Hộp số là một bộ phận rất quan trọng đối với hệ truyền động của một chiếc xe, bên cạnh đó hộp số còn quyết định đến trải nghiệm cầm lái khác nhau. Chính vì thế hãy cùng tìm hiểu các loại hộp số phổ biến hiện nay, bao gồm cả ưu và nhược điểm của chúng.
Hộp số trên ô tô là gì? có nhiệm vụ ra sao?
Hộp số là một bộ phận nằm trung gian giữa động cơ và các bánh xe. Hộp số có nhiệm vụ chính là làm thay đổi tỉ số truyền từ động cơ xuống các bánh xe dẫn động. Hộp số còn giúp thay đổi tốc độ và mô men xoắn ở các bánh xe. Bên cạnh đó, hộp số còn có thể ngắt động cơ với bánh dẫn động để động cơ có thể chạy không tải. Hộp số cũng cho phép xe tăng tốc nhanh khi dừng xe và cho phép động cơ chạy chậm hơn.
Ngoài ra, hộp số là trang bị cần thiết cho bất kỳ phương tiện cơ giới nào để ngăn động cơ bị hư hỏng. Nếu không có hộp số, động cơ ô tô sẽ quay quá nhanh dẫn đến hư hại động cơ. Hộp số cho phép động cơ làm việc một cách hiệu quả, tận dụng nhiều sức mạnh.
Hộp số sàn hay hộp số tự động, tất cả các hộp số xe ô tô về cơ bản đều có nhiệm vụ và hoạt động theo cùng một cách. Điểm khác biệt duy nhất là có chân côn, đòi hỏi phải vận hành thủ công để ngắt ly hợp hay không.
Các loại hộp số phổ biến trên xe ô tô
Hộp số sàn MT
Hộp số sàn hay còn gọi là hộp số tay là một loại hộp số cơ bản trên xe ô tô hay bất kỳ phương tiện cơ giới trên đường bộ nào. Hộp số sàn có ly hợp và có cơ chế điều khiển ly hợp thủ công thông qua đạp ly hợp (chân côn) để “cắt côn” khi người lái sang số (lên/xuống) số. Với hộp số tay, người lái phải học cách chọn số phù hợp với tốc độ và vòng tua máy khi đang vận hành xe.
Ưu điểm của hộp số sàn
Chi phí sản xuất và thay thế rẻ
Dễ dàng bảo trì và sửa chữa với chi phí thấp
Giúp xe vận hành tiết kiệm nhiên liệu hơn
Cho khả năng vận hành thú vị hơn
Nhược điểm của hộp số sàn
Vận hành xe đòi hỏi phải có kỹ năng để xe bảo đảm an toàn và vận hành ổn định
Nhiều thao tác khi vận hành, gây bất tiện khi cầm lái ở các điều kiện giao thông đông đúc
Các mẫu xe lắp hộp số hộp số sàn Việt Nam: Các bản thấp của xe hạng A như Hyundai i10, Toyota Wigo, Toyota Vios. Các bản thấp của xe bán tải và SUV như Ford Ranger, Toyota Hilux, Isuzu D-Max, Toyota Fortuner, Nissan Terra và hơn nữa.
Hộp số tự động AT (cơ bản)
Hộp số tự động về cơ bản có ly hợp tự động. Thay vì phụ thuộc vào sự điều khiển của người lái, thì các cảm biến, bộ xử lý, bộ truyền động được tích hợp sẽ vận hành ly hợp vào thời điểm hoàn hảo dựa trên tốc độ, chân ga và các yếu tố khác. Cụ thể, khi người lái đạp chân ga để tăng tốc, bộ chuyển đổi mô-men xoắn tích hợp sẽ phát hiện được sự thay đổi và tự động chuyển sang số cao hơn và ngược lại.
Vận hành xe sử dụng hộp số tự động người lái chỉ cần đạp chân phanh và chân ga, điều này cho phép người lái xe tập trung vào việc điều khiển xe hơn.
Ưu điểm của hộp số tự động AT
Nhược điểm của hộp số tự động AT
Chi phí sản xuất và thay thế cao hơn hộp số sàn
Chi phí bảo trì và sửa chữa cao hơn hộp số sàn
Tiêu hao nhiên liệu hơn hộp số sàn (không đáng kể)
Các mẫu xe lắp hộp số hộp số tự động (có cấp) ở Việt Nam: Toyota Fortuner, Toyota Land Cruiser, Toyota Camry, Hyundai SantaFe, Kia Sorento, Mazda3, Mazda6 và còn rất nhiều.
Hộp số tự động vô cấp CVT
CVT là viết tắt của hộp số tự động biến thiên liên tục (Continuous Variable Transmission). Nói một cách đơn giản, loại hộp số tự động này không sang số hoặc hộp số một cấp.
