Washington thuộc District of Columbia nên gọi bằng Washington DC để phân biệt với bang Washington.
Không hổ danh là thủ đô của một cường quốc, khu trung tâm Washington DC nằm giữa 2 con đường Constitution Ave và Independent Ave, mọi thứ được qui hoạch đẹp như mơ, những hồ nước, công viên, đài tưởng niệm, viện bảo tàng, điện Capitol, đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Triều Tiên.
Mua môt vé Sightseeing Bus chừng 79 USD để có thể đi tham quan hết những điểm du lịch của trung tâm Washington DC, hãy dành ra 3 ngày cho khu vực này, có rất nhiều viện bảo tàng trong đó em mê nhất National Air and Space Museum of Washington DC trưng bày tất cả các loại máy bay từ cổ chí kim, các công nghệ không gian. Tới đây có thể mua thêm vé phụ để được thử phòng huấn luyện dành cho phi công trực thăng Apache hay F 22 Raptor hoặc Boeing 747, giá 27 USD cho một lần bay thử cất cánh, lượn lòng vòng và hạ cánh như thiệt. Ngoài ra còn có lồng quay để huấn luyện phi hành gia nhưng nhớ đừng ăn gì trước khi vô vì trước sau cũng phun sạch sẽ.
Dành ra 3 ngày ở Washington DC là tạm đủ để thu lượm một ít kiến thức cơ bản về lịch sử của nước Mỹ. Phần này em không nói nhiều để bà con tự khám phá sẽ hay hơn, chỉ duy nhất 1 câu: xứng đáng từng phút bỏ ra ở đây.
Washington DC
Bao quanh Washington DC là 2 bang nhỏ xíu là Maryland và Virginia, trong đó Baltimore nằm phía Đông Bắc là một thành phố khá thú vị với những bến cảng lâu đời, thủy cung aquarium cũng như các món ăn đặc trưng của một thành phố cảng.
Đường xá lòng vòng khu vực này cũng khá phức tạp, đủ mọi ngã rẽ đủ mọi bảng chỉ dẫn, trạm thu phí như một ma trận rối rắm.
Nếu lỡ đi lạc phải hết sức bình tĩnh, không manh động chuyển làn đột ngột, dân Mỹ quen chạy xe trật tự nên khả năng xử lý tình huống bất ngờ không tốt, hơn nữa trên đường cao tốc 16 làn xe di chuyển với vận tốc trên 100 km/h thì chỉ một sai lầm sẽ dẫn đến hậu quả bi đát. Cứ bình tĩnh chạy tiếp GPS sẽ tính lại lộ trình mới để đi tiếp, lố một Exist có thể phải đi thêm 5 - 7 miles nữa là chuyện bình thường.
Chú ý kĩ mũi tên chỉ làn đường để chủ động chuyển làn cho đúng với lộ trình đang đi trước khi quá muộn. Trong sách hướng dẫn lái xe của Mỹ có chỉ, trước khi chuyển làn, bật signal sau, kiểm tra kính hậu (nên quay đầu lại để tránh xe nằm trong blind spot) đếm 1, 2, 3 trong vòng 3 giây trước khi bắt đầu chuyển làn. Driving manual cho nhiều chiêu đơn giản mà rất hiệu quả. Trước khi lái xe ở Mỹ nên dành thời gian đọc trước driving manual chừng hơn 100 trang, có thể download xuống từ trrang web
www.dmv.org
Phong cảnh bang Maryland và Virginia
Múi giờ bên Mỹ cách Việt Nam từ 10 - 12 tiếng nên ngày đầu tiên qua cố hết sức thức khuya để rồi ngủ một giấc theo múi giờ mới sẽ giảm thời gian cần thiết để làm quen với múi giờ mới từ 72 xuống còn 48 tiếng, không làm thế ngày nào cũng lờ đờ, miệng lưỡi đắng nghét, đồng hồ sinh học bị rối loạn làm phí mất mấy ngày đi chơi chẳng vui mà ăn uống cũng chẳng thấy ngon.
Lang thang chán chê tới gần 3 h chiều mới rời Virginia để đi New York.
Hành trình dự kiến dài 238 miles đi hết 4 tiếng. Tuy nhiên mới đi hơn nửa đường tính ghé qua Philadelphia kiếm quán ăn Việt Nam ăn tối, sau khi căng da bụng chùng da mắt thì lại nghĩ ở lại Philadelphia 1 ngày để khám phá thành phố đặc biệt này.
Philadelphia là thành phố cổ xưa nhất của Mỹ có từ thế kỷ 17, với dân số trên 1,5 triệu người, Philadelphia và New York là hai thành phố lớn có trên 1 triệu dân nằm gần nhau nhất (40 miles).
Philadelphia rất đẹp, những con phố cổ kính, những bến cảng còn nguyên nét của một thời vàng son của một trong những thương cảng sầm uất nhất của bờ Đông. Trong khi Philadelphia giống một số khu vực của New York ở nét cổ kính, những con đường nhỏ nằm kẹp giữa các tòa nhà có lối kiến trúc xưa (theo tiêu chuẩn của Mỹ thôi) Philadelphia vẫn có nét rất riêng.
Đi dọc ngang down town Philadelphia chợt nhớ ghê gớm một thời sinh viên hàng đêm ngồi đồng trong quán cafe Tùng ở Đà Lạt nghe đi nghe lại bài Streets of Philadelphia của Bruce Springsteen.
Philadelphia tập trung khá đông người Việt sinh sống cùng với các cộng đồng Châu Á khác. Hiện tại xung đột giữa các sắc tộc cũng là một vấn đề làm đau đầu chính quyền thành phố.
Buổi tối lang thang xuống China town để ăn thử món vịt quay Bắc Kinh nổi tiếng ở đây.
Có một điều lạ lùng là các món ăn Việt Nam bên này nấu ăn trớt quớt, hương vị khác hoàn toàn so với nguyên bảng ở Việt Nam, phở, hủ tiếu, mì xào ăn lãng nhách chẳng ra làm sao trong khi nguyên liệu để nấu tốt và rẻ hơn nhiều.
Trong khi đó các tiệm ăn người Hoa chế biến các món ăn còn ngon hơn ở trong nước họ vì sử dụng ít dầu mỡ hơn. Vịt quay, heo quay, các món mì, hoành thánh, xá xíu đều đậm đà và thường khẩu phần rất nhiều.
China town - Philadelphia - Pennsylvania
Biển hiệu của đội cứu hỏa China town cũng có nét riêng của nó.
Mới nhìn nghĩ mấy cha này chắc chuyên đi đốt nhà người ta.
Chặng cuối của cuộc hành trình dừng chân tại thành phố New York. Giống như Miami Beach đối với thành phố Miami, đảo Manhattan mới thực sự là New York city. Thành phố New York nằm tận cùng phía Nam của bang New York, với dân số hơn 8 triệu người, New York city là thành phố đông dân nhất nước Mỹ, được gọi là là Big Apple lần đầu tiên vào năm 1920 bởi một phóng viên chuyên trang thể thao của tờ New York Morning Telegraph, tới năm 1970 khi chiến dịch quảng cáo rầm rộ để quảng bá du lịch cho thành phố này thì nickname Big Apple mới được phổ biến rộng rãi.
Thành phố New York có 4 khu chính là Manhattan, Bronx, Brooklyn và Queens. Trong đó ngoại trừ Manhattan 3 khu kia khá phức tạp, Made in Brooklyn là thương hiệu các tay anh chị thường xăm lên người để chứng tỏ nguồn gốc khét tiếng của mình, nổi tiếng nhất trong số đó phải nói đến tay đấm Mike Tyson.
Không nên lang thang một mình ở những khu này, nhất là ban đêm.
Cách quận Manhattan một con sông nhỏ tên Hutchinson là 2 thành phố thuộc bang New Jersey là Union city và Jersey city. Đây chính là nơi bạn nên ở khi đến thăm New York, khách sạn down town Manhattan rất mắc, đợt năm 2008 em với Dmax One qua ở 1 phòng nhỏ xíu, gường tầng, toilet sử dụng chung giá đã gần 70 USD một đêm.
Qua Union city hoặc Jersey city ở những motel như Super 8, Days Inn giá tầm 60 USD một đêm phòng ốc rộng rãi.
Lái xe ở Mỹ không đâu stress bằng down town Manhattan, ở đây giao thông cộng rất phát triển, tàu điện ngầm hay còn gọi bằng subway, xe bus, phà, taxi, trực thăng chạy khắp nơi 24/24.
Tới New York chỉ cần bỏ thời gian 3 ngày để khám phá down town Manhattan thôi cũng đủ rồi. Những địa điểm phổ biến ở Manhattan ai tới cũng đi cho biết là Walls street nơi New York Stock Exchange đặt trụ sở.
Kế bên New York Stock Exchange district là New York ... Steak Exchange với con bò bằng đồng biểu tượng cho nền kinh tế của nước Mỹ.
Gần như lúc nào cũng có người chen chân đứng xếp hàng chờ sờ đầu con bò để lấy hên.
Không mất nhiều thời gian cho những trò vô bổ đó, sẵn vốn bản tính hiền lành chất phát, lại hay sống nội tâm nên em không đua đòi bon chen với đám khách du lịch xí xô xí xà toàn tiếng Nachi kia mà quyết định chọn cho mình một không gian yên yên tĩnh hơn.
Walls street - Manhattan - NY
Từ phố Walls thả bộ ra tới bờ sông là công viên Battery, từ đó có thể mua vé phà khoản 25 USD để ra thăm tượng Nữ Thần Tự Do, những ngày biển động thì phà không hoạt động. Ai có nhu cầu leo đứng trên trên đầu tượng thì mua thêm vé phụ. Không biết ai nghĩ sao em thấy chả việc gì làm làm trò này. Để thời gian đó đi tham quan các viện bảo tàng, dạo công viên trung tâm, tản bộ ngang dọc Manhattan và khám phá thành phố New York dưới lòng đất xem ra còn ý nghĩa hơn.
Khi đêm xuống là lúc ra Times Square để coi ... đèn quảng cáo.
Một khu phố nhỏ lúc nào cũng tập trung mấy ngàn người từ khắp nơi trên thế giới đứng há hốc mồm ra nhìn rừng biển quảng cáo LED sặc sỡ. Ngoài biển quảng cáo ra Times Square cũng không có gì đặc sắc.
Chạy suốt dọc chiều dài của Manhattan là đường Broadway huyền thoại, rất nhiều rạp chiếu bóng, nhà hát kịch luôn luôn trình diễn những vở kịch kinh điển như Phantom of the Opera, Chicago... Đến Broadway xem một vở kịch cũng là một cái thú nhưng bạn phải đặt vé trước ít nhất 1 ngày. Rất nhiều nghệ sỹ huyền thoại của Mỹ chọn Broadway là nơi diễn hàng đêm.
Ngoài ra ban đêm ở Manhattan những ai thích không khí sôi động hơn có thể xuống khu Soho nằm ở đường số 7 phía Nam Manhattan (Times Square nằm ở đường số 42) để nhâm nhi ly rượu trong các quán bar hoặc các quán rượu có chơi nhạc Jazz. Tinh hoa của mọi thứ đều dồn về những nơi như New York và Las Vegas.
Lái xe dọc ngang khu Manhattan là một cảm giác cực kỳ Yomost, nhìn đâu cũng thấy Taxi, mà đã nói tới Taxi thì đâu cũng như đâu, chạy ẩu cực kì. Taxi ở New York toàn màu vàng và hành khách ngồi phía sau có lưới ngăn cách với tài xế.
Nói chung ở Mỹ lái taxi được xếp vào nhóm nghề nguy hiểm, bởi vậy dân chạy taxi cũng toàn bặm trợn.
Đường ở Manhattan qui hoạch ngang dọc nên cũng dễ định hướng, tuy nhiên toàn đường 1 chiều và nhỏ nên chen chúc nhiều khi cũng phê.
Đâu xe ở đây thì thôi rồi, sáng xuống khu China town ở đường Canal ăn sáng, chạy lòng vòng gần 1 tiếng đồng hồ không kiếm ra được chỗ đậu, ngoài đường cảnh sát nhiều hơn khách bộ hành. Chưa ở đâu cảnh sát nhiều như ở Manhattan, lớp trên đường, lớp dưới đất, lớp đi lòng vòng ai đậu xe ẩu là xé cho một cái ticket liền.
Thi thoảng có người vừa ra hai ba em chen vô đậu, dành nhau chỗ đậu xe chửi nhau ỏm tỏi f*$k ya, *ss hole, son of a b*$ch #&$, đứng một lúc nhìn mấy cảnh đó cũng mắc cười.
China town - Manhattan - NY
Nếu đến Mỹ để tham quan ngắm cảnh thì nên đi và khoản tháng 10, lúc này trời bắt đầu chuyển lạnh, lá cây chuyển từ xanh sang vàng, đỏ cam tuyệt đẹp
Khoản đầu tháng 11 là cây rụng lá đến tháng 12 chỉ còn trơ cành giữa tiết trời lạnh lẽo và xám xịt. Tháng 1 tháng 2 gần như là đỉnh điểm của cái lạnh, các khu du lịch vắng vẻ. Khí trời cực kỳ khô, da dẻ nứt nẻ thê thảm nếu không chịu khó xức lotion, trong túi lúc nào cũng có tuýp vaseline cứ 1 tiếng lấy ra thoa lên môi rồi bập bập mấy cái trông rất đĩ ngựa. Không làm vậy môi khô nứt nẻ nhìn như người mới lạc trong sa mạc 1 tháng ra.
Sau lưng khách sạn có khe nước nhỏ, nước đóng thành băng
Ở Mỹ được cái đi từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam mọi cái đều chuẩn và giống y chang nhau nên hoàn toàn không bỡ ngỡ, một khu dân cư có bao nhiêu trạm xăng, bao nhiêu cửa hàng Mc Donald, bao nhiêu trung tâm mua sắm ...
Những chuỗi cửa hàng mua sắm bên Mỹ thì đầu tiên phải nói đến Factory Outlet, nơi tập trung tất cả các hiệu quần áo, túi xách, mỹ phẩm... vấn đề còn lại là phải nắm được hiệu nào ở outlet nào đang sales để mặc sức gom đồ.
Còn lại những chuỗi trung tâm khác như Mercy's, Sear, Nostrom thì bán hàng new arrival và cũng ít khi sales, giá cả thì thuộc hàng mắc trên trung bình.
Rẻ nhất phải nói đế chuỗi cửa hàng ROSS, Dress for Less. Cũng đồ hiệu nhưng qua mùa hoặc số lượng còn lại không nhiều, đôi khi 1 kiểu chỉ có đúng 1 số và đúng 1 cái. Đủ thứ quần áo, nước hoa, đồng hồ, hàng điện tử, giày dép giá cực bèo, khoản 1/3 giá gốc vì vậy nên Ross lúc nào cũng đông đen người mua, đa số người có thu nhập thấp, Mỹ đen, Mexico, Ấn, Châu Á... Mỹ trắng ít thấy la cà ở Ross.
Nói về hàng điện tử thì có chuỗi cửa hàng Best Buy, computer thì có Fry's Electronic, hàng tiêu dùng thì nên vô Wallmart, Target, dụng cụ gia đình thì vô Home Depot. Còn chuỗi cửa hàng Costco thì giống Metro, muốn vô mua hàng phải có thẻ.
Quay lại với chủ đề New York, dọc ngang down town Manhattan nên ghé những chỗ như Times Square, Walls street, China town, đặc biệt nên ghé Chelsea market. Cá nhân em đặc biệt yêu thích nơi này, một khu chợ cũ bán rau bán cá nằm ở đường số 9th nhưng mọi thứ được decor theo một phong cách rất nghệ thuật, những vật dụng cũ của thành phố được tận dụng thành các vật trang trí làm cho chợ Chelsea giống một nơi triển lãm nghệ thuật sắp đặt hơn là nơi bán tôm bán cá.
Chelsea Market - Manhattan - NY
Các loại hải sản tươi sống, tôm hùm giá khoản 12 USD 1 con mua xong đưa người ta hấp ăn liền tại chỗ tốn thêm 1 USD nữa.
Nên dành thời giản tản bộ trong công viên trung tâm ở Manhattan, mùa này tuyết phủ kín và hơi lạnh, bình thường công viên trung tâm có lẽ là một trong những công viên đẹp và sống động nhất ở Mỹ, nếu em nhớ không lầm thì hình như central park dài đúng 2 km dọc theo Manhattan. Lúc nào cũng có người tập thể dục, chạy bộ hay dẫn chó đi dạo, giữa công viên là hồ nước phong cảnh cực kỳ êm đêm giữa một thành phố sôi động bậc nhất trên thế giới.
Sát bên công viên trung tâm phía Đông Manhattan là 5th Avenue, con đường mua sắm hàng đầu ở New York. Nếu muốn biết nơi nào ở New York có thể giúp bạn tiêu tiền nhanh nhất thì đây chính là câu trả lời. Giá cả cỡ LV ở 5th Avenue chỉ được xếp vào hàng mắc trên trung bình.
Ground Zero nơi từng tọa lạc hai tòa tháp World Trade Center giờ chỉ là một công trường khổng lồ.
12th Avenue chạy dọc theo sông Hutchinson phía Tây Manhattan
Một địa chỉ nữa cũng khá thú vị là Museum of Sex nằm ở góc đường số 7 và Broadway. Đến đây để được choáng váng với bộ sưu tầm các loại dụng cụ hổ trợ sex từ cổ chí kim, các loại phim, thậm chí là tác phẩm nghệ thuật liên quan tới sex. Phải công nhận loài người có nhiều cách hưởng thụ độc đáo.
Những hình ảnh cuối cùng của chuyến đi này là đường ra phi trường Newark
Chặng về từ New York sẽ bay đến Ancorage của Alaska hết 7 tiếng rồi từ đó bay tiếp về Taipei thêm 14 tiếng nữa, sau cùng là 3 tiếng từ Taipei về đến Sài Gòn.
Bay qua bay lại không biết bao nhiêu lần, nay mới tranh thủ chộp được tấm ảnh nhà mình từ máy bay.
Home sweet home, không ở đâu bằng ở nhà mình các bác ạ.