Trích đoạn: tuandq
Tôi nói thì các bác có thể không tin nhưng thực sự là tôi
gần như không dùng đến còi khi đi trên đường. Lý do thì chẳng phải là vì ý thức cao gì mà đơn giản chỉ là vì bấm còi cũng chẳng có ích gì với những người tham gia giao thông có ý thức kém.
Tôi có thể dẫn chứng điều này bằng mấy ví dụ minh họa sau:
1. Đứng trước một tình huống nguy cấp như một chiếc xe tạt đầu các bác sẽ làm gì trước tiên? Phần lớn người lái xe Việt Nam sẽ bóp còi sau đó mới đạp phanh (thắng). Nhưng thực ra đây lại là một cách ứng xử hết sức sai lầm vì theo đo đạc, chúng ta chỉ nhận ra nguy hiểm sau khoảng 3/4 giây và cần tiếp 3/4 giây nữa để đạp phanh. Vậy nếu ta bấm còi thay vì đạp phanh thì ta sẽ trì hoãn cỡ 0,5-1 giây trước đạp phanh và với tốc độ khoảng 36 km/h thì quãng đường xe chạy thêm đã là 10m. Và đôi khi đây chính là lý do gây ra tai nạn thay vì tránh nó. Tất nhiên, với những trường hợp như vậy thì sau khi phanh dúi dụi thì tôi sẽ bấm còi để coi như chửi thằng đi láo.
2. Khi đi qua một điểm giao cắt hoặc chỗ khó quan sát, trong khi đơn giản chỉ cần giảm tốc độ và không lấn đường là đã hạn chế được nguy hiểm thì tại sao lại phải bấm còi báo hiệu và giữ nguyên tốc độ để rồi hối tiếc vì có tai nạn xảy ra?
Sở dĩ người Việt Nam bấm còi nhiều, theo tôi, đó là vì tính cả tin, đi trên đường tưởng rằng ai cũng lái xe giỏi như Schumi nên chỉ cần bấm còi báo hiệu là người khác tránh được và mình như đi vào chỗ không người. Nhưng nếu các bác tuân thủ theo nguyên tắc "lái xe phòng vệ" (defensive driving) tức là coi những người khác trên đường là những kẻ "điên" lúc nào cũng sẵn sàng lao vào mình thì ngay lập tức các bác sẽ luôn chú ý đến xung quanh và cảnh giác cao độ với những mối nguy hiểm có thể xảy ra. Và khi đó, còi cũng chẳng để làm gì thậm chỉ còn gây thêm nguy hiểm. Nếu các bác không tin, có thể kiểm chứng điều này bằng cách đi vào giữa một đàn bò rồi bấm còi mà xem!