Điểm mù trên xe ô tô là gì? Hệ thống cảnh báo điểm mù trên xe ô tô có thật sự hiệu quả? Đây có phải là tính năng mà nhà sản xuất vẽ ra để thu lợi nhuận từ khách hàng?
Điểm mù trên xe ô tô là gì?
Điểm mù là những vùng bị che khuất tầm nhìn bên ngoài xe mà tài xế không thể nào thấy được bằng mắt thường hay kính chiếu hậu. Những vùng này thường bị che khất do gương chiếu hậu, nắp capô, cột chữ A, cột sau xe và đuôi xe.
Đặc biệt khi người lái chuyển làn, ra vào ở ngã tư, rẽ vào các khúc cua trên đèo, đậu xe vào bãi… số điểm mù càng nhiều và càng đặc biệt nguy hiểm. Các điểm mù làm người điều khiển không thể nhìn thấy những xe đang chạy cùng làn/khác làn từ phía sau, những xe đang chạy cắt qua giao lộ... khiến việc chủ động quan sát để xử lý tình huống trở nên khó khăn hơn, rủi ro tai nạn cũng cao hơn.
Điểm mù trở thành điều không thể tránh khỏi khi điều khiển xe ô tô và là bài toán khó mà các nhà sản xuất ô tô đau đầu tìm lời giải. Hệ thống cảnh báo điểm mù là phương án mới nhất và hiệu quả nhất để tránh những tai nạn do điểm mù gây ra.
Hệ thống cảnh báo điểm mù xe ô tô là gì?
Như tên gọi của nó, hệ thống cảnh báo điểm mù xe ô tô ra đời nhằm giám sát và cảnh báo điểm mù xe ô tô. Tính năng Cảnh báo điểm mù BSM kiểm soát, giám sát và cảnh báo cho người sử dụng ôtô biết được rằng, sắp có các phương tiện tham gia giao thông khác đang tiếp cận và nằm trong phạm vi điểm mù của xe. Thậm chí nó còn có thể can thiệp vào xe để chống tai nạn do điểm mù gây ra.
Có 2 kiểu cảnh báo điểm mù là: cơ và điện tử.
- Trong đó, hệ thống cảnh báo điểm mù cơ chính là phần gương cầu được gắn thêm vào kính chiếu hậu, giúp tăng góc quan sát cho tài xế.
- Còn hệ thống cảnh báo điểm mù điện tử sử dụng các công nghệ hiện đại như radar và sóng siêu âm để cảnh báo nguy hiểm cho người lái. Nó còn được biết đến với cái tên BSD (Blind Spot Detection) hay BSM (Blind Spot Monitoring).
Theo xu hướng phát triển hiện đại, hệ thống giám sát và cảnh báo điểm mù điện tử (BSD và BSM) hoạt động ngày càng hiệu quả và chính xác. Nó được sử dụng ngày càng rộng rãi và trở thành một option không thể thiếu trên các dòng xe sang hay phiên bản cao cấp của xe phổ thông. Do đó, bài viết này sẽ tập trung chủ yếu vào hệ thống cảnh báo điểm mù điện tử.
Hệ thống cảnh báo điểm mù ô tô hoạt động như thế nào?
Hệ thống cảnh báo điểm mù (BSW) sử dụng camera, radar và cảm biến siêu âm ở thân xe để phát hiện các phương tiện nằm ở góc chết.
Khi người lái xe có nguy cơ va vào phương tiện hoặc vật thể ở điểm mù, hệ thống này sẽ đưa ra các cảnh báo bằng đèn, hình ảnh trên màn hình, âm thanh hoặc xúc giác (ví dụ: tay lái rung). Nhờ đó, tài xế có thể phản xạ kịp thời trước tình huống nguy hiểm.
Video minh họa hệ thống cảnh báo điểm mù trên xe Toyota
Hệ thống cảnh báo điểm mù trên ô tô có an toàn không?
Người điều khiển phương tiện không thể quan sát và làm chủ hoàn toàn được tất cả các góc nhìn, kể cả khi sử dụng các gương cầu tăng tầm nhìn. Do đó, để tăng an toàn và có góc nhìn 360 độ, chiếc xe nên trang bị Hệ thống cảnh báo điểm mù (BSM).
Nếu hoạt động đúng, hệ thống cảnh báo điểm mù trên ô tô khá hiệu quả. Nguyên nhân là hệ thống hoạt động dựa trên radar và sóng siêu âm. Những thiết bị này sẽ phát sóng ra xung quanh xe, nhận sóng phản hồi, xử lý và báo về cho hệ thống trung tâm. Tốc độ của các sóng này nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ trung bình của một chiếc ô tô. Do đó, việc các xe đang di chuyển không thể gây sai số cho phép tính thời gian di chuyển của sóng.
Hệ thống cảnh báo điểm mù thường kết hợp các tính năng gì?
Một số nhà sản xuất kết hợp tính năng phát hiện điểm mù với cảnh báo giao thông cắt ngang phía sau do chúng sử dụng chung dữ liệu từ các cảm biến. Nhờ đó, ngoài việc được cảnh báo vật thể ở điểm mù, tài xế còn được chiếc xe can thiệp vào phanh và ga để tránh những tai nạn nguy hiểm. Ví dụ như các phương tiện khác đang chuẩn bị vượt ở điểm mù, người đi bộ đi ngang điểm mù, các xe đi ngược chiều hoặc băng ngang ở góc khuất.
Đây là tính năng quan trọng phải có trên các xe trang bị hệ thống cảnh báo chệch làn đường và hỗ trợ giữ làn đường. Khi đèn báo rẽ được kích hoạt, nó sẽ phanh hoặc tránh xe ở làn đường tiếp theo hoặc đang tiến đến từ phía sau.
Mở rộng ra, hệ thống cảnh báo điểm mù còn là tính năng an toàn chủ động quan trọng hỗ trợ cho hệ thống tự lái cấp độ 2.
Các tình huống điển hình mà BSM sẽ đưa ra cảnh báo bao gồm (Theo J.D.Power)
- Khi một chiếc ô tô khác ở làn đường kế bên vượt lên gần sát xe
- Khi xe chúng ta chuyển làn và đi vào vùng cảnh báo nguy hiểm
Hệ thống BSM sẽ KHÔNG đưa ra cảnh báo trong một số trường hợp nhất định:
- Khi một phương tiện tiến đến từ hướng ngược lại
- Khi một chiếc xe khác quẹo vào cùng làn đường với xe chúng ta
- Khi xe ta đi qua các vật thể đứng yên như lan can, rào chắn đường bộ, cột đèn hay một chiếc xe đang đậu từ trước
Những lưu ý khi sử dụng hệ thống cảnh báo điểm mù ô tô
Mặc dù BSM là tính năng đáng tin cậy và hiệu quả nhưng người lái không nên quá phụ thuộc vào nó. Người lái xe vẫn cần lưu ý những điều sau khi sử dụng hệ thống cảnh báo điểm mù ô tô:
- Hệ thống cảnh báo điểm mù hoạt động hiệu quả nhất trên đường cao tốc và ở những xa lộ có tốc độ cao; tính hữu dụng của chúng có thể bị hạn chế trên các cung đường nội thành
- BSM không thể phát hiện các phương tiện khác nếu chúng nhanh hơn đáng kể so với xe chủ thể. BSM của từng hãng lại hoạt động ở giới hạn chênh lệch tốc độ khác nhau. Chủ xe nên tìm hiểu mức chênh lệch tốc độ này ở hướng dẫn sử dụng.
- Cảnh báo điểm mù không phải lúc nào cũng phát hiện xe máy hoặc các vật thể có kích thước tương tự như xe máy/ xe đạp trên đường. Nó hoạt động hiệu quả nhất trong việc phát hiện ra xe ô tô.
- Giữ cho cảm biến luôn sạch sẽ, tránh bụi bẩn, tuyết, bùn đất và không trong tình trạng ẩm ướt.
- Tránh để các vật bằng kim loại trong cốp xe gần với cảm biến.
- Mưa lớn, sấm sét, hệ thống truyền tải lưới điện tập trung hoặc radar phát hiện tốc độ trên đường cao tốc có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của cảm biến.
- Tốc độ quá chậm (dưới 0,25km/h) của xe đang bên cạnh, phía sau,... có thể làm chậm cảnh báo.
Trên thực tế, lắp hệ thống cảm biến điểm mù rất hữu dụng với người điều khiển ô tô, nhưng đây chỉ là công nghệ hỗ trợ, không thể phòng ngừa hết rủi ro về điểm mù sẽ gặp phải khi tham gia giao thông. Vì vậy, bản thân người lái cũng phải tập trung, quan sát để lái xe một cách an toàn.
Những dòng xe nào nên trang bị cảnh báo điểm mù?
Để lưu thông an toàn, thì hệ thống cảnh báo điểm mù ô tô là tính năng rất cần thiết cho mọi dòng xe.
Đặc biệt, xe có kích thước càng lớn, có các cột thân xe càng to và thùng hàng cồng kềnh thì càng nên sở hữu tính năng này. Ví dụ như các xe CUV/ SUV cỡ lớn, các xe bán tải và xe MPV.
Những bác tài hay chạy xe trên cao tốc, hay đi đường vào chiều tối cũng nên ưu tiên mua những xe sở hữu trang bị cảnh báo điểm mù.
Một số hệ thống cảnh báo điểm mù của các hãng xe (Theo ConsumerReports)
HÃNG XE | TÊN HỆ THỐNG CẢNH BÁO ĐIỂM MÙ |
Acura | Blind spot information |
Alfa Romeo | Blind spot detection |
Audi | Audi side assist |
BMW | Blind spot detection
Active blind spot detection |
Buick | Side blind zone alert |
Cadillac | Side blind zone alert |
Chevrolet | Side blind zone alert |
Chrysler | Blind spot monitoring |
Fiat | Blind spot monitoring |
Ford | Blind spot information system (BLIS) |
Genesis | Blind spot detection |
GMC | Side blind zone alert |
Honda | Blind spot information
Blind spot monitoring |
Hyundai | Blind spot collision warning
Blind-Spot Collision Avoidance Assist |
Infiniti | Blind spot warning |
Jeep | Blind spot monitoring |
Kia | Blind spot collision warning (BCW) |
Lexus | Blind spot monitor |
Lincoln | Blind spot information system |
Mazda | + Blind spot monitoring
+ Rear vehicle monitoring system
+ Advanced blind spot monitoring |
Mercedes-Benz | + Blind spot assist
+ Active blind spot assist |
Mini | Blind spot detection system |
Mitsubishi | Blind spot warning |
Nissan | Blind spot warning |
Porsche | Lane change assist |
Subaru | Blind spot detection |
Toyota | Blind spot monitor |
Volkswagen | Blind spot monitor |
Volvo | Blind spot information |
Xem thêm: