Hạng D
26/5/12
4.117
123
48
http://www.vnmilitaryhist....php/topic,8218.0.html
Chào các bạn, tôi tham gia chiến trường biên giới Tây Nam được 3 mùa khô và 4 mùa mưa, trong đội hình tiểu đoàn 3, trung đoàn 4, sư đoàn 5, quân khu 7 (sau 4/79 trực thuộc mặt trận 479) đã từng trãi qua những trận đánh ở Âm-leng tháng 3/79, công-xi-lốp tháng 6/80 và thường xuyên đi đánh Phnom Melai trong các năm 80-81-82, tôi thường hành quân vào Cao Mê-lai từ hướng đít của con voi, nên tôi đặt tên tập hồi ký của mình là NGÃ BA CON VOI.
Đối với lính trung đoàn 4 thì ngã ba con voi (Nimith) và Cao Mê-lai là những địa danh cháy bỏng lòng người... tôi quyết định sẽ kể ra đây cho các bạn nghe và tôi hy vọng rằng sau này sẽ có những quyển hồi ký hay hơn nửa về MỘT THỜI MÁU ĐỔ THÌ NHIỀU MÀ HOA THÌ KHÔNG CÓ ĐÂU!
Những chuyện tôi sẽ kể ra đây thì sẽ tốn nhiều thời gian của các bạn đấy, tôi xin lập chủ đề mới là NGÃ BA CON VOI, mong các bạn xem và đóng góp ý kiến cho truyện của tôi thêm hoàn hảo.
1. RA CHIẾN TRƯỜNG
Chúng tôi đến Kompong Thom vào một buổi trưa trung tuần tháng 2/1979. Đêm qua chúng tôi ngũ tại Sa Mát trong nhà một bà mẹ đang để tang ai đó, chúng tôi ngũ trong tiếng mõ và tiếng kinh cầu siêu trầm buồn ray rức... Sáng nay, sau khi qua biên giới Campuchia, xuyên qua những con đường đất đỏ bụi mù, đứng trong thùng xe GMC chúng tôi đón nhận những rừng cánh tay của phụ nữ và trẻ em Campuchia vẫy chào đoàn quân tình nguyện Việt Nam qua đánh đuổi bọn diệt chủng Pôn Pốt.
Thỉnh thoảng ngược chiều với hướng di chuyển của chúng tôi, một vài chiếc GMC chở xác tử sĩ căng phồng trong những bọc nylon, phía trên là những cành lá ngụy trang che nắng. Đường đất đỏ gập ghềnh làm những bọc xác tử sĩ nẩy phập phồng...
Tôi là một tân binh nghĩa vụ mới bước qua tuổi 19 được 2 tháng đang háo hức bước vào cuộc chiến tranh bắt buộc với hành trang là 80 ngày huấn luyện quân sự và chưa có bất kỳ một khái niệm nào về chiến thuật tấn công hoặc phòng ngự trận địa...
Đoàn xe dừng lại trước một dãy nhà sàn dọc con đường đất đỏ bụi mù, đây là hậu cứ của sư đoàn 5 bộ binh, sư đoàn anh hùng thời kỳ chống Mỹ.
Dân Kompong Thom đãi đám tân binh chúng tôi những ống nước thốt nốt ngọt lịm, mát rượi. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được uống thứ nước thơm ngon, ngọt ngào đó. Nó tươi nguyên mới từ trên cây mang xuống trong ống trúc lồ ồ.
Chúng tôi được phân tán ra từng phân đội nhỏ đóng rải rác trong một cánh rừng dầu thưa thớt, đâu đó có tiếng súng tiểu liên nổ râm ran phát một.
Tôi đi theo một cựu binh vác súng AK vào rừng, anh này đi săn chim và tôi đi theo... bắn ké. Bắn được vài phát thì vệ binh tới, bảo lệnh trên cấm bắn súng.
Ăn không ngồi rồi mấy ngày thì một hôm, vào buổi xế trưa có lệnh tập họp. Một cán bộ quân lực đến, báo cáo là mấy hôm nay đơn vị bận đi đánh nhau (nguyên văn) nên hôm nay mới đến nhận quân. Sau đó tôi được đọc tên và biên chế vào đại đội 13, tiểu đoàn 3, trung đoàn 4 trong buổi chiều hôm đó.
Tôi được bổ sung vào trung đội 7, chỉ huy trung đội của tôi là đồng chí Nông Tiến Dũng, dân tộc Tày, gốc Thái Nguyên. Buổi cơm chiều đầu tiên tại đơn vị chiến đấu của tôi có cơm thơm mùi gạo mới, có rất nhiều thịt bò xào, có thể ăn thịt thay cơm được. Những cựu binh trong trung đội ăn ít và uể oải, chỉ có chúng tôi, những tân binh mới bổ sung về đơn vị lần đầu tiên trong đời lính được ăn no thứ thịt bò tươi xào muối, bột ngọt và cơm ăn không hết. Một loại cơm nấu bằng gạo trắng hơi lẩn gạo lứt đỏ thơm mùi lúa mới.
Những anh em trong trung đội thu nhận chúng tôi, những tân binh mới bổ sung bằng một bửa cơm ngon và no đến như vậy. Qua đợt bổ sung quân này, trung đội của tôi tăng lên được vài người, quân số hiện thời của trung đội khoảng 7, 8 người.
Với thể trạng cao 1m 67, nặng 50 kg, tôi lập tức được phân công vác hỏa lực B41 với 6 trái đạn.
B41 là một loại pháo không giật, được trang bị cho bộ binh nhằm chống tăng và phá hủy công sự rất hiệu quả. Khẩu súng tôi vác trên vai do Liên xô sản xuất nặng khoảng 5,5 kg. Mỗi trái đạn nặng khoảng 2,2 kg. Có 2 loại đạn, khoan nổ và chạm nổ. Đạn trang bị cho bộ binh vận động tấn công trên chiến trường thông thường là loại chạm nổ, uy lực mãnh liệt, tiếng nổ đanh gọn, đinh tai điếc óc, quầng lửa phản lực màu sáng trắng, hầu như không thấy khói. Đạn đi tới mục tiêu rất mau, khi lâm trận nghe bùng bình một tiếng là đạn nổ văng mảnh rồi. Bùng là tiếng đạn phát hỏa bay ra khỏi nòng, bình là tiếng đạn chạm mục tiêu phát nổ.

2. VÀO CHIẾN DỊCH
Không một ngày ngơi nghỉ, chúng tôi hành quân liên tục. Nắng tháng hai đổ lửa trên đầu, đường đất đỏ xuyên qua những cánh đồng rộng bao la, và xa xa là những rặng cây thốt nốt, báo hiệu chuẩn bị đi tới một phum làng.
Chúng tôi thận trọng tiến vào phum theo đội hình hàng dọc, mỗi người cách nhau 10m, đạn AK lên nòng, khóa an toàn bật mở. Tôi được lệnh đẩy đạn B41 vào khấc, tay lăm le cò súng.
Cái phum này yên phăng phắc, địch đã bỏ chạy từ lâu, giếng nước đã bị vứt cây che lấp. Chúng tôi kéo các cành lá lấp giếng nước ra, mong kiếm được nguồn nước giải khát. Nước trong giếng đen thui, hôi thúi mùi hữu cơ phân rã không uống được. Lại có lệnh hành quân đi tiếp, đến chiều tối chúng tôi dừng chân ở một nơi nào đó, có nước để nấu cơm ăn uống, lấy sức ngày mai đi tiếp.
Hành quân dài ngày khiến khẩu súng B41 ngày mỗi thấy nặng, vai áo ka ki của tôi đã sờn rách một lớp vì nó, thỉnh thoảng chúng tôi lại đi trên một con đường nhựa nóng, trời nắng chang chang, lòng bàn chân phồng lên, mọng nước, rồi cái mọng nước vỡ ra, ướt lép nhép lẫn với mồ hôi và huyết tương tươm ra từ lớp da bị bong tróc. Vậy mà vẫn cứ đi, đi không thấy đau, đầu óc mụ mị, nóng và khát.
Khẩu súng B41 vác trên vai không muốn nổi nửa, mõi quá rồi, tôi quàng dây đeo súng lên cổ, ôm súng vào lòng, vai gồng lên gánh 4 trái đạn trên lưng mà đi lặc lè (viên đạn thứ 6 đã có người mang hộ). Trung đội trưởng Dũng thấy tôi đi bệ rạc quá, kêu tôi vác súng lên vai đi thẳng dậy, nhưng đại đội trưởng Chính, người Nghệ Tỉnh gạt ngang bảo : “Thôi”. Ý anh ấy nói là để tôi đi sao cũng được miễn là tới nơi.
Sáng nay đã có một đồng đội của tôi, nhập ngũ cùng đợt nằm bật khóc nức nở giữa đường vì kiệt sức. Anh này lý lịch không phải tầm thường : “Con trai của viên tướng Sài gòn giác ngộ cách mạng Nguyễn Hữu Hạnh”.
Chúng tôi đang bước vào một cuộc hành quân lớn. Sư đoàn chúng tôi đang phối thuộc quân đoàn 4 truy quét tàn quân Pôn Pốt trên một diện rộng từ Takeo đến Kompong Speu, Kompong Chnang. Chúng tôi di chuyển liên tục bằng mọi phương tiện, đi bộ, đi xe GMC, xe tăng T54...
Thỉnh thoảng chúng tôi được đánh phối hợp với tăng, các trung đội của chúng tôi ít người, mỗi trung đội nhảy lên một chiếc T54, chúng tôi bương qua những cánh rừng thưa, xe chồm lên, hụp xuống trên những địa hình mấp mô ụ mối... Gặp địch chúng tôi nhảy xuống, dàn hàng ngang nổ súng tiến lên, khí thế như chẻ tre.
Với khí thế như vậy, chúng tôi đánh là thắng, những cánh quân Pôn Pốt nhỏ lẻ trong thế cờ tàn làm sao đương đầu nổi sức tấn công của chúng tôi có tăng T54 yểm trợ với hỏa lực cực kỳ mãnh liệt.
Sau này đại tá Trần Đối, anh hùng quân đội về làm sư trưởng, trong một lần đi thăm cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 3, ông đã biểu dương là tiểu đoàn 3 đánh với tăng giỏi nhất sư đoàn 5, sư đoàn 5 đánh với tăng giỏi nhất quân đội nhân dân Việt Nam, và ông kết luận là tiểu đoàn 3 đánh với tăng giỏi nhất quân đội nhân dân Việt Nam. Lính tiểu đoàn 3 nhớ mãi câu nói đó và thấy lòng mình tự hào về truyền thống đơn vị.
Chúng tôi liên tục di chuyển và chạm súng nhỏ lẻ... Rồi bỗng dưng một sáng nọ, chúng tôi tiến vào một cánh rừng dầu, tiếng súng giao tranh xãy ra rất gần, một đơn vị nào đó của ta đang đánh địch.
Đột nhiên tiếng súng im bặt, rừng dầu nín thở yên phăng phắt, chúng tôi dàn quân đứng nấp sau những gốc cây dầu, những cây dầu vươn cành lá thẳng lên trời, cao trên 20m, gốc không lớn lắm, đường kính khoảng 30, 40cm thôi. Chợt một cái gì đó nhẹ nhàng rơi bộp trên vai tôi, làm tôi khẽ giật mình... thì ra đó là một cánh hoa dầu.
Là dân thành phố, đây là lần đầu tiên tôi thấy cánh hoa dầu, nó rơi rơi, xoay tròn trong không khí, rồi nhẹ nhàng đáp lên vai người lính, rồi rơi xuống mặt đất làm phong phú thêm thảm thực vật trong cánh rừng dầu mùa khô 1979.
Đó là một buổi sáng trong lành, tiếng súng đã im lặng lâu rồi, đội hình của chúng tôi được bố trí lại, tôi được phân công đứng gát trên một ụ mối, phía trước là một con đường mòn nhỏ, trung đội rải ở phía sau... Tôi đứng gát như vậy thật lâu, lâu lắm, mãi đến giờ ăn trưa mới có người lên thay tôi canh gát.
Cũng trong cánh rừng dầu này, phía trước lại có một đơn vị chạm súng với địch, mật độ chạm súng càng lúc càng dày, ngay trong đêm tối vẫn có tiếng súng giao tranh khốc liệt. Chúng tôi chỉ cách trận địa một tầm đạn vậy mà cảm thấy rất yên lành, vẫn ăn ngũ bình thường, tất nhiên là luôn luôn cắt cử người thay phiên canh gát.
Trong những ngày này, đại đội tôi có thêm người, trên ban chỉ huy có đồng chí Hội đại đội phó quân sự, còn trung đội tôi có hạ sĩ Trọng, tiểu đội trưởng trở về sau thời gian nằm quân y viện.

3. MỘT TRẬN ĐÁNH LỚN
Hạ sĩ Trọng về làm tiểu đội trưởng của tôi hôm trước thì hôm sau chúng tôi xuất kích, nên tôi không có dịp chuyện trò nhiều với anh, thậm chí gương mặt của anh thế nào tôi cũng không nhớ được, bởi vì ngay trong ngày xuất kích đó đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Trong trận đánh đó tôi là người ăn đạn đầu tiên, nhưng tôi không chết, mà tôi nằm đó nghe tiếng đồng đội hô xung phong. Tiếng hô xung phong vang dội của hạ sĩ Trọng đến giờ sau 30 năm vẫn còn ấn tượng trong đầu tôi, một thương binh mới trở lại chiến trường sao máu đến như vậy... Mấy tiếng đồng hồ sau, khi trận địa tương đối yên tiếng súng, đồng đội kéo xác hạ sĩ Trọng về, tôi thấy rõ ràng anh chết đổ ruột trên chiến trường.
Trận này chúng tôi tổn thất nhân mạng lớn là phải, hướng tiến công của cả tiểu đoàn hoàn toàn thất thế, bởi chúng tôi từ đồng trống đánh lên. Trong khi đó lực lượng của địch là lính chính qui, tinh thần vững vàng, hỏa lực đầy đủ, công sự kiên cố. Địch lập trận địa phòng ngự trên một cái phum lớn, đây là đất của địch, chúng thông thuộc địa hình, địa vật như trong lòng bàn tay, chúng bày binh bố trận, chờ chúng tôi đến là sẳn sàng tiếp chiến trong tư thế hoàn toàn chủ động.
Chúng dàn quân trên bờ đê, nhìn thấy rõ chúng tôi từ trong cánh rừng cây lưa thưa phía chính diện xông ra.. Khi chúng tôi xung phong thì phải chạy xuyên qua một cánh đồng khô rộng đến mấy trăm mét, thế thì chúng rãi đạn vào những cái bia thằng người di động đó. Không một người lính nào chạy được quá vài chục bước chân mà lành lặn.
*
* *
Trời hửng sáng, chúng tôi vừa được trinh sát dẩn vào vị trí xuất kích thì đâu đó có tiếng súng nổ rộ. Tôi vác khẩu B41 trên vai, đứng trước một ụ mối, nấp sau một thân cây sẳn sàng trong tư thế xung phong. Đột nhiên tôi thấy một tốp lính chừng 10 tên mặc đồ gar-ba-din Trung quốc mới cáu, chạy lúp xúp theo hàng cây thốt nốt, tôi chỉ cho đồng chí Vịnh xem. Đồng chí hô bắn B41, đồng chí Thạch cản lại khoan, vì tôi đứng trước ụ mối, nếu tôi bắn sẽ bị lửa phản lực dội vào ụ mối bật ngược lại làm cháy cả bọn.
Tôi loay hoay tìm chổ bắn thì thằng Pôn Pốt đã nổ trước, một trái cối 60 ly Trung quốc nổ oành ngay chổ tôi quỳ. Tôi thấy nhói và nóng ngay mông, đưa tay ra rờ thì thấy máu đổ, cái bi đông nước của tôi cản dùm cho tôi một mảnh đạn, còn một mảnh khác chui thẳng vào mông, làm máu tôi đổ chan hòa cùng nước bi đông còn đang nóng. Tôi kêu lên, tôi bị thương rồi.
Đồng chí Vịnh chạy tới băng bó vết thương cho tôi, vừa xong thì có lệnh xung phong, đồng chí để cây AK lại cho tôi, còn đồng chí xách khẩu B41 và giá đạn lao lên phía trước.
Hỏa lực tiểu đoàn hổ trợ bộ binh xung phong bắn cấp tập, trước mặt tôi một khẩu 12 ly 8 được đặt triển khai song song với hướng xung phong đại đội bắn cùng cùng, cùng cùng đầy uy lực... Tiếc thay hướng xuất kích của chúng tôi quá xấu, trước mặt là đồng trảng không có vật che khuất, che đở, nên ngay lập tức chúng tôi bị chặn lại bởi hỏa lực của Pôn Pốt từ trên bờ đê bắn trả. Nhiều loạt đạn được bắn thẳng về hướng chúng tôi và cối của địch rót tập trung vào đội hình xung phong.
Người ta nói tiên hạ thủ vi cường, khá khen thay thằng chỉ huy Pôn Pốt đã làm đúng điều đó. Chúng đã đánh chúng tôi bằng con pháo đầu và trong loạt pháo đó lượm ngay con tốt là tôi, chiến sĩ hỏa lực của trung đội. Sau loạt pháo đầu, chúng bắt đầu chỉnh cối vào đội hình xung phong của tiểu đoàn, cây 12 ly 8 bắn hết đạn rút ra tránh cối, còn bộ binh nằm tại chổ đưa lưng chịu trận.
Cối cứ bay vo vo trên đầu, hết tầm nó xé gió rít lên rồi nổ oành một tiếng, trúng ai người đó chịu. Đạn nhọn mình còn nằm dán mình xuống đất, chúi đầu vào bờ ruộng mà tránh, còn cối pháo đánh cầu vồng thì chịu!
Súng đạn vô tình, trời kêu ai nấy dạ.
Quân ta lại phát động đợt xung phong lần thứ hai, hạ sĩ Trọng, tiểu đội trưởng của tôi hô rất hào hùng, tôi nằm đó sau lưng ụ mối nghe tiếng hô xung phong khí thế của anh mà lòng đầy cảm phục... Nhưng làm sao mà lên được trên cái địa hình trống trãi này, trong khi hỏa lực của địch còn rất mạnh.
*
* *
Qua 2 đợt xung phong, một số đồng đội tôi đã ngã xuống, đang chờ kéo xác về, những đồng chí còn lại đang nằm dán bụng xuống đất, đưa lưng cho cối nện mà chịu trận. Lúc này đây, những động tác huấn luyện căn bản ở quân trường được binh sĩ sử dụng một cách tự giác và triệt để, đó là các động tác lăn, lê, bò, toài. Anh chỉ cần đứng khom lưng lên thôi, chưa kịp nhảy qua bờ ruộng là lập tức ăn đạn. Trong lúc chỉ huy bộ đội xung phong, đồng chí Hội đại đội phó quân sự, mới trở về cầm quân đi đánh trận này đã bị trúng đạn gãy chân ngay tại trận.
Đến khoảng 10 giờ trưa thì các thương binh chúng tôi được đưa về tuyến sau. Còn đây là diển tiến trận đánh đó do đồng đội thuật lại sau này:
Bọn địch phòng ngự trên bờ đê tiếp tục kiểm soát mọi động tỉnh của chúng tôi, nhúc nhích là bắn. Anh em bò lên kéo tử sĩ về, núp không kín để hở người ra là nó bắn, đã có người bị bắn chết kiểu như vậy! Chúng bắn cầm chừng đủ để khống chế chúng tôi phát động tấn công.
Đến trưa chúng bắn đạn lửa đốt đồng cỏ, mục đích thiêu cháy chúng tôi. Đồng chí Ơn về đơn vị cùng đợt với tôi bị bắn chết trong đợt xung phong hồi sáng, lại tiếp tục bị thiêu cháy lần nửa, mất cả hạ bộ, đúng là người chết hai lần, thịt da nát tan...
Đến chiều pháo binh của ta được điều tới bắn thẳng vào trận địa địch, mãi đến tối chúng tôi mới xung phong chiếm lĩnh trận địa được.
Đây là trận đánh lớn cuối cùng của tiểu đoàn 3 trong năm 1979. Trận này rốt cuộc rồi chúng tôi cũng thắng, nhưng tổn thất về nhân mạng quá lớn!
*
* *
Nếu ngay từ đầu, với địa hình bằng phẳng và trống trải này, từ trong rừng chúng ta triển khai hỏa lực cực mạnh, dàn tăng pháo ra đối diện với quân địch, bắn cấp tập, hủy diệt triệt để trận địa phòng ngự của địch trên bờ đê. Rồi cho bộ binh xung kích ồ ạt cùng xe tăng, thiết giáp yểm trợ sau lưng thì chắc chắn chúng ta đã giải quyết trận đánh nhanh hơn, tổn thất nhân mạng ít hơn!
Lực lượng vũ trang của ta vào thời điểm đó dư sức làm điều này, tại sao chúng ta không làm như vậy? Tại sao chúng ta lại triển khai bộ binh xung phong trong một địa hình cực kỳ bất lợi như vậy? Có cái gì đó không ổn? Chủ quan chăng?
Bài học trên chiến trường thấm đẩm máu xương của biết bao đồng chí, đồng đội. Chúng ta phải lấy những bài học xương máu này mà huấn luyện cho binh sĩ của ta sau này. Phải luôn nhớ rằng biết người biết ta trăm trận trăm thắng.
Đưa quân vào chiến trận mà địch tình không nắm, chủ quan khinh địch, tổn thất là điều chắc chắn. Tiểu đoàn 3 đánh nhiều trận, hy sinh nhiều quân nhưng mãi không được anh hùng có lẽ vì vậy... Vì chúng ta thắng không ngon, diệt không gọn, tổn thất nhân mạng lớn!
4/ TRẠM PHẨU TIỀN PHƯƠNG
Gọi là trạm phẩu tiền phương, bệnh xá trung đoàn hay K23 cũng đều đúng. Trạm phẩu này, bệnh xá này có bác sĩ Mai Cẩm Tú, đại đội trưởng K23 là người nổi tiếng toàn trung đoàn và khắp vùng chiến sự quanh ngã ba Nimith, đó là về sau này khi trung đoàn 4 hùng cứ một phương trời ở khu vực ngã ba con voi (anh nổi tiếng cũng có lẽ vì tên anh quá đẹp!). Còn ngay tại thời điểm này thì nó cực kỳ dã chiến, trạm phẩu không giống, trạm xá càng không phải.
Anh đang mùa hành quân
Pháo lăn dài chiến dịch...
Toàn trung đoàn đang xuất kích đánh địch và cái phẩu tiền phương này cũng theo sát đoàn quân tiên phong, nó chỉ cách tiền tuyến chừng 10 phút đi bộ.
*
* *
Trời càng lúc càng nắng. Kiến trong ụ mối nghe tanh hơi máu, nó bò ra và tìm tôi mà cắn. Nằm trong cái hố tiền tiêu của thằng Pôn Pốt đào sẳn trên ụ mối thì đở nắng vì có tàn cây che khuất, nhưng lại bị kiến và mấy thằng Pôn Pốt khốn nạn cứ nhè chổ tôi ẩn mình chờ chết mà bắn, đạn cứ chíu chíu vào hướng tôi nằm nổ lụp bụp thật là khó chịu.
Tôi kéo súng, tụt ra sau lưng ụ mối mà nằm, chịu nắng nhưng mà tránh được kiến và đạn. Tháng 3 trời nắng lắm và tôi càng lúc càng khát. Cái bình toong của tôi bị mảnh đạn bắn thủng, nước chảy gần hết, còn một ít nước dưới đáy bình đã bị tôi uống cạn từ sáng rồi.
Nấp dưới ụ mối, dưới cái nắng thiêu đốt, người tôi nóng ran, khát khô cổ họng. Tôi suy nghỉ miên man, nghỉ rằng mình sẽ được đưa về nước chữa trị. Về nước lần này phải uống một trận nước đá lạnh cho đã. Hơn một tháng nay, trên cái đất nước khô khan nóng bức này tôi thật không hề được thưởng thức qua một ngụm nước đá.
Mặt trời lên cao, cao lắm rồi! Mãi mới thấy mấy anh em tiếp thương tải đạn vận dụng địa hình địa vật chạy lên.
Thấy đồng chí Đinh Văn, chiến sĩ cối 60, nhập ngũ cùng đợt, lên tham gia tiếp thương, là người thân quen, tôi xin đồng chí ấy nước để uống cho đở khát. Anh ngần ngừ không muốn, vì bài học trên chiến trường chúng tôi thuộc nằm lòng là không cho thương binh mất máu uống nước nhiều, vì như vậy càng làm vết thương chảy máu, càng dễ chết.
Tôi nài nỉ:
- Xin một hớp thôi!
Anh đưa bình toong cho tôi, tôi rót ra một nắp bi đông rồi uống.
Thật đúng là một hớp! Không đã đâu vào đâu!
Tôi trả bình toong lại cho anh, anh cầm bình toong ngạc nhiên, uy tín thiệt, quả đúng là một hớp! Thông thường thì khi người khát gặp nước thì uống ừng ực mà...
Đồng đội kéo xác hạ sĩ Trọng về, anh nằm đó, lấm lem đất cát với vết thương đổ ruột trên người. Đại đội phó Hội bị bắn gãy chân cũng được anh em kè nách xốc về, anh đứng đó, mồ hôi chảy ròng ròng, mặt mày đỏ gay, nhăn nhó, đau đớn nhưng gan lì, không kêu rên một tiếng.
Hạ sĩ Trọng được đặt vào cái võng của anh để cáng thương mang đi, đồng chí Hội mới từ quân y viện trở về không có võng...
Đồng chí Thạch, chỉ huy trung đội xử:
- Lấy võng của thằng Hùng cáng anh Hội, còn thằng Hùng để anh em kè về.
Có một đồng chí nào đó nghe lệnh bước tới, kè vai xốc nách tôi lên. Tôi gượng đứng thẳng dậy, xua tay:
-Khỏi, để tôi tự đi.
Theo đoàn quân cáng thương trở về tuyến sau, anh em mạnh tay khỏe chân đi trước, tôi lết bết theo sau. Cái chân trái khỏe tôi bước tới một bước, cái chân phải kéo lê lên một bước, rồi đứng trụ lại, cho anh chân khỏe bước tới, tôi cứ thế mà đi theo nhịp điệu cà nhắc, cố gắng không làm đau vết thương sau mông bên phải. Đi được một đoạn thấy hai chiến sĩ gánh một thùng nước đi tới, tôi rề lại xin nước uống.
Một đồng chí hỏi, vẻ quan tâm:
- Sốt rét hả, thấy mặt xanh quá!
Tôi cười cười đáp lể, không trả lời, khụy chân xuống, ghé miệng vào thùng nước, uống ừng ực. Đã ơi là đã!
Tôi cảm ơn hai anh bạn, rồi cà nhắc đi về gặp quản lý đại đội của mình. Quản lý đại đội là đồng chí Bùi, lính Bắc, người dong dỏng cao, anh chững chạc và khá là vui tính. Anh kêu tôi ở lại ăn cơm, rồi viết giấy cho tôi đi phẩu trung đoàn.
*
* *
Sau khi đồng chí Vịnh băng bó, vết thương của tôi đã ngưng chảy máu, hồi nảy nằm trên ụ mối, bị kiến chui vào người đốt, tôi đã tháo băng ra bỏ, để phủi kiến. Cái quần tôi bị xé ra lúc băng bó, máu me và rách nát, tôi vất bỏ nó đi không thương tiếc. Lấy quần áo mới thay vào, người tôi lúc này trông cũng đã khá lại.
Vẫn còn khát, tôi tranh thủ uống nước nhiều hơn ăn cơm. Vết thương tôi đã cầm máu lâu rồi, nên tôi thoải mái uống nước không ai ý kiến gì.
Cơm nước xong xuôi, tôi cầm giấy của quản lý đại đội đi lên phẩu trung đoàn. Phẩu trung đoàn cũng gần ngay đó, tôi bước tới bàn phẩu xuất trình giấy giới thiệu rồi đứng đó... Tôi nghe văng vẳng bên tai hình như đài phát thanh đang phát chương trình văn nghệ chiều chủ nhật thì phải, và hình như nói cái gì đó về ngày sinh nhật đoàn 26 tháng 3. Cả tháng qua, hành quân chiến đấu liên tục tôi thực sự không biết hôm nay là thứ mấy, ngày gì. Trận đánh này xãy ra ở đâu, vào ngày nào, đến nay tôi thực sự cũng không tường tận. Tôi không phải là nhà viết sử, và cũng không có nguồn tài liệu nào để truy cập chính xác thời gian, địa điểm trận đánh, tôi chỉ viết lại những gì mình còn nhớ sâu đậm trong ký ức một thời chinh chiến, một thời ngang dọc.
Có tiếng ai đó giọng chỉ đạo:
- Làm lọc.
Tôi đứng bên bàn phẩu, đưa cái mông bên phải ra cho đồng chí quân y sĩ tiêm thuốc tê, rồi lấy kéo cắt thịt nghe sựt sựt, sựt sựt... Không thấy đau, trong tai tôi tiếng đài phát thanh văng vẳng, văng vẳng.
Tiếng dao kéo rổn rảng, đồng chí quân y sĩ đã làm lọc vết thương xong, đã khoét một cái lổ sâu hoắm trong cái mông của tôi, ước cở ngón tay đút vô lọt. Đồng chí trét một loại thuốc mỡ màu xanh vào cái lỗ đó, rồi băng miệng vết thương lại bằng keo dán, vậy là xong. Vậy là trong người tôi vẫn còn mảnh đạn cối 60 Trung quốc mà tôi không hề hay biết!
Tôi không hề hay biết gì về cái mảnh đạn để đời đó. Mãi đến năm 2008, chân tôi bị đau, đi cà nhắc, tôi tưởng bị thấp khớp, tôi tưởng cái cổ xương đùi của tôi có vấn đề, tôi đi chụp X quang để tìm bệnh...
Bác sĩ phát hiện một dị vật phản quang ngay sau mông gần đốt xương cùng, ông hỏi tôi trước đây có bị thương không. Tôi trả lời có, trước đây đi ở lính Campuchia tôi có bị thương. Ông bác sĩ nói vậy là còn mảnh đạn đó, rồi chỉ cho tôi cái dị vật phản quang kia. Nó nằm đó đã hơn 29 năm, trong phần mềm sau mông tôi, hình thoi, nhỏ thôi, dài gần một phân rưởi, còn rộng không tới một phân.
Nó làm tôi thốn, làm tôi khó chịu, tôi muốn lấy nó ra cho đời bớt khổ!!! Tôi đến phòng mạch của một ông thạc sĩ bác sĩ ở Bến Tre nhờ ông thu xếp mổ cho tôi, ông lắc đầu:
- Coi vậy chứ khó lấy ra lắm, có khi phải rạch nát cái mông ra mới thấy nó.
Tôi nghĩ là do phương tiện y khoa ở Bến Tre không được hiện đại nên bác sĩ họ ngại. Tôi lên Sài gòn, đến bệnh viện Hoàn Mỹ, tôi nhờ bác sĩ khám và mổ cho tôi. Ông bác sĩ nhìn phim chụp thẳng, rồi nhìn phim chụp nghiêng, rồi lắc đầu nói:
- Khó lấy ra lắm, nó nằm yên như vậy lâu rồi thì cứ để cho nó yên.
Tôi nói bác sĩ xem cố gắng mổ lấy ra có được không, chứ nó làm tôi thốn lắm!
Ông này trả lời cũng y như ông bác sĩ ở Bến Tre:
- Không dễ lấy nó ra đâu, có khi phải rạch nát mông đó.
Thấy tôi có vẽ chưa phục, ông mới nói rõ:
- Mảnh đạn này chỉ có thể mổ khi nào nó di chuyển, nó làm mủ, khi đó mình lần theo đường mũ mà lấy nó ra.
Ông nói như vậy thì quá ư là khoa học, quá ư là biện chứng rồi, thôi đành chấp nhận chung sống hòa bình với nó vậy!
Thế nhưng tôi vẫn còn tức cái ông mảnh này lắm! Dặn vợ con tôi khi nào tôi chết, thiêu tôi xong, khi hốt cốt tôi, nhớ kiếm cái mảnh đạn này, lấy ra để nguyên đó, đặt lên dĩa (như dĩa cúng trái cây), đem lên bàn thờ, để trước di ảnh của tôi, để cho tôi nhìn thấy cái mặt thằng tay sai Bắc Kinh, cái thằng Made in China này. Tại nó nên tôi mới phải ra trận, tại nó nên tôi mới phải bị thương đi cà nhắc... và bây giờ thỉnh thoảng lại lên cơn đau với nó.
Rời bàn phẩu, tôi đi qua trạm xá. Đây là một cái nhà sàn cao và rộng rãi, lính tráng ồn ào đang tụ hội đánh tiến lên, sàn nhà dơ bẩn, tàn thuốc đầy rẩy, tôi bị đau ở mông, không nằm võng được, mà cũng không còn võng đâu mà nằm. Coi bộ nằm ở đây không ổn, lính đông quá, nằm dưới sàn nhà sợ bị anh em nó đi qua đi lại đá trúng mông thì khổ. Tôi đi qua cái nhà sàn kế bên, một căn nhà sàn thấp nhỏ và sạch sẽ. Tôi dọn vệ sinh chổ tôi nằm cho tươm tất xong thì có kẻng cơm.
Tôi khập khiểng đi lãnh phần cơm của mình, một phần cơm trắng với một gói bột nêm (giống như cái gói bột nêm mì gói bây giờ). Tôi đong cho mình một bi đông nước, chỉ đong 2 phần 3 bình thôi, vì cái bình toong này nó đã bị lủng một lổ ở phía trên, khi tôi ăn trái đạn cối 60 của thằng Pôn Pốt hồi sáng sớm.
Tôi lếch thếch trở về, gặp một anh quân y sĩ dáng vẽ thông cảm, hỏi:
- Đau không?
Tôi gượng cười trả lời:
- Đau ít thôi!
Ăn cơm với bột nêm vậy mà ngon miệng. Thông thường, nhiều bửa chúng tôi chỉ được ăn cơm với nước muối pha một ít nước gạo rang cho có màu vàng vàng, rồi nêm bột ngọt. Thế thôi!
Sáng hôm sau thức dậy, tôi lấy kem và bàn chải ra đánh răng tử tế, xúc miệng bằng chỉ một ngụm nước còn sót lại trong bi đông.
Tôi đang hòa nhập vào cuộc sống ở trạm xá trung đoàn một cách nhẹ nhàng, cơm ngày ba bửa, nước đun sôi để nguội uống thoải mái mỗi bửa 2 phần 3 cái bình toong thủng...
Tối đó tôi lên cơn sốt, nằm rên hừ hừ trong căn nhà sàn nhỏ bé của mình. Cái mảnh đạn tôi ăn hôm qua, hôm nay nó hành cho tôi sốt.
Vậy mà sáng ra tôi lại tỉnh như không, tôi vẫn đi lãnh cơm ăn bình thường, tôi còn rảnh rổi đi thăm ngôi làng tôi đang nằm dưỡng thương nửa chứ. Tôi đi vào một căn nhà sàn lớn hư hại nham nhở, nồi niêu, chén bát ngổn ngang, có cả màn, gối, chăn, chiếu, nhưng chẳng có cái nào lành lặn để mà tận dụng. Nhiều căn nhà bị đốt cháy nham nhở... Rồi tôi kiếm được ở đâu đó một ống nylon trắng, đó là ống đựng đạn B41. Tôi đốt chảy cái nhựa nylon cao cấp đó ra, nhỏ vào cái lổ thủng của bình toong để vá. Vậy mà vá được, cái bình toong của tôi lại chứa nước ngon lành.
Tối hôm đó đang nằm ngũ thiêm thiếp thì tôi giật mình tỉnh giấc vì có quá nhiều tiếng động trên con đường đất đỏ trước nhà. Người, quá trời là người! Dân Campuchia bồng bế nhau về làng, đi suốt đêm như trảy hội. Người khá giả đi bằng xe bò, người nghèo lội bộ gánh con, phụ nữ đội thúng trên đầu... Đoàn người áo đen đông đảo nhưng không ồn ào, con nít không quấy phá, một trật tự đáng kinh ngạc. Chế độ Pôn Pốt đã thủ tiêu hoàn toàn ý chí kháng cự của những con người này, đến con nít nhỏ cũng không dám cười, dám khóc, sợ Ăng-ca bực mình, đập cho một cái cán cuốc là tiêu đời.
Chiến dịch giải phóng các tỉnh đồng bằng sông Mê-kông trên phần đất Campuchia của quân đoàn 4 và sư đoàn 5 chúng tôi đang phát huy tác dụng: Hàng vạn, hàng vạn người dân được giải thoát từ các trại tập trung đang quay trở về làng bản của mình.
Chúng tôi những thương bệnh binh K23 kéo cả ra đường để xem cuộc hành hương vĩ đại này. Một anh lính nào đó kêu tôi lại, dạy cho tôi một câu tiếng Campuchia, rồi chỉ cho tôi đến chổ một cô gái xinh đẹp, dáng người cao ráo, nước da ngăm đen, nét mặt buồn buồn đang đứng nghỉ chân, hỏi:
- Ôn sa lanh boòng tê?
Một anh lính Bắc đứng kế bên buộc miệng chửi liền:
- Bôi bác.
Còn anh lính dạy tôi câu nói tiếng Campuchia đó khoái chí đứng cười ha hả.
Riêng tôi thì quê xệ, lui ra đứng ngẩn ngơ nhìn cô gái. Cô không nói gì cả, thong thả đội thúng lên đầu bỏ đi, vẽ mặt vô cảm như người mất hồn.
Tôi lính mới tò te, đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với dân, được dạy cho một câu nói tiếng Campuchia để nói chuyện với dân, vậy mà trớt quớt...
Sau này tôi mới hiểu nghĩa của cái câu ôn sa lanh boòng tê? Tức là em có thương anh không? Câu hỏi này trong hoàn cảnh đó quả là trớt quớt, làm tôi nhớ mãi.
Hành trình trở về quê hương của những người dân Campuchia đau khổ đến mất hồn này kéo dài mấy ngày mới ngớt. Nổi đau diệt chủng của Pôn Pốt để lại quá lớn, trên gương mặt thất thần của những con người đang lũ lượt kéo nhau đi trước mắt chúng tôi.
*
* *
Vết thương của tôi lành rất mau, mấy ngày sau thay thuốc, tôi thấy cái lổ đạn sâu hoắm đó giờ chỉ còn sâu khoảng hơn một đốt ngón tay.
Trung đoàn tiếp tục hành quân theo chiến dịch, tôi bây giờ thuộc quân số K23, cũng lên xe hành quân theo chiến dịch trong đội hình khối hậu cần. Nhờ quân y cho thuốc mát tay, nên tôi di chuyển lúc này cũng đở khổ, không còn lết bết như lúc mới vào viện.
Trong thời gian hành quân trong đội hình khối hậu cần, tôi đã trãi qua nhiều phum làng trù phú. Có một cái phum rất đẹp, nhà hai bên đường lợp ngói đỏ rất bắt mắt, không biết là xây cho ai ở?
Thường thì chúng tôi lên xe đi một buổi, dừng lại vài ngày rồi đi tiếp. Trong khoảng thời gian này tôi không khám phá được gì nhiều, vì bị thương đi đứng khó khăn nên ít di chuyển. Nhưng có một chuyện làm tôi nhớ mãi:
Sáng này, theo sự chỉ dẩn của dân địa phương, một đơn vị của ta xuất kích đi truy quét và bắt được 4 thằng Pôn Pốt mang về, bốn thằng này là chỉ huy Ăng-ca có nợ máu với nhân dân, bị dân địa phương căm thù sâu sắc. Bộ đội bàn giao 4 thằng này cho dân làng xử.
Buổi chiều hôm đó, ăn cơm xong, mấy thằng nằm viện chung rủ tôi cùng đi xem dân làng xử tội Pôn Pốt. Chúng tôi kéo nhau đi, cũng gần đây thôi, cách trạm xá vài trăm bước.
Pháp trường là một bãi đất trống ven đường đất đỏ, một đám người đông đúc quay tròn quanh bãi. Xa xa, cách đó vài chục bước chân, người ta đang đào hố chôn tập thể, và xa hơn nửa, mặt trời chênh chếch xế về Tây, tuôn trào lửa đỏ, trời tháng tư hầm hập nóng. Tôi xen vào đám đông cùng xem cảnh dân Campuchia hành quyết bọn Ăng-ca.
Trước mắt chúng tôi là bốn người đàn ông Campuchia vạm vở, đen đúa, trần trùng trục, quấn xà-rông, nằm sấp dưới đất, tay bị trói thúc ké ra sau lưng bằng khăn cà-ma, đầu bê bết máu... Máu loang lổ trên nền đất khô, trên những thân thể đang nằm thoi thóp. Họ bị đập đầu cũng đã lâu, máu trên đầu đang khô lại. Có người thở phì phọp, máu từ trong miệng người đó thổi ra từng bong bóng nhỏ, phồng lên, xẹp xuống, phồng lên, xẹp xuống...
Một ông già dáng người quắt thước, vẽ mặt căm phẩn, đi vòng quanh, cầm cây đập thẳng cánh vào đầu từng thằng nghe bốp bốp... Những người bị đập đầu có vẽ tê liệt rồi, không nghe la, không dẫy dụa, chỉ thấy một người còn sức co giật từng cơn nhẹ nhẹ.
Một phụ nữ trọng tuổi, dáng người ốm yếu, mắt mũi ròng ròng, bà vừa đánh, vừa khóc, vừa kể, cảnh tượng thật bi ai, thê thảm! Không biết tiếng, nhưng tôi hiểu bà đang kể tội mấy thằng này đã giết chồng bà, giết con bà, để lại một mình bà đau khổ tàn tạ trong tuổi xế chiều. Bà không có sức, bà đánh không đau, bà đánh như mẹ đánh con, không hung ác, không giận dữ.
Bốn thằng Pôn Pốt đó sắp chết rồi, không thấy phản xạ vì trước những cái đánh của bà. Chỉ thấy máu trên đầu chúng bê bết, bê bết trên những cái đầu đen, tóc quăn tít.
Đứng coi hoài cũng chán, tôi bỏ ra, đi về. Đầu nghỉ mông lung, đúng là nợ máu trả bằng máu. Mình giải quyết mấy thằng Ăng-ca theo cách này quá hay, những người dân của cái làng này vậy là không còn đường lùi, phải triệt để xây dựng chính quyền mới, triệt để tiêu diệt Pôn Pốt, không để nó có cơ hội quay về trả thù khốc liệt.
 
Last edited by a moderator:
Hạng D
26/5/12
4.117
123
48
5. NGÃ BA ĐÔNG DƯƠNG
Sau hơn hai tuần điều trị tại trạm xá trung đoàn, khi vết thương chưa lành hẳn, vẫn còn mang băng, tôi được trả về đơn vị với lời dặn có gì thì xin thêm thuốc y tá đại đội uống. Có một cán bộ về trung đoàn họp và tôi được gởi theo đồng chí đó về đơn vị.
Về đến nhà thì trời tối mịt, anh em kêu tôi lên gặp anh Vịnh, trung đội trưởng mới của tôi, người Quảng Ninh. Đồng chí Vịnh nói với tôi là anh em thấy tôi bị trúng cối, tưởng tôi chết rồi, bị thương như vậy là may lắm đó. Rồi giở ba lô ra, lấy cho tôi mấy trái xoài xanh dú gần chín, anh bảo tôi qua đồng chí Thạch xin lại cái vỏ chăn mà khi đi viện anh ấy giữ dùm cho tôi.
Tôi qua chổ đồng chí Thạch, anh vui vẽ trả lại cho tôi cái vỏ chăn mà anh đã mang dùm tôi trong khoảng thời gian tôi mang khẩu B41 và 6 trái đạn, cũng như suốt thời gian tôi nằm viện.

Sáng hôm sau chúng tôi hành quân bộ ra bờ sông Tôn-lê-sáp, tôi còn nhớ hình như hai bên bờ sông đạn pháo các loại cắm vào tua tủa như lông nhím... Tại đây tôi gặp lại anh Lê Hùng Dũng, lính nhập ngũ cùng đợt 03/12/78 với tôi, anh này là bạn làm việc chung cơ quan thành đoàn Thanh niên cộng sản thành phố Hồ Chí Minh với chị tôi. Anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng, biết tôi không có võng nằm, anh cho tôi một xấp vải katê xanh thu được của Pôn Pốt để làm võng, tôi cám ơn anh và nhớ mãi tấm lòng tốt này. Anh là lính C12, cùng tiểu đoàn với tôi, rồi chúng tôi sẽ còn gặp nhau nhiều.

Tối đó, chúng tôi ngũ lại ven sông, trời nóng nực, không có gió, mũi vo ve. Cái tấm vải anh Dũng cho, tôi dùng dây võng cột chặt hai đầu, treo vào thân cây rồi tôi nằm xuống, được một chút thì tôi rớt phịch, đập đít xuống đất. Đứng lên, cột lại, rồi nằm, rồi té mấy lần như vậy... Quả thật không ổn!
Trong cái khó ló cái khôn, tôi lấy cái vỏ chăn ra, lấy dây võng cột chặt hai đầu làm võng thì lại ổn. Thì ra do vỏ chăn hai lớp, thịt nhiều, dầy cơm nên dây võng níu chắc được, lại thêm cái võ chăn còn được may gấp nếp nên khi túm lại cái nếp gấp này làm thành cái khất. Dây võng mắc vào cái khấc đó khá là chắc chắn. Làm được cái võng này rồi, tôi mới ổn định mà nhắm mắt ngũ được qua đêm.

Chúng tôi đóng ở bờ sông Tôn-lê-sáp được một vài ngày thì có lệnh chuyển quân, chúng tôi lên xe qua phà, cái phà công binh bằng thùng sắt bồng bềnh coi vậy mà chắc, đủ sức đưa cả một sư đoàn qua sông. Đơn vị của tôi được bố trí đi bằng xe Hồng Hà của Trung quốc mới cáu, đây là chiến lợi phẩm tịch thu của Pôn Pốt.
Sư đoàn 5 hành quân cơ giới trên mấy trăm chiếc xe tải thành một đoàn dài hàng chục cây số, khí thế dời non lấp biển. Trời đã về chiều, rồi chúng tôi đến một ngã ba, xuống xe dừng lại rất lâu, nghe lính tráng xầm xì bàn tán, đây là ngã ba Đông Dương đi Việt Nam, Miên, Lào. Campuchia hoàn toàn giài phóng rồi, hay là mình về Việt Nam?
Nghe bàn tán về Việt Nam, lòng tôi vui mừng vô hạn, rúng động tận đáy lòng và cứ hy vọng mãi là sẽ mau chóng được trở về quê hương, xây dựng quân đội, bảo vệ tổ quốc.
Mới qua Campuchia được hai tháng chúng tôi đã đi qua khá nhiều địa danh trên cái đất nước chùa tháp này. Xuất phát từ Sa Mát ở Việt Nam chúng tôi qua Kompong Cham, Kompong Thom, rồi Takeo, Kompong Speu, Kompong Chnang, một nửa đất nước Campuchia theo chiều ngang từ Đông sang Tây và chiều dọc từ Nam lên Bắc đã có dấu chân người lính mới của trung đoàn 4 đi qua.
Đoàn xe mấy trăm chiếc của chúng tôi lại hùng dũng lên đường, được một lát một lát thì trời tối, toàn bộ đội hình dừng lại, xuống xe, dạt ra hai bên đường ăn uống, nghỉ ngơi qua đêm rồi sáng mai đi tiếp.
Ý nghĩ được về Việt Nam vẫn còn nung nấu trong tôi, sáng hôm sau đứng trong thùng xe mà tôi cứ quan sát mãi: Việt Nam, Việt Nam ở đâu? Tôi là lính mới, ngây ngô không hề biết rằng đoàn quân của chúng tôi đang càng ngày càng rời xa tổ quốc.
Chúng tôi đang tiến lên phía trước. Tôi cứ ngóng, ngóng mãi, ngóng mãi... chỉ thấy xa xa là một dãy núi, và dãy núi này đã đồng hành với đoàn quân của chúng tôi suốt buổi sáng hôm đó, dãy núi đó tên là gì tôi thực sự không biết. Đất nước này tuy quen mà lạ, quen vì tôi đã đổ biết bao nhiêu là mồ hôi và cả máu nửa trên đất này, lạ vì đây là lần đầu tiên tôi đi hết chiều dài nước Campuchia theo trục Nam Bắc.
Tối đó chúng tôi dừng quân tại một nơi nào không rõ, cũng như tối qua, xuống xe ăn uống rồi ngũ qua đêm. Sáng lại lên xe và đi tiếp.
Được một lát, đoàn xe dừng lại trên đường phố của một thành phố xanh và đẹp. Xanh vì có những công viên cây xanh rộng lớn. Đẹp vì có những kiến trúc dinh thự kiểu Pháp tường vàng ngói đỏ. Nghe ai đó nói đây là thị xã Xiêm Riệp, ấn tượng của tôi về Xiêm Riệp, nơi có nền văn minh Ăng-co vĩ đại chỉ có vậy thôi! Vì chúng tôi chỉ dừng chân ở đó, đứng ngay tại chổ đó một khoảng thời gian chừng mười phút rồi lại nhảy lên xe đi tiếp.
Đoàn xe của chúng tôi lại lên đường, đến chiều thì đến phum Diêng, huyện Sisophon, tỉnh Battambang. Đây là vùng đất nằm ở cực Tây Bắc của Campuchia giáp biên giới Thái Lan.
 
Hạng D
26/5/12
4.117
123
48
6. PHUM VIÊNG THÁNG 4/79
Tại phum Diêng, đại đội chúng tôi được bố trí vào một cánh rừng dầu nằm ở phía Bắc lộ 5, sát ngay đường lộ. Một anh lính Pôn Pốt, mặc đồ bà ba đen, ngang lưng thắt một cái võng còn khá mới, nằm nhe hàm răng trắng nhởn, cười hết cở nhát ma chúng tôi.
Chúng tôi thận trọng đi qua anh, thực sự tôn trọng, không dám đá vào người anh. Anh là tử sĩ, phơi thây trên chiến địa, da thịt đã tan rã, chỉ còn bộ xương khô với cái đầu lâu trắng nhởn. Chúng tôi nhìn anh vô cảm, không thù, không oán. Chết là hết!
Chúng ta là binh sĩ, ra trận bắn giết lẩn nhau theo mệnh lệnh chỉ huy. Cũng có khi anh chỉ là một lương dân vô tội, bị bắt đi lính, bị bắt cầm súng, bắn bắn, giết giết theo lệnh của bè lũ bạo tàn trong tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng Xary.

Chúng tôi rải quân trong một cánh rừng dầu thưa thớt dọc quốc lộ số 5, đối diện chúng tôi bên kia đường là phum Viêng, một cái phum hoang tàn và lạnh lẽo, không một bóng người.
Tôi căng tăng làm lều để ở và lấy giấy ra viết thư gởi về gia đình. Giấc mộng trở về Việt Nam từ ngã ba Đông Dương đã thực sự tan rồi, đây là giờ phút tôi trải lòng với gia đình tôi ở Việt Nam.

Trời không cho tôi viết thư...
Giông gió nổi lên, thổi tung đồ đạc, rồi mưa rơi xuống. Đây là cơn mưa chuyển mùa đầu tiên của mùa mưa năm 1979 trên cái phum Viêng hoang tàn trơ trọi này.
Cơn mưa chuyển mùa, do tích tụ năng lượng của cả mùa khô, nên giông gió quằn quại, vặn vẹo mãnh liệt như đàn bà đau bụng đẻ. Vậy mà mưa chỉ chút đỉnh rồi thôi, để lại thằng tôi ướt chèm nhẹp, đồ đạc mang ra cũng bị ướt át lem nhem cả, cái thư đang viết đành bỏ dở. Tôi thu dọn đồ đạc rồi khăn gói ra hồ nước phum Viêng tắm.
Đứng trên bờ đê, tôi mới thấy cái hùng vĩ của cái đập nước này. Phải gọi cái hồ này là cái đập mới đúng, vì nó hình thành do người ta đắp đập ngăn nước. Lúc đó tôi cũng không có đủ kiến thức để bàn luận đâu là hồ, đâu là đập đâu... Chỉ thấy từng cơn sóng lớn vỗ vào thân đê, từng đợt, từng đợt sóng, lớp sau đè lớp trước...
Tôi tắm rửa qua loa rồi xách nước trở về, đi qua chổ anh lính mặc đồ Ăng-ca đang nằm, anh lại nhe răng cười nhát ma tôi. Đọng lại trong cái nhìn của tôi: Cái võng anh cài ngang thắt lưng trông còn mới quá.

Không phải chỉ mình tôi thấy cái võng đó mới, mà chính ông Thư già, hơn tôi 10 tuổi, dân Củ Chi, nhập ngũ cùng đợt, cũng để ý tới cái võng.
Biết tôi không cò võng nằm, hôm sau gặp tôi, anh ấy bảo:
- Hùng, tao thấy cái võng đó còn mới lắm. Mày lấy xài đi.
Tôi trả lời:
- Thôi đi, nó ngấm nước xác chết rồi, tôi không dám xài đâu.
Chiều hôm đó có một anh trong đội, đi lãnh cơm về, thấy cái đầu lâu nhe răng cười trắng nhởn trong ánh chiều tà, anh ta sợ quá vùng chạy, vừa chạy vừa la ma, ma...
Hôm sau có người lấy đá chọi cái đầu lâu văng đi đâu mất, rồi cái võng cũng không thấy nửa.

Phum Viêng tháng 4 năm 1979 vào thời điểm mới thành lập mặt trận 479 là như vậy.

Sau đó ít lâu, trung đoàn bộ của trung đoàn 4 đặt chỉ huy sở tại đây, nơi đây bỗng dưng trở thành một cứ điểm đông vui kéo dài tới ngã ba con voi cách đó 2 cây số.
 
Hạng D
26/5/12
4.117
123
48
7. NGÃ BA CON VOI
Vào một buổi sáng tinh mơ hạ tuần tháng 4 năm 1979, chúng tôi từ phum Viêng theo lộ 5 đi về hướng Đông trở ra ngã ba con voi. Từ ngã ba này, nếu bạn đi tiếp về hướng Đông khoảng 30km là đến Sisophon, còn nếu quay trở ra hướng Tây khoảng 15km là đến cửa khẩu Poipet giáp Thái Lan, cái cửa khẩu nổi tiếng là sòng bạc quốc tế hiện nay, vào thời điểm đó là địa bàn phòng thủ của tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 anh hùng.

Ngay ngã ba này án ngữ một bức tượng con voi bằng bê tông cốt thép, đầu quay ra Bắc, đuôi hướng về Nam. Ý nghĩa của bức tượng này theo lời các bà mẹ Campuchia ở phum Sophia, phum Sophi (huyện Sisophon tỉnh Battambang, nay thuộc tỉnh Banteay Meanchey) kể lại thì do khí hậu ở phía Nam khắc nghiệt, rừng thiêng nước độc nên to khỏe như voi cũng không ở được, phải bỏ nó mà đi ra phương Bắc nơi địa hình thông thoáng, bằng phẳng, đất đai phì nhiêu hơn để sống.

Từ ngã ba con voi, có đường đất đỏ đi thẳng về phương Nam được vài cây số thì hết... muốn đi tiếp nửa phải cắt rừng mà đi vào đến Cao Mê-lai, giáp ranh biên giới Thái Lan.
Đường Cao Mê-lai từ 1980 trở về sau này mìn nhiều lắm, những người lính chúng tôi thường nghêu ngao hát: Con đường Cao Mê-lai, người ta kéo dây mìn, thế là anh hết đi...

Qua khỏi ngã ba con voi, cũng theo lộ 5, chúng tôi đi tiếp chừng non 100m thì tới ngã ba Nimith. Ngã ba này là điểm khởi đầu của một con đường đất đỏ chạy thẳng lên hướng Bắc đi Đăng-cum, nơi đó là địa bàn phòng thủ của tiểu đoàn 2 thời bấy giờ. Tiểu đoàn chúng tôi đang men theo con đường đất đỏ đó để vào phum Sophia, cách ngã ba Nimith 2km.

Khí trời buổi sáng mát rượi, chúng tôi vào phum chậm rải khoan thai, bình an vô sự, như một đứa con chinh chiến phương xa nay trở về xóm làng của mình.
Trên đường vào phum, từ xa xa chúng tôi thấy có hai cây phượng vĩ đang ra hoa. Màu phượng đỏ báo hiệu hè về, tự dưng nhớ đến tuổi học trò. Văng vẳng đâu đây trong đầu: Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình yêu...

Bài ca thì buồn nhưng lòng tôi không buồn, tôi còn đang trẻ, trong người mạnh khỏe, buổi sáng yên lành, khí trời mát mẻ, hồn tôi phơi phới, bay bổng với phượng đỏ, hè về, hè về!
Đến ao nước đầu làng, chúng tôi hạ vũ khí, cởi ba lô, dừng lại trên bãi đất trống xanh mơn mởn màu cỏ non. Tôi thoải mái vươn vai, ngồi xuống bên cạnh một hòn đá lớn đầu tròn, ngoi lên từ vùng đất thịt mịn màng của xóm làng trù phú Sophia. Đồng chí Sau (mới được bổ sung vào trung đội hồi chúng tôi đi đánh phối thuộc quân đoàn 4) nói với tôi hòn đá này là hòn đá sống đấy, nó có chân, rồi từ từ nó sẽ ngoi lên từ lòng đất và lớn lên. Nghe cũng có lý... đến nay đã hơn 30 năm rồi, không biết hòn đá sống của đồng chí Sau ở phum Sophia, cách ngã ba con voi hai cây số nay đã lớn tới đâu rồi, chúng ta phải cố mà về thăm lại chiến trường xưa thôi, các đồng chí cựu chiến binh trung đoàn 4 ạ!
Đại đội 13 được bố trí hướng chính diện là hướng Bắc, kéo một vòng qua hướng Tây theo đường vòng cung như hình rẻ quạt, phía sau vòng cung đó là đại đội bộ. Trung đội chúng tôi được bố trí phòng thủ về hướng Tây của phum, tại đây vào những buổi chiều tà, tôi nằm võng mà nghe xa xa từ trong phum vọng lại tiếng người huyên náo, tiếng trẻ nô đùa, báo hiệu một sức sống mới đang phát triển từ đống tro tàn của chế độ diệt chủng Pôn Pốt – Iêng Sary.

Đêm đó làng mở hội lăm thôn mừng chô chơ-năm thơ-mây (vào năm mới). Vừa thoát khỏi chiến tranh, dân cực kỳ nghèo, dân không có quần áo đẹp để chưng diện, không có rượu để uống, để nhảy cho bốc, không có cả gạo lẩn thức ăn ngon, người dân ăn tết bằng vũ điệu lăm thôn, tay thì múa và chân thì xoay theo điệu nhạc, tôi cũng được tham gia vào những cuộc vui này nhưng rất bở ngở vì không biết múa, rất lọng cọng, ngượng ngịu nhưng vẫn thấy vui, tràn đầy phấn khởi, chứa chan tình đoàn kết samaki.
Sau mấy ngày mở hội lăm thôn ăn tết, người dân Sophia hăm hở bắt tay vào việc xây dựng công sự cho bộ đội đồn trú. Còn chúng tôi thì bắt tay vào việc xây dựng lán trại, với 6 cây cọc gỗ đào sâu cắm thẳng vào lòng đất thịt, 4 cây xà, 5 cây đòn tay và chừng 6 tấm tôn chúng tôi đã dựng được 1 mái nhà cho cái tổ tam tam (3 người) của mình, nhà là nhà tạm để trú mưa thôi, chứ người lính cơ động có rất nhiều việc để làm, không bao giờ ở yên một chổ.
Giai đoạn này chúng tôi thường hành quân cấp trung đội nhằm thông tuyến từ phum Sophia đến suối cạn, suối sâu ở hướng Bắc rồi quay về. Thỉnh thoảng có những cuộc hành quân lớn hơn đi sâu về hướng Bắc. Tuy liên tục có các đợt hành quân truy quét nhưng không có cuộc chạm súng nào, tình hình phía Bắc Nimith trong giai đoạn này hoàn toàn yên tỉnh.

Tháng 7 năm 1979 có đợt bổ sung quân lớn từ nguồn lính thành phố Hồ Chí Minh nhập ngũ tháng 3/79. Tôi được phong làm tiểu đội trưởng, đồng chí Sau làm tiểu đội phó, lính trong tiểu đội thì tân binh nhập ngũ tháng 3/79 có, cựu binh nhập ngũ 78, gốc thành phố Hồ Chí Minh có, quân khu 3 có.
Lính quân khu 3 lúc rảnh rỗi thường trêu chọc nhau bằng những mẫu chuyện khôi hài như: Thái Bình có cái cầu Bo, Hà Nam Ninh quê hương chín củ thành mười, Thái Nguyên chủ tịch xã cởi trâu đi họp - báo suất cơm suất cỏ, Hải Hưng bánh chưng đất, dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu...
Trong các chuyện lính kể khôi hài bôi bác nọ, tôi nhớ nhất là chuyện ba chú vô Nam, xin kể các bạn nghe chơi để nhớ lại một thời lính tráng rất tiếu lâm, kể nhau nghe cho vui thôi, không nhằm mục đích khích bác ai cả, xin anh em quê bọ đừng phiền:

Thời kỳ chống Mỹ, trước khi hành quân vô Nam bằng đường Trường Sơn, các chú bộ đội phải dừng chân nghỉ qua đêm tại Quãng Bình, ở xứ này người ta kêu bố bằng bọ.
Có một nhà nọ chứa ba chú bộ đội, sáng hôm sau, trước khi các chú lên đường vào Nam, ông bọ muốn xin một đôi giày, nên nói:
- Các chú có giày cho bọ xin một đôi.
Các chú trả lời :
- Chúng con mỗi người chỉ có một đôi giày thôi ạ!
Ông bọ cố xin mới nói :
- Ba chú vô Nam, thế nào cũng có chú chệt, chú sống lấy giày của chú chệt mà mang, thế thì cho bọ xin một đôi.
Các chú không muốn cho, nên trả lời :
- Nhưng mà chúng con đi giày đủ cở, bọ làm sao mang vừa.
Ông bọ nài nỉ :
- Ồ bọ mang dễ lắm, giày 38, 39, 40, cở nào bọ mang cũng được tuốt.
Bôi bác thế này thì bố ai chịu được! Anh lính quê bọ đang ngồi uống nước, quăng bát nhào vô định ăn thua đủ liền. Anh kia bỏ võng bật dậy, chạy vòng vòng, vỗ tay cười ha hả...
Các người lính trêu chọc nhau, bôi bác lẩn nhau, gân cổ cãi nhau ầm ỉ, nhưng lại rất thương yêu đùm bọc lẩn nhau, chia ngọt sẻ bùi, điếu thuốc hút chung, không mất đoàn kết, lính Nam lính Bắc tình cảm chan hòa.

Qua đợt bổ sung này, quân số mỗi tiểu đội đạt khoảng 5 đồng chí, mỗi trung đội có gần hai chục tay súng, hỏa lực có trung liên RPD, B40, B41 đủ cả. Đây là thời kỳ cũng cố rất cần thiết sau những năm dài chiến tranh biên giới Tây Nam. Trong thời gian này có một số cán bộ cấp trung đội, đại đội được đưa đi học bổ túc khóa 6 tháng tại trường sĩ quan lục quân 2. Riêng tôi cuối tháng 9/1979 được đưa về Sisophon, nơi đóng đại bản doanh của sư đoàn để học trường hạ sĩ quan D30.
 
Hạng D
26/5/12
4.117
123
48
Xin gởi các bác hồi 8: Síophon
(Năm 82 đi Síophon, lúc đó đi chưa biết bác tran479 thông tin sư D29, chắc gần D30? Nếu biết thì ghé rủ bác đi uống rượu chơi, không biết bác tran479 có từng ngồi quán ba chị em chưa? Có giai thoại gì vui kể cho anh em nghe chơi)
1. THỊ TRẤN SISOPHON
Từ ngã ba con voi nhìn về hướng Đông, chúng ta thấy sừng sững một khối núi hình mu rùa... đó là Sisophon, thị trấn nằm bên cạnh ngọn núi đá. Khoảng cách từ ngã ba con voi về Sisophon là 30 km, xe quân sự chạy 1 tiếng đồng hồ là tới.
Trường hạ sĩ quan D30 đóng ngay chân ngọn núi đá, thao trường của chúng tôi là một bãi hoang rộng lớn, đất cát trắng lổn nhổn đá và đầu lâu. Nơi đây có những hố chôn tập thể của Pôn Pốt, người dân bị Pôn Pốt hành hình, đập đầu quăng xuống hố, nay xương tàn, cốt rụi chỉ còn lại những hố đầu lâu nhe răng cười trắng nhởn.
Đại đội trưởng đơn vị huấn luyện của tôi là một thiếu úy, người Hải Phòng có gương mặt đẹp trai sáng sủa. Anh đón chúng tôi ở mức độ niềm nở vừa phải, không thân thiện nhưng cũng không quá xa lạ. Sự đón tiếp trong chừng mực đó là phù hợp vì chúng tôi ở xa đến, học ở đây không bao lâu, chừng tháng rưỡi là hết chương trình.

Những buổi huấn luyện của chúng tôi trên cái thao trường lổn nhổn đá và đầu lâu này thực sự bổ ích. Chúng tôi được học chiến thuật các cấp từ tiểu đội, trung đội, đại đại bộ binh tấn công, phòng ngự trận địa, chiến thuật phục kích: chặn đầu, khóa đuôi, xung phong diệt gọn...

Có những sáng sớm chúng tôi được phân công tuần tra trên núi, chúng tôi xách súng men theo lộ đá mà đi. Núi không cao, lưng chừng núi có một ngôi đền, trong đền có hai ngôi mộ đặt song song, hai ngôi mộ đã bị bật nắp trong đó lộ ra trần truồng hai bộ xương khô nam nữ. Không biết bàn tay của ai đó đã quá ác tâm khi quật mồ người ta, để lộ hai bộ xương khô nằm nghiêm chỉnh trong cái mộ phần của mình.

Cách doanh trại huấn luyện của chúng tôi không xa có một cái chợ tự phát, mọc ra dưới bóng cây độc mộc, tàn lá xum xuê. Cái chợ này bán thực phẩm, hàng ăn uống và thuốc lá. Mỗi người lính Việt Nam ở Campuchia ngoài tiền phụ cấp của quân đội, mỗi tháng chúng tôi còn được chính phủ Hun Sen trợ cấp 5 Riel (1 Riel ăn 3 đồng Việt Nam lúc bấy giờ). Chúng tôi lấy tiền đó mua thuốc lá thơm Gold City để hút, mua ít thôi khi thì một gói, khi vài điếu thuốc lá lẻ để có cái mà đi chợ. Đi chợ chơi, không ăn không uống gì cả, chỉ dành tiền mua thuốc lá thôi.

Nơi đây là huyện lỵ, vậy mà suốt 1 tháng rưởi ở đây tôi chưa một lần bước chân ra thị trấn Sisophon, không biết mặt mũi cái sư đoàn bộ ra làm sao, nhà cửa người dân và cuộc sống của họ như thế nào? Khoảng thời gian này tôi chỉ quanh quẩn trong đơn vị và ngoài thao trường, không đi đâu cả ngoài cái chợ chồm hổm dưới bóng cây độc mộc kia... Bởi vì không quen biết ai ở cái thị trấn này, cả dân lẩn lính!

Phải đến giữa mùa mưa 1982 tôi mới có dịp hiên ngang trở lại Sisophon. Hiên ngang là bởi vì lúc này chúng tôi là đoàn cán bộ cấp trung đội, đại đội đi nhận chiến sĩ mới về bổ sung cho đơn vị mình. Tân binh đợt này là lính quân khu 9, con em của các tỉnh miền Tây nam bộ... Tội nghiệp đợt lính này về tham gia tiểu đoàn 3 trong lúc chúng tôi đang nằm sâu trong Tà-cuông Krao, đang xây dựng căn cứ hành quân Năm-sấp, đang làm nhiệm vụ ở phía Nam cao điểm Mê-lai, nơi mà những con thú vật gốc bản địa, to như con voi cũng phải quay đít mà đi, rời bỏ chốn thâm sơn cùng cốc, sơn lam chướng khí mà về hướng Bắc, về với đồng bằng Battambang cò bay thẳng cánh, đầy rẩy suối sông tôm cá.

Trong thời gian chờ đón tân binh, chúng tôi được ở nhà khách sư đoàn, ở chung với một đoàn văn công của quân khu 7 do một sĩ quan cấp tá dẩn đầu, chúng tôi kêu ông bằng bố. Xin bố già cho các em văn công biểu diễn văn nghệ cho chúng tôi xem, ông bố không chịu mà nói để ngày mai sẽ biểu diễn cho cả sư đoàn cùng coi.
Ở trung đoàn chúng tôi chưa bao giờ được văn công phục vụ, vì toàn bộ đội hình trung đoàn đóng quân đều nằm trong tầm pháo kích của địch. Còn nếu pháo kích không tới thì thằng Pôn Pốt cũng có cách quấy rối là đêm đêm đem vài tay súng tới bắn vài trái B40, tuôn vài loạt AK khuấy động quân tình chơi!
Ở nhà khách mãi cũng buồn, tối đó chúng tôi 3 thằng lính C13 rủ nhau đi uống rượu. Ba đứa hùn tiền mua 1 chai rượu mùi Đà Lạt trong một quán nước có 3 cô gái Campuchia làm chủ, chúng tôi gọi là quán ba chị em.
Chai rượu này ở đây bán với giá tương đương nửa chỉ vàng thời bấy giờ, chúng tôi ngồi nhâm nhi rượu ngọt trong một cái quán nước ấm cúng ở thị trấn Sisophon. Nơi đây có điện, có đèn, có nhạc, có gái đẹp bản xứ ngồi tiếp chuyện, thấy đời cũng đáng sống, tạm thời quên đi cái căn cứ hành quân Năm-sấp tối tăm muỗi vắt sau lưng... Cũng cùng là lính sư đoàn, nhưng những người lính trung đoàn 4, và nhất là tiểu đoàn 3 giờ này đang cực lắm, đơn vị chúng tôi đang ở Nam Cao Mê-lai, nơi ngay cả con voi gốc bản địa cũng quay đít bỏ đi!
Rồi cái buổi văn công quân đội biểu diển văn nghệ cho cán bộ chiến sĩ sư đoàn xem cũng tới. Chiều hôm đó cơm nước xong xuôi, chúng tôi ăn bận gọn gàng, tươm tất rồi tà tà thả bộ đi xem văn nghệ. Cả một rừng người háo hức xem văn công biểu diễn, tôi đứng ở xa xa, coi nhảy múa chập choạng, thấy anh em biểu diễn coi bộ cũng công phu lắm, nhưng xem không thấm, không có cảm giác gần gủi, ca nhạc cũng vậy, cũng thấy nhạt nhạt... Nói chung là không ấn tượng gì cả, chúng tôi ra về với cảm giác trống rỗng, vô vị. Ngày mai chúng tôi sẽ nhận quân và trở về cái căn cứ nơi rừng sâu, nước độc của mình.

*
* *

Trong khoảng thời gian chúng tôi đi học lớp hạ sĩ quan ở chân núi Sisophon thì ở nhà có chuyện: Toàn bộ đại đội 13 được lệnh xuất kích tiến vào Cao Mê-lai, đại đội hành quân mà không biết rằng ở nhà đồng chí quân lực đã lập danh sách trích ngang của anh em để báo cáo về trên, chuẩn bị hậu sự... Sau những tổn thất lớn về nhân mạng ở trận đánh giữa cuối tháng 3/79, nay đồng đội của chúng tôi lại bước vào vùng đất lành ít dữ nhiều.
Khóa học hạ sĩ quan của chúng tôi cũng được rút gọn lại và kết thúc sớm hơn dự kiến một chút để kịp thời trả quân về các đơn vị chuẩn bị chiến dịch mùa khô năm 1980.
 
Hạng D
26/5/12
4.117
123
48
Xin gởi các bác xem thêm hồi 9: Don Thomo
9. DON THOMO
Thượng tuần tháng 12/79 tôi trở về Nimith, đêm đó tại bãi tập kết quân giữa phum Sophia trăng sáng vằng vặt, tôi viết thư về nhà mà không cần dùng tới ánh đèn. Lính tráng đốt lửa để sinh hoạt, còn tôi thì tận dụng ánh lửa đó để viết thư. Tôi đang nằm chờ tại đây để hội quân với đơn vị của mình đang trở về từ Cao Mê-lai.
Đại đội chúng tôi trở về Sophia cũng trong đêm đó, đợt xuất kích này không có tử sỉ, nhưng quân binh tàn tạ vì sơn lam chướng khí, hầu hết quân số đều mang bệnh sốt rét mãn tính. Chỉ còn tôi và một số đồng chí đi học về là mạnh khỏe, là nòng cốt của đơn vị lúc này
Đội quân bệnh hoạn này không tự hành quân được, xe GMC của trung đoàn đưa chúng tôi tiến vào Don Thomo từ hướng Bắc phum Diêng..
Don Thonmo, nghĩa tiếng Việt có nghĩa là Giếng Đá (don là giếng, thomo là đá). Đây là địa điểm mà thời trước, người ta đã cho khai thác đá để làm quốc lộ số 5 và đường sắt đi Poipet.
Đơn vị bạn để lại căn cứ Don Thomo cho chúng tôi cũng đầy đủ nhà ở, công sự, giao thông hào nên chúng tôi cũng không vất vả lắm về việc cũng cố doanh trại... Đại đội ngày càng thưa thớt, các bệnh binh lần lượt được chuyển lên tuyến trên điều trị, có người vào trạm xá trung đoàn, những người nặng hơn thì chuyển về bệnh xá sư đoàn ở Sisophon, nặng hơn nửa thì đi bệnh viện 7E ở Xiêm Riệp.
Cả tiểu đoàn vào đợt cũng cố, ban ngày đào hào cũng cố công sự, tối đến thắp đèn tập bài bắn ban đêm với mục tiêu là bia mẹ bồng con, tượng trưng cho hai thằng xạ thủ đang bắn đại liên.
Đêm đêm chúng tôi ngồi canh gát trước đội hình, nhìn về phía Tây thấy sáng rực một góc trời, đó là ánh sáng đô thành... của một thị trấn Thái Lan yên bình, chúng tôi đang ở rất gần cửa khẩu Poipet và cái thị trấn đó, không tới 10km đường chim bay.
Chúng tôi sinh hoạt ở Don Thomo vào mùa khô khá thoải mái nhờ vào các giếng đá tích trữ đầy nước mùa mưa, vào mùa khô mọc đầy bông súng, chúng tôi bứt bông súng làm nộm ăn cải thiện trong những tháng mùa khô hiếm hoi rau cỏ này.

Các bệnh binh được đưa đi điều trị rồi cũng lần lượt trở về. Doanh trại ngày càng được hoàn thiện hơn, các tuyến giao thông hào được nối mạng thông suốt.
Khu rừng dầu nơi chúng tôi đóng quân, thỉnh thoảng lại có heo rừng đến viếng, nửa đêm nó theo đường mòn, chạy vào đội hình, vướng mìn nổ oành một tiếng. Chúng tôi xách súng ra thăm chừng, đôi khi lại có thịt rừng mà xơi.
Có 1 lần nghe tiếng mểnh kêu tát tát, tôi leo lên cây mà coi, thấy rõ ràng một con mểnh to khoảng 30, 40 kg lông vàng lườm, tướng tá giống như con nai. Tôi xuống, xách súng, leo lên cây... thì nó chạy đâu mất rồi!
Trong đơn vị tôi có đồng chi Vi, đại đội phó quân sự, dân tộc Tày, người Thái Nguyên giỏi săn bắn. Một chiều nọ anh vác súng vào rừng săn được một con mểnh to, anh lắt bỏ hai hòn dái của nó (cho thịt khỏi hôi) rồi về đơn vị kêu anh em đi khiêng xác con vật về cải thiện.
Cuối năm 1979, với nhiều chiến công đạt được trong chiến tranh biên giới Tây Nam, trung đoàn 4 của chúng tôi cùng với trung đoàn 174 và sư đoàn 5 được tuyên dương danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang lần thứ hai.

Những cơn gió lạnh kéo về từng đợt, từng đợt báo hiệu năm hết tết đến. Năm nay chúng tôi ăn Tết lớn, một cái tết đầu tiên sau ngày Campuchia hoàn toàn giải phóng khỏi họa diệt chủng. Các thương bệnh binh đã trở về đơn vị đông đủ, quân số toàn đai đội lúc này khoảng trên 50 người, tất cả phấn khởi hồ hởi đón Tết.
Heo, bò, gà, trà, rượu, thuốc đủ cả. Năm đó chúng tôi đã ăn một cái Tết hoành tráng nhất trong đời lính. Bếp đại đội, bếp trung đội rộn ràng, rồi lính tráng các đơn vị qua lại ồn ào thăm viếng lẩn nhau, vui thì thật vui, nhưng vui lắm thì buồn nhiều...
Xa quê hương nhớ mẹ hiền, cái buồn nhớ làm những người lính làm liều chơi ngông. Đầu têu cuộc chơi là cái anh pháo cao xạ 37 ly: Anh nhậu đã đời, rồi anh buồn tình, anh kéo pháo ra, anh nạp đạn vào, anh bắn đạn lửa, đạn vạch đỏ trời... trong cái đêm giao thừa 30 tết năm 1980.

Sáng ngày mùng 1, theo chương trình chúng tôi lên đại đội chúc tết. Chúc tết xong, rượu mới ngà ngà, chúng tôi trở về trung đội ăn tết tiếp... bổng dưng súng nổ thay pháo. Đầu tiên là nổ ở hướng trung đoàn bộ, rồi tiểu đoàn, rồi các đại đội, rồi các trung đội... Vui quá, tôi cũng chơi luôn!
Tôi xách cây trung liên RPD ra, dựng chân chống trên nóc chiến hào, chơi luôn nguyên nồi đạn 100 viên. Súng nổ, giật cành cành, cành cành liên tu bất tận, hết dây đạn 25 viên này thì súng tự động xả dây ra, kéo tiếp dây mới. Tôi say sưa bắn, hết dây thứ hai, sang dây thứ ba, thứ tư, tiếng đạn nổ liên thanh làm tôi cực kỳ phấn khích, nổi buồn nhớ cha, nhớ mẹ tan biến đâu mất! Máu chảy rần rần, mặt đỏ bừng bừng, mồ hôi ròng ròng, nòng súng đỏ rực, tôi còn muốn bắn tiếp nửa, tiếp mãi... thì đại đội trưởng Tý chạy xuống la:
-Ngưng bắn, ngưng bắn, tiểu đoàn nó chửi tôi!
Phục tùng mệnh lệnh người chỉ huy gương mẫu của mình, tôi lật đật xách súng chạy vô, trong lúc vội vàng phần da non cánh tay phải của tôi chạm vào cái nòng súng cháy đỏ, lập tức nó lột da tay ngay tức khắc, để lại lớp mỡ trăng trắng, mấy năm sau vẫn còn thấy thẹo.
Chúng tôi đã ăn cái Tết chiến thắng đầu tiên trên đất bạn vào cái năm đó với rất nhiều rượu thịt và tiếng nổ của đại bác, pháo cao xạ, đạn tiểu liên... một cái tết huy hoàng, ồn ào và mất trật tự.
Đang là thời chiến và trước mắt chúng tôi là quãng đời lính dài vằng vặc phía trước, chúng tôi đi không biết ngày về. Tất cả sĩ quan binh sĩ trên chiến trường đều hiểu như vậy và thấm thía nổi nhớ nhà... nên dù cái Tết năm ấy lính tráng chúng tôi bắn phá hao tốn như vậy, nhưng tất cả chúng tôi đều bình an vô sự, không ai bị kỹ luật gì, còn khiển trách rút kinh nghiệm thì đương nhiên là có, rồi thôi.
Năm 1981 chúng tôi cũng ăn một cái tết hoành tráng như vậy, hậu phương và nước bạn Campuchia chung sức chăm sóc cho những người lính xa nhà chúng tôi ăn một cái tết đầy đủ rượu thịt, nhưng cái tết đó bình an, yên tỉnh, không một tiếng nổ mất trật tự.
Chúng tôi chỉ được ăn 2 cái tết ở Don Thomo thôi, rồi phải đột ngột rời xa nó tức tưởi! Để rồi không biết đến cái tết thứ ba, bởi vì cái tết năm đó toàn bộ tiểu đoàn chúng tôi đã luồn sâu vào Nam Cao Mê-lai rồi.
 
  • Like
Reactions: Kirinman
Hạng D
26/5/12
4.117
123
48
10. PHNOM MELAI
Cụm cao điểm này thực ra không cao lắm, ngọn núi cao nhất chỉ chừng ba trăm mét thôi. Nhưng cái hiểm trở ở đây là mùa khô không có nước, những người lính phải đào đá ra mà chắc lấy nước, cái chất nước rỉ ra từ trong đá đó trắng nhờ nhờ, đùng đục như nước vo gạo, uống vào chắc chắn là mang bệnh, còn không uống thì bị chết khát, anh chọn cái nào?

Đây là vùng đất của bệnh sốt rét nổi tiếng khắp nước Campuchia, đến nổi người ta phải đúc tượng con voi quay đít bỏ Cao Mê-lai mà đi.
Cao Mê-lai là cứ điểm cuối cùng của tàn quân Pôn Pốt ở ngã ba con voi, vậy mà chúng tôi cứ truy kích tới hoài, cho nên chúng chống trả quyết liệt bằng mọi thủ đoạn như gài mìn, phục kích, tập kích nhằm tiêu hao sinh lực của ta.

Cuối năm 1979 đại đội 13 vào tiếp quản Cao Mê-lai một cách êm thắm, không phải hy sinh một anh lính nào, nhưng giữ được nó thì cực kỳ khó... Rừng thiêng nước độc, sơn lam chướng khí đã quật đổ từng người, từng người lính một.
Việc vận chuyển lương thực thực phẩm tiếp tế cho bộ đội giữ chốt cũng rất khó khăn, gian khổ, phải cắt đường mới, luồn rừng mà đi, tuyệt đối không đi vào lối mòn chắc chắn là vướng phải mìn.
Cũng không được làm lộ đội hình hành quân, đã có một đơn vị vận tải chủ quan dừng lại dọc đường, ăn uống ồn ào bị Pôn Pôt tập kích một trận chết cả chục quân.

Sau khi đại đội 13 rút khỏi Mê-lai, có một đơn vị của tiểu đoàn 1 thay thế đóng chốt, trong giai đoạn này thỉnh thoảng chúng tôi có những đợt hành quân ngắn ngày mang vác gạo đạn trực chỉ Mê-lai để tiếp tế cho đơn vị bạn.
Chúng tôi từ hướng đít con voi đi vào, đi hết đoạn đường bộ có quân ta chốt giữ thì cắt đường rừng trực chỉ Cao Mê-lai, chúng tôi luồn rừng thận trọng, nhẹ nhàng, yên phăng phắc, nhiều lần chúng tôi phải dừng lại chờ trinh sát mở đường. Dây leo chằng chịt, đường rừng mấp mô, thỉnh thoảng cắt ngang đường hành quân là một con suối đá cạn dòng. Phát hiện ra dấu chân voi còn mới, cả đoàn quân lại phải càng thêm thận trọng, đôi khi phát hiện cả phân voi nóng.
Tránh voi không xấu mặt nào...
Chúng tôi thận trọng vậy thôi, chứ đi Cao Mêlai cả chục chuyến rồi, chúng tôi chưa từng chạm mặt với voi lần nào.

Đường vào Cao Mê-lai nhiều suối to, nhưng mùa khô hoàn toàn khô cạn, trơ toàn sỏi đá. Cây rừng rậm rạp, có nhiều cây bằng lăng cổ thụ, thân gồ ghề, gốc chia thành nhiều phiến lớn như phiến đá, ba bốn người ngồi trong những phiến cây đó vẫn kín đáo an toàn. Nhiều dây leo chằng chịt to bằng cổ tay, dùng dao chặt đứt, nó lòi ra sớ gỗ màu đỏ bầm, có thể vắt lấy nước mà uống. Nói là có thể, chứ tôi chưa từng thấy ai vắt nó ra lấy nước uống, vì gỗ nó sơ cứng, rắn chắc lắm, thực khó mà vặn ra lấy được nước. Nhưng nó vắt ra nước được đấy, đó là bài học đi rừng của những người lính Cao Mêlai nơi nước uống cực kỳ quí hiếm! Những khi chết khát thì cái dây rừng này nó sẽ là cứu bạn đấy, bạn hãy chặt nó ra hoặc cắn xé nó ra mà mấp lấy nước, mấp lấy cái dưỡng chất đang nuôi sống nó để duy trì cái mạng sống của bạn.

Một lần đi truy quét Cao Mê-lai, chúng tôi dừng chân trên một con đường đất đỏ, có lệnh đi lấy nước, tôi và anh Ba Duy (dân quận 4, nhập ngũ cùng đợt) đi ra phía sau đội hình hành quân để lấy nước... đến khi trở lên thì mất hút đội hình hành quân của mình.
Hai chúng tôi đi men theo con đường đất đỏ một đoạn, thấy phía trước có một thân cây lớn đổ chận ngang đường, chưa kịp quan sát thì thằng Pôn Pốt đã nổ súng, một loạt đạn AK xé gió lao tới, cự ly bắn quá gần, đạn nổ chát chúa bên tai. Không suy nghĩ, không quan sát, chúng tôi bương thẳng vào rừng cây sát ngay bên cạnh.
Trên đoạn đường đó, tôi đã đạp phải một bãi phân của lính Pôn Pốt, nó xả ra ngay phía trước đội hình phòng ngự của nó... Đuổi kịp đội hình hành quân của mình rồi tôi mới nghe thúi, tôi chùi giày vào cỏ cây đất cát xung quanh vẫn không hết mùi. Mìn của nó đã chen vào rãnh của đế giày, đi cả đêm hôm đó và cả ngày hôm sau nó biến ra thành đất nhảo.
Mỗi lần đi vận tải cho Cao Mêlai, tôi đều tranh thủ ghé thăm anh bạn đồng hương quận Bình Thạnh, anh tên là Dần, bạn học từ thời cấp 1, làm lính thông tin tiểu đoàn 1, nay không biết ở đâu? Anh có đọc truyện này thì liên lạc với tôi nhé (email: [email protected]).
 
  • Like
Reactions: rangnhon
Hạng D
26/5/12
4.117
123
48
10. PHNOM MELAI (tiếp theo)
Cần phải có một đơn vị chuyên trách Cao Mê-lai, nhiệm vụ này được giao cho trung đoàn 2 công an vũ trang đảm nhiệm vào năm 1980. Từ ngày trung đoàn này đảm nhiệm Cao Mê-lai, công việc của chúng tôi nhẹ đi rất nhiều.
Những người lính của trung đoàn 2 chốt giữ Cao Mê-lai yên như bàn thạch, ấn tượng của tôi về những người lính này rất đẹp. Họ cũng là những người lính lam lũ, rách rưới như chúng tôi, nhưng không hề nghe họ phàn nàn kêu khổ. Họ rất cực vì ở một nơi khắc nghiệt nhất trên chiến trường và đã họ hoàn thành nhiệm vụ cực tốt mà chắc là ít ai biết tới họ.
Bởi vì họ ở cái chốn khỉ ho cò gáy, cái chốn bị người đời quên lãng, có chăng nó chỉ đọng lại trong ký ức của những người lính bộ binh trung đoàn 4, những người lính trung đoàn 2 công an vũ trang... và những bà mẹ Campuchia ở Sophia.
Chúng tôi đi chiến dịch Cao Mê-lai trở về tàn tạ và bệnh hoạn, các bà mẹ Campuchia xúm xít hỏi thăm tin tức mấy đứa con... Các bà mẹ suýt xoa nói chuyện với nhau, thương cảm mấy đứa con bệnh hoạn, câu nói cửa miệng của các bà mẹ luôn là: “Khỏe như voi còn bỏ Cao Mê-lai mà đi, tội nghiệp các con phải đem thân vào chốn rừng thiêng nước độc”.
Quân đội của chúng ta có truyền thống đi dân mến ở dân thương, hình như trên đất nước chùa tháp này chỉ có duy nhất những người lính của quân đội nhân dân Việt Nam mới xưng con với các bà mẹ. Những người phụ nữ Campuchia chất phát, lam lũ và hiền lành có được những người con ăn ở phải phép như vậy tất nhiên là rất hả dạ, dù việc chăm sóc các đứa con nuôi này chắc chắn cũng gây khó khăn không ít cho các bà mẹ, vì dân Campuchia những năm đó nghèo lắm, thiếu thốn lắm, một gói thuốc rê, con gà, kí gạo có giá trị rất lớn.

Ghi chú 1: Khi viết xong truyện, tôi ngồi rà lại bản đồ của Google Maps và Google Earth mục đích là để kiếm cái tên Phnom Mê-lai... nhưng không thấy, vì các loại bản đồ của Google cung cấp trên mạng là bản đồ dân sự, họ không quan tâm tới chiến trường xưa của mình!
Không nản chí, tôi tiếp tục tìm kiếm trên mạng, vào mục một thời máu và hoa của quansuvn.net tìm thì thấy anh em cựu chiến binh mình thời 78-80 trở về sau sinh hoạt trên diễn đàn này nhiều vô kể... lính Nam, lính Bắc đủ cả. Trên diễn đàn này anh em chỉ cho nhau biết địa chỉ truy cập bản đồ Đông dương trên mạng... và tôi đã vào trang web www.tuaans.110mb.com và trực tiếp vào thư mục www.tuaans.110mb.com/Maps/CamMap_files/05-ND-48-09.jpg thì tìm thấy rõ ràng cái Phnom Melai của mình, cái vùng đất con voi bỏ đi ấy hiện rõ mồn một trên bản đồ quân sự với những đường bình độ ghi chú độ cao 322 và chữ PHNOM MELAI in hoa nghiêm chỉnh. Không những vậy, tất cả các địa danh khác như Takong Krao, phum Sophy, phum Preav, Yeang Đang Kum, Sisophon, Poipet... đủ cả.
Tuân thủ cách ghi tên địa danh trên cái bản đồ quân sự đã quá quen thuộc với anh em mình những năm 79, 80... tôi ghi nguyên si tên địa danh như vậy trong các hồi mục chính của quyển truyện này như một cách ôn lại kỹ niệm một thời máu và hoa của chúng ta. Tuy nhiên, trong khi kể chuyện ngã ba con voi thì tôi vẫn viết tên địa danh theo cách gọi của anh em mình như Takong Krao là Tà-cuông Krao hoặc Preav là Prê-ao, để anh em đọc khỏi thấy lạ... Mong các đồng đội và bạn đọc thông cảm với cách ghi địa danh không thống nhất trước sau như một của tôi.

Tìm được địa danh Phnom Melai trên một tấm bản đồ quân sự cách đây hơn 30 chục năm, tôi thực sự bồi hồi xúc động: Phnom Melai đây rồi, Cao Mê-lai đây rồi, còn kia là Nam Cao Mê-lai ở phía Nam... của Phnom Melai.
Những cái địa danh ác ôn trên thực địa này đã lấy đi biết bao nhiêu sinh mạng, mồ hôi và xương máu của những người lính trung đoàn 4 bộ binh, trung đoàn 2 công an vũ trang những năm đó!
Thấy địa danh Phnom Melai trên cái bản đồ quân sự được in ra cách nay trên 30 năm, tự dưng tôi thấy mình như ngây ngấy sốt, rùng mình nhớ lại những cơn sốt rét triền miên năm 1982 trên con suối cạn ngày 28 tết và trong những cánh rừng nguyên sinh ở phía Nam cao Mêlai ve kêu rôm rả...

Ghi chú 2: Trường hợp tìm không được bản đồ Đông dương của bạn tuaans trên mạng, các bạn hãy vào Google Earth tìm Cambodia, rồi vào tọa độ 13 độ 32 phút vĩ Bắc và 102 độ 24 phút kinh Đông thì Phnom Melai chắc chắn nằm ở đó. Thân.
 
Hạng D
26/5/12
4.117
123
48
Hồi thứ 11. PHUM SOPHI

Một buổi chiều tháng 3/1980, đồng chí Thạch trung đội trưởng đi họp giao ban đại đội về phổ biến nhiệm vụ mới của trung đội là ngày mai đi làm nhiệm vụ xây dựng chính quyền xã Sophi. Tôi mừng lắm: - Reo lên là ngày mai được ra dân ở rồi!
Chốt mãi trong rừng buồn lắm, đóng quân trong phum là niềm vui sướng của các người lính. Cả trung đội ai cũng mừng và chuẩn bị hành trang sáng mai lên đường sớm.
Từ Don Thomo chúng tôi lội bộ ra phum Diêng, ra tiếp ngã ba Nimith, đi tiếp nửa thì đến ngã ba Sophi, chúng tôi đi liên tục từ sáng đến xế trưa mới tới ngã ba Sophi. Đường vào phum Sophi đất đỏ và rất xa, chắc trên 6 cây số, đang đi thì bỗng dưng cẳng chân bên phải của tôi bị đau (giờ tôi nghĩ lại: chắc do hội chứng mảnh đạn cối 60 còn lại trong mông), phải đi cà nhắc và phải thường xuyên dừng lại nghỉ rất lâu cho đở đau!
Đồng chí Thạch dẩn trung đội đi trước, còn đồng chi Vi đại đội phó thì nán lại để chờ tôi. Vào sâu bên trong thì cảnh tượng hai bên đường lại khá đẹp, có ruộng vườn, có rừng cây thốt nốt, có chim bay, cò bay. Trời chiều man mát, cảnh nên thơ, nhưng do cẳng đau nên tôi không có hứng thú mà ngắm nghía cảnh vật... Đến nay tôi vẫn còn ấn tượng đẹp với cái phum này, cảnh vật hữu tình lắm.

Sophi là một phum làng trù phú, đầu làng có ao nước trong veo, sạch sẽ. Ẩn sau hàng cây cao xanh mát là một mái chùa Phật giáo nguyên thủy nhỏ nhắn và thanh thoát, chùa nhìn thẳng ra ao làng.
Từ đầu phum có đường trục xuyên qua phum, đến cuối phum thì thấy một cánh đồng rộng, khô khan cỏ cháy dưới ánh nắng xế chiều tháng ba rực rỡ, xa xa là hàng cây thốt nốt. Trung đội tôi đóng ở đó, cuối phum, chúng tôi treo võng nằm rải rác dưới các nhà sàn của những người dân khá giả.
Tôi và anh Thạch giăng võng dưới một căn nhà sàn cao ráo, mặt sàn cao hơn 2m, chúng tôi ở dưới đất có thể đứng thẳng lưng cũng không sợ đập đầu vào các thanh gỗ đà sàn. Cột nhà làm bằng gỗ dầu đen bóng, đường kính khoảng 20cm rất vững chải.
Chủ nhà là một bà mẹ lớn tuổi, có cô con gái biết tiếng Pháp, làm cán bộ phụ nữ xã. Bà mẹ này rất ngưỡng mộ vua Sihanut, bà thường nói thời vua Sihanut dân ở đây giàu lắm, thơ xe-re mui chơ-năm xi bây chơ-năm (làm ruộng một năm ăn ba năm).

Chiều đó, tôi ra ao làng đứng tắm, bắt chước đồng đội, tôi gánh về 2 thùng nước để phục vụ sinh hoạt tập thể: nấu nước, đánh răng, rửa mặt .v.v.
Xuất thân là dân thành phố, đây là lần đầu tiên trong đời tôi gánh nước, dù đã cẩn thận ngắt lá súng phủ lên mặt nước, chân bước cẩn trọng, hai tay ghìm chặt 2 cái móc sắt, nhưng thùng nước vẫn đong đưa, sóng sánh và đổ ra ngoài. Từ đầu phum đến cuối phum chừng 300m, mà tôi đã làm đổ mỗi bên 1 phần 3 thùng.
Vạn sự khởi đầu nan, mới đầu gánh nước coi khó vậy chứ chỉ sau một vài lần tôi đã quen nhịp, chân bước thoăn thoắt, không cần lá súng, không cần bặm môi, tôi vẫn gánh đủ hai thùng nước về nhà, tuy sóng sánh chút đỉnh nhưng cũng còn đầy, không hao hụt nhiều như lúc đầu.

Công việc hàng ngày của chúng tôi rất đơn giản. Ban ngày quanh quẩn trong phum trực chiến, thỉnh thoảng được phân công xách súng đi tuần tra khu vực. Lâu lâu lại tới phiên ra ao nước đầu làng gác đêm. Khi nào có bầu cử thì chúng tôi kéo nhau đi bảo vệ khu vực bỏ phiếu.
Những khi có lễ hội thì chúng tôi được làng đãi cho một bửa ăn ngon, còn thường thì chúng tôi ăn bếp ăn tập thể, rất khô khan đạm bạc, chúng tôi phải bứt rau rừng, hoặc ra ruộng hái rau muống dại, rau dền dại về nấu canh ăn cải thiện. Đôi khi bứt nhằm rau dền dại có gai nửa chứ!
Chúng tôi còn trẻ, khỏe, hăng hái và yêu đời, ăn uống đạm bạc không làm chúng tôi buồn, áo bạc màu, quần chó táp... không tới cũng không làm chúng tôi mặc cảm. Làng này con gái đẹp nhiều lắm, nhiều khi chúng tôi cũng thấy tiếc, phải chi mình có quần áo đẹp mặc lấy le với mấy em chơi!
Ở Campuchia lâu ngày chúng tôi đã cảm được cái duyên dáng mặn mà chân quê của các cô thôn nữ. Côn sơ-rây (con gái) Campuchia tuy đen đúa nhưng nét mặt, nụ cười, ánh mắt rất nét, rất duyên, răng trắng đẹp...
Một đồng đội của tôi, đồng chí Nghĩa, lính nhập ngũ tháng 3/79 rất thích một cô Campuchia xinh đẹp, bà mẹ của cô ta thường đùa, đưa độp tần-lâng đây me gã cho (tức là nộp mười cây vàng thì mẹ gã con gái). Đùa vậy thôi chứ kỹ luật trên chiến trường Tây Nam không cho phép bộ đội Việt Nam lấy con gái Campuchia, các bà mẹ Campuchia cũng biết luật này. Vì bộ đội với dân rất gần gũi khăng khít, có gì cũng nói cho nhau nghe.

Thường thì sau buổi cơm chiều, hôm nào không phải đi canh gát thì chúng tôi cũng quanh quẩn chẳng phải làm gì!
Tôi đến Sophi hôm trước thì hôm sau trời vừa chạng vạng có một anh trung niên kéo tôi đi, anh kêu mô, mô, ý nói là đi theo anh. Tôi xách súng đi theo mà lòng phân vân không biết xấu tốt thế nào, tôi với anh chưa quen biết nên tôi còn có tư tưởng cảnh giác với anh, sợ anh là Pôn Pốt dụ tôi đi theo rồi lừa thế đập đầu lấy súng của tôi.
Phum này rất an ninh, là cơ sở của ta xây dựng chính quyền xã Sophi nên sự cảnh giác chỉ thoáng qua trong chốc lát mà thôi và tôi vẫn tin cậy đi theo anh. Anh dắt tôi về nhà, dