"Tình ngay lý gian" của chiếc Ford Mondeo bị nạn
VNECONOMY cập nhật: 14/12/2004
Trưa ngày 8/12/2004, dọc phố Huế và Hàng Bài (Hà Nội), một nhóm lao động tự do được thuê đã kéo chiếc ôtô nhãn hiệu Ford Mondeo 2.5 V6 bị dập nát phần đầu và đuôi "diễu hành". Trên kính và thân xe được dán nhiều dòng chữ phản đối và thắc mắc về trách nhiệm của nhà sản xuất đối với trường hợp túi khí an toàn không hoạt động của chiếc xe mang biển kiểm soát 29S-7867.
Chủ chiếc xe này, anh Phan Xuân Khánh, bức xúc: "Tôi không hiểu va chạm như thế nào thì túi khí mới đủ điều kiện bung ra?".
Túi khí (air bag) là thiết bị an toàn thụ động được phát minh dành cho máy bay chiến đấu, sau đó do tính ưu việt của nó nên đã được các nhà chế tạo xe hơi đưa vào cho ôtô năm 1981. Nhưng mãi đến năm 1987, "air bag" được phát triển thêm cho ghế cạnh người lái và đến năm 1995 hệ thống side-bag (hệ thống túi khí bên hông cho hành khách) mới được đặt gọn ở mép ghế ngoài hay trên thân xe bên hông.
Các túi khí cho tài xế và phụ lái được thiết kế để hoạt động khi có bất kỳ va chạm mạnh nào từ phía trước. Chúng được sử dụng bằng khí nitơ và chỉ được kích hoạt khi có va đập mạnh vượt qua giá trị lực tiền định. Các túi khí này sẽ không hoạt động được khi ở đó không có lực nào tác động đáng kể từ phía trước của xe.
Trong các tai nạn loại này thì tài xế và phụ lái được bảo vệ thông thường qua các dây an toàn. Các túi khí bên cạnh xe (side-bag) cũng được hoạt động trên nguyên lý giống như trên, nhưng để bảo vệ những lực tác động mạnh từ hai bên hông xe. Bộ cảm nhận choán chỗ của túi khí bên cạnh xe chỉ hoạt động khi ghế lái phụ có người ngồi và có móc khoá an toàn và đèn báo "air bag" trên bảng điều khiển tắt đi.
Để hoạt động hiệu quả, người ngồi trong xe không nên để vật nặng đè lên túi khí, nhưng riêng trường hợp các ghế phía sau thì túi khí vẫn hoạt động bình thường bất kể có người ngồi hay không. Túi khí được bơm phồng rất nhanh trong một phần ngàn giây sau khi tai nạn xảy ra.
Quay lại vụ tai nạn của chiếc Mondeo với tàu S8 tại Tp.HCM hồi tháng 6/2004, theo ảnh và biên bản khám nghiệm hiện trường thì chiếc xe bị va chạm với tàu hỏa bởi một lực rất mạnh nhưng không trực diện và cũng không đâm vào ngang hông xe (nơi có đặt túi khí), các va chạm này đều rơi vào phần đầu và đuôi xe.
Một chuyên gia về túi khí an toàn cho biết: tùy từng hãng sản xuất quy định tốc độ xe chạy để túi khí hoạt động được, thông thường xe phải chạy từ 50-60 km/h nếu gây tai nạn trực diện phía trước hoặc vuông góc với hông xe thì túi khí chắc chắn hoạt động.
Chiếc Mondeo mang biển kiểm soát 29S-7867 bị va chạm với tàu hỏa tại ngã tư Lý Chính Thắng và Trần Khắc Chân (Tp.HCM) không thể đi nhanh được vì đây là giao cắt trong thành phố nên mọi phương tịên qua đây đều không thể đi nhanh hơn 40 km/h, tàu hỏa S8 cũng không thể chạy nhanh hơn vì đây là tàu chậm và vừa khởi hành từ ga Sài Gòn nên cũng chỉ đạt tốc dưới 40 km/h.
Nhưng vì chiếc ôtô này va chạm với tàu hỏa nên thiệt hại rất nặng nề. Thoạt nhìn chiếc xe tai nạn, ai cũng nghĩ rằng nó đã lao vào tàu hỏa với tốc độ khủng khiếp, nhưng thực tế xe bị hư hỏng nặng phần vỏ chứ không ảnh hưởng tới gầm và hệ chuyển động.
Bằng chứng là chiếc Mondeo này vẫn kéo đi được, còn nếu nó lao vào xe lửa với tốc độ lớn thì không thể có chuyện chiếc xe được kéo đi dễ dàng như vậy, bởi với va chạm khi chạy nhanh mà lao vào vật cứng như tàu hỏa thì ít nhất cũng hỏng thước lái, vỡ lốp và vành không thể di chuyển được.
Chiếc Mondeo bị tai nạn nói trên nằm trong lô xe Mondeo đời cũ. Đen đủi cho chiếc xe này là chủ nhân của nó lại va chạm với tàu hỏa, phần va chạm lại ở đầu trái và đuôi trái gây ra những thiệt hại nặng nề. Nhìn vào, ai cũng sẽ hỏi: vậy vai trò của túi khí an toàn ở đâu?
Nếu phân tích tỷ mỉ và quan sát kỹ thì có thể thấy các túi khí không nằm ở những vị trí bị va chạm của ôtô với tàu hỏa. Hầu như trong bất kỳ chiếc xe ôtô du lịch đời mới nào cũng được trang bị ít nhất 1 túi khí an toàn (cho lái xe), còn với các xe hiện đại đều có 2 cho đến 8 túi khí được lắp đặt quanh xe.
Với những xe hiện đại và cao cấp như Lexus thì trên bảng điều khiển của xe còn có nút tắt và bật túi khí (có thể dùng và không dùng thiết bị này, vì mỗi lần túi khí bung ra cũng đồng nghĩa với việc chủ nhân của nó mất vài ngàn USD để thay túi khí khác).
Túi khí chỉ thực sự an toàn với những đoạn đường dài và xe phải chạy với tốc độ cao. Nhưng nguy cơ bị thương do túi khí có thể gây ra không phải là nhỏ nếu không tuân thủ các quy định an toàn như ngồi quá gần hoặc đang úp mặt vào túi khí...
Các thương tổn dẫn đến chết người hoặc bị thương nặng rất hay xảy ra với trẻ nhỏ ở khu vực cận với điểm bung của túi khí phía trước. Còn các túi khí còn lại sẽ hết sức hiệu quả nếu mọi người trên xe đều mang dây an toàn đúng cách.
Khi trên xe có các dòng chữ sau: air bag, side-bag thì bạn cũng đang được bảo vệ một cách thụ động bởi túi khí an toàn. Nhưng nếu không muốn túi khí trở thành con dao hai lưỡi thì nên thực hiện những bước sau: không đưa ghế ngồi vào quá gần túi khí, không ngả người về phía trước hoặc đặt chân lên nắp che túi khí khi xe đang chạy, không được tựa lên cửa từ phía trong xe. Khi lái xe chỉ được nắm vành ngoài của vô-lăng để túi khí không bị cản trở khi bung ra và có thể bung ra hết thì mới đảm bảo an toàn tuyệt đối. Không được treo bất cứ vật cứng nào trên xe như các móc áo tại các tay vịn hoặc các móc treo (đối với các xe có túi khí ở hông và cửa sổ).
Từ Lương