Đặt đèn tín hiệu sai chỗ, đùa với tính mạng người đi đường
15/05/2018 09:08 GMT+7
TTO - Từ nhiều năm nay, một số đèn tín hiệu đường bộ tại các đường ngang (đường bộ giao cắt với đường sắt) ở TP.HCM được lắp đặt không hợp lý, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Người đi đường thường xuyên phải dừng chờ đèn đỏ trên đường ray, đoạn đường ngang 1716+936, P. Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức (TP.HCM) do bố trí đèn tín hiệu không hợp lý - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Mới đây, Cục
Đường sắt VN đã có buổi khảo sát và yêu cầu các sở, ngành tại TP.HCM xử lý kịp thời tình trạng nói trên để tránh xảy ra những tai nạn nghiêm trọng.
Khi trụ đèn đặt sai chỗ
Hàng loạt đèn tín hiệu đường bộ đặt không hợp lý ở vị trí
đường ngang thuộc Q.Thủ Đức, Q.3, Q.Phú Nhuận... khiến người đi đường lo mất an toàn giao thông.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trụ đèn tín hiệu tại đường ngang 1716+936, khu vực trại Cá Sấu Hoa Cà (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) bố trí chưa hợp lý nên người đi xe phải dừng trên đường ray để chờ đèn đỏ.
Mỗi ngày, hàng ngàn phương tiện chen chúc nối đuôi nhau từ đường Kha Vạn Cân rẽ sang đường Phạm Văn Đồng.
Khi xe đang dừng chờ đèn đỏ, còi tín hiệu đường sắt hú lên báo hiệu tàu hỏa sắp tới, hai nhân viên gác chắn đường sắt rất vất vả kéo chắn cho tàu chạy qua, nhưng lại vướng người đi đường đang dừng chờ đèn đỏ.
Một số người phải cho xe chạy ra khỏi phạm vi chắn tàu để chờ hết đèn đỏ rồi qua đường, nhưng lại phải dè chừng xe cộ phía trước.
Một nhân viên gác chắn đường ngang nói trên cho biết đoạn đường này giao thông ùn tắc liên tục, có hôm xe cộ chờ đèn đỏ chật cứng cả đường ray. Trung bình mỗi ngày có khoảng 20 đoàn tàu xuất phát từ ga Sài Gòn và về ga này, những ngày cao điểm còn nhiều tàu chạy hơn.
"Đèn tín hiệu đường bộ đặt như vậy rất nguy hiểm. Bởi nếu ôtô hoặc xe máy đang chờ đèn đỏ bỗng nhiên chết máy không chạy được mà tàu đang tới thì chưa biết chuyện gì xảy ra.
Có bữa tàu đang hú còi chạy tới mà người đi xe máy chở hàng lại té ngã ở khu vực đường ray. Chúng tôi phải hò hét kêu các bác xe ôm tới phụ giúp ôm đồ ra cho tàu qua an toàn" - nhân viên này nói.
Cách gác chắn trên khoảng 500m, gác chắn 1717+600, đoạn ở chùa Ưu Đàm (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) cũng có trụ đèn tín hiệu giao thông đường bộ đặt chưa hợp lý. Người đi đường cũng phải dừng ngay trên đường ray để chờ đèn đỏ và khi nào tàu hỏa tới thì... chạy đi!
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, một người đi đường, cho biết tại đường ngang này đã có trường hợp tàu hỏa phải dừng lại vì tình trạng ùn tắc xe tại đường ngang.
Ông Đỗ Hoàn Thành, trưởng phòng thanh tra - an toàn III (Cục Đường sắt Việt Nam), cho biết qua kiểm tra, các đơn vị liên quan cũng đã nhận thấy tình trạng mất an toàn giao thông tại các vị trí nêu trên.
Đèn tín hiệu giao thông đặt không hợp lý khiến tình hình giao thông tại các vị trí đường ngang càng căng thẳng, mất an toàn
Chị NGUYỄN THỊ KIM THOA (một người đi đường)
Di dời đèn, sửa chữa đường ngang
Theo Cục Đường sắt VN, hiện đoạn đường sắt đi từ ga Sài Gòn ra đoạn tiếp giáp với tỉnh Bình Dương (dài khoảng 14km) qua 5 quận có mật độ dân cư dày đặc. Đoạn đường sắt này có tới 26 đường ngang. Trong đó, 21 đường ngang có người gác và 5 đường ngang được lắp cảnh báo tự động, cần chắn tự động.
Trước đó, Cục Đường sắt đã yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát tất cả đường ngang, bố trí hệ thống tín hiệu giao thông giữa đường sắt và đường bộ cho phù hợp, đảm bảo an toàn giao thông. Thế nhưng, đến nay nhiều cột đèn tín hiệu đặt sai chỗ vẫn còn tồn tại trên các tuyến đường ngang lớn.
Ông Vũ Quang Khôi, cục trưởng Cục Đường sắt, cho biết cục đã có văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị tại TP.HCM xử lý các bất cập nói trên để tránh tai họa xảy ra.
Ông Võ Khánh Hưng, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết thêm trên địa bàn thành phố tồn tại nhiều đường ngang có tầm nhìn không đảm bảo. Đèn tín hiệu giao thông ở những điểm này cũng gây mất an toàn giao thông.
Theo ông Hưng, trong tháng 5 này, Khu quản lý giao thông số 1 sẽ chịu trách nhiệm di dời hai chốt đèn tín hiệu gây mất an toàn giao thông nói trên.
Ngoài ra, hiện nay sở cũng đang thực hiện dự án sửa chữa nhằm đảm bảo giao thông tại 4 đường ngang: Trần Khắc Chân, Trần Hữu Trang, Trạm Hỏa Xa (Q.Phú Nhuận) và Tô Ngọc Vân (Q.Thủ Đức). Dự án này có kinh phí khoảng 9,9 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách.
Bên cạnh đó, sở cũng lắp cần chắn tự động trên 2 tuyến đường ngang Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận) và xử lý nhiều trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt.
"Ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, người dân cũng cần nâng cao ý thức để đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc, tai nạn" - ông Hưng nhắn gửi.
Nghiên cứu giảm đường ngang
Tại buổi làm việc của Cục Đường sắt VN về quy chế phối hợp nhằm đảm bảo trật tự giao thông đường sắt tại các điểm giao cắt với đường bộ ở TP.HCM vào ngày 11-5, một số ý kiến cho rằng cần phải cải tạo các đoạn đường giao cắt có độ dốc lớn.
Cụ thể, từ đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức) rẽ vào đường ngang Hiệp Bình có độ dốc quá lớn nên sẽ rất nguy hiểm nếu xe cộ chết máy rồi trôi xuống dốc lao vào đường sắt lúc tàu chạy tới.
Trả lời về phản ảnh này, đại diện Sở Giao thông vận tải cho biết hiện các đơn vị đã điều tiết giao thông nhằm giảm bớt xe cộ rẽ từ đường Phạm Văn Đồng vào đường Hiệp Bình.
Thời gian qua, sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu làm một đường vòng tại khu vực hầm cầu Gò Dưa (Q.Thủ Đức) cho xe cộ chui qua đường Kha Vạn Cân, tránh giao cắt với đường sắt.
Nếu phương án này nghiên cứu thành công sẽ đóng được đường ngang Hiệp Bình.
Chỗ in đậm gạch dưới:Nếu làm đường chui dưới dạ cầu Gò Dưa thì cũng không đóng được đường ngang Hiệp Bình vì các xe đi từ Hiệp Bình qua Phạm Văn Đồng và ngược lại vẫn phải đi qua đường sắt nên nói đóng là chuyện khộng thể nào chỉ có thể giảm được cái xuống dốc phải chờ tàu thôi.Chỉ mong là họ sẽ làm tỉnh không đủ cao để tất cả các loại xe chui qua hầm thì mới kết thúc các xe phải quẹo trái xuống dốc chờ đường sắt