Phần 2, mục IV, TT04/2008 có 14 tiểu khoản, trong đó duy nhất khoản 7 quy định về sử dụng đường “ngoài mục đích giao thông”.
khoản 8 và 9 nói tới “để” xe chung chung, không nói là trong hay ngoài mục đích giao thông cả.
IV. QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC SỬ DỤNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ
1. Đường đô thị phải được quản lý chặt chẽ trong phạm vi chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cao độ nền theo quy hoạch được duyệt.
2. Công tác phân luồng, kẻ vạch sơn, lắp đặt hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông phải tuân thủ theo quy định của Luật giao thông đường bộ.
3. Việc đào đường đô thị phục vụ xây dựng, lắp đặt các công trình ngầm phải tuân thủ các quy định sau:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào đường đô thị phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
b) Việc xây dựng các công trình ngầm dưới đường đô thị phải tuân thủ đúng quy hoạch, dự án thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
c) Khi xây dựng đường đô thị, phải xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật khác như thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước, cấp ga, cấp điện ... theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để tránh đào lên, lấp xuống nhiều lần.
d) Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy phép đào đường đô thị cho tổ chức, cá nhân có hồ sơ hợp lệ. Nếu từ chối cấp giấy phép , cơ quan này phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
e) Khi cấp phép đào đường đô thị, cơ quan cấp phép phải thông báo cho chính quyền địa phương nơi sẽ xây dựng để giám sát thực hiện.
f) Công tác xây dựng các công trình ngầm dưới đường đô thị phải bảo đảm an toàn cho công trình, cho công trình liền kề, bảo đảm an toàn và sự hoạt động bình thường của giao thông đô thị; bảo đảm vệ sinh, môi trường đô thị.
g) Chủ đầu tư công trình phải bảo đảm thực hiện đúng thời hạn và bảo đảm chất lượng về việc hoàn trả lại đoạn đường đã đào.
4. Việc lắp đặt các biển hiệu, quảng cáo phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về quảng cáo; các biển hiệu quảng cáo phải bảo đảm mỹ quan đô thị, không cản trở và không ảnh hưởng đến an toàn giao thông đô thị.
5. Xây dựng, lắp đặt các công trình nổi trên đường đô thị
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng, lắp đặt các công trình nổi gồm: hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, các công trình phục vụ công cộng trên đường đô thị phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
b) Các công trình nổi trên đường đô thị phải bảo đảm an toàn giao thông đô thị trong khi thi công cũng như trong khai thác sử dụng; bảo đảm tĩnh không đứng và ngang theo quy định đồng thời bảo đảm mỹ quan đô thị. Tổ chức, cá nhân khi xây dựng, lắp đặt các công trình nổi trên đường đô thị phải thực hiện đúng theo nội dung giấy phép và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
6. Bảo đảm vệ sinh môi trường
a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tham gia giữ gìn, bảo đảm vệ sinh vỉa hè, lòng đường trước trụ sở cơ quan, nhà riêng, không vứt rác, không để người khác đưa hàng hoá vật dụng tới bày bán, đổ rác, phế thải trên đường đô thị, làm mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trước cửa nhà, trụ sở cơ quan.
b) Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường trên vỉa hè, lòng đường sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật hiện hành.
7. Sử dụng tạm thời đường đô thị ngoài mục đích giao thông
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời đường đô thị ngoài mục đích giao thông phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong giấy phép.
b) Tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời đường đô thị ngoài mục đích giao thông phải bố trí lối đi thuận tiện, an toàn cho người đi bộ và phương tiện giao thông.
8. Sử dụng lòng đường đô thị làm nơi để xe phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Các yêu cầu về chiều rộng lòng đường
- Đối với đường hai chiều: Lòng đường tối thiểu là 10,5m thì cho phép để xe một bên; tối thiểu là 14,0m thì cho phép để xe hai bên.
- Đối với đường một chiều: Lòng đường tối thiểu là 7,5m thì cho phép để xe bên phải phần xe chạy.
b) Không gây cản trở cho các phương tiện giao thông; không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và các hoạt động bình thường của tổ chức, hộ gia đình hai bên đường phố.
c) Phù hợp với quy hoạch bến, bãi đỗ xe được phê duyệt; Uỷ ban nhân dân theo phân cấp quản lý có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch bến, bãi đỗ xe cho các đô thị trên địa bàn quản lý, trong đó trên cơ sở chiều rộng mặt cắt đường, loại đường phố, tính chất đường phố, khả năng thông xe ... quy định rõ danh mục tuyến phố được phép để xe.
d) Khi sử dụng lòng đường đô thị làm nơi để xe công cộng có thu phí thì ưu tiên đối với tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp nhà, công trình xây dựng dọc tuyến đường đó trong việc thuê chỗ để xe ở vị trí liền kề với nhà, công trình cho nhu cầu của bản thân mình.
9. Sử dụng hè phố vào việc để xe phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Không được cản trở giao thông của người đi bộ; phải bảo đảm bề rộng tối thiểu còn lại dành cho người đi bộ là 1,5m.
b) Phải ngăn nắp, gọn gàng bảo đảm mỹ quan đô thị.
c) Không để xe trước mặt tiền của các công trình văn hoá, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở; trên các tuyến phố tại trung tâm chính trị, văn hoá, du lịch.
d) Các điểm trông giữ xe công cộng trên hè phố có thu phí phải theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải bảo đảm thuận lợi cho người đi bộ, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ dân, chủ công trình trên tuyến phố.
10. Việc bố trí lối vào các công trình hai bên đường đô thị phải được xác định trong quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500. Đối với các khu phố hiện trạng, việc bố trí lối vào các công trình hai bên đường đô thị phải bảo đảm an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
11. Việc chiếm chỗ, sử dụng hè phố để xây dựng cửa hàng, lắp đặt mái che
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng các cửa hàng, kiốt trên hè phố phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
b) Việc xây dựng các cửa hàng, kiốt trên hè phố đối với các đô thị mới, đường phố mới phải được xác định ngay trong quy hoạch chi tiết, đối với các khu phố hiện trạng, chỉ được phép lắp đặt tạm thời các cửa hàng, kiốt phục vụ cho các dịp lễ hội, và phải tháo dỡ sau khi kết thúc lễ hội theo quy định của chính quyền địa phương.
c) Việc xây dựng, lắp đặt mái che mưa, che nắng phải tuân thủ các quy định của Quy chuẩn xây dựng và được xem xét đồng thời khi cấp phép xây dựng.
d) Chính quyền địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng cửa hàng nhỏ, lắp đặt mái che mưa, che nắng ; tổ chức dỡ bỏ của hàng, mái che mưa, che nắng không theo đúng quy định.
12. Quản lý cây xanh trên đường phố: Hệ thống cây xanh trên đường phố được quản lý và khai thác tuân theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng về quản lý cây xanh đô thị.
13. Sử dụng tạm thời hè phố cho việc cưới, việc tang
a) Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời hè phố cho việc cưới, việc tang phải xin phép chính quyền địa phương nơi cư trú.
b) Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra và cho phép sử dụng tạm thời hè phố cho việc cưới, việc tang.
c) Thời gian sử dụng tạm thời không quá 48 giờ và phải bố trí lối đi cho người đi bộ, chiều rộng tối thiểu của lối đi cho người đi bộ là 1,5m.
14. Sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa
Chỉ một số công trình, tuyến phố đặc thù mới được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục công trình và tuyến phố được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m;
b) Bảo đảm an toàn, thuận tiện giao thông; bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường đô thị và không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ gia đình, chủ công trình trên tuyến phố;
c) Không cho phép tổ chức kinh doanh buôn bán trước mặt tiền của các công trình văn hoá, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở.