Dự án cầu - đường Nguyễn Khoái dài gần 5 km, kết nối quận 7, 4, 1, vốn đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, giúp mở thêm hướng kết nối khu Nam với trung tâm TP HCM.
Phối cảnh hướng tuyến dự án cầu - đường Nguyễn Khoái và hiện trạng các đường nối đến kênh Tẻ, giữa một bên là quận 4 và một bên thuộc quận 7.
Công trình vừa được Sở Giao thông Vận tải TP HCM báo cáo, sắp tới sẽ trình HĐND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư. Trước đó, dự án được phê duyệt từ năm 2017 với tổng vốn 1.250 tỷ đồng. Do thay đổi quy mô xây dựng, kinh phí công trình hiện tăng lên 3.725 tỷ đồng.
Theo nghiên cứu tiền khả thi, dự án bắt đầu từ đường D1 (khu dân cư Him Lam, quận 7), sau đó vượt kênh Tẻ qua quận 4 rồi tiếp tục đi trên cao theo đường Nguyễn Khoái, qua rạch Bến Nghé nối vào đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1.
Công trình có tổng chiều dài gần 5 km. Trong đó, phần cầu dài khoảng 2,5 km, rộng 6,5-25,5 m; phần đường dài hơn 2,3 km, rộng 26,5-61,5 m.
Trên đoạn cuối kết nối qua quận 1, phần cầu chính vượt rạch Bến Nghé rồi theo hai nhánh N7, N8 vòng xuống đường Võ Văn Kiệt. Hai nhánh N5 và N6 cũng giúp xe từ cầu Nguyễn Khoái lên xuống làn khác của đại lộ Võ Văn Kiệt.
Phối cảnh cầu vượt kênh Tẻ và hiện trạng.
Ở đoạn qua quận 4, nhánh N3, N4 được xây dựng kết nối đường Tôn Thất Thuyết, cho xe chạy hai chiều để kết nối với phần cầu chính, thuận lợi di chuyển qua quận 1 và 7.
Bên kia kênh Tẻ thuộc quận 7, hai nhánh N1 và N2 cũng được xây dựng cho xe lên xuống từ cầu Nguyễn Khoái với đường Trần Xuân Soạn. Tại mỗi nhánh đều có cầu thang bộ kết nối các tuyến đường phía dưới.
Phối cảnh mảng xanh, chiếu sáng trên đường Nguyễn Khoái sau khi cầu cạn được xây dựng. Đường Nguyễn Khoái hiện là một trong những trục giao thông chính ở quận 4, thường xuyên ùn ứ, nhất là giờ cao điểm.
Hiện trạng hai bờ kênh Tẻ với bên phải là quận 4, bên trái là quận 7, phía trước là cầu Kênh Tẻ. Khi dự án hình thành, từ Nam Sài Gòn qua trung tâm thành phố sẽ có thêm hướng kết nối mới, giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường hiện hữu.
Dòng xe nối đuôi nhau qua cầu Kênh Tẻ - trục giao thông chính kết nối huyện Nhà Bè, quận 7 qua trung tâm TP HCM.
Ở hướng khác, đường Nguyễn Tất Thành liên kết khu Nam qua trung tâm thành phố cũng quá tải trầm trọng, thường xuyên ùn tắc.
Cầu - đường Nguyễn Khoái khi được xây dựng ngoài "chia lửa" với các tuyến trên còn giúp giao thông từ huyện Bình Chánh, quận 8 theo đường Dương Bá Trạc, cầu Nguyễn Văn Cừ sang quận 1 giảm ùn tắc.
Các đường hiện hữu từ khu Nam sang trung tâm thành phố đang bị quá tải và những dự án lớn đang và sắp triển khai. Đồ họa:
Thanh Huyền
Theo kế hoạch, dự án Nguyễn Khoái sau khi được phê duyệt điều chỉnh sẽ khởi công quý 4/2024, hoàn thành toàn bộ sau đó 3 năm.
Ngoài dự án trên, TP HCM đang xây dựng hầm chui giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, giúp giảm ùn tắc cho nút giao trọng điểm cửa ngõ phía nam. Đồng thời, để tăng kết nối giao thông cho khu vực trên, cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 7 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm) đang được thành phố lên kế hoạch đầu tư với tổng vốn 5.000 tỷ đồng.