“Nguy cơ kép” của bất động sản
09:23' 23/4/2011
Chủ đầu tư các khu đất nền đô thị mới cũng như chung cư ở TP Hồ Chí Minh đang tận dụng mọi cơ hội để tiếp thị, thậm chí là hạ giá dưới giá thành sản phẩm để bán hàng. Còn ở Hà Nội thì sao?
Giá đất nền cũng như căn hộ ở thành phố này dù đang ở mức được coi là khá rẻ song thị trường bất động sản thì vẫn ở trạng thái “đóng băng”.
Theo như công bố thông tin của các nhà đầu tư địa ốc, giá đất nền ở đây chỉ 35-40 triệu đồng cho những vị trí đẹp, thuộc các quận lớn. Còn giá chung cư hạng trung chỉ ở mức từ 12 – 15 triệu đồng/m² tùy vị trí giao thông nhưng hầu hết đều nằm cách trung tâm thành phố bán kính chỉ 7-15km.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản Hà Nội sẽ hạ nhiệt sau 3 năm nữa. Ảnh: Hồng Vĩnh
Còn ở Hà Nội thì sao?
Giá đất nền ở các khu đô thị mới phía Tây như Geleximco – Lê Trọng Tấn, An Khánh, Sông Đà, Thanh Hà – Cienco5..., cách trung tâm thành phố khoảng 10-15km đều đang được hét giá với mức từ 70 – 100 triệu đồng/m².
Những huyện thuần nông thuộc Hà Tây trước đây như Phúc Thọ, Thanh Oai, Quốc Oai, cách trung tâm thành phố từ 30 – 40km, giá đất mặt các lộ lớn cũng đang được hét với giá từ 30-40 triệu đồng/m². Hầu hết mọi dự án chung cư ven đô đều có mức giá từ 25-30 triệu đồng/m².
Các chung cư mới ở các quận cũ (Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa...) tiếp cận giá “trên trời” với mức giao động từ 35-50 triệu đồng/m².
Hà Nội năng động hơn, chật hẹp hơn, có đời sống cao hơn TP Hồ Chí Minh nên nhà đất đắt hơn? Không phải! Hà Nội mở rộng bây giờ đã có quỹ đất lớn gần gấp đôi nhưng đời sống kinh tế lại chưa lúc nào sôi sục và năng động bằng TP Hồ Chí Minh. Đó là điều mặc nhiên được thừa nhận từ bấy lâu nay! Các chỉ số đời sống qua thống kê cũng như thực tế đã cho thấy điều đó. Các chỉ số kinh tế cũng như mức độ trượt giá tiêu dùng hàng tháng của Tổng cục Thống kê công bố cũng cho thấy điều đó. Vậy thì cớ gì, nhà đất Hà Nội lại sục sôi, đắt đỏ gấp 2 – 3 lần so với TP Hồ Chí Minh?
Nhiều kiến giải đã được đưa ra. Nào là tâm lý tiêu dùng, tâm lý tích trữ, thói quen thời bao cấp, thậm chí là cả chuyện “tiền âm”, “tiền dương” v.v. Nhưng, nói như một giám đốc ngân hàng thương mại tại Hà Nội,
cái cốt lõi của cơn sốt nhà đất Hà Nội vẫn là đầu cơ. Hà Nội có hàng vạn người mua nhà nhưng chỉ có hàng trăm người mua để ở.
Bây giờ thì người người đi vay tiền ngân hàng để mua nhà nhưng nhà nhà lại đang “nằm” trong... ngân hàng!
Người ta vay để mua rồi lại mua để vay. Một vòng tròn khép kín không có hồi kết. Có nghĩa là, nếu có một hệ lụy nào đó của “cơn sốt đất”, không chỉ các gia đình nguy nan mà các tổ chức tín dụng cũng lao đao, khốn đốn.
“Bong bóng” nào thì cũng có lúc vỡ. Đã vỡ, “nguy cơ kép” là khó tránh!