RE: Nhật ký hành trình Adventure Tour 2008 "HCM-Vientiane-Golden Triangle-Luang Prabang"
Trên Thakhek đất Lào nhớ Huế Việt Nam
Ở thủ đô Vientiane mơ về Hà Nội
Khung cảnh nhà hàng Tiphachanh:
Trước sau nào thấy bóng người
Bàn im, ghế vắng, nói cười cũng không. [&o]
Iris nhìn nhà hàng vắng vẻ, cứ ngỡ mình đang chứng kiến con tàu “Người Hà Lan bay” trên cạn (liên tưởng linh tinh vì thích đọc sách về lịch sử hàng hải, có gì mọi người thông cảm nhé
). Cả một nhà hàng rộng thênh thang, tuyệt nhiên không một bóng người, kể cả người phục vụ. Mọi người đã lặng lẽ mất tích như thủy thủ đoàn trên con tàu “Người Hà Lan bay”. Khung cảnh chỉ còn thiếu một ít sương mù, nhưng thay vào đó là cái nắng chói gắt trên đầu. Ngoài sân, hoa vẫn nở, gió vẫn thổi, tiếng lá cây vẫn xào xạc, người vẫn vắng.
Biết hỏi ai bây giờ?
Biết đi đâu về đâu để kiếm một chỗ ăn đây?
Bác trưởng thôn dường như đã muốn ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Trời đã sinh ra trưởng thôn, sao còn sinh ra xe – gi – cung – duoc”.
Rời thật nhanh khỏi nhà hàng Tiphachanh, đoàn xe đi thêm mấy cây số nữa và dừng lại trước một tấm biển ghi bằng tiếng Việt. Tiếng của người cầm lái vĩ đại dõng dạc trên bộ đàm, dù có hơi kém phần tự tin so với trước: “Đây chứ đâu!”
Một quán cơm của người Việt với các món ăn thuần Việt. Chủ quán là một phụ nữ gốc Huế tươi tắn, xởi lởi, giọng nói còn đặc âm sắc Huế. Ngày xưa mình từng có một “chút tình riêng với Huế”. Nhưng ngày xưa giờ đã quá xa. Đã mấy năm rồi. Hai cuộc sống khác, hai nẻo đường khác. Chỉ còn lại chút bùi ngùi với Huế là vẫn không quên.
Huế của Iris là Đập Đá, là chợ Đông Ba, là Vĩ Dạ, là đêm dạo thuyền nan trên sông Hương, là nhà thờ chính tòa Phủ Cam cũng vào một trưa nắng gắt, là cầu Trường Tiền thử một lần đội nón lá bài thơ, thử một lần làm cô gái Huế. Một sự trùng hợp kỳ lạ, những chuyến đi đáng nhớ của Iris đều vào tháng 7. Tháng 7 ở Huế ngày xưa cũng nóng nắng cháy da, đội 2 chiếc nón lá bài thơ mới đủ sức đi dạo trên đường.
Nhớ Huế, là nhớ ngày xưa…
Đến Vientiane vào buổi chiều. Trời chưa đủ tối để thành phố sáng ánh đèn. Các nhiếp ảnh gia lại tiếp tục sự nghiệp sáng tác. Một bữa tối ngon miệng, một khung cảnh bình yên, làm ấm lòng những lữ khách phương xa.
Vientiane có nét gì giống Hà Nội, nhưng thanh bình hơn, vắng vẻ hơn. Những đường phố thưa vắng người qua lại. Không muốn gọi là đường, chỉ muốn gọi là phố cho giống Hà Nội. Một người Hà Nội đã trả lời Iris khi nghe hỏi về sự khác nhau giữa đường và phố: Phố thì gần còn đường thì xa; phố thì quanh co còn đường thì thẳng; phố thì in dấu bàn chân còn đường thì in dấu xe…
Buổi tối, lang thang trên những con phố Vientiane mà thấy mình như đang ở Hà Nội. Tháng 7 Vientiane không phải là tháng 3 Hà Nội. Những phố Vientiane không phải là phố Hà Nội. Mà sao cứ hồi tưởng Hà Nội mùa lạnh tháng 3, hồi tưởng những dòng chữ mình đã viết cho những đêm Hà Nội:
“Ra Hà Nội lần này bỗng thích dạo phố lúc đêm khuya. 12 giờ đêm, đường vắng, quán xá đóng cửa, ngồi ở quán cà phê nào cũng bị lịch sự mời về, nên đành lang thang suốt trên phố. Dọc các dãy phố, những ngôi nhà đóng cửa im lìm, và ở rất nhiều con đường, lá cây rụng dày như những tấm thảm.
Thu mình lặng lẽ trong chiếc ô tô từ Yên Tử về Hà Nội lúc 12 giờ đêm, đi qua những con đường vắng, bâng quơ thốt lên rằng: “Thích những con phố Hà Nội lúc ngủ đêm”. Lập tức có một câu hỏi làm mình bất ngờ: “Tại sao? Vậy đường phố Sài Gòn thì thế nào?” Có cần phải hỏi không nhỉ, khi mà ai cũng biết rằng ở Sài Gòn hầu như đường phố nào cũng thức đêm.
Lại một câu hỏi khác: “Thích con đường nào nhất ở Hà Nội?” Không cần suy nghĩ, đã có câu trả lời: “Thích phố Lý Thường Kiệt”.
Và nhớ lại những con đường mình đã đi trong mấy đêm qua.
Một đêm ngồi dưới gốc cây ở Triệu Việt Vương, nhấm nháp ly rượu trái cây, tận hưởng chút lành lạnh của đất trời, nghe một người bạn mới quen nói về những niềm vui giản dị của cuộc sống hiện tại, về những kế hoạch, ước mơ cho tương lai.
Đi qua Ngô Quyền, Lò Đúc, ngẩn người vì những thảm lá xà cừ phủ kín vỉa hè, tràn xuống lòng đường. Nhớ những câu thơ của Nguyễn Nho Khiêm tình cờ đọc được trên mạng:
Anh lại nhớ hàng cây xà cừ trước cổng trường sư phạm
Ta chờ nhau thấp thỏm tình đầu
Anh đã khắc tên chúng mình lên đấy
Gởi cho cây nói hộ đêm sâu!...
Sài Gòn cũng có xà cừ mà sao chưa bao giờ được thấy thảm lá rụng, chưa bao giờ được thấy đêm sâu.
Một đêm cùng với một người Hà Nội đã xa nơi này nhiều năm, đi mấy vòng Hồ Gươm, lang thang vào khu phố cổ, rồi quay lại con đường Nguyễn Du, Quang Trung. Bạn ngồi sau lưng mình, hát nho nhỏ. Bài hát “Im lặng đêm Hà Nội”. Trời lạnh, nhưng không dám hỏi bạn một câu: “Liệu có còn hơi ấm mối tình đầu?” Nhớ những lúc ở Sài Gòn, bạn nhắc rất nhiều về Hà Nội, nhắc rất nhiều về những bạn bè thân quen, về những tình cảm vấn vương không dứt. Lần này đi cùng bạn trong đêm khuya Hà Nội, mới hiểu vì sao bạn lại nặng lòng với Hà Nội đến thế.
Một đêm đi qua Phan Đình Phùng, chỉ để ngắm lại vỉa hè duy nhất ở Hà Nội có hai hàng cây, như lời của một người bạn khác nữa.
Và một đêm buồn, online lúc 11 giờ khuya, thấy một cái tên trên Yahoo Messenger vụt sáng, bâng quơ hỏi một câu: “Cà phê đêm khuya Hà Nội nhé”. Cà phê tan rồi, lại tiếp tục ra vỉa hè ngồi lặng im ngắm con phố vắng. Lòng thầm cảm ơn bạn, con người khô khan ít nói, bỗng phải chiều theo ý thích nắng mưa thất thường của mình.
Nhưng vẫn thích con phố Lý Thường Kiệt hơn tất cả những con phố khác. Ở đó có một địa chỉ mà khi nào ra Hà Nội cũng phải đến, đến để đắm mình vào một thế giới sách. Có vỉa hè rộng rãi với hàng cây phượng gợi nhớ những mùa hè tuổi học trò. Có cái tĩnh lặng kỳ lạ so với những con phố xung quanh”.
Iris dự định chuyến đi này sẽ từ Vientiane tranh thủ ra Hà Nội. Nhưng thời gian không cho phép, đành quay lại Sài Gòn. Thêm một lần lỡ hẹn với phố Hà Nội…
Buổi sáng Vientiane đẹp trời, lại lang thang đi bộ. Một chút rảnh rỗi trước khi lên xe bus qua Udon Thani. Đoàn chia thành nhiều nhóm nhỏ. Có bác đi rửa xe, mua vé, có bác dạo phố, săn ảnh.
That Luang, biểu tượng của quốc gia Lào, óng ánh sắc vàng, rực rỡ như không hề biết đến dấu ấn thời gian. Thế kỷ XVI dường như rất gần đâu đây, dù biết nơi này luôn được trùng tu.
Patuxay làm gợi nhớ đến Khải Hoàn Môn của Paris. Chỉ có những phù điêu trang trí là đặc trưng Lào. Được xây dựng từ năm 1962 đến năm 1968, Patuxay vinh danh cuộc kháng chiến chống Pháp. Du khách tập trung quanh đài phun nước. Thấp thoáng bóng áo vàng của mấy nhà sư. Một buổi sáng nắng vàng bình yên, quá đỗi bình yên.
Iris leo từng bậc thang lên đỉnh Patuxay. 49m không phải là cao. Ngó xuống đại lộ Lane Xang lộng gió thênh thang, nhớ ngày trước từng leo lên đỉnh Cột Cờ Hà Nội. Cũng là nắng, cũng là gió, cũng là khoảng không mênh mông phía trước.
Sẽ mãi còn lang thang nếu như không đến giờ lên chuyến xe bus qua cửa khẩu Nong Khai. Sắp rời đất Lào để sang đất Thái Lan, tiếp tục cuộc hành trình.
Cuộc hành trình tiếp theo như thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ.