Em góp chút Tết xưa cùng các bác.
Ngoại tôi gọi vùng quê nhà ngoại là “ quê kiểng”, tiếng gọi nghe thiệt là quê! Phảng phất kiểu giọng văn Hồ Biểu Chánh, mà thiệt xứ quê ngoại tôi là những xóm làng bàng bạc trong những câu chuyện của Hồ Biểu Chánh. Tết quê rộn ràng trong ký ức tôi mỗi độ chớm xuân về.
Từ đầu tháng Chạp, Ngoại đã săm soi cây mai cổ trước nhà, nghe nói nó thọ lắm, tán rộng sum xuê, Ngoại chiết cành tỉa nhánh sẵn chờ đến rằm thì lãi lá mai. Cô nhỏ là tôi cứ hay thắc mắc “ sao Ngoại không nói là hái lá hay bứt lá mà lại biểu là lãi lá” Ngoại cười hiền “ tổ cha mày! Hỏi thấu ông trời! thì ông bà mình kêu vậy chớ sao con!”. Xoắn theo chân Ông Ngoại cô nhỏ lại lăn căn chạy ra vườn thăm chừng mấy bụi chuối “ lá chuối tốt vầy, Ngoại mầy gói bánh đã đời à nghen!”, ngang mấy cây dong đầy nọc tiêu xanh tốt, ông Ngoại lại nhắc chừng “ bây nhớ nói bà Ngoại gói nem lá dong ít ít vậy, chớ ăn lá dong nhiều buồn ngủ chịu hổng nổi đâu!”
Thoáng cái là tới rằm, Ngoại và cậu Tư bắc ghế ra lặt lá mai, xong buổi là cây mai già trụi lủi, tôi cứ tiếc hùi hụi “sao mà Ngoại làm cái cây xấu hoắc, biết chừng nào mới mọc lá như xưa?” Tiếc đó, rồi cũng quên ngay đó khi lăng xăng theo Ngoại đi rọc lá chuối, khệ nệ ôm về rồi ngồi bặm môi lau lá… Bà Ngoại thì lo ngâm đậu, đãi vỏ, đong nếp… cô nhỏ lại kéo áo Ngoại “ làm vầy kêu là vút nếp há Ngoại, sao không nói là vo nếp? Ừa nếp thì kêu là vút nếp, còn gạo thì mới nói là vo gạo nghen con”. Lửa than đượm hồng, Ngoại đem lá chuối ra hơ, lá chuối hơ lửa xong dịu nhiễu thơm một mùi thơm rất lạ, mũi cô nhỏ phập phồng dán vào tàu lá để hít hương lá chuối cho đã thèm.