@ bác Hcivic: em có một số ảnh tự chụp ở Nhà Thờ Lớn, sẽ cố gắng tìm lại và post lên. Ra Hà Nội bao giờ em cũng cố gắng có vài buổi điểm tâm bằng phở Ấu Triệu, dù tiền xe lắm khi... gấp đôi tiền phở.
Em tiếp nhé các bác.
Năm 1945, sau khi Nhật đảo chính, Hà Nội đã đổi chủ, nhiều phố phường mang tên người Pháp được thay tên, nhiều tượng đài bị giật sập, trong đó có tượng bà Đầm Xoè.
Đến tháng 8/1945, Hà Nội là một trong những thành phố đầu tiên tổng khởi nghĩa thành công, giành chính quyền từ tay người Nhật
Nhưng người Pháp đã quay trở lại, tháng 12/1946 Hà Nội nổ súng chính thức bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp.
...
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy...
Những phố phường Hà Nội trở thành chiến lũy, người Hà Nội đục tường khai thông đường từ nhà này sang nhà kia, từ khu này sang khu khác để biến thủ đô thành chiến trường quyết tử.
Hình ảnh người lính Quyết tử quân Trần Thành tại mặt trận Nguyễn Du-Chợ Hôm với bom ba càng trở thành biểu tượng của Hà Nội mùa đông năm 46.
Thăng Long nổi tiếng "phi chiến địa". Từ hàng ngàn năm trước, không trận đánh nào trong lịch sử thủ đô kéo dài quá một tuần. Bước vào cuộc chiến đấu không cân sức năm 1946, người Hà Nội với súng trường, mã tấu đã đứng vững trước xe tăng, đại bác trong gần 2 tháng. Thủ đô đã trả giá đắt cho ý chí quyết tử của mình với những thiệt hại vật chất nặng nề.
Trần Thành hy sinh khi lao bom ba càng vào xe tăng Pháp trong trận đánh bảo vệ Bộ tổng tham mưu ngày 23/12/1946, nhưng những người sống chết với thủ đô như anh đã dựng nên một tượng đài bất tử trong lịch sử Thăng Long
Tháng 2/1947, những người Hà Nội rời thủ đô qua gầm cầu Long Biên, bước vào cuộc kháng chiến ba ngàn ngày với lời hẹn ước "ngày mai sẽ về".