Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Chính phủ nên đề ra một lộ trình là đến năm bao nhiêu đó tất cả xe công phải dùng xe xanh, xe thuần điện chứ không dùng xe khác nữa.
*Ảnh dàn xe VinFast VF8 làm xe công vụ bên Lào
Nên có lộ trình tất cả xe công phải dùng xe xanh, xe thuần điện
Theo bà, chúng ta cần có những hành động như thế nào để khuyến khích chuyển đổi xanh trong các lĩnh vực nói chung và giao thông nói riêng?
Chuyển đổi xanh là việc phải thực hiện như được cam kết cho chính bản thân mình, vì chính cuộc sống của mình. Tình trạng bụi mịn như vậy, sức khỏe của đồng bào bị ảnh hưởng như vậy, bao nhiêu vấn đề môi trường xảy ra trên đất nước này, nó tác động đến chính số phận của 100 triệu người Việt Nam, tương lai của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Ngoài việc đóng góp chung cho làm xanh hóa toàn cầu thì chính chúng ta phải nghĩ đến chính bản thân mình. Các chương trình của chính phủ đề ra, các bộ, ngành thực hiện nên tập trung trước hết cho người dân Việt Nam cải thiện môi trường sống của mình, có cuộc sống tốt đẹp hơn, an toàn hơn.
Để thực hiện thì không thể để những đơn vị như VinFast, khối doanh nghiệp làm thôi thì không được. Tôi nghĩ cần sự chung tay từ chính phủ. Tại sao chính phủ không đề ra một chương trình là đến năm bao nhiêu đó tất cả xe công phải dùng xe xanh, xe thuần điện chứ không dùng xe khác nữa.
Thứ hai, các tổ chức, doanh nghiệp, xã hội nếu chuyển sang phương tiện xanh thì nên có sự khuyến khích nhất định về thuế hoặc phí môi trường.
Cái đó không lớn nhưng trên thực tế khi người ta làm được như vậy thì người ta cũng đã góp phần vào làm giảm ô nhiễm môi trường rồi, thì phí môi trường sẽ không đánh như đối với các phương tiện khác không xanh, hoặc các công trình, dự án không theo tiêu chí xanh.
Doanh nghiệp là đối tượng mà đang phải thực hiện cả 2 cuộc chuyển đổi cùng một lúc là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Thì việc chuyển đổi xanh, muốn cho người ta làm tốt, rất nên có một cơ chế khuyến khích chứ không phải chỉ một chiều là thu thuế hoặc là phạt nặng đối với những người làm không tốt.
Từ chuyện đó bà thấy có thể làm sao để thay đổi suy nghĩ của người dân và tiến tới đạt mục tiêu của chương trình đề ra?
Theo tôi hoạt động như của Vingroup, VinFast rất đáng hoan nghênh khi đưa ra những dòng xe mới, kể cả những dòng xe với chi phí khá thấp có thể giúp cho nhiều người hướng tới được hơn. Đấy là việc rất đáng hoan nghênh.
Hai là, khi sử dụng xe điện ngoài giá cả thì hệ thống dịch vụ sau bán hàng tốt nên tạo ra sự thường xuyên cho người sử dụng, như ở gia đình tôi chẳng hạn.
Ngoài ra, như tôi đã nói, chính phủ rất cần làm. Tôi cứ ước ao chính phủ đưa ra những quy định, chẳng hạn, từ năm đến 2035, chúng ta chuyển đổi tất cả xe công kể cả xe bus, các phương tiện khác nhau, đã là dịch vụ công cộng thì dùng như vậy.
VinFast đã đưa ra những bước đi rõ ràng, thậm chí có ưu đãi lớn cho người dùng xe điện.
Bà đánh giá những bước đi của VinFast đã lan tỏa ra xã hội như thế nào để hướng tới mục tiêu về Net zero vào năm 2050?
Tôi nghĩ cách làm của doanh nghiệp với những biện pháp rất cụ thể cho người tiêu dùng thấy được sẽ động viên thực sự người tiêu dùng đi theo VinFast để phát triển xanh của Việt Nam.
Ngoài chuyện về xe thì tôi cũng rất lo về chuyện năng lượng. Có vài năm chúng ta phấn khởi Việt Nam là một trong những nước phát triển rất nhanh về năng lượng tái tạo trong khu vực, nhưng 1-2 năm gần đây chững lại vì thay đổi chính sách.
