời gian cắt lâu hơn, như vậy bọn trộm sẽ dễ chùn bước. Nhưng cách này cũng sẽ không chống được trộm vào ban đêm. Vì vậy, tốt nhất đừng để chiếc xe bị ngủ ngoài đường.
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường cũng bán một loại cáp dùng để chốt gương với cánh cửa xe. Các chủ xe có thể dùng loại cáp này với giá khoảng 100.000 đồng.
<span style=""color: #ff0000;"">4. Khắc mã số lên gương chiếu hậu (cái này là mình kết nhất đó) </span>
Cách đây không lâu, chị Nguyễn Thị Nga đỗ chiếc xe Audi Q7 của mình ở Thanh Xuân Bắc chưa đầy 5 phút, quay ra, đôi gương xe của chị đã "không cánh mà bay". Hôm sau chị phải ra chợ Trời (phố Huế, Hà Nội) mua lại đúng 2 chiếc gương của mình với giá 20 triệu đồng. Cùng chung cảnh ngộ với chị Nga, nhiều chủ xe rất bức xúc và họ đã dùng cách khắc mã số lên gương xe để bảo vệ đôi gương khỏi những tên trộm.
Một dãy số nhận dạng là chính biển số của chiếc xe sẽ được khắc bằng axit chuyên dụng lên bề mặt gương và không thể tẩy xóa. Nếu nhìn thấy dãy số này bọn trộm sẽ chùn tay vì khi các cửa hàng bán phụ tùng thu mua vào những chiếc gương này đồng nghĩa với việc mang cho mình tội danh tiêu thụ đồ gian.
Hơn nữa, chẳng ai muốn ra chợ Trời mua lại một cái gương chiếu hậu lại có khắc số xe của người khác về gắn cho xe mình. Khắc mã số nhận dạng riêng lên gương chiếu hậu và tẩy chay phụ tùng ôtô ăn cắp sẽ là biện pháp hiệu quả để chống lại nạn trộm cắp phụ tùng, gương chiếu hậu ôtô.
Anh Lê Văn Thắng ở Cầu Giấy, Hà Nội khuyên rằng: Nên khắc lên gương chiếu hậu xe mình một dấu hiệu riêng để dễ tìm gương ở chợ Trời. Khi tìm thấy, chủ xe không mua mà báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để họ có căn cứ xử lý thật nghiêm. Có như vậy thì các chủ hàng mới sợ và không mua đồ ăn cắp nữa. Và khi đó thì bọn trộm cũng chẳng thiết tha gì với trò trộm gương bởi có trộm được cũng chẳng biết bán cho ai.
5. Gắn thêm thiết bị chỉnh điện giúp gương cụp vào trong
Hầu hết các xe đời mới hiện nay đều sử dụng thiết bị chỉnh điện giúp gương cụp vào trong hoặc khi tắt máy xe sẽ tự động cụp gương. Cách này cũng kéo dài thời gian khiến cho "trộm" lúng túng, chúng có thể sẽ bỏ cuộc.
6. Tự chế bộ bảo vệ cần gạt nước
Một bạn tham gia diễn đàn Autovina.vn bức xúc cho biết: “Tôi bị mất cần gạt nước nhiều quá (gần chục bộ). Vì thế, tôi đã nghĩ ra một biện pháp khá hiệu quả. Đó là cách tạo ra bộ bảo vệ cần gạt nước bằng những dụng cụ đơn giản, sẵn có mà dễ làm”.
Trong trường hợp này, chủ xe nên chuẩn bị hai vỏ lon bia. Sau đó, lấy phần đáy lon, cắt tròn, chu vi vừa bằng cái nút cao su ở cần gạt nước. Tiếp theo, cậy nắp cao su cái ốc rồi bơm đầy silicon lên cái lỗ có con ốc. Cuối cùng, đậy cái nắp bằng lon bia vào, ấn mạnh cho nó xuống sâu và đợi khô hẳn.
Như vậy bạn đã tự bảo vệ bộ cần gạt nước khỏi những tên vặt đồ gian xảo.
7. Sử dụng công nghệ chợ Trời
Tại chợ Trời, các thiết bị chống trộm gương ô tô rất ấn tượng. Ở đây có súng bắn đinh rút, ốp inox, dây xích giữ củ gương, dao lam và đinh ghim nhọn hoắt có thể gắn vào gương... Với những thiết bị này, khi kẻ trộm luồn tay bóc mặt gương sẽ bị đinh đâm, dao lam cứa… và chúng sẽ từ bỏ ý định ăn trộm.
Sau một lần bị mất gương, anh Tuân ở Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội đã sắm hẳn một thiết bị chống trộm "công nghệ chợ Trời". Thiết bị này được làm từ những chiếc dao lam có thể xé nát tay tên trộm.
8. Chọn điểm đỗ xe thích hợp
Chủ xe đừng cho kẻ gian cơ hội ra tay bằng cách đỗ xe lẩn khuất trong một góc tối thui không ai để ý vì phần lớn các vụ trộm xe đều diễn ra nơi vắng vẻ, không có bảo vệ hoặc camera quan sát. Tốt nhất nên tìm bãi đỗ xe ở các khu vực có người trông giữ. Chú ý đỗ ở nơi có đèn chiếu sáng và đông người qua lại, dễ nhìn , không nên chọn khóc khuất.
Anh Sĩ Linh (Hà Đông, Hà Nội) một lần đến thăm nhà bạn tại chung cư C6 Mỹ Đình, Hà Nội. Do hẹn nhau đi nhậu, nên anh đã không cho ôtô vào hầm khu chung cư mà vòng ra phía sân sau, gần mấy khu nhà chia lô để đỗ xe, cho đỡ bất tiện.
Nhưng chỉ chưa đầy 10 phút, khi quay xuống, đôi gương, logo đã “không cánh mà bay”. Từ đó về sau, anh luôn chú ý đỗ xe đúng điểm trông giữ, thậm chí là cách xa nơi anh cần đến gần chục phút đi bộ và tốn kém thêm vài chục nghìn nhưng anh luôn cảm thấy yên tâm.
9. Kiên quyết nói “không” với chợ Trời
Những chiếc gương bị đánh cắp sẽ đi đâu? Chúng sẽ được đưa ra chợ Trời và được mua đi bán lại với giá cao. Tại đây, khách đưa ô tô tới, chủ hàng sẽ bố trí lắp gương theo yêu cầu cho khách. Với những khách bị người khác mua mất phụ tùng của mình, chủ hàng sẽ gợi ý với những chiếc "gương dựng", tức là "đặt hàng bọn trộm"... đi vặt đúng chủng loại gương chiếu hậu mà khách cần lắp với xe. Giá "gương dựng" thường cao hơn mua gương mà chủ xe bị mất hoặc gương đã có sẵn tại chợ Trời từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, tùy giá trị xe. Như thế chẳng khác nào, đường dây ăn cắp, mua bán và tiêu thụ hàng gian được thừa nhận.
Nhiều ý kiến của các chủ xe đều có chung quan điểm: "Đơn giản là có chỗ tiêu thụ thì mới có người cung cấp. Nếu làm cho nghiêm, xử lý những nơi chuyên tiêu thụ hàng ăn cắp này thì bọn trộm cắp đó còn bán cho ai, nhất là những mặt hàng khó bán như thế này. Nếu kiểm tra gắt các cơ sở chuyên cung cấp phụ tùng thì sẽ không còn hiện tượng này. Nếu không sớm mạnh tay làm thì hiện tượng này sẽ ngày một tăng mạnh".
Anh Hùng ở Minh Khai cũng là một người cũng đã bị mất gương, đèn xi nhan, logo, nhưng anh không bao giờ mua lại những thứ đó từ chợ Trời. Anh Hùng đã đặt mua ở nước ngoài vì không mua được ở trong nước, tuy mất thời gian và có thể đắt hơn nhưng sẽ phần nào không tiếp tay cho kẻ ăn cắp. Anh Hùng cũng kêu gọi các chủ xe khác khi mất đồ hãy “tẩy chay” hàng chợ Trời vì không có cầu thì cung cũng sẽ hết.
Nhiều chủ xe còn bức xúc cho ý kiến: Để quyết liệt xử lý vấn đề trộm cắp phụ tùng ô tô hoàn toàn không khó mà vấn đề chính là ở các cơ quan chức năng, chỉ cần tịch thu, cấm toàn bộ hành động mua bán công khai gương chiếu hậu, cần gạt nước… là có thể dẹp bỏ được nạn này. Cũng như trước kia, hàng loạt xe máy mất biển số, nhà chức trách đã làm rất tốt là phạt tiền hoặc có các biện pháp xử lý với các đối tượng mua lại biển số để bán cho người bị mất. Như vậy, muốn phòng và chống nạn ăn cắp không chỉ là bắt mấy tên trộm vặt hay những kẻ lưu manh chuyên nghiệp mà phải trị và trị thật nặng những kẻ mua bán, trao đổi hàng ăn cắp - không có cầu ắt hẳn sẽ không có cung. Nếu các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc và xử lý nghiêm thì chắc hẳn các tiệm kinh doanh đồ cũ chẳng dại gì mua đồ ăn cắp.