Hộp số tự động biến thiên liên tục sử dụng một hệ thống ròng rọc gồm 2 bộ phận hình nón (pulley) ở phía trên và phía dưới, hai pulley được kết nối bằng một dây đai hoặc xích. Một pulley cái được kết nối với động cơ và pulley còn lại truyền lực tới các bánh xe chủ động. Bộ điều khiển hộp số có nhiệm vụ để thay đổi đường kính của 2 pulley, giúp thay đổi tỷ số truyền thông qua đai truyền động.
Ưu điểm của hộp số tự động vô cấp CVT
Không bị giật cục thường gặp đối với các hộp số tự động và sàn, hoạt động mượt mà
Hộp số CVT được thiết kế để ít bảo trì bảo dưỡng
Tiết kiệm nhiên liệu, giảm lượng khí thải do tua máy thấp hơn và ít phải thay đổi số hơn.
Cấu tạo đơn giản, trọng lượng nhẹ hơn các hộp số khác
Nhược điểm của hộp số tự động vô cấp CVT
Các mẫu xe lắp hộp số hộp số tự động biến thiên vô cấp ở Việt Nam: Toyota Vios, Honda City, Honda Accord, Honda CR-V, Subaru Forester, Mitsubishi Outlander…
Hộp số tự động ly hợp kép DCT (Dual Clutch Transmission)
Hộp số tự động ly hợp kép DCT (Dual Clutch Transmission) là một loại hộp số có cấu tạo phức tạp và đắt tiền trên xe ô tô ngày nay. Hộp số này đã có từ rất lâu, nhưng hiện tại vẫn chưa phổ biến, chủ yếu là dùng trên các mẫu xe hiệu suất cao, xe sang đắt tiền.
Cụ thể, từ những năm 1980, hãng Porsche đã phát triển hộp số tự động ly hợp kép cho riêng mình với tên gọi PDK (Porsche Doppelkupplungsgetriebe) và sử dụng nó trên mẫu xe đua Porsche 962. Hiện tại, hộp số ly hợp kép PDK đã trở thành loại hộp số phổ biến trên xe Porsche. Ngày nay, các hãng xe khác như Hyundai và Ford… cũng “bình dân hoá” hộp số này trên các mẫu xe phổ thông.
Như tên gọi, về cơ bản, hộp số tự động ly hợp kép sử dụng 2 ly hợp được điều khiển bằng bộ điều khiển để đảm bảo quá trình chuyển số diễn ra một cách tức thì khi đang vận hành, đảm bảo quá trình chuyển số không bị gián đoạn hay chậm trễ. Quá trình lựa chọn số đã được tự động hóa để hộp số này có thể hoạt động như một hộp số tự động thông thường, nhưng không chọn các bánh răng giống như cách mà hộp số tự động thông thường hoạt động bằng bộ biến mô.
Hộp số ly hợp kép có thể chuyển từ hộp số này sang hộp số khác rất nhanh chóng, bởi vì hộp số này có hai trục riêng biệt với bộ ly hợp để đổi bánh răng, đảm bảo việc chuyển đổi bánh răng một cách liền mạch.
Quá trình chuyển đổi số chỉ mất thời gian khoảng vài phần nghìn giây, giúp hộp số này hoạt động nhanh hơn nhiều so với hộp số tự động và hộp số sàn thông thường. Chính vì thế, hộp số này thường được dùng ở các mẫu xe đề cao tiêu chí vận hành, hay các mẫu xe đua, vốn quyết định thắng thua chỉ trong vài giây.
Ưu điểm của hộp số tự động ly hợp kép
Thời gian chuyển số nhanh chóng, không bị gián đoạn
Tối ưu được hiệu suất của động cơ
Vận hành xe thú vị và phấn khích hơn
Tăng tốc nhanh hơn
Nhược điểm của hộp số tự động ly hợp kép
Các mẫu xe lắp hộp số hộp số tự động ly hợp kép ở Việt Nam: Porsche 718, Porsche 911, Ford Focus (đời cũ), Hyundai Elantra Sport, Hyundai Kona
Nên chọn loại hộp số nào?
Ngày nay, hộp số được các hãng sản xuất lựa chọn lắp trên các dòng xe luôn dựa vào mục đích, giá thành để phù hợp với nhu cầu của người mua.
Nếu đề cao sự nhàn rỗi, nhu cầu sử dụng đi lại bình thường, điều kiện thường xuyên lái xe trong thành phố, hộp số tự động là một lựa chọn hàng đầu. Nếu đề cao hiệu suất và trải nghiệm lái xe, chi phí mua xe cao, thì người mua nên chọn xe được trang bị hộp số tự động ly hợp kép để tăng trải nghiệm cầm lái.
Bên cạnh đó, nếu các bác là một người thích lái xe theo kiểu truyền thống, ưa thích lái xe thể thao thuần túy, hay chi phí mua xe thấp, đề cao sự tiết kiệm nhiên liệu, thì hộp số sàn chính là sự lựa chọn.
>>> Xem thêm