Có những thay đổi không hiểu nổi. Người ta đang làm điện trên mái nhà tốt bao nhiêu thì bây giờ đưa ra chính sách không cho làm thậm chí làm còn hơi khó. Đối với doanh nghiệp muốn đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo nhưng thay đổi chính sách, giá cả, chi phí liên tục. Chính phủ phải có những cam kết rõ ràng, ổn định, dài hạn hơn.
Theo bà, khi doanh nghiệp đưa ra thông điệp cần cả xã hội chung tay thì có thể hiểu nhầm đây là ủng hộ một doanh nghiệp ngoài mục đích xã hội không?
Tôi nghĩ việc gì cũng cần người tiên phong, đi đầu, dám làm rồi mới kêu gọi những người khác đi cùng. Chứ không có ai dám làm, ai cũng ngần ngại thì sẽ không thể có được cái gì. Trong trường hợp của xe điện ở nước ta thì VinFast là người đi đầu.
Người tiên phong thường là người phải hứng chịu rất nhiều điều. Nhiều khi vận động chính sách thì bị người ta hiểu là vận động cho bản thân mình, nhưng khi người ta thấy tác động xã hội thì sẽ thấy.
Hai là, về khát vọng toàn cầu thì thực sự tôi cũng chia sẻ khát vọng đó. Nói thật bao nhiêu năm nay chúng ta từ khi đổi mới cứ tự hào thu hút đầu tư nước ngoài nhiều, nhưng càng tỷ lệ đầu tư nước ngoài cao trong xuất khẩu, công nghiệp, đóng góp vào nền kinh tế của Việt Nam, tôi càng buồn.
Vì như vậy tức là nội lực của ta yếu đi so với nước ngoài. Sao mà 1 đất nước 100 triệu dân, quy mô kinh tế ngày càng lớn như thế này mà lại chỉ dựa chủ yếu vào nước ngoài được? 75% xuất khẩu trong tay người nước ngoài rồi. Hơn 50% công nghiệp chế tạo cũng trong tay nhà đầu tư nước ngoài.
Chuyển đổi xanh khiến chi phí tăng lên nhưng lợi ích lớn hơn nhiều
COP26 thì có một số ý kiến trong nước là doanh nghiệp thực hiện cam kết mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng chi phí sản xuất cũng như chi phí tiêu dùng, do chi phí đầu vào tăng lên thì dẫn đến chi phí tiêu dùng cũng tăng lên theo. Bà có quan điểm như thế nào về việc cân bằng giữa những lợi ích khác nhau này?
Tôi nghĩ về cơ bản lợi ích vẫn lớn hơn hẳn. Chi phí có thể trước mắt tăng lên, nhưng mà ít nhất nếu nó giảm đi thì tất cả những vấn nạn về môi trường đối với các ngành sản xuất của mình, ví dụ như nông nghiệp chẳng hạn, đỡ bị hạn hán, đỡ bị mất mùa, đỡ bị thiên tai, nó sẽ làm cho giá nông sản, giá lương thực ổn định.
Thứ hai, đỡ những chi phí về y tế, gánh nặng về y tế, về sức khỏe. Điều quan trọng nhất, nói cho cùng, lợi ích lớn hơn chi phí ban đầu để đầu tư. Đầu tư ban đầu phải có thì mới chuyển đổi xanh được. Nhưng sau khi đầu tư chuyển đổi xanh xong thì những lợi ích thực tế gặt hái được là rất lớn.
Nên thực tế thì một số doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong doanh lĩnh vực nông nghiệp, chuyển đổi xanh xong khoảng vài ba năm thì những lợi ích, thu nhập được thấy cao hơn hẳn so với trước khi chuyển đổi xanh. Nên tôi nghĩ là nhìn về lợi ích và chi phí thì nên nhìn nó dài hạn hơn một chút, chứ nếu mà thầy lo về chi phí đầu tư ban đầu thì sẽ không dám làm gì cả và không làm gì được.
Như bà nói thì các chính sách của mình vẫn ở mức kêu gọi chứ chưa phải hành động cụ thể?
Đúng thế, lời kêu gọi chung chung, một chủ trương chung chung, không cụ thể hóa ra thành chính sách cụ thể được thì nó sẽ không đưa vào cuộc sống được.
Xem thêm:
Theo
baogiaothong