Phát triển đô thị ở Lâm Đồng trong tương lai theo hướng đô thị sinh thái bền vững thân thiện với môi trường
LĐ online) - Hiện nay tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện quy hoach vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 1848/QĐ/Ttg của Thủ tướng Chính phủ; với mục tiêu phát triển: xây dựng và phát triển vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực Tây Nguyên, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, theo hướng hiện đại; là trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển ngành du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch canh nông và du lịch văn hóa - di sản, danh lam thắng cảnh tầm cỡ quốc gia và quốc tế…
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2021
Dân số của Lâm Đồng hiện nay khoảng 1,34 triệu người, trong đó dân cư đô thị là 537 nghìn người, tập trung tại các đô thị lớn (Đà Lạt, Bảo Lộc, Liên Nghĩa và Di Linh). Do các đô thị hiện hữu tại tỉnh Lâm Đồng đã hình thành và phát triển dọc theo Quốc lộ 20 từ lâu, vì vậy trong các giai đoạn tiếp theo Lâm Đồng vẫn tiếp tục lựa chọn hướng phát triển theo chuỗi đô thị. Tuy nhiên, quá trình phát triển sẽ không dàn trãi, làm “phình to” đô thị, các đô thị vẫn sẽ mở rộng nhưng sẽ theo mô hình đô thị (hoặc các khu chức năng) chuyên biệt, vệ tinh xoay quanh đô thị trung tâm. Trong quá trình phát triển đô thị, tuyệt đối không hình thành các đô thị “nén” kém thân thiện với môi trường.
Đến nay, các đô thị tại tỉnh Lâm Đồng đã có nước phát triển tương đối đồng bộ, về cơ bản hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đã đáp ứng nhu cầu của người dân, ngoại trừ chỉ tiêu thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt nhưng lại là tiêu chí quan trọng về môi trường. Đến cuối năm 2021 hệ thống đô thị ở Lâm Đồng có: 15 đô thị (01 đô thị loại I, 01 đô thị loại III, 01 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V).Tỷ lệ đô thị hóa: 40,8%, chủ yếu tăng nhanh trong 05 năm trở lại đây.
• ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2035
Theo Quyết định 1848/QĐ/Ttg của Thủ tướng Chính phủ, định hướng cấu trúc đô thị và phát triển hệ thống đô thị được xác định:
- Phát triển theo trục hành lang kinh tế trọng điểm: Trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia quốc lộ 20 và cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, quốc lộ 27; trục hành lang quốc lộ 28, quốc lộ 55; trục hành lang ĐT 721.
- Các vùng đô thị: Vùng đô thị - công nghiệp thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận; vùng đô thị - công nghiệp thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận; vùng đô thị Di Linh; tuyến đô thị dọc quốc lộ 27; tuyến đô thị Đạ Huoai - Đạ Tẻh - Cát Tiên.
- Đến năm 2025: có 19 đô thị; trong đó 01 đô thị loại I (thành phố Đà Lạt), 01 đô thị loại II (thành phố Bảo Lộc),06 đô thị loại IV (Đức Trọng, Thạnh Mỹ, Đinh Văn, Di Linh, Lộc Thắng, Madaguôi) và 11 đô thị loại V (Lạc Dương, Đ’ran, Bằng Lăng, Đạ Rsal, Nam Ban, Lộc An, Hòa Ninh, Đạ M’ri, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Phước Cát).
- Đến năm 2035: có 19 đô thị, trong đó 01 đô thị loại I (TP. Đà Lạt), 01 đô thị loại II (thành phố Bảo Lộc), 02 đô thị loại III (đô thị Đức Trọng, Di Linh), 06 đô thị loại IV (Thạnh Mỹ, Đinh Văn, Nam Ban, Lộc Thắng, Madaguôi, Đạ Tẻh), 9 đô thị loại V (Lạc Dương, Đ’ran, Bằng Lăng, Đạ Rsal, Lộc An, Hòa Ninh, Đạ M’ri, Cát Tiên, Phước Cát). Phát triển 02 thị tứ đạt tiêu chuẩn đô thị loại V (Lộc Phú huyện Bảo Lâm; Tân Hà huyện Lâm Hà).
- Đến năm 2050: chủ yếu nâng cao chất lượng đô thị, không phát triển dàn trải, gia tăng số lượng.
Nhằm thực hiện định hướng phát triển đô thị theo hướng bền vững, trong giai đoạn 2021 - 2025, để tạo bước đột phá, kiến nghị cần tập trung, ưu tiên dành nguồn lực ngân sách nhà nước để phát triển đối với 02 đô thị là thành phố Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc; trong đó cần quan tâm đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh để tạo cơ sở, động lực khách quan thúc đẩy sự phát triển của các đô thị khác tại hai cực Bắc và Nam Lâm Đồng.
Trong quá trình phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, chúng tôi nhận thấy có những cơ hội và thách thức sau đây:
Cơ hội:
1. Được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1848/QĐ/Ttg về quy hoạch vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý để Lâm Đồng tiến hành triễn khai quy hoạch vùng huyện đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai;
2. Tỉnh Lâm Đồng đang triển khai toàn diện quy hoạch vùng tỉnh dự kiến tất cả các quy hoạch vùng huyện hoàn thành trong năm 2021 là cơ sở quan trọng phát triển đô thị theo định hướng;
3. Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án thành phần cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc- Liên Khương, việc triễn khai dự án này sẽ tạo cú huých quan trọng, thu hút các nhà đầu tư chiến lược góp phần để phát triển đô thị mang tính đột phá trong tương lai;
4. Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng rất nặng do biến đổi khí hậu; song so với các vùng khác thì Lâm Đồng là một trong những địa phương ít bị tổn thương biến đổi khí hậu; nhờ Lâm Đồng có khí hậu đặc thù, có địa hình đa dạng, có tài nguyên phong phú, đặc biệt là hệ sinh thái rừng, có cảnh quan tự nhiên tươi đẹp, rất phù hợp để phát triển các đô thị sinh thái, đô thị sinh thái thông minh, đô thị xanh, làng đô thị xanh và đô thị cảnh quan trong tương lai;
5.Trong điều kiện đại dịch Covid-19, Lâm Đồng trải qua 03 đợt dịch trước an toàn; song đợt dịch thứ 04 Lâm Đồng trong bối cảnh chung cả nước cũng bị nhiều ca nhiễm, bắt đầu từ ngày 2/7/2021 đến 7h30 ngày 20/11/2021 có 1798 trường họp nhiễm bệnh, sỡ dĩ có được những kết quả này là nhờ sự quyết tâm chỉ đạo quyết liệt của BCĐ phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh và sự vào cuộc cuả hệ thống chính trị các cấp, song các yếu tố tự nhiên và xã hội rất quan trọng đó là: Lâm Đồng là tỉnh có mật độ dân số thấp, nhiều khu dân cư thoáng đãng gần gũi với thiên nhiên và có khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm, do đó Lâm Đồng trong thời gian qua được đánh giá là hậu phương cung ứng nông sản cho các tỉnh vùng dịch từ nam Trung bộ và miền Đông nam bộ, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh hàng triệu tấn nông sản.
Thách thức:
1. Địa hình phân bố dân cư rất khác biệt từ 200 -1600m so mặt biển, do đó cần phải nghiên cứu bám sát yêu cầu địa hình theo xu thế thời đại để quá trình phát triển đô thị cần có tầm nhìn tổng thể với cảnh quan từng khu vực để đáp ứng yêu cầu vừa phong phú nhưng phải đảm bảo giá trị kiến trúc cảnh quan trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh;
2. Lâm Đồng cũng như các tỉnh Tây Nguyên có quá trình phát triển đô thị khoảng trên 100 năm; có điểm xuất phát thấp, hiện nay vẫn còn hỗ trợ của Trung ương, do đó chưa có điều kiện tích lũy để phát triển đô thị, vì vậy nguồn lực đầu tư công còn giới hạn so với yêu cầu phát triển đô thị trong tương lai;
3. Lâm Đồng hiện nay là một trong những tỉnh có quy mô số dân ít và có mật dộ dân số thấp, mật độ trung bỉnh cả nước trên 290 người/ km2, trong khi đó Lâm Đồng chỉ có 145 người/ km2 nhưng Lâm Đồng khí hậu không khí trong lành mát mẻ quanh năm. Nếu xét về mặt sinh thái đô thị đó là một trong những tiêu chí quan trọng, hấp dẫn... rất tốt cho một đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và dịch bệnh, đây là vấn đề khoa học và thực tiễn phù hợp với xu thế thời đại mà tỉnh Lâm Đồng có lợi thế so sánh; tuy nhiên chỉ tiêu quy mô dân số và mật độ dân số lại là một tiêu chí rất quan trọng trong phân cấp đô thị, vì vậy nếu căn cứ vào tiêu chí quy mô dân số và mật độ dân số theo Nghị quyết số: 1210/2016/UBTVQH13 trong phát triển đô thị thì ở Lâm Đồng sẽ khó đạt được tiêu chí này theo phân cấp đô thị như định hướng quy hoạch vùng tỉnh trong tương lai; Ví dụ đô thị loại III. Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 100.000 người trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 50.000 người trở lên. Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1.400 người/km2 trở lên; khu vực nội thành, nội thị tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 7.000 người/km2 trở lên. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 60% trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 75% trở lên; đối với đô thị loại 4: Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 50.000 người trở lên; khu vực nội thị (nếu có) đạt từ 20.000 người trở lên. Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1.200 người/km2 trở lên; khu vực nội thị (nếu có) tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 6.000 người/km2 trở lên.Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 55% trở lên; khu vực nội thị (nếu có) đạt từ 70% trở lên, như vậy đô thị Loại III và đô thị loại IV sẽ khó đáp ứng về chỉ tiêu quy mô dân số và mật độ dân số theo đô thị sinh thái, đô thị cảnh quan, vì hiện nay quy mô dân số đa số các đô thị Lâm Đồng chỉ khoảng hơn 1/2 so với tiêu chí theo quy định, do đó để đáp ứng các tiêu chí này trong quá trình phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng cần phải tiếp tục có nhiều chính sách tốt để thu hút đầu tư toàn diện các lĩnh vực kinh tế xã hội, đặc biệt các dự án khu dân cư để tăng đột biến dân số cơ học trong thời gian tới.
4. Yêu cầu trong tương lai, qúa trình phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh cần phải có quy mô phù hợp, kiến trúc độc đáo, cảnh quan xanh sạch, đẹp...; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và hệ thống cây xanh là những giá trị cốt lõi của một đô thị theo xu thế thời đại, trong đó cần phải chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở là yêu cầu tất yếu, tuy nhiên đất nông nghiệp của Lâm Đồng nhờ áp dụng NNCNC nên giá đất nông nghiệp trung bình hiện nay cao nhất Việt Nam, riêng giá đất nông nghiệp ở Đà Lạt thuộc nhóm cao nhất thế giới, do đó quá trình phát triển đô thị cần chú ý chất lượng quy hoạch đô thị; các dự án phát triể dân cư đòi hỏi phải có quy hoạch có chất lượng tương ứng với giá trị đất, đặc biệt các nhà đầu tư chiến lược cần quan tâm số một là chất lượng quy hoạch đô thị, chất lượng sản phẩm, phân khúc khách hàng để tạo một đô thị sinh thái như kỳ vọng;
5. Do yếu tố lịch sử, quá trình phát triển của các đô thị Lâm Đồng tập trung kéo dài theo hướng từ Bắc xuống Nam; nếu tính theo quốc lộ 27C từ trung tâm xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương xuyên qua thành phố Đà Lạt đi theo quốc lộ 20 đến thị trấn Đạ Hoai, Huyện Đạ Huoai khoảng 200 Km, từ trung tâm xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương đến thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên khoảng 250 km, do đó muốn phát triển mở rộng đô thị cân đối chung phù hợp với không gian cần phải đầu tư nguồn lực rất lớn.
• NHỮNG GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THEO HƯỚNG ĐÔ THỊ SINH THÁI TRONG TƯƠNG LAI
Xuất phát tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh, hiện nay nhiều đô thị trên thế giới đang chuyển hướng phát triển đô thị theo hướng xây dựng thành phố xanh, thành phố thông minh, đô thị sinh thái; đây cũng là vấn đề quan tâm toàn cầu hiện nay. Những vấn đề này đã được các quốc gia trên thế giới thảo luận rất kỹ vừa diễn ra tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của biến đổi khí hậu toàn cầu - COP 26 diễn ra ngày 31 tháng 10 năm 2021 tại Vương quốc Anh. Tại Diễn đàn này các nhà lãnh đạo ở các quốc gia đã cam kết để cắt giảm phát thải, Trái đất sẽ tăng 2,70C trong thế kỷ này. Theo các nhà khoa học, thế giới phải giảm 50% khí thải vào năm 2030 và đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất do sự nóng lên toàn cầu gây ra. Xuất phát từ thực trạng phát triển đô thị Lâm Đồng đến năm 2021, trên cơ sở đó muốn xây dựng được các đô thị bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu đến, trong quá trình phát triển đô thị ở Lâm Đồng, chúng tôi xin đề xuất cần thực hiện các giải pháp cơ bản sau đây:
Phát triển đô thị động lực, thân thiện với môi trường tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế
Trước hết với tầm nhìn dài hạn, yêu cầu trong quá trình phát triển đô thị Lâm Đồng trong tương lai cần phát triển đô thị theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Với tài nguyên thiên nhiên hiện có nhờ thiên nhiên ban tặng món quà quý báu cho Lâm Đồng, do đó trong số 19 đô thị của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 cần quyết tâm định hướng phát triển đô thị theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường: như đô thị sinh thái, đô thị sinh thái thông minh, đô thị vườn, làng đô thị xanh.... riêng đối với thành phố Đà Lạt cần có định hướng phát triển thành phố Đà Lạt trở thành đô thị động lực, có bản sắc riêng, là đô thị độc đáo, hiếm có trên thế giới; tập trung phát triển đô thị Đà Lạt theo hướng đô thị đa chức năng, tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế:
Đầu tư nguồn lực tương xứng đẩy nhanh tiến độ đề án Đà Lạt trở thành thành phố thông minh đến năm 2025; hiện nay các lĩnh vực được phát huy tốt trong sản xuất và đời sống như: Chính quyền điện tử; giáo dục thông minh; du lịch thông minh; nông nghiệp thông minh; giao thông thông minh; quản trị đô thị thông minh và quản trị đất đai thông minh...;
Đà Lạt đạt giải thưởng thành phố bền vững môi trường ASEAN vào năm 2017, do đó trong thời gian tới Đà Lạt tiếp tục các giải pháp đồng bộ, hiệu quả giữ vững danh hiệu Đà Lạt thành phố bền vững về môi trường ASEAN;
Tập trung đầu tư để Đà Lạt trở thành đô thị di sản vào năm 2025; mục tiêu này trong thời gian qua tỉnh Lâm Đồng luôn nhận được sự quan tâm của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam;
Tiến hành rà soát các điều kiện cần và đủ, kết hợp với quản trị môi trường sinh thái; chỉnh trang đô thị có hệ thống, khoa học và tầm nhìn dài hạn; chú trọng bảo vệ và phát triển cảnh quan tự nhiên, bảo tồn kiến trúc cảnh quan để xây Đà Lạt trở thành thành phố cảnh quan trong tương lai;
Tăng cường họp tác quốc tế để thu hút các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung mọi nguồn lực và giải pháp đồng bộ xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố carbon thấp trong tương lai vào năm 2035;
Quan hệ chặt chẽ với UNESCO,đồng thời tham quan học tập kinh nghiệm các quốc gia được UNESCO công nhận thành phố sáng tạo trên thế giới, để xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo trong chuỗi thành phố sáng tạo toàn cầu trong tương lai;
Trong quá trình phát triển đô thị ở Lâm Đồng sẽ có quá trình chỉnh trang đô thị; Đồ án Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 12/02/2019, trong đó có chỉnh trang trung tâm Hòa Bình và khu vực Đồi Dinh thành phố Đà Lạt. Trong thời gian qua thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng, của các chuyên gia, các nhà khoa học có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, chính quyền các cấp và nhân dân thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng luôn lắng nghe, tiếp thu; tuy nhiên thực tế còn có nhiều ý kiến chưa đưa ra khuyến nghị một cách khoa học và tính bền vững một đô thị để đáp ứng với yêu cầu phát triển trong tương lai. Với tình yêu Đà Lạt và vì sự phát triển Đà Lạt bền vững, chúng tôi đề nghị Bộ Xây dựng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hiệp hội xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hiệp hội các Đô thị Việt Nam... quan tâm ủng hộ quá trình chỉnh trang đô thị Đà Lạt theo nguyên tắc:“Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn” nhằm giúp cho Đà Lạt đáp ứng yêu cầu phát triển mới, tránh việc các ý kiến góp ý chỉ tham gia theo cảm tính chưa sát thực tế, còn những khuyến nghị cụ thể cách làm như thế nào, phương thức tiến hành ra sao nhằm đảm bảo sự hài hòa nhu cầu phát triển của nguời dân Đà Lạt, du khách, giới chuyên môn và chính quyền địa phương các cấp để đáp ứng yêu cầu phát triển theo xu thế thời đại chưa được quan tâm đúng nghĩa.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Tiến hành đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nguồn nhân lực có liên quan đến phát triển đô thị: Kỹ sư xây dựng, Kiến trúc sư, Kỹ sư quy hoạch đô thị, Kỹ sư quản lý đô thị, Kiến trúc sư cảnh quan... bao gồm ở các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư theo hướng tiếp cận mới phát triển đô thị theo hướng bền vững, thích ứng với thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu, nắm bắt xu hướng phát triển đô thị theo xu thế thời đại;
Song song với công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao về quản lý, kỹ thuật, công nghệ… không chỉ chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hoạt động trong lĩnh vực phát triển đô thị và đầu tư xây dựng, các chương trình đào tạo phải trọng tâm, có chất lượng và phù hợp với thực tế mà còn thu hút các nhà đầu tư chiến lược có nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị của tỉnh trong tương lai.
Đầu tư khoa học công nghệ trong phát triển đô thị
Trong quá trình phát triển đô thị cần tiếp cận trình độ khoa học công nghệ hiện đại, ứng dụng triệt để cuộc CMCN 4.0. Thực hiện tối đa chuyển đổi số, công nghệ viễn thám... trong quy hoạch phát triển đô thị. Xây dựng hệ thống thông tin phát triển đô thị, tạo dựng một hệ thống thông tin báo cáo về tình hình thực hiện đầu tư phát triển đô thị tại các cơ quan, đơn vị một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác. Phân công, phân cấp, tổ chức bộ máy thu thập, phân tích và tổng hợp thông tin phục vụ cung cấp thông tin minh bạch cho người dân và doanh nghiệp;
Tiến hành đồng bộ thu hút đầu tư với cơ chế cơ chế, chính sách trách nhiệm xã hội
Cần tiến hành đồng thời nhà nước vẫn nên là chủ đạo trong việc đầu tư, quản lý vận hành các dịch vụ công ích, các dự án bảo vệ môi trường để đảm bảo vấn đề an sinh xã hội của chính quyền đối với nhân dân về quy hoạch phát triển đô thị; đồng thời thực hiện cơ chế hội hóa ở các khâu hoặc các lĩnh vực ít ảnh hưởng đến đời sống người dân, tránh tình trạng chính quyền bị động, khó xử lý khi xảy ra bất cập như tài trợ quy hoạch phân khu chức năng, các dự án phát triển khu dân cư nhằm phát huy mọi nguồn lực đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị theo định hướng.
Có cơ chế khuyến khích các dự án phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái bền vững, thân thiện với môi trường; công tác thẩm định dự án ngoài việc dự báo dân số, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cần phải chú trọng yếu tố đảm bảo bảo vệ sinh thái môi trường; thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khi hậu;
Tăng cường công tác cải cách hành chính phục vụ nhân dân và doanh nghiệp
Đổi mới công tác tuyển dụng và sử dụng nhân sự trong các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt chú trọng cơ chế tuyển dụng, chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình phát triển đô thị.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là đội ngũ công chức có liên quan đến quy hoạch, tư vấn thẩm định, xúc tiến đầu tư. Nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với cán bộ công chức, viên chức trực tiếp đến phát triển đô thị theo 04 chữ T: Tâm, Tầm, Tư duy và Trách nhiệm để công tác quy hoạch phát triển đô thị với mục tiêu là phục vụ chất lượng cuộc sống tốt nhất đối với người dân; quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, tránh phải điều chỉnh gây phức tạp xã hội và lãng phí nguồn lực; tư duy chiến lược có hệ thống thích ứng với thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu; công tác thẩm định phải có tâm, chú ý đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và nhà đầu tư; quá trình phát triển đô thị cần chú ý môi trường chiến lược, phân tích thật kỹ lưỡng quá trình phát triển đô thị có tác động kinh tế, xã hội và môi trường với trách nhiệm cao nhất không chỉ trước mắt mà còn phải lâu dài.
Giải pháp huy động các nguồn vốn để phát triển đô thị
Quản lý, cân đối hiệu quả thu - chi ngân sách tỉnh, khai thác tốt các nguồn thu ngân sách trên địa bàn thông qua các nguồn thu từ sử dụng đất, xổ số kiến thiết, vốn vay đầu tư phát triển, đặc biệt cần quan tâm đến nguồn trái phiếu địa phương. Có biện pháp phù hợp để huy động tối đa nguồn vốn từ khai thác quỹ đất cho phát triển đô thị, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị;
Đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn tín dụng đầu tư ưu đãi của Trung ương, nguồn vượt thu, tăng thu từ ngân sách địa phương. Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách, ưu tiên cho phát triển các dịch vụ hạ tầng đô thị theo hướng xã hội hóa như cấp nước, cải thiện môi trường, chiếu sáng; phát triển các khu vực mở rộng, chỉnh trang đô thị, các khu đô thị có chức năng chuyên biệt.
Ưu tiên tập trung nguồn lực cho các dự án ưu tiên đầu tư và phát triển các đô thị trung tâm vùng kinh tế động lực làm khâu đột phá, có sức lan tỏa lớn tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, kích thích phát triển đô thị từng vùng. Kết hợp, lồng ghép Chương trình phát triển đô thị với các mục tiêu, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, phát triển làng đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái thông minh của tỉnh;
Tăng cường các giải pháp xúc tiến quy hoạch tại các đô thị để hình thành các quỹ đất bán đấu giá thu tiền sử dụng đất. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, nhà ở... nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển đô thị;
Từ những cơ sở khoa học và thực tế nêu trên gắn với trách nhiệm cộng đồng xã hội, để thực hiện tốt quy hoạch xây dựng và phát triển vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 đạt mục tiêu và hiệu quả cao nhất, trong đó có việc bảo tồn di sản kiến trúc và môi trường cảnh quan thiên nhiên luôn là giá trị cốt lõi trong quá trình phát triển đô thị hiện tại và tương lai. Trong thời gian tới tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục tăng cường quản lý quy hoạch, chú trọng công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng và trồng nhiều cây cảnh quan phù hợp; phát huy những kết quả phát triển đô thị trong thời gian qua, đồng thời thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển đô thị trong thời gian tới với mục tiêu tất cả các đô thị Lâm Đồng trong tương lai theo hướng đô thị xanh, đô thị sinh thái, đô thị sinh thái thông minh, đô thị vườn, làng đô thị xanh…. nhằm thích ứng với thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
PHẠM S, P. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng