Hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề nên kỹ sư Lê Văn Tạch không cho phép mình im lặng chỉ vì cần một công việc tốt đang làm. Do đó, anh đã tố giác việc Toyota Việt Nam bán ra thị trường hàng ngàn xe mắc lỗi.
Chúng tôi còn nhớ rất rõ lúc kỹ sư Lê Văn Tạch liên lạc và hẹn lên Vĩnh Phúc để tìm hiểu về sự việc mà anh cho là “cực kỳ nghiêm trọng” liên quan đến Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV). Xem tài liệu Tạch chuyển qua e-mail và những lời thuyết minh qua điện thoại, chúng tôi đã nhận ra lờ mờ rằng “giọt nước tràn ly”, khi những phản ánh của anh bị lãnh đạo TMV bỏ qua hoặc chẳng thèm đoái hoài tới. Do vậy, Tạch đã buộc phải nhờ tới báo chí.
Yêu TMV nhưng không thể giấu
Lê Văn Tạch sinh năm 1976 ở huyện Hải Hậu - Nam Định. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2002, anh về “đầu quân” cho một công ty chuyên xây dựng và khai thác mỏ. Ở đó, Tạch được lãnh đạo công ty quý mến và có những ưu đãi đặc biệt. Tuy vậy, trước lời rủ rê của một người bạn thân, anh đã làm hồ sơ thi tuyển vào TMV.
“Người bạn ấy muốn tôi làm một bộ hồ sơ để đi thi cùng. Tuy nhiên, đến vòng phỏng vấn bằng tiếng Anh, không may bạn tôi bị loại, còn tôi thì được tuyển trạch viên của TMV lựa chọn. Khi nhận được thông tin từ TMV, tôi đã không muốn nhảy việc bởi bạn mình không trúng tuyển. Nhưng rồi các bạn tôi khuyên rằng mới ra trường thì nên làm vài nơi, thấy chỗ nào hợp hơn thì chọn. Tôi đã nghe lời khuyên đó và đến ngày 3-3-2003, tôi chính thức làm việc tại TMV” - anh Tạch nhớ lại.
Kỹ sư Lê Văn Tạch (phải) chuẩn bị hồ sơ vụ xe TMV bị lỗi. Ảnh: ĐỖ DU
Hơn 8 năm làm việc tại TMV, công việc chính của Tạch là kỹ sư lắp ráp. Cùng với nhiều kỹ sư khác, anh phụ trách lập quy trình lắp ráp cho một số dự án xe mới, hỗ trợ bộ phận sản xuất điều tra, xử lý nguyên nhân gây ra các lỗi chất lượng nghiêm trọng mà tự họ không thể giải quyết được.
Bên cạnh đó, anh còn cập nhật thông tin thay đổi linh kiện hằng tháng trên tất cả các dòng xe từ nhà thiết kế bên Nhật Bản để kịp thời chỉ dẫn cho công nhân. “Hằng tháng, trên mỗi dòng xe đều có sự thay đổi một số chi tiết với mục đích chính là giảm giá thành hoặc khắc phục nhược điểm nào đó, nên công việc của chúng tôi là rất quan trọng” - anh nhìn nhận.
Cũng từ công việc này, Tạch và các kỹ sư đã phát hiện lỗi trên các dòng xe của TMV. Anh cho biết với những lỗi khó, một nhóm sẽ được thành lập gồm kỹ sư của các bộ phận liên quan để cùng điều tra.
Từ năm 2003 đến nay, với kinh nghiệm của mình, anh đã trợ giúp bộ phận sản xuất tìm ra nguyên nhân của rất nhiều lỗi. “Tuy nhiên, có 3 lỗi nghiêm trọng về mức độ cũng như phạm vi ảnh hưởng như các báo đã đăng tải vài ngày nay. Với những lỗi này, tôi đều đề xuất với lãnh đạo TMV phải thu hồi những xe chưa bảo đảm chất lượng để kiểm tra, sửa chữa. Còn những kỹ sư của bộ phận khác thì thường cũng làm báo cáo nhưng dừng lại việc khắc phục xe chưa giao cho khách hàng” - Tạch kể.
Nhờ những nỗ lực của kỹ sư Lê Văn Tạch, TMV thừa nhận đã bán ra thị trường hàng ngàn xe Innova mắc lỗi kỹ thuật. Ảnh: ĐỖ DU
Tạch cho rằng anh hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề nên không thể nào cho phép mình im lặng chỉ vì cần một công việc tốt đang làm. “TMV trả cho tôi một khoản lương khá cao nhưng tôi không thể đánh đổi điều này với việc có thể lấy đi mạng sống một người, huống chi ở đây lại liên quan đến tính mạng của nhiều người. Tôi yêu TMV nhưng cũng không vì thế mà giấu giếm khuyết điểm của họ được” – Tạch bộc bạch.
Được nhiều người mến phục
Ngày kỹ sư Lê Văn Tạch hoàn thiện hồ sơ, chứng cứ cũng là ngày mà 8 năm trước, anh đã bước chân vào TMV. “Tôi đã phản ánh sự việc tới vài tờ báo nhưng không thấy họ có động thái gì. Khi đó, tôi hơi lo lắng” – anh nhớ lại. Vô tình biết được số điện thoại của chúng tôi, Tạch liền liên lạc. Chúng tôi đã dẫn anh về lại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để gặp gỡ các chuyên gia, nghe họ phân tích sự việc.
Khi chúng tôi liên lạc và kể sơ bộ vụ việc qua điện thoại, ông Đỗ Hữu Đức, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, yêu cầu đưa ngay kỹ sư Lê Văn Tạch tới gặp ông. “Trước khi viết hồ sơ, tôi đã đặt ra tiêu chí là nội dung phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, để sao cho ngay cả với những người không có kiến thức chuyên môn về kỹ thuật liên quan khi đọc cũng có thể hiểu một phần” – Tạch nói. Anh đã làm đúng như thế. Ngồi đối diện ông Đức, Tạch đã nêu sự việc một cách rành mạch, rõ ràng nhất. Lúc chia tay, ông Đức bắt chặt tay anh Tạch, nói: “Cậu đúng là một người dũng cảm. Tôi hứa sẽ làm sáng tỏ vụ việc này”.
Khi chúng tôi thắc mắc về chuyện đồng nghiệp, bạn bè có biết và ủng hộ việc phanh phui các lỗi của xe TMV không, kỹ sư Tạch thổ lộ: “Tôi hiểu sự việc rất nhạy cảm nên làm việc rất kín đáo vì liên quan đến uy tín của TMV. Do vậy, hầu hết đồng nghiệp và bạn bè của tôi chỉ biết qua báo đài. Họ nói rất cảm phục việc làm của tôi”. Có người lo ngại có thể Tạch sẽ gặp nguy hiểm, anh tự tin: “Tôi nghĩ TMV là một công ty lớn, họ sẽ không làm những việc như vậy”.
“Trước mắt, tôi vẫn tiếp tục làm ở TMV vì tôi đâu có làm gì sai. Nhà tôi gần công ty nên đi làm cũng rất thuận tiện. Trong trường hợp bị gây khó khăn và không thấy thoải mái nữa, tôi sẽ vui vẻ đi tìm nơi làm việc khác cho thanh thản hơn. Theo tôi, trước khi muốn mọi người làm cái gì đó vì mình thì mình nên làm cái gì đó vì mọi người. Dù việc này có tới đâu đi nữa tôi cũng cảm thấy thanh thản” – kỹ sư Tạch tâm sự.
Nỗi lòng người thân
Bà Nguyễn Thị Chinh, mẹ vợ anh Tạch, có lẽ là người hiểu hơn hết những điều đang chờ đợi đôi vợ chồng trẻ. Với kinh nghiệm cả cuộc đời cơ cực, bà cũng mường tượng được một phần kết cuộc của câu chuyện sẽ xảy ra với người con rể: Tạch sẽ khó yên ổn nếu tiếp tục gắn bó với chỗ làm hiện tại.
“Chỉ đến khi thấy Tạch trả lời trên truyền hình, gia đình mới biết sự việc. Khi tôi hỏi chuyện, Tạch giải thích: “Con ở bên kiểm tra ô tô nên phát hiện sự việc này. Con đã nói với hầu hết lãnh đạo nhưng họ không đồng ý sửa chữa… Nếu con không nói ra thì có lỗi với người tiêu dùng lắm”. Tôi khuyên Tạch: “Việc của anh, anh làm, có gì nói nấy để không gây ảnh hưởng không đáng có tới người ta”. Nói vậy nhưng tôi rất lo, cả gia đình nội, ngoại cũng đều lo cho nó” – bà Chinh băn khoăn. Bà Chinh mong muốn cơ quan chức năng làm rõ ai đúng, ai sai để xác định việc làm của Tạch là không vụ lợi.
Chị Nguyễn Thị Kim Chung, vợ anh Tạch, cho biết năm 2002, hai người tình cờ quen nhau khi cùng thuê nhà trọ gần Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên - nơi chị làm việc. Cảm mến tính cách của nhau, họ đã yêu thương lúc nào không hay. Năm 2006, gia đình hai bên đã đứng ra tổ chức đám cưới cho đôi bạn trẻ.
Chị Chung kể: “Khi quyết định phản ánh vụ việc tới cơ quan báo chí và Cục Đăng kiểm, anh ấy có nói với tôi. Ban đầu tôi cũng khuyên can dữ lắm bởi tôi hiểu rằng làm việc ấy cũng có nghĩa là nồi cơm của gia đình có thể bị ảnh hưởng. Anh ấy lại là trụ cột trong nhà, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào lương, thưởng do TMV trả. Tuy nhiên, biết tính của chồng đã nói là làm nên tôi cũng đồng ý. Tôi ngồi cả đêm bên chồng để đọc tài liệu và cùng viết những bức thư phản ánh sao cho dễ hiểu nhất. Anh ấy luôn nhắc đi nhắc lại rằng không làm việc này thì thấy ray rứt lắm”.
Rất tự hào!
Ông Nguyễn Quang Trung, tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Hùng Vương, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết gia đình kỹ sư Lê Văn Tạch chưa từng để xảy ra điều tiếng gì ở địa phương. Ông Trung nhận xét: “Tạch là người ít nói và hiền lành, cô vợ cũng vậy. Người dân chúng tôi đã xem tivi, đọc báo về vụ việc của TMV mà Tạch phát giác”.
Trong khi đó, PGS-TS Phạm Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhìn nhận: “Nếu sự việc của TMV là đúng như kỹ sư Tạch trình bày thì nhà trường rất tự hào khi đã đào tạo ra những con người giỏi, thẳng thắn như vậy”.
http://nld.com.vn/2011040...002/nguoi-dung-cam.htm
Hoan hô kỹ sư Lê Văn Tạch, anh đúng là niềm tự hào của dân tộc Việt
Bác chủ thớt cho mình góp 100 ngàn (PM cho mình biết địa chỉ nơi nhận nhé), chúng ta cũng có thể đặt làm 1 món quà tặng chú ấy. Một bức tranh hay tấm khánh vàng nho nhỏ với chữ tâm như thế này chẳng hạn: