Trích đoạn: dawn
Trên tinh thần ham tìm hiểu của chủ thớt, em copy bài này vô. Bài của 1 người tự nhận không biết rì về kinh tế nhưng em thì thấy rất có bản lĩnh vĩ mô
. bài dài nhưng đáng để đọc, các mod đừng xóa vội nhé, không liên quan tới ngân hàng nhưng lại liên quan đến kinh tế, mà ngân hàng là 1 mắc xích quan trọng của nền kinh tế. Những hậu quả xảy ra với ngân hàng bắt nguồn từ những chính sách phát triển, vậy tìm hiểu thực trạng kinh tế VN rồi suy ra ngân hàng mình khỏe cỡ nào. Đúng yêu cầu bác Sonnguyen
1. Hiện trạng xuất nhập khẩu
1.1. Chúng ta đang nhập siêu với ai?
Số liệu của Tổng cục thống kê số liệu năm 2006 (và cũng là số liệu điển hình tích lũy quá trình nhập siêu) nguồn nhập siêu chủ yếu của chúng ta là từ các nước láng giềng với chúng ta đó là Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan. Một điều khá thú vị là tính ra riêng với những nước này chúng ta đã nhập siêu tới gần 21 tỷ USD, nhập khẩu từ các nước này đã chiếm tới 64% tổng giá trị nhập khẩu. Trong khi đó xuất khẩu sang các nước này chỉ chiểm 20% tổng giá trị xuất khẩu. Nguyên nhân nhập siêu lớn từ các nước này là gì? Đó là do các nước này cũng chính là các nước chiếm tỷ trọng chủ yếu vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Do vậy có thể nói, lượng vốn đầu tư trực tiếp này được thể hiện là máy móc phụ tùng, dây chuyền công nghệ cho các dự án đầu tư sản xuất và tạo sự mất cân bằng cán cân thương mại 2 chiều với các nước này và dẫn tới nhập siêu như ở trên. Ngoài ra một phần nữa có thể là chúng ta cũng nhập khẩu khá nhiều thiết bị máy móc, đồ gia dụng, sản phẩm hóa chất và vải vóc vật liệu ngành may và các ngành khác… như vậy có thể nói việc nhập siêu này có là nguyên nhân gây bất ổn nên kinh tế, dẫn tới lạm phát như hiện nay không? Theo tớ có lẽ là chưa phải nguyên nhân chính.
1.2. Và chúng ta đang xuất siêu với ai?
Cũng theo số liệu thống kê năm 2006 nguồn xuất siêu chủ yếu của chúng ta là Mỹ, Nhật Bản và các nước Tây Âu. Với các nước này chúng ta xuất siêu hơn 14 tỷ USD, xuất siêu sang các nước này chiểm tới 60% tổng giá trị xuất khẩu của ta trong năm, trong đó đối với thị trường Mỹ ta đã xuất siêu tới 6 tỷ USD. Trong khi đó nhập khẩu từ các nước này chỉ chiểm 22% tổng giá trị nhập khẩu. Có thể nói những thị trường trên là những thị trường xuất khẩu “vàng” của chúng ta nó quyết định tới tổng giá trị xuất siêu hàng năm của cả nước.
1.3. Chúng ta nhập khẩu gì và xuất khẩu gì?
Hàng xuất khẩu chiếm tỉ trọng chủ yếu là dầu thô, than đá, gạo, hàng may mặc, hàng dệt may, dày dép, gỗ, thủy sản. Chúng ta đang xuất khẩu chủ yếu là tài nguyên tự nhiên, sản phẩm nông lâm ngư nghiệp chưa qua chế biến thành phẩm và sản phẩm công nghiệp nhẹ có giá trị thấp, sản xuất sử dụng nhiều nhân công tiêu hao nhiều nhiên liệu và ít chứa đựng hàm lượng công nghệ cao. Khi đó hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng chủ yếu của chúng ta máy móc phụ tùng, dây chuyền công nghệ, xăng dầu, sắt thép là những sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, giá trị lớn. Để hiểu điều này ta đơn cử ra một ví dụ. Chẳng hạn chúng ta nhập một hệ thống máy móc hoặc dây chuyền công nghệ hiện đại nào đó trong ngành công nghiệp khai khoáng, viễn thông hoặc công nghệ thông tin nào đó với giá trị hàng chục triệu USD được sản xuất trên một dây chuyền hiện đại trong vòng 1-2 tháng bởi vài chục công nhân kỹ sư công nghệ cao của họ thì giá trị của nó đã bằng giá trị xuất khẩu cà phê, hồ tiêu cả năm của nước ta nước ta với sức lao động một nắng hai sương của hàng chục vạn bà con nông dân, công nhân nông trường ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trong vòng 1 năm. Nói như thế để chúng ta hiểu một thực trạng là năng suất lao động của chúng ta rất thấp, trình độ lực lượng sản xuất của chúng ta quá lạc hậu so với các nước trên thế giới và khu vực. Điều này đương nhiên sẽ làm chúng ta luôn chịu phần thua thiệt khi chúng ta quan hệ trao đổi thương mại với họ, nghĩa là chuyện nhập siêu đối với họ là không thể tránh khỏi. Tình trạng này còn diễn ra dài dài trong tương lai nếu chúng ta không có nhận thức và chiến lược đúng đắn về phát triển khoa học công nghệ phục vụ sản xuất để có thể sản xuất được những mặt hàng công nghiệp, máy móc thiết bị, dây chuyên công nghệ mà chúng ta cần mà không phải nhập của nước khác, phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa cao, nâng cao giá trị hang hóa phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu.
Tuy vậy, xét về mặt khía cạnh xuất khẩu nhập khẩu, tương quan xuất nhập khẩu theo con đường mậu dịch chính thức thì có lẽ đó cũng chưa phải là yếu tố ảnh hưởng quyết định tới tình trạng lạm phát như hiện nay.
2. Vậy còn những nguyên nhân nào?
2.1. Thất thu ngân sách
Tổng mức bán lẻ ngoài khối kinh tế tư nhân năm 2006 là 485.496,4 nhìn tỷ đồng chiếm 83,6 % tổng mức bán lẻ toàn quốc. Trong khi đó thu ngân sách nhà nước năm 2006 thuế công thương nghiệp và dịch vụ khu vực tư nhân chỉ đạt 21,880 ngàn tỷ đồng thu từ các loại thuế như thuế môn bài, thuế doanh nghiệp, thuế lợi tức doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng.. Nếu chỉ tính riêng thuế giá trị gia tăng cho hàng hóa bán lẻ là 10% thì số thuế GTGT phải thu trên tổng mức bán lẻ sẽ phải là 48,550 ngàn tỷ đồng, vậy thực tế nhà nước chỉ thu được có 21,880 ngàn tỷ đồng cho tất cả các loại thuế, như vậy con số thất thu thuế trên sổ sách giấy tờ đã là rất lớn như vậy thì ngoài thực tế số thất thu sẽ là như thế nào. Các chú nào làm thực tế trong các doanh nghiệp tư nhân sẽ hiểu rất rõ điều này. Các doanh nghiệp tư nhân (nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) luôn luôn tìm cách trốn thuế bằng cách lợi dụng sự lỏng lẻo của cơ quan chức năng về thuế và quản lý thị trường như mua hàng đầu vào không rõ nguồn gốc, không hóa đơn thuế, bán hàng hóa ra không có hóa đơn thuế, hoặc ghi hóa đơn bán giá trị thấp hơn nhiều so với giá trị bán thực tế… một công ty luôn có 2 hệ thống kế toán: kế toán nội bộ và kế toán thuế. Chuyện một doanh nghiệp một năm kinh doanh lãi thực tế hàng tỷ tới cả chục tỷ đồng nhưng chỉ phải đóng thuế lợi nhuận doanh nghiệp có vài chục triệu đồng là chuyện phổ biến đối với các doanh nghiệp làm ăn phát đạt.
Chúng ta phải hiểu một điều, xét về mặt vĩ mô, trốn thuế chính là hành vi cướp đoạt sức lao động, tài sản của xã hội. Do vậy cần phải coi hành vi trốn thuế là hành vi tội phạm.
2.2. Nhà nước và người dân đều tiêu xài hoang phí
Chúng ta đang bội chi ngân sách nhà nước năm 2006 thu ngân sách nhà nước là 264,260 nghìn tỷ đồng, trong khi đó chi ngân sách nhà nước là 321,377 nghìn tỷ, như vậy cả năm bội chi NSNN là 57.117 tỷ đồng, nghĩa là bội chi gần 22% ngân sách nhà nước.
Chi thường xuyên theo ngân sách nhà nước là một con số kỷ lục. Năm 2007 chi thường xuyên là hơn 174,5 nghìn tỷ đồng chiếm gần 49% tổng chi ngân sách của cả năm (357,4 ngàn tỷ đồng) và chiếm gần hết tổng thu ngân sách nhà nước của cả năm (281,9 ngàn tỷ đồng). Điều này thể hiện tại báo cáo của kiểm toán nhà nước vừa rồi cho thấy chi hầu hết các địa phương đều vượt dự toán chi thường xuyên lên tới 30% và chủ yếu chi vào mua sắm, hội nghị, khánh tiết, hội họp…. Mà trong mục lục chi ngân sách nhà nước của chúng ta thấy có những mục chi với nội dung hết sức mù mờ hoặc giá trị lớn như là chi đảm bảo xã hội (26,8 ngàn tỷ đồng), chi sự nghiệp kinh tế (12 ngàn tỷ đồng), chi quản lý hành chính Đảng, đoàn thể (24 ngàn tỷ đồng), và mục chi chồng chéo như chi sự nghiệp bảo vệ môi trường (trong đó đã có mục chi khoa học công nghệ và môi trường).
Ngay cả cá nhân người dân chúng ta cũng chi tiêu hoang phí cho cuộc sống của mình. Đơn cử như ví dụ do một lượng tiền lớn của nhà nước hoặc các tổ chức kinh tế trả cho người dân tiền đền bù đất giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dời các công trình trên đất và đền bù thiệt hại hoa màu. Số tiền này ít thì mỗi hộ cũng vài chục triệu đồng, một số nơi mỗi hộ dân được nhận tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí là hàng tỷ đồng. Các hộ gia đình đó có điều kiện mua sắm phương tiện sinh hoạt đắt tiền nhập khẩu, làm nhà, sửa sang nhà ở, chi tiêu khác. Tầng lớp khá giả thì mua sắm trang thiết bị tiện nghi đắt tiền. Tại các thành phố lớn ra đường chúng ta thấy cơ man là ô tô toàn hiệu sang Mercedes, BMW, Lexus.. có giá trị tới cả tỷ đồng hoặc hơn. Đành rằng là họ kiếm ra tiền hoặc có tiền thì họ có quyền chơi sang. Nhưng xét về mặt vĩ mô thì đó đều là của cải trong xã hội được chuyển vào tay các cá nhân bằng nhiều hình thức khác nhau, kể cả hợp pháp lẫn phi pháp và tất cả những điều đó đều làm cho giá cả sinh hoạt tăng lên và tác động đến tình trạng lạm phát hiện nay.
Hãy nhìn vào các nước xung quanh chúng ta. Ví dụ như Hàn quốc, Nhật bản và các nước khác hãy học họ chính sách tiết kiệm nhà nước trong những giai đoạn đầu phát triển kinh tế. Chỉ đơn cử một ví dụ như ở Nhật bản vào những năm 70 và Hàn Quốc vào những năm 90 về trước, trụ sở cơ quan công quyền của họ không đồ sộ, không qui mô hoành tráng, không sử dụng những trang thiết bị xa sỉ nhập ngoại, chỉ là những khối nhà công năng sử dụng với hiệu suất cao. Khi ra đường chỉ nhìn thấy đa số là ô tô do nước họ sản xuất chứ tuyệt nhiên rất hiếm khi gặp ô tô nhập ngoại, hàng hóa tiêu dùng chủ yếu được sản xuất trong nước.
Với cán cân thương mại như đã nói ở trên, chúng ta không phát triển sản xuất để có thể tự cung cấp các mặt hàng tiêu dùng trong nội địa mà chủ yếu nhập khẩu để tiêu dùng thì xu hướng tăng chỉ số tiêu dùng tiệm cận tới mặt bằng của các nước trong khu vực (phát triển hơn ta) là lẽ đương nhiên, trong khi đo thu nhập của người nông dân, của công nhân trong các xí nghiệp, của tầng lớp làm công ăn lương lại không tương xứng với sự tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Và như vậy xuất hiện khoảng ngày càng lớn giữa mặt bằng giá và mặt bằng thu nhập của đại đa số người dân đến mức nào đó sẽ là lạm phát trầm trọng.
2.3 Đầu tư nhà nước: Lãng phí, hiệu quả kém, năng lực lập và quản lý dự án yếu
Theo như số liệu bộ tài chính thì tổng vốn đầu tư của toàn xã hội là rất lớn, 453 ngàn tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng vốn đầu tư nhà nước (bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn doanh nghiệp nhà nước) là 159 nghìn tỷ đồng chiếm 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Về vấn đề lãng phí trong đầu tư, nhất là đầu tư xây dựng cơ bản thì đã có rất nhiếu bài báo đề cập. Ở đây chúng ta chỉ thử phân tích tìm ra một số các nguyên nhân. Có thể nói hầu hết các địa phương và các bộ ngành đều coi ngân sách nhà nước như một cái bánh và cố gắng để có phần của mình trong đó. Trong đó, cách dễ dàng nhất và thuận lợi nhất để giành được phần nhiều thì không gì thuận lợi hơn là vạch ra các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án theo các lĩnh vực ngành nghề, các dự án mục tiêu quốc gia và chương trình trọng điểm. Không phủ nhận rằng một số dự án mục tiêu quốc gia chương trình trọng điểm là rất thiết thực theo mục tiêu đề ra ban đầu, nhất là các dự án cho vùng nông thôn, miền núi, người nghèo và môi trường. Tuy nhiên vấn đề ở đây là chúng ta còn yếu trong các khâu lập dự án, nghiên cứu điều tra khảo sát phân tích một cách kỹ lưỡng tính khả thi để đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội. Phần lớn các dự án đầu tư đều phần lập luận chứng kinh tế kỹ thuật và xã hội đều làm rất sơ sài về khảo sát, thu thập số liệu, không có cơ sở khoa học khách quan nhưng vẫn đi đến các kết luận khẳng định đầu tư là đúng đắn, là hiệu quả và từ đó lập các báo cáo đầu tư có giá trị từ vài tỷ đến vài ngàn tỷ đồng. Một điều nữa để các dự án này trở nên hiện thực đó là sự yếu kém của quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp trong công tác xét duyệt thẩm định các dự án đầu tư phát triển. Và khi các dự án đầu tư được thực hiện thì lại nảy sinh sự yếu kém trong quản lý và giám sát các dự án đầu tư. Tất cả các tồn tại trên dẫn đến tình trạng hiện nay là đầu tư tràn lan ở mọi cấp, mọi ngành. Hiệu quả đầu tư thấp, lãng phí và thất thoát khi thực hiện các dự án đầu tư.
Để dẫn chứng, tôi xin dẫn ra đây vài ví dụ về hiện trạng nói trên lấy tại một blog: “..Chẳng hạn như việc Vinashin (Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) được rót cho 750 triệu USD vay của nước ngoài để đầu tư và mở rộng hàng loạt các nhà máy đóng tàu ở các tỉnh trong khi chưa có sự thẩm định đáng tin cậy nào về hiệu quả của việc đầu tư đó là một dấu hiệu của lãng phí đầu tư công. Theo các chuyên gia, một xưởng đóng tàu 120.000 tấn hiện đại được xây dựng ở Ấn Độ chỉ với chi phí 90 triệu USD, trong khi với Vinashin phải mất tới 150 triệu USD. Vinashin còn có kế hoạch đầu tư tổng thể lên đến 3 tỷ USD vào các xưởng đóng tàu, nhà máy thép và các ngành công nghiệp khác. Gần đây, Vinashin đã được bảo lãnh để vay 2 tỷ USD từ Deutsch bank. Với mức đầu tư đó, quy mô của Vinashin sẽ bằng ¾ Hyundai, tập đoàn đóng tàu lớn nhất thế giới hiện nay. Điều đáng quan ngại là không hề có dấu hiệu nào cho thấy Vinashin có khả năng kỹ thuật cũng như quản lý để biện minh cho hiệu quả của việc sử dụng vốn đầu tư đó”. “…Một ví dụ khác là dự án sân bay quốc tế ở Đồng Nai với ý đồ thu hút 40-50 triệu lượt khách hàng năm. Trong khi khu vực sân bay Tân Sơn Nhất rộng tương đương sân bay Changi của Singapore (đón 64 triệu khách/ năm). Việc hiện đại hóa sân bay Tân Sơn Nhất sẽ giúp sân bay này có đủ khả năng phục vụ hành khách trong vòng 20-30 năm tới mà không cần phải đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD cho sân bay mới trong lúc này. Hiện tại, Tân Sơn Nhất chỉ mới đón được từ 4-5 triệu khách mỗi năm”.
Chúng ta là một nước còn nghèo, nhưng hình như chúng ta nghèo lại chơi sang không biết vun vén tích lũy của cải xã hội để làm giàu, đầu tư phát triển sản xuất và cải thiện điều kiện sống của người dân, để thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, công nhiệp hóa. Liệu với của cải hiện có, chúng ta có nên trong một thời gian ngắn mấy năm đã và dự định xây dựng những công trình và dự án có giá trị về mặt tinh thần như thế này không? Trung tâm hội nghị Quốc gia (đã xây, hơn 4 ngàn tỷ đồng, trong khi trung tâm hội nghị quốc gia phố Lê Hồng Phong vẫn đủ năng lực), nhà Quốc hội (đang thực hiện, 3.000 tỷ đồng, cái cũ đã bị phá), Công trình Bảo tàng Hà Nội (đã khởi công, 2.300 tỉ đồng), một phần của dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long với tổng vốn đầu tư 25 ngàn tỷ đồng kết thúc vào ngày 10/10/2010, mà sự hiện diện của nó hiện nay dưới con mắt mọi người chỉ là cái đồng hồ đếm ngược bên cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm. Công trình bảo tàng lịch sử Quốc gia (dự kiến khởi công năm 2008, 4 ngàn tỷ đồng, trong khi đã có 2 bảo tàng là Bảo tàng lịch sử và Bảo tàng cách mạng với kiến trúc Pháp rất đẹp). Và còn nhiều dự án khác…
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong tổng số 12 tỷ US$ vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thì đã có tới hơn 8 tỷ US$ (chiếm 66% tổng giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài), đầu tư nhà hàng khách sạn và kinh doanh tài sản, dịch vụ tư vấn có giá trị là 2,3 tỷ US$ chiếm gần 20% tổng giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài. Như vậy có thể nói đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, đầu tư vào các công ty kinh doanh tài sản, dịch vụ tư vấn tài chính, nhà hàng, khách sạn, bất động sản. Chủ yếu đầu tư vào ngành lĩnh vực sản xuất thương mại tận dụng nguồn nhân công rẻ, thu lợi nhuận cao hoặc là các hoạt động tài chính đầu tư vốn tư bản sử dụng ít nhân công nhưng lại sử dụng lực lượng lao động chất xám, có trình độ cao trong các lĩnh vực quản lý, tài chính ngân hàng, đầu tư để thu lợi nhuận tư bản qua các hoạt động đầu tư tài chính. Họ ít đầu tư vào các ngành công nghệ cao vì họ coi đó là lợi thế tuyệt đối trong kinh doanh trao đổi thương mại song phương với chúng ta.
2.4. Hoạt động tài chính ngân hàng: Không thực hiện chức năng cụ tài chính của sản xuất kinh doanh, quản lý nhà nước lỏng lẻo. Tình trạng kinh doanh chụp giật, bóc ngắn cắn dài
Nguồn vốn xã hội, trong đó cả vốn của nhà nước và vốn tư nhân không đổ vào đầu tư sản xuất mà lại đổ vào chứng khoán và bất động sản. Một bài báo đã nêu: “Dư nợ BĐS cả nước trên 50 ngàn tỉ đồng, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng, 70% số nợ này nằm ở 5 thành phố lớn. Tốc độ tăng dư nợ BĐS rất nhanh, đến cuối tháng 4.2008, lên gần 135.000 tỉ đồng. Như vậy, chỉ sau hơn 2 năm, dư nợ cho vay BĐS đã tăng 170%”. Thực ra con số này không đến nỗi khủng khiếp lắm, điều quan trọng là nhiều khoản cho vay của các tổ chức tín dụng lại được đầu tư vào bất động sản dưới danh nghĩa các dự án cho vay phát triển sản xuất kinh doanh. Và nếu điều tra khảo sát được con số thực thì số vốn đầu tư vào bất động sản phải là con số rất lớn.
Trong giai đoạn đầu phát triển kinh tế chúng ta cần phải tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, nhưng nguồn vốn xã hội lại không được tập trung chủ yếu cho các ngành cung cấp dịch vụ như là thương mại buôn bán vòng vo với nhau các mặt hàng nhập khẩu làm tăng chi phí dẫn tới giá cả hàng hóa dịch vụ hàng hóa tăng cao. Các dự án bất động sản mang tính chất đầu cơ chôn vốn vào đó chứ không tính đến khả năng triển khai kinh doanh để mang lại lợi nhuận thu hồi vốn. Có thể nói trong giai đoạn này thị trường chứng khoán tại Việt Nam hoàn toàn không nhắm tới mục tiêu của nó là kênh huy động vốn cho các công ty phát triển sản xuất kinh doanh. Do việc quản lý nhà nước về thị chứng khoán, tài chính, ngân hàng lỏng lẻo mà nó trở thành nơi trục lợi của một số cá nhân và tổ chức nhằm hút tiền, hút nguồn vốn của xã hội thông qua các thủ đoạn như thổi phồng, đánh bóng tên tuổi, các báo cáo kết quả kinh doanh, cáo bạch không minh bạch và có sự lập lờ. Và khi các tổ chức, cá nhân này đã thu được một số kha khá vốn của xã hội thì việc còn lại của họ là sử dụng tiền đó vào việc chia lương chia thưởng cho các thành viên hội đồng quản trị và ban giám đốc và chỉ còn lại tí ti cho việc gọi là trả cổ tức (mang tính hình thức) thông qua điều lệ hoạt động hoặc qui chế nội bộ mà họ đặt ra nhưng cũng không thực hiện nghiêm túc do công tác quản lý, thanh tra giám sát lỏng lẻo (do vậy, như báo chí đã phản ánh lương thưởng của các vị chức sắc ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán là cao ngất trời so với mặt bằng thu nhập của xã hội là có cơ sở).
Việc cấp phép thành lập ngân hàng, tăng vốn điều lệ cũng vô cùng thoải mái và dễ dãi (ví dụ công ty A mua cổ phần ngân hàng B, ngân hàng B mua cổ phần công ty A như một hình thức tăng vốn, tăng tài sản ảo). Việc phát triển hệ thống ngân hàng không theo một qui hoạch hoặc một chiến lược đề ra. Theo thống kê thì hiện tại cả nước có tới gần 100 ngân hàng lớn nhỏ đang hoạt động, quả là con số khủng khiếp khi so sánh với các nước phát triển như Pháp, Mỹ, Nhật và các nước xung quanh chúng ta có nền kinh tế phát triển hơn rất nhiều, sức sản xuất lớn và có cường độ giao dịch thương mại lớn hơn ta rất nhiều mà số lượng ngân hàng được phép hoạt động cũng chỉ là đếm được trên đầu ngón tay. Vậy với sức sản xuất của chúng ta hiện nay, vốn của xã hội, khả năng tiêu dùng của người dân, năng lực kinh doanh thương mại của chúng ta, đội ngũ lãnh đạo, nguồn cung cấp nhân lực có khả năng thực hiện bài bản và chuyên nghiệp các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, tài chính, tín dụng để từng ấy các ngân hàng hoạt động kinh doanh nghiêm túc và hiệu quả hay không? Câu trả lời chắc chắn là không hậu quả nhãn tiền là tình trạng kinh doanh chụp giật hiện nay của các ngân hàng, tình trạng thiếu vốn, lao vào cuộc đua tăng lãi suất, chụp giật vốn của nhau (hiện tượng người dân đổ xô đi rút tiết kiệm ngân hàng này gửi ngân hàng khác có lãi xuất cao hơn) bất chấp các qui định nghiêm ngặt trong nghiệp vụ về quản lý rủi ro, tính thanh khoản, khả năng chi trả và tình trạng lãi xuất cho vay cao đã ảnh hưởng trầm trọng tới sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế của toàn xã hội. các doanh nghiệp (liệu doanh nghiệp sản xuất nào có thể sản xuất kinh doanh có lãi với mức lãi suất vay tín dụng 21% năm?). Các hiện tượng tiêu cực trong ngành ngân hàng như nhân viên lợi dụng sơ hở trong quản lý để chiếm đoạt tiền, cho vay quá mức qui định như báo chí phản ánh là điều tất yếu xảy ra. Ở đây cần nhấn mạnh một điều, các qui định của pháp luật trong ngành ngân hàng khi ban hành cũng cần phải cân nhắc tới mức cho vay tín dụng như thế nào là không bị xem là cho vay nặng lãi vì cho vay nặng lãi là một hành vi phạm pháp đã được qui định trong bộ luật dân sự, trách nhiệm đo không chỉ là ở tổ chức, cá nhân thực hiện mà ngay cả ở cơ quan nhà nước có trách nhiệm ban hành qui định.
Nguồn vốn của cá nhân của các tổ chức thông qua các kênh khác nhau như tín dụng, ngân hàng, tài chính, cá nhân hoặc tổ chức dồn quá nhiều cho đầu tư bất động sản như, nhà cửa, nhà, đất ở, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ SX-KD, KCN, KCX; XD khu đô thị, XD văn phòng (cao ốc) cho thuê: XD và kinh doanh TTTM, chợ, cửa hàng… mà trong những dự án như vậy phần lớn mang tính đầu cơ, không tính đến sức mua hoặc vượt quá nhiều nhu cầu thực tế nên không có khả năng thu hồi và sinh lời dự tính theo chu kỳ đầu tư hoàn vốn. Trong đó một phần rất lớn lượng vốn đầu tư cho lĩnh vực này sẽ biến thành ngoại tệ trả cho nước ngoài để mua vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng như xi măng, sắt thép, máy móc phụ tùng, trang thiết bị cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, văn phòng… và mà trong những phần trên chúng ta đề cập đến tình trạng nhập siêu.
Để kết luận phần này tôi trích ra nhận xét ở một bài báo: “Thực tế là vốn tín dụng ngân hàng đối với nền kinh tế tăng trưởng nhanh nếu như được đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tạo ra số đông việc làm mới, nhất là thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông lâm ngư nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu phát triển,… thì rõ ràng là tạo ra tăng trưởng kinh tế bền vững và ít gây ra lạm phát. Song nếu như số vốn đó đầu tư quá nhiều cho thị trường BĐS và các lĩnh vực phi sản xuất khác thì lại là thủ phạm tiềm ẩn gây nên lạm phát”.