RE: Adventure Tour 2008 "HCM-Luang Prabang-Golden Triangle-Fansipan-HCM Trail"
Trong khi chờ đợi chuyến đi, mạn phép các bác post lên đây vài điều linh tinh để đọc chơi cho vui. “Trăm nghe không bằng một thấy”, nên rất mong đến lúc được thấy tận nơi.
Bản đồ Tam giác vàng:
[/img]
Chắc ai cũng phải chụp hình cạnh những cái cổng này:
Tam giác vàng, một cái tên nhuốm màu huyền thoại, nay đã không còn là vùng đất cấm đối với du khách thập phương. Nhưng cách đây mấy chục năm, nói đến tên Tam giác vàng là nói đến một đế chế thuốc phiện đã từng có một thời kiểm soát 70% lượng heroin trên toàn thế giới. Nhưng ở thời điểm hiện tại, theo báo cáo của Cơ quan phòng chống ma túy của Liên hiệp quốc (ONUDC), thì vùng đất này chỉ còn chiếm khoảng 5% tổng sản lượng ma túy của thế giới.
Với diện tích khoảng 195.000km2 (có tài liệu cho rằng khoảng 350.000km2 – chênh lệnh quá, chả biết ai đúng?) nằm giữa vùng biên giới ba nước Lào – Thái Lan –Myanmar, Tam giác vàng được biết đến như những sườn đồi ở độ cao 1000 – 1700m, với những lớp đất bạc màu, có độ kiềm cao, đặc biệt thích hợp để trồng cây thuốc phiện. Tên gọi Tam giác vàng ra đời vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ XX, gắn liền với tên của một con người, nay đã qua đời bình yên trong tuổi già vào cuối năm 2007 tại Rangoon, cựu thủ đô của Myanmar: Trùm thuốc phiện Khun Sa.
Một trong những hình ảnh hiếm hoi về Khun Sa:
[/img]
Khun Sa vốn gốc là người Hán, sinh ngày 17/2/1934 (có tài liệu cho rằng sinh năm 1933) tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, có bố là người Trung Quốc, mẹ là người Shan (một tộc người thiểu số chiếm khoảng 10% dân số Myanmar). Chính hoàn cảnh lịch sử khá đặc biệt của Myanmar đã tạo điều kiện cho Khun Sa trở thành một ông trùm được cả thế giới biết đến dưới biệt danh: “Hoàng tử chết”.
Giành được độc lập từ tay người Anh vào năm 1948, Myanmar đã trải qua nhiều cuộc đảo chính và xung đột giữa các bộ tộc. Chính phủ Myanmar xác nhận đất nước họ có 135 dân tộc, nhưng các học giả phương Tây cho rằng con số thật thấp hơn nhiều. Ngay khi Myanmar vừa giành được độc lập, hàng chục bộ tộc đã lên tiếng đòi ly khai, chưa kể đến hàng loạt tướng lĩnh Quốc dân đảng Trung Quốc sau khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời (1949) đã dẫn tàn quân chạy xuống vùng Tam giác vàng cát cứ. Những đội quân này lúc liên kết, lúc xâu xé nhau xung quanh chuyện tranh giành mối lợi buôn bán thuốc phiện. Cuối cùng, Khun Sa từ một kẻ liều mạng tay trắng đã vượt lên trở thành ông trùm của vùng đất này.
Khun Sa luôn lên tiếng trước thế giới rằng mình là người đấu tranh cho quyền tự trị của dân tộc Shan, và tự xưng mình là Chỉ huy trưởng của Quân đội thống nhất dân tộc Shan, sau đổi tên thành quân đội Mong Tai. Có những lúc đội quân này lên đến 20.000 tay súng, nhưng thường duy trì ở mức trung bình 5.000 – 10.000 người, được trang bị hiện đại (đại bác, tên lửa vác vai, súng chống tăng…) nhờ tiền buôn bán ma túy.
Đế chế Khun Sa dần suy yếu do việc chính quyền Myanmar mạnh tay trong việc truy quét khu vực Tam giác vàng vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90. Khun Sa chấp nhận việc giải giới quân đội, ra hàng chính phủ Mynamar để đổi lấy việc được ân xá.
Ngày nay Tam giác vàng là một địa điểm du lịch thu hút nhiều khách nước ngoài. Không hẳn chỉ vì huyền thoại về một vùng đất bí ẩn, mà còn vì những phong cảnh đẹp, sức hấp dẫn từ những nền văn hóa độc đáo, riêng biệt của những sắc dân thiểu số của Myanmar, Lào và Thái Lan
Đường dài muôn dặm:
Dòng Mekong:
Liệu mình có gặp được những người dân này không?