Vì sao tài già vẫn lật xe khi đổ đèo?
Lái xe khách trên 30 chỗ cần ít nhất bằng E, xếp vào hạng tài già với khả năng xử lý thành bản năng. Nhưng sao họ vẫn một năm đôi ba lần lao xe xuống vực?
Chuyến xe khách định mệnh đi tuyến Sapa - Lao Cai ngày 1/9 một lần nữa làm chúng ta đặt lại câu hỏi "Đổ đèo nguy hiểm vậy sao?". Từ Tây Bắc tới Lâm Đồng, các vụ tai nạn nghiêm trọng hầu như chỉ xảy ra khi đổ dốc. Còn lên dốc thì rất hiếm gặp. Điều đó chứng tỏ rõ ràng rằng kỹ năng tài xế, hoặc cấu trúc đường sá, hoặc đặc trưng phương tiện có điểm sai nào đó.
Trước hết, chúng ta cần thống nhất rằng lái xe khách trên 30 chỗ phải có bằng E trở lên, ít nhất 25 tuổi và đủ sức khoẻ. Việc nâng hạng cũng theo tuần tự. Từ hạng B2 hoặc C lên D rồi mới lên E, cuối cùng là EF cho container và sơ-mi rơ-mooc. Không thể đi tắt một bước lên hạng E.
Như vậy, có thể nói họ thừa kinh nhiệm để biết kỹ năng lái và xử lý các tình huống lên dốc xuống đèo ở mọi cung đường, mọi thời tiết mưa-nắng, ngày-đêm. Không thể nói họ không hiểu về luật giao thông, cũng như nguyên lý cấu tạo, hoạt động của các bộ phận chính trên xe, đặc biệt là các thiết bị an toàn.
Dạy họ lái xe như thế nào thật quá là múa rìu qua mắt thợ. Nhưng sao tai nạn vẫn xảy ra?
1/ Chủ quan:
- Tự tin quá ư vào tay lái, cảm giác lái của mình, nên hay xử lý "già" cộng với áp lực quay đầu tăng chuyến dẫn tới việc phóng nhanh vượt ẩu, phanh gấp, coi thường tính mạng bản thân và của người khácc. Với đèo dốc cong cua sự tự tin thể hiện ở chỗ
thích dùng số cao, số 4 hoặc số 3 trong dải 5 số cho thoát máy, đớp phanh để nhanh lấy lại tốc độ; chỉ dồn số khi có tình huống bắt buộc phải giảm tốc.
[xtable=bcenter|border:0|cellpadding:2|cellspacing:0]
{tbody}
{tr}
{td}
{/td}
{/tr}
{tr}
{td}
Chiếc xe khách mất lái rơi xuống vực trên đường đèo Lào Cai-Sapa tối ngày 1/9. Ảnh: T.L.{/td}
{/tr}
{/tbody}
[/xtable]
Thậm chí họ tự tin tới mức dám cắt côn ra mo tại nơi đèo dốc để trải nghiệm cảm giác phiêu linh, hoặc để tiết kiệm chút xăng/dầu không đáng kể. Một nghìn lần, một vạn lần đi như thế an toàn càng làm tăng cảm giác về tài già tay lái lụa. Nhưng một vạn lẻ một lần thì tai nạn xảy ra và chấm hết!
- Tự tin thái quá về việc chuyên tuyến, tỏ rõ đường đi lối về, thuộc từng gốc cây ngọn cỏ, ổ gà ổ trâu, thuộc từng vị trí bắn tốc độ, trạm CSGT. Việc thông thuộc địa hình và kỹ năng lái xe tốt đáng ra là may mắn với hành khách. Nhưng thái quá thì sẽ ngược lại. Giống như quy luật "cái gì thái quá thì đứng không vững".
- Tự tin vào xe đời mới. Vừa được bảo dưỡng thay thế xong nên không cần phải kiểm tra trước mỗi chuyến đi. Không dừng nghỉ kiểm tra trước khi lên xuống đèo dốc dài quanh co nguy hiểm.
- Tự tin vào sức khoẻ, vảo tửu lượng nên khi có mệt một chút, buồn ngủ một chút, hơi men một chút.. Nhưng bất chấp, vẫn chạy và chạy "điên" hơn. Nhất là khi có sự "động viên, khích lệ" từ phía nhà xe.
- Tự tin về sự "to cao" của phương tiện nên rất hay đè đầu, chèn ép, cướp đường của các phương tiện nhỏ hơn. Không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra bởi sự càn lướt do lấn ép, không nhường của xe to.
- Tự tin về "quan hệ" của chủ xe - nhà xe, mặc dù hiểu luật GT nhưng vẫn bắt chấp luật lệ phóng nhanh vượt ẩu để tranh giành khách miễn tăng doanh số, mọi lỗi vi phạm nhà xe sẽ lo. Tai nạn thảm khốc cũng một phần từ đây.
2/ Từ ngoại cảnh:
- Nhà xe gây áp lực về doanh thu buộc lái xe phải tăng ca, tăng chuyến dẫn đến mệt mỏi và căng thẳng nên xử lý tình huống không được tốt.
- Khi căng thẳng mệt mỏi thường tìm đến chất kích thích như trà, cafe, thuốc lá. Lạm dụng chất kích thích thời gian kéo dài làm hưng phấn giả tạo, thực chất phá sức rất nhanh nếu không kèm chế độ ăn uống hợp lý.
- Do khai thác tối đa thời gian chạy xe, nên qui trình bảo dưỡng thường bị chậm hoặc trôi qua nhiều ngày dễ gây mất an toàn.
- Do chưa quen đường hoặc cung đường lâu lâu mới đi nay đã có sự thay đổi.
- Do thời tiết xấu hoặc đột ngột thay đổi khi đang khởi hành.
- Do biển báo chưa hợp lý hoặc thiếu.
- Do mặt đường quá kém. Hoặc do thiết kế đặc biệt là đường dốc cong cua không phù hợp với chiều cao và chiều dài cơ sở của phương tiện. Bán kính và độ dốc hướng tâm không phù hợp với phương tiện quá khổ mà không có biển cảnh báo phù hợp ngay từ dưới chân đèo dốc.
- Do các phương tiện khác bất ngờ gây nên.
3/ Cách hạn chế:
a/ Với lái xe:
- Trau dồi kiến thức pháp luật, luật giao thông đường bộ, văn hoá ứng xử.
- Rèn luyện sức khoẻ. Có lối sống lành mạnh.
- Kiểm tra bảo dưỡng xe thường xuyên. Vào gara thăm khám ngay nếu xe có hiện tượng lạ. Chăm sóc các thiết bị an toàn một cách đặc biệt.
- Xe khách không chở người quá qui định. Xe tải không chở quá khổ quá tải. Hàng hoá phải xếp cân xe và chằng buộc chắc chắn tránh xô lệch khi đi đường xấu đường vòng dốc quanh co.
- Cập nhật bản đồ mới nhất về cung đường sẽ đi. Cập nhật thời tiết. Tìm hiểu mọi thông tin về nơi cần đến.
- Trước khi lên dốc xuống đèo phải đọc kỹ biển báo. Dừng lại cho người và xe nghỉ ngơi, kiểm tra thiết bị an toàn xe trước khi lên dôc xuống đèo quanh co, dốc dài, đường hẹp, phương tiện đông.
- Đường đèo dốc quanh co, nguy hiểm như cung đường Tây bắc thường xuyên bị mây mù che phủ, tầm nhìn rất hạn chế, đường trơn trượt. Phải bật đèn và đèn sương mù, đi tốc độ thấp, sử dụng còi, đèn pha cốt khi gần vào khúc cua. Tìm chỗ ẩn náu thật an toàn khi mưa to, có dấu hiệu lũ quét, lở đất.
- Cái nắng xiên khoai ở đường miền núi đèo dốc bao giờ cũng là nỗi khiếp sợ của tài xế cả hai hướng, nên cần trang bị kính râm và tấm chắn nắng mới an toàn.
- Khi lên dốc phải đi số phù hợp với độ dốc, chiều dài dốc và bề mặt đường, giữ khoảng chách an toàn với xe phía trước. Tuyệt đối không vượt ở đầu dốc và lấn làn tại khúc cua.
Trước khi xuống dốc phải giảm tốc độ, về số. Khi tới dốc ước lượng độ dốc, khoảng cách, tình trạng mặt đường, thời tiết...để tiếp tục về số thấp hơn. Độ dốc lớn, dốc dài quanh co nên đi số 2 thậm chí số 1. Tuy có gằn máy nhưng an toàn. Chủ yếu tăng và giảm tốc bằng ga, hạn chế dùng phanh. Tuy nhiên sẵn sàng dùng phanh để giảm thêm tốc độ và dừng hẳn khi cần thiết. Chỉ có phanh mới dừng được xe. Việc không dùng phanh khi xuống dốc là sai lầm và thật tai hại khi vào cua mà không nhấp phanh.
- Ở đường miền núi độ dốc không quá 12%, khoảng gần 7,2 độ. Với chiều dài cong cua vắt vẻo từ đông quả núi này sang tây quả núi kia hoặc xoắn ốc hết cả quả núi này liên thông với quả núi khác, với chiều dài hàng cây số, thậm chí hàng chục cây số thì độ chênh cao quả là khủng khiếp. Do vậy hãy lượng sức xe mình mà đi. Một anh Kia Morning 1.1 số AT thì đừng lên Tây Bắc làm gì. Nếu không lượng sức vừa leo dốc việt dã vừa ủn ỉn muốn vượt anh tải 30 tấn, gặp chiều ngược lại một anh giường nằm mất phanh đang phăm phăm lao xuống thì anh Kia chỉ kịp còi lên như tiếng thất thanh và chớp chớp cái pha như chớp mắt rồi R.I.P mà thôi.
b/ Với cơ quan chức năng:
- Xem lại, cần nâng trình độ học vấn như một tiêu chí bắt buộc để cấp GPLX từ tốt nghiệp cấp 2 (PTCS) như hiện nay lên tốt nghiệp cấp 3 (THPT). Vẫn biết trình độ học vấn không đồng nghĩa với trình độ văn hoá và đạo đức. Nhưng dù sao có học vẫn hơn. Lái xe tải, xe Bus, taxi, xe khách...nên tuyển kỹ lưỡng hơn.
- Xem lại việc tuyên truyền giáo dục luật giao thông như hiện nay có phù hợp? Khung giờ vàng trên truyền hình quảng cáo nhiều thứ linh tinh quá. Hãy dành thời lượng để có trách nhiệm với xã hội. Game show giao thông được đầu tư và tài trợ khủng như các game show truyền hình thực tế khác thì ý nghĩa biết mấy.
- Hãy để sinh viên tình nguyện tập trung học tập và nghiên cứu khoa học, nghĩ ra cái gì hay ho cho đất nước là chính. Các em đứng đường hít bụi hỗ trợ điều tiết giao thông không thấy hiệu quả và rất hình thức. Để việc hỗ trợ điều tiết giao thông cho lực lượng khác chuyên trách hơn, như thanh niên tự quản, dân phòng trật tự.
- Với đường miền núi đèo dốc cần có đầy đủ biển báo hiệu đường bộ. Những đèo dốc cong cua nguy hiểm phải bổ sung đèn chiếu sáng, gương cầu, gờ giảm tốc, đường lánh nạn theo tiêu chuẩn. Cọc tiêu, lan can phải chắc chắn, có sơn phản quang
- Đường đèo dốc, khổ đường hẹp, cua gấp nguy hiểm không phù hợp với xe khách 2 tầng, xe trọng tải lớn phải đặt biển cấm, biển hướng dẫn ngay từ chân đèo dốc.
- Cấp bản đồ, thông tin về đèo dốc dài cho các lái xe không chuyên tuyến khi họ yêu cầu.
- Với dốc nguy hiểm yêu cầu lái xe kiểm tra tình trạng an toàn trước khi lên đèo, xuống dốc.
- Bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, cứu hộ, hướng dẫn giao thông 24/7. Xử lý nghiêm các lỗi vi phạm của lái xe. Thu hồi giấy phép của nhà xe nào không quản lý được lái xe, thường xuyên bị xử phạt hoặc hay gây va chạm giao thông.
- Ban quản lý đường bộ khu vực cần thường xuyên duy tu bảo dưỡng, đề xuất ý kiến.
- Nhà xe phỉa có tổ chuyên trách quản trị hệ thống định vị, giám sát từ xa với phương tiện và lái xe khi TGGT.
4/ Xử lý tình huống khi xuống dốc mất phanh
Nếu người lái xe có kỹ năng lái tốt, đạo đức nghề nghiệp tốt. Nhà xe không quá tham khai thác tận thu, biết quản lý người và phương tiện, bảo dưỡng định kỳ thì khó có thể xảy ra chuyện mất phanh.
Nếu xảy ra mất phanh thì về mặt lý thuyết vẫn có nhiều cách xử lý. Tuy nhiên chưa có một lý thuyết nào hiệu quả trong thực tế vì thực tế luôn muôn hình vạn trạng. Giữa lý thuyết và thực tế vẫn còn khoảng cách quá xa.
Mất phanh khi xuống dốc, phớt lờ bản năng, giữ chắc tay lái, ổn định hướng, nhồi phanh liên tục để lấy lại áp lực dầu, vù ga cho đồng tốc dồn số thấp, dùng nốt phanh tay để giảm tốc, cố gắng điều khiển xe sát lề... Trường hợp xấu nhất cho xe cà trớn vào vách núi.
Lý thuyết này hình như đã được lái xe định mệnh áp dụng, nhưng chưa kịp thực hiện hết bởi thời gian tính bằng tích tắc với tinh thần hoảng loạn, ngần ấy thao tác, ngần ấy bước quả quá khó, ặp Kia Morning ủn ỉn lên dốc và liếm vào phần đường của xe khách. Không còn cách nào khác cú vận vô-lăng ở dốc đường mưa trơn trượt, trời tối không đèn đường làm chiếc xe cồng kềnh xấu số mất lái hoàn toàn và điều khủng khiếp nhất xảy ra.
Với nhiều tài già có kinh nghiệm đi đường núi quanh co cho rằng ở trường hợp như vụ trên nên đánh lái quyết đoán sang trái đồng thời tắt khoá điện để tạo ra cú lật và trượt xe ngay trên mặt đường...Có thể số người chết và thương vong sẽ giảm, công tác sơ cứu, cứu hộ và giải quyết sự cố thuận lợi hơn.
Mất phanh thường xảy ra ở hành trình gần cuối dốc và hoàn toàn bất ngờ. Nguyên nhân dẫn đến mất phanh có nhiều nhưng phần chính thuộc về lái xe, về cả yếu tố bảo dưỡng và kỹ năng lái.
Nguyễn Phúc Tâm
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả