RE: 2 xe tải đâm nhau, kẹp chết xe 2 bánh!
Chẳng cứ gì mấy bánh mới đi ẩu các Bác ạ! 2 bánh cũng có ẩu, 4 bánh cũng có ẩu, 6 bánh cũng ẩu...! Nhìn chung là ý thức của dân ta về văn minh nơi công cộng càng ngày càng tệ. Nếu như trước đây chẳng có ai dám vượt đèn đỏ, rồi sau đó "tiến dần" đến việc vượt đèn đỏ như vẫn còn thấy xấu hổ, rồi "tiến dần" đến chẳng còn xấu hổ, rồi "tiến dần" đến ngang nhiên công kích (chửi) những người dám ngáng đường ta vượt đèn đỏ hoặc chửi/đánh lại ai dám phê phán ta khi vượt đèn đỏ. Còn tệ hơn nữa là trước đây chỉ có đám choai choai quậy phá mới dám như vậy, bây giờ thì đủ mọi thành phần: già có, trẻ có, công chức có, ăn mặc chỉnh tề cũng có... Trước đây chỉ có 2 bánh mới dám vượt đèn đỏ, bây giờ 4 bánh cũng chơi luôn. Thật là hết biết!!! Ai cũng có một lý do để biện hộ: ôi giào, nhiều chuyện trong cuộc sống còn đáng lo hơn sá chi chuyện vượt đèn đỏ. Tệ nhất là các bậc phụ huynh cứ vô tư chở con em đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, lấn tuyến, chen lấn thì chẳng trách gì càng ngày càng có nhiều người coi thường văn minh nơi công cộng. Mà có phải mỗi lần vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, lấn tuyến... có giúp đi nhanh hơn gì nhiều đâu chẳng qua chỉ là sự thể hiện của lối sống vô tổ chức.
Dân ta có thói quen bao giờ cũng muốn mình đứng đầu tiên trong bất kỳ chuyện gì: học cũng muốn đứng đầu lớp thế là dẫn đến chuyện chạy điểm, đi làm cũng muốn đứng đầu (làm sếp) thế là dẫn đến chuyện đấu đá nhau, rồi ra đường cũng muốn đứng đầu: xếp hàng cũng muốn đứng đầu, thế là chen lấn; dừng xe tại đèn đỏ cũng muốn mình ở hàng đầu tiên, thế là lấn sang trái chiếm cả phần đường của chiều ngược lại; kẹt xe cũng muốn đi đầu, thế là lại lấn tuyến, leo lên lề ... Rồi càng ngày càng có nhiều vụ đánh nhau, đâm chém chỉ vì những lý do chẳng ra gì. Ôi thôi, càng kể ra càng nhiều, mà có khi còn thấy xấu hổ vì đồng bào ta hành xử nơi công cộng sao mà quá lôi thôi lết thết đến thế. Nguy hiểm nhất là khi những chuyện như vậy trở thành thói quen. Người lớn truyền cho người nhỏ. Lúc đó muốn sửa sẽ rất khó đấy! Mà cứ như vậy thì sẽ dẫn đến một nghịch lý là dân ta càng ngày càng khá lên về kinh tế nhưng lại càng nghèo về ý thức cộng đồng. Ai nói "phú qúy sanh lễ nghĩa" chứ ở ta hiện nay người ta chỉ chú ý lễ nghĩa qua hình thức (trang phục, lễ lạt....) cho ra vẻ chứ thật chất chẳng có lễ nghĩa gí cả khi hành xử nơi công cộng.
Ôi, biết chừng nào dân ta mới khá lên được đây! Chỉ cần mỗi một người trong chúng ta biết tôn trọng người khác, hay nói một cách khác mỗi chúng ta nâng cao lòng tự trọng lên một chút thì có lẽ xã hội sẽ bớt nhếch nhác hơn.