Re:SƯU TẦM CÁC BÀI TÌM HIỂU KỸ THUẬT ÔTÔ
Bảo dưỡng ắc-quy ôtô ( I )
[blockquote]
Quá nhiệt và quá nạp là hai nguyên nhân chủ yếu khiến ắc-quy hết điện sớm. Vì vậy, cần theo dõi và bảo dưỡng thường xuyên thiết bị này, đặc biệt trong mùa nóng.
Ắc-quy là một trong những thiết bị quan trọng nhất trên xe hơi, đảm niệm vai trò tích trữ điện năng, cung cấp năng lượng cho các thiết bị tiêu thụ điện (phụ tải) như máy khởi động, kích thích máy phát xoay chiều. Ắc-quy sẽ cung cấp điện năng cho các phụ tải khi máy phát điện chưa làm việc hoặc vòng tua máy chưa đạt tốc độ quy định.
Sau khi khởi động và vòng tua máy đủ lớn, các thiết bị trên ôtô sẽ sử dụng điện năng sinh ra từ máy phát. Đồng thời, ắc-quy được nạp điện để tích trữ năng lượng cho các lần khởi động sau.
Đa số ắc-quy sử dụng trên ôtô là ắc-quy chì. Chúng được chia thành các loại như ắc-quy hở (ắc-quy nước) và ắc-quy kín (hay còn gọi ắc-quy khô). Loại ắc-quy nước có thể bão dưỡng như đổ thêm nước, còn ắc-quy khô không cần bảo dưỡng và dùng một lần cho đến lúc hết điện.
Bão dưỡng để ắc-quy 'sống' lâu
Sự quá nhiệt và quá nạp là hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng ắc quy chết sớm. Nhiệt độ khiến chất lỏng bay hơi, thay đổi nồng độ dung dịch, phản ứng diễn ra nhanh và gây tổn hại cho cấu trúc phía trong ắc quy. Bên cạnh đó, những thiết bị bị lỗi trong quá trình sạc như bộ điều chỉnh điện thế sẽ khiến ắc-quy bị quá nạp, làm hư các thẻ và giảm tuổi thọ. Các bề mặt thẻ (chì oxit) không chìm trong dung dịch điện phân có thể bị hư hỏng.
Ngoài ra, trời lạnh cũng khiến ắc-quy làm việc nặng nhọc hơn do dầu nhớt đặc hơn nên khi khởi động, nó cần phải có năng lượng đủ lớn để vận hành hệ thống. Trong trường hợp lâu ngày không sử dụng, bạn nên nạp định kỳ khoảng 6 tuần một lần.
Giữ phần trên ắc-quy luôn sạch là một trong những cách duy trì hoạt động bình thường của nó. Các bụi bẩn có thể trở thành chất dẫn điện, làm mất năng lượng. Hơn nữa, sự ăn mòn tích tụ lâu làm cho các mối nối bị cô lập, nên ắc-quy không thể sử dụng được.
Dấu hiệu để nhận ra nước điện phân bị rỉ là sự ăn mòn trắng khay ắc-quy và kim loại xung quanh. Trong trường hợp này bạn nên kiểm tra xem ắc-quy có bị quá nhiệt hay quá nạp hay không để bổ sung nước hoặc kiểm tra bộ phận nạp. Đồng thời, nên sử dụng hỗn hợp soda và nước ấm (45 ml soda pha trong 1 lít nước), dùng bàn chải cứng quét dung dịch soda các mặt của ắc-quy để làm sạch.
Tuy nhiên, bạn không nên quét trực tiếp lên nắp hoặc lỗ thông hơi bởi nếu nước soda rơi vào trong ắc-quy, phản ứng có thể xảy ra và làm tràn dung dịch axit ra ngoài.
Những lưu ý khi bảo dưỡng, sửa chữa ắc-quy
Không mang nhẫn, vòng, đồng hồ hoặc dây chuyền khi ở gần ở ắc-quy vì nếu chẳng may làm ngắn mạch, dòng điện cao có thể chạy qua khiến bạn bị bỏng nặng. Ngoài ra khi tháo ắc-quy, luôn luôn tháo dây cực âm hoặc cực mát trước. Nếu sau đó bạn vô tình chạm mát cực có cách điện, dây cung cấp điện hoặc dây nóng, hiện tượng ngắn mạch sẽ không diễn ra.
Trong trường hợp sạc ắc-quy, bạn cần để ở nơi thông gió tốt do hơi thoát ra trong quá trình này rất dễ nổ. Không để các nguồn lửa như tia lửa điện, thuốc lá đang cháy ở gần ắc-quy đang nạp điện bởi chúng có thể làm nổ, bắn dung dịch điện phân ra xung quanh. ( sưu tầm )
Bảo dưỡng và kiểm tra ắc-quy ( II ) [blockquote]
Những thiết bị điện tử có thể làm tiêu hao năng lượng điện trong ắc-quy một cách nhanh chóng. Trước khi ra khỏi xe, bạn cần kiểm tra xem các thiết bị như điều hòa, loa, đèn đã tắt hoàn toàn hay chưa. Một chiếc ắc-quy có tuổi thọ 3-5 năm nhưng cũng có thể "chết" sau vài ngày không sử dụng xe.
Tính năng của những chiếc xe mới hiện nay cao hơn rất nhiều so với 20 năm trước đây. Các thiết bị đã được cải tiến và tất cả gần như đều sử dụng điện. Tuy nhiên, có một cản trở mà các hãng xe thường phải vượt qua là hệ thống điện và ắc-quy trên xe hơi ngày càng phình to, gây khó khăn khi lắp ráp và sản xuất xe. Vì vậy, những tình huống trớ trêu cũng vì thế mà xuất hiện như sau vài ngày không đi, đến khi khởi động thì bạn mới nhận ra ắc-quy đã “chết”.
Bạn kiểm tra thấy cửa đã đóng, hệ thống âm thanh, đèn cũng đã tắt và không thể tìm nguyên nhân trực tiếp khiến ắc-quy hết điện như vậy. Trong trường hợp này, một bộ pin sạc 12 volt có thể giúp chống lại việc “rỉ” điện, tuy nhiên giải pháp đó chỉ thích hợp với những xe để trong vài tháng mà không đi.
Các thiết bị điện hiện đại có thể làm cho ắc-quy “chết” nhanh hơn so với những chiếc xe đời 1970 hay xa hơn. Mỗi thiết bị sử dụng “một chút” điện ngay cả khi mọi thứ đã tắt. Những chiếc máy tính tích hợp trên xe là bộ phận tiêu hao năng lượng điện nhiều nhất. Các máy tính điều khiển phun nhiên liệu, kiểm soát nhiệt độ vùng, module khởi động, điều khiển đèn pha, dàn radio kỹ thuật số, đồng hồ, ghế nhớ các vị trí đều làm ảnh hưởng tới độ bền của ắc-quy.
Tiên tiến hơn 20 năm trước, công nghệ ngày nay giúp xe hơi gần như rơi vào “giấc ngủ” và luôn trong trạng thái sẵn sàng. Bất cứ khi nào được kích hoạt, chúng sẽ hoạt động. Các bộ phận điều khiển điện tử vẫn hoạt động âm thầm và tiêu thụ một chút năng lượng. Nhưng chỉ cần để qua vài ngày, chúng có thể làm cạn một bình ắc-quy.
Vài thiết bị khác cũng sử dụng điện từ ắc-quy mặc dù ở trạng thái không hoạt động như máy phát điện, bộ điều chỉnh dòng, hệ thống đánh lửa. Bên cạnh đó, những chiếc diode (bộ phận nắn dòng một chiều nằm trong các thiết bị) có thể bị hỏng và dòng điện có cường độ lớn sẽ đi qua. Tuy nhiên, tình huống này hiếm khi xảy ra.
Để biết mức độ sử dụng điện của các thiết bị đó, bạn có thể đo dòng xả khi tắt khóa đánh lửa. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các máy tính trên xe hơi sử dụng dòng điện 5-8 mA để giữ cho bộ nhớ hoạt động. Hầu hết các mẫu xe hiện đại có giới hạn dòng ở khoảng 25-28 mA hoặc thấp hơn ngoại trừ vài loại xe hạng sang có mức cường độ dòng điện cao hơn một chút. Riêng đèn cho xe tải cần cường độ dòng 900 mA hay 0,9 A và có thể sử dụng hết ắc-quy trong vòng một đêm.
Để đo cường độ dòng điện, một số mẫu xe cần phải nghỉ 30 phút trước khi tiến hành. Nếu đo ngay, các máy tính có thể đang ở trạng thái “thức” và tiêu hao nhiều năng lượng, vì vậy, kết quả không hoàn toàn chính xác. Khi các thiết bị đó đi vào trạng thái “ngủ”, kết quả đo mới chính xác. Thậm chí, với những chiếc xe trang bị bộ giảm xóc bằng khí nén hoặc hệ thống cân bằng điện tử có bạn cần phải chờ ít nhất 70 phút trước khi tiến hành. Có một điểm cần lưu ý là khi đang đo, bạn không được mở cửa (làm sáng đèn nội thất), xoay chìa khởi động hay bật đèn pha bởi có thể làm hỏng am-pe kế.
Cuối cùng, một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới tuổi thọ của ắc-quy. Nhiệt độ cao khiến các phản ứng trong ắc-quy diễn ra nhanh hơn và vì thế nó cũng “chết” nhanh hơn. Hơn nữa, các chất bẩn trên điện cực ắc-quy khiến nó không thể xạc điện từ máy phát. Vì vậy, hãy giữ ắc-quy sạch, mát và khô để nâng cao tuổi thọ của chúng.
Theo: Vnexpress
[/blockquote]
[/blockquote]