[font="arial, helvetica, sans-serif"]TÔI ĐÃ TỪNG RẤT GHÉT MÙA ĐÔNG[/font]
[font="arial, helvetica, sans-serif"]Những đêm lạnh tê tái, triền miên sương, hay ướt ẩm mưa phùn… Run rẩy trong cái chăn cứng quèo không đủ giữ ấm, thấu rõ từng cái miết của gió buốt thổi về từ hồ xa…[/font][font="arial, helvetica, sans-serif"]
Những sáng mờ tối cóng suốt từ ngón tay lên đến đỉnh mũi, cây bút run run vẽ chữ mà vẫn thầm nghe đói len vào từng tiết học…
Những bóng người lầm lũi đi đi, trên cái nền xám của đông giá, nụ cười khô nẻ chia nhau, phả ra cả hơi sương. Rồi mớ áo hè, thu, đông cùng lúc lèn vào cho đỡ rét, lũ trò chìa ra khoe nhau 3 hay 5 lớp cũ mèm; lại còn nói nhỏ: tao phải độn thêm 2 quần, 2 tất… Thoáng nghe, ông bà nhà bên lại bệnh. Qua 1 mùa, lại có thêm mấy nỗi tang gia…
Tôi đã từng rất ghét mùa đông, sự ghét bỏ thật thà của đứa trẻ, bị thiên nhiên giành giật niềm vui nắng ấm, những đêm mát lành thỏa sức chơi đùa và những ngày nghỉ được thả chạy ra đường mà vui sống. Trong những năm xa khó khăn, cái ăn không dư thừa, cái mặc chưa xa hoa, thì mùa đông lại càng khốn khổ. Đến mức mới nghe đài báo gió mùa đông bắc về, tựa như thấy cuộc sống xẩm tối, ảm đạm nhìn ra đường xa, tự thương những vòng xe đạp quay co ro ngày mới.[/font]
Mùa đông bây giờ đã khác. Người ta hân hoan đón khúc giao mùa, háo hức chờ cái oi nồng hạ tắt, để bắt đầu cuộc chạy đua với áo da, áo dạ, váy len, ủng bốt… Nhà xây chắc chắn, cửa kính mấy lớp, lò sưởi nồng nàn, ô tô kín gió… Lại nữa, những món ăn toả ấm, lai láng sức tươi, rượu ủ thắm môi. Người ta chỉ còn giống như ngày xưa ở đôi má vẫn ửng hồng, bất kể là trẻ con hay người lớn, phụ nữ hay đàn ông… Và vẫn còn làn khói thoảng trên những lời chào vội giữa phố sương.
Người ta bây giờ ít ghét mùa đông hơn… Còn tôi thì… chuyển sang không ghét bỏ, bớt dần sự khó chịu, rồi thương chút chút, rồi nhớ quay quắt… Đúng là người xưa nói cấm có cái gì sai, ví như là: “Kỷ niệm không thể buồn thêm”. Tôi không còn ghét được nữa, mà thương thì dần không dứt được.
Nhớ bắt đầu từ phàm thực nhớ đi (không khác gì đàn ông tự nối bao tử với tim yêu). Chỉ với đông, những món ngon đặc trưng Hà Nội mới thật sự nổi bật: từ phở, bún nóng, xôi mềm, bánh bao, bánh gối, quẩy giòn… Chợt nhận ra tại sao hàng ăn của Hà Nội lại cứ nhỏ nhỏ, thấp thấp, với những cái ghế dài và hẹp. Đến mùa đông, khi những cơn gió ngả nghiêng trên phố, ngồi ríu lại với nhau trên băng ghế chung, cùng ăn chút gì nóng thật nóng, hình như đã muốn ôm nhau vào lòng, quên lạnh cuồng cô độc.
Tôi nhớ nhất không phải chính mùa đông, mà nhớ niềm khắc khoải chờ xuân mỗi dịp cuối năm. Cũng như phải biết buồn thì mới quý vui, phải qua trọn mấy nhịp khổ ải mới ngấm vị thái lai. Chỉ trải nghiệm suốt mùa đông dài, ta mới thật sự yêu cái búp xanh lúp xúp nhú lên trên cành khô gầy, mới thật say đắm phút xòe hồng ấm áp của hoa đào sớm xuân sang.
Thật lạ cho tình người, vừa ghét quá ghét đó mà bây giờ sạch không, chỉ thấy lòng heo hắt khi bạn báo tin đông đã về rồi… Và nếu như phép màu cho được, hẳn là tôi cũng đã thả lòng bay với heo may…
Vẫn là phỏng đoán, tôi tự nhủ do người ta chặt hết cây rừng, rồi lại đục thông rộng cái đèo Hải Vân, nên cái rét không còn là của riêng phương Bắc. Chỉ cần ngoài đó gió mùa thổi 1, 2 ngày phía Bắc là phương Nam cũng bước vào những ngày xầm xì lạnh, có khi lại còn mưa, để vị hanh hao nắng gắt của mùa khô cũng nhạt mất. Cái lạnh thoảng thoảng ấy vừa đủ xoa dịu nỗi nhớ, nhưng thúc giục tôi trở lại ngày xưa.
Biết rằng mùa đông xa sẽ không nhận ra tôi khi về phố, tôi vẫn đưa bàn tay rụt rè vẫy, gửi vào cái thinh không xa lắc xa lơ hầu như không quen nữa, và nói: “Chào bạn hiền yêu quý, Chào mùa đông!”