Đừng mất tiền oan vì cảm biến ô-xy</h1>
Trong nhiều trường hợp, do nhiên liệu kém chất lượng hoặc hư hỏng ở hệ thống phun nhiên liệu nhưng động cơ vẫn báo lỗi cảm biến ô-xy.
Cần hết sức thận trọng khi thay thế cảm biến ô-xy để tránh "tiền mất tật mang"
Chức năng của cảm biến ô-xy
Hầu hết các xe ôtô mới hiện nay đều được trang bị bộ trung hòa khí thải để giảm nồng độ khí thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, bộ trung hòa khí thải chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi hệ số dư lượng không khí dao động trong một khoảng rất nhỏ (xấp xỉ bằng 1, tức là tỷ lệ không khí/nhiên liệu tiệm cận lý tưởng). Vì vậy, cảm biến ô-xy được sử dụng để khắc phục nhược điểm này.
Cảm biến ô-xy rất nhạy với nồng độ ô-xy có trong khí thải. Khi nồng độ ô-xy có trong khí thải thay đổi, tín hiệu điện áp từ cảm biến này truyền tới ECU thay đổi theo và từ đây ECU sẽ tính toán và quyết định việc bổ sung hay giảm bớt nhiên liệu cung cấp để đưa hỗn hợp cháy trở về giá trị tối ưu nhất.
Vị trí lắp cảm biến ô-xy
Theo chức năng của cảm biến ô-xy thì nó được đặt trên đường ống xả nhưng ở vị trí gần động cơ hơn để tận dụng nhiệt độ khí thải, đảm bảo nhiệt độ làm việc. Thông thường trên xe chỉ sử dụng một cảm biến ô-xy, nó được đặt trước bộ trung hòa khí thải, nhưng ở một số xe (thường là xe nhập khẩu) có tiêu chuẩn khí thải cao thì có tới 2 cảm biến ô-xy. Cái thứ 2 được đặt phía sau bộ trung hòa khí thải, có tác dụng kiểm tra tính hiệu quả của bộ xúc tác này, đảm bảo nồng độ khí thải luôn đạt tiêu chuẩn.
Ảnh hưởng
Ảnh hưởng đầu tiên cần nhắc tới khi cảm biến ô-xy bị hỏng là hàm lượng các chất gây ô nhiễm trong khí thải tăng cao và mùi xăng sống rất nặng do hệ số dư lượng không khí không được kiểm soát, bộ xúc tác làm việc kém hiệu quả.
Hầu hết các trường hợp, khi cảm biến ô-xy chết sẽ khiến xe tốn xăng hơn bình thường và kèm theo hiện tượng máy hơi rung khi ở tốc độ thấp hoặc ở chế độ không tải. Hệ thống phun nhiên liệu luôn tính toán được lượng nhiên liệu tối ưu nhất để cung cấp cho động cơ, nhưng ECU chỉ có thể tính toán dựa trên tín hiệu từ cảm biến lưu lượng khí nạp chứ không phân tích được tỷ lệ ô-xy có trong lượng khí nạp đó. Vì vậy sẽ dẫn tới tình trạng trong điều kiện không khí ít ô-xy nhưng lượng nhiên liệu cung cấp vẫn được tính đủ cho lượng khí nạp đã hút vào dẫn tới thừa xăng.
Cảm biến ô-xy chết không ảnh hưởng nhiều tới khả năng hoạt động của xe nhưng đèn báo check sẽ sáng. Và chính điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý lái xe, khiến lái xe luôn cảm thấy bất an khi xe lăn bánh trên đường.
Hư hỏng thường gặp
Tuổi thọ của cảm biến ô-xy phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng nhiên liệu. Ở Việt Nam, chất lượng nhiên liệu thấp, nhiều tạp chất nên khí thải dễ phá hủy thành phần nhạy cảm với ô-xy khiến cảm biến mất khả năng làm việc. Tuổi thọ trung bình của cảm biến ô-xy ở Việt Nam khoảng 8 - 10 vạn ki-lô-mét.
Có nhiều trường hợp đèn check động cơ nổi sáng nhưng nguyên nhân chỉ đơn giản là đứt dây điện hoặc cảm biến ô-xy bị biến dạng, gãy. Cũng có những trường hợp mặc dù đèn check không sáng nhưng xe lại rất tốn xăng mà nguyên nhân là cảm biến ô-xy bị bám nhiều muội than khiến độ nhạy với nồng độ ô-xy giảm. Khi đó chỉ cần vệ sinh sạch là có thể khắc phục được tình trạng như trên.
(nguồn
http://news.otofun.net)