@viktor: bác cũng là hành khách thường xuyên của lộ trình SG-Bạc liêu ư? hay bác là người bạc liêu đấy? nếu vậy, không khéo nói lòng dòng một hồi thì đâm ra là người quen mất!
em lại trở về với bắc Cần thơ đây
có lẽ không đâu trên đất nước dài như sợi dây của chúng ta lại có một bến phà hoành tráng và quan trọng cho bằng bắc Cần thơ...con phà là cái yết hầu có một không hai nối miền Tây gạo trắng nước trong, đầy ắp lúa gạo cá tôm cây trái với SG và cả nước. Nếu không có phà Cần thơ, hẳn Sài gòn đã không đông người và phong phú sản vật đến thế!
em còn nhớ cái cảm giác qua phà lần đầu tiên trong đời: ban đêm, chỉ thấy dòng sông quá rộng dưới ánh trăng mờ, chỉ nghe tiếng sóng vỗ vào mạn phà át cả tiếng máy nổ rì rì của con phà 200 to lớn, chỉ nghe tiếng gió ào ào kéo qua khối người xe nhẫn nại ken nhau trong lòng con phà chật cứng... tất cả là lần đầu đối với một đứa trẻ, sao mà con sông rộng lớn và bí hiểm đến thế dưới màn đêm! con sông rộng nhất mà em từng được biết trong đời! khúc đáo giang hẹp nhất này đã rộng 2km và cần hơn nửa tiếng để con phà vượt sông khi nước lớn.
vậy mà đám bạn phổ thông của em, nhóm học ở ĐH Cần thơ từng có lúc rủ nhau thi bơi vượt sông Hậu ở doạn này...!
và đây là những gì hôm nay ta biết về bắc Cần thơ;
(nguồn:Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Bến phà Cần Thơ băng qua
sông Hậu nằm trên
quốc lộ 1 nối liền tỉnh
Vĩnh Long và thành phố
Cần Thơ, với bờ phía Vĩnh Long đặt tại thị trấn
Cái Vồn, huyện
Bình Minh (do đó bờ bắc còn được gọi là
bến phà Cái Vồn hay
bến phà Bình Minh), bờ phía Cần Thơ đặt tại phường Cái Khế, quận
Ninh Kiều. Khoảng cách 2 đầu bến phà là 1840 m. Kể từ khi phà Mỹ Thuận ra đời vào đầu thế kỷ 20, hệ thống đường bộ Nam kỳ đã mở rộng. Tại Cần Thơ, người Pháp cũng bắt đầu xây dựng bến tàu và Bungalow để cho một số tàu khách và tàu buôn ghé qua giao thương mua bán. Đến năm 1915, toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị Định cho đắp lộ đá từ Sài Gòn đi Rạch Giá - Cần Thơ. Cùng lúc đó (khoảng 1914 -1918) việc xây dựng bến phà Cần Thơ cũng được tiến hành. (1) Khi phà Cần Thơ đi vào hoạt động, đường xe từ Cần Thơ đi Sóc Trăng, Long Xuyên, Vĩnh Long cũng bắt đầu đắp và dần dần chỉnh trang.
Nhiều vị cao niên, trong đó có luật sư Nguyễn Văn Khâm, 95 tuổi, kể rằng bến phà phía Cần Thơ đầu tiên nằm tại bờ sông gần dinh Tỉnh trưởng cũ, nay là địa điểm cầu Ninh Kiều bắc qua cồn Cái Khế, sau đó mới dời về vị trí hiện nay. Phà Cần Thơ ngang sông Hậu dài 1.840 mét, trong đó bờ Vĩnh Long - bờ Bắc đặt tại thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh. Trước đây, nhiều người gọi phà là “ bắc” (theo âm tiếng Pháp “bac”, có nghĩa là đò ngang) như bắc Cần Thơ, bắc Mỹ Thuận, Sở đò Mỹ Thuận.
Ông Nguyễn Văn Kiếm, 86 tuổi, nhân viên phà Cần Thơ từ năm 1945, tài công từ năm 1948, cho biết: “ Vào những năm 1945-1950, bắc Cần Thơ chỉ có 3 chiếc nhỏ, mui trần, cặp bến một đầu, mỗi chiếc chở được hai xe đò. Mỗi chiếc thường có 6 nhân viên phục vụ gồm 2 tài công chính, phụ; 2 thủy thủ và 2 thợ máy. Phà hoạt động hằng ngày từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm.
Ông Lê Tấn Phát, công nhân làm việc dưới phà cho biết ponton phà lúc đó rời gồm 2 phần: phần phao nổi cố định và phần di động cho xe lên xuống. Mỗi lần phà cặp bến, từng chiếc xe đổ xuống ponton rồi bốn nhân viên mới dùng tay quay bàn cầu có hình chữ thập sao cho đúng vị trí bàn phà để xe gie xuống. Lúc cặp bến, xe chạy thẳng lên bờ khỏi phải quay đầu.
Trong cuốn Hồi ký Sơn Nam, tác giả cho biết lúc nhỏ ông có dịp xuống phà chơi nhìn thấy ở bờ sông có ngôi miếu nhỏ thờ Thủy Long, dưới hầm máy cũng có trang thờ Thủy Long. Người coi lái phà ngồi trên mui cao, còn thợ máy thì làm việc dưới hầm tối om om để theo dõi việc vận hành của máy. Mỗi lần nghe tiếng kẻng hiệu lệnh của tài công (hoa tiêu), người thợ máy vội nắm cây cần điều khiển giảm tốc độ khi phà từ từ tiến vào bờ.
Thuở nhỏ, mỗi lần qua phà tôi thích nhất là nhìn dòng sông êm đềm và những dề lục bình trôi man mác. Đặc biệt là những chiếc xuồng chài trên sông tạo thành một bức tranh quê dung dị, hiền hòa và thơ mộng. Trên phà lúc nào cũng sôi động, mọi người tất bật với công việc mưu sinh, mua bán.
Người miền Tây, ai cũng có nhiều kỷ niệm với phà Cần Thơ, với dòng sông và bến nước, nhất là những gánh hàng rong chân quê, mộc mạc suốt ngày lầm lụi trên những chuyến phà. Giờ đây những hình ảnh đó đã đi vào hồn, vào ký ức của mỗi người. Không còn bao lâu nữa mọi người sẽ tạm biệt con phà... Ai mà chẳng thương, chẳng nhớ và hoài niệm!
Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu được khởi công xây dựng vào tháng 9,
2004 nhằm mục đích thay thế phà Cần Thơ.
(bài này vốn là 1 bài báo mới được cập nhật vào wiki)