Cái Suối Mơ - Trà Cổ lại không nằm trong ý định đầu tư, vì tuy em có thích nhà vườn, cây trái, ao cá, nhưng chẳng biết gì về nó, thêm nữa mình chưa nghỉ hưu để ở vậy sẽ tốn kém chăm sóc ít nhiều là tiêu sản chứ không phải tích sản. Nhưng em lại quá may mắn, vị trí nhà vườn đường đất (rất ghét) nhưng chỉ cách du lịch Suối Mơ tầm 2,5km đi đường vòng, nếu mai mốt địa phương làm đường nối thẳng (nghe đồn) thì chưa tới 1km. Chủ vườn gắn bó hơn 10 năm nên nhà cửa, ao cá, cây trái, tưới tiêu đầy đủ, họ cũng tiếc phải bán nhưng vì cần mua nhà saigon cho con và họ còn vườn khác, tuổi cao làm không xuể. Vườn rộng 3,5ha có 600m2 thổ cũng yên tâm là khu dân cư, thu nhập chủ nói tầm 2,2 tỷ/ năm từ hơn 500 cây Sầu Riêng và ít cây trái khác, rồi cá dưới ao, nuôi thêm gà...trừ chi phí tầm 700 triệu/năm thì lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ/năm, chủ bán gấp 7 tỷ. Lúc đầu em 'choáng' vì em làm công ty 20 năm giờ doanh số rất lớn mà lợi nhuận không quá 1 tỷ/năm, sao làm nông dân giàu vậy. Khi người nhà của chủ đất muốn thuê 800 triệu/năm (họ ko có tiền để mua) em ký hợp đồng 3 năm luôn. Lúc đó em nhận xét tỉ suất cho thuê rất cao, chỉ hơn 8 năm là lấy vốn, trong khi chung cư cần 20 năm, nhà phố 30 năm (mua nhà 10 tỷ cho thuê 300 triệu/năm), tuy mức tăng giá bđs và tính ổn định giá thuê khác nhau theo thời gian nhưng vậy là quá ổn.
Sau có người bạn thích bảo kiếm 1 miếng tương tự nhưng em không tìm ra, có chỗ tương tự (khu vực khác) thì năng suất cây trái không nhiều do thổ nhưỡng kém, hoặc nơi có năng suất thì giá trị đất rẻ (Lâm Đồng, hoặc xen đất rừng, đất trồng cây không được lên thổ), hoặc chủ yếu cây trái mới trồng chưa thu nhập, hoặc giá đất cao...
Trong các bđs đầu tư Tỉnh lẻ chỉ duy nhất vườn này cho thu nhập, còn lại đều để trống hoặc thu cực thấp với gánh nặng lãi vay. Có đất trồng cao su em để người quen chủ đất cũ chăm sóc thu hoạch (cao su mất giá), có đất trồng Điều cho đứa em bạn thuê 10 triệu/năm...vì chủ trương sẽ bán trong thời gian sớm nhất.
Sau khi tích lũy kinh nghiệm...11 tháng về bđs, em thấy rằng có nhiều kênh đầu tư hơn, có không ít người nông dân khá giả chỉ cần có đất, chỉ cần trồng trọt cây có giá trị kinh tế cao. Bạn em ở xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam trồng Thăng Long, nó bảo 1/3 hộ dân ở xã có xe hơi (500 triệu là có xe mà), người ít thì 2 mẫu, người nhiều thì vài chục mẫu (giờ đọc tin tức đoán nó..khóc ròng). Có lần nó tranh luận cùng em, nó nói 1 câu em không phản biện được. Nó bảo người thì đẻ nhưng đất không đẻ (há..há dễ như 1+1), nhưng đố ông biết đất phi nông nghiệp và đất nông nghiệp cái nào nở ra cái nào hẹp lại. Rõ ràng khi phát triển kinh tế, đô thị hóa nông thôn, ngành công nghiệp/ dịch vụ tăng tỉ lệ còn ngành nông nghiệp giảm tỉ lệ (Việt Nam là nước nông nghiệp nên kém các nước phát triển chỗ này), chỉ chuyển đổi đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp, chỉ có chính sách chuyển đất lúa sang đất thổ chứ không chính sách nào làm ngược lại, lấy đất thổ (thành phố/ đô thị) chuyển thành đất lúa và mình không đến văn phòng làm việc mà đến cày lúa...ha..ha. Vì vậy theo thời gian đất nông nghiệp sẽ ít đi, mà hiếm thì tăng giá (nói rõ em không mù mờ nói đất trồng lúa mà biết vạn năm không chuyển đổi).
Nếu sắp tới bán được các miếng đất đầu tư này mà có lời em rất mừng, bởi nguyên tắc kinh doanh là phải mua phải bán, phải chuyển hàng hóa thành tiền tệ và tiếp tục vòng luân chuyển, miễn sao mua A bán A+ là được (dù mua lại chính nó không được cũng bình thường). Lúc này em sẽ tìm hiểu thêm về quy luật khu vực tương lai được quy hoạch (phát triển hạ tầng nhà ở, khu phức hợp/ kinh tế/ dịch vụ hay du lịch). Nên mua khi Tỉnh chủ trương phát triển địa phương, kêu gọi đầu tư. Mua khi những nhà đầu tư đến khảo sát. Mua khi địa phương quyết định chọn nhà đầu tư và thống nhất dự án cần làm. Mua khi chủ đầu tư nghiên cứu thương lượng đền bù... Em chắc giá trị bđs sẽ khác nhau ở mỗi giai đoạn đó, và có thể có quy luật chung đáng tin cậy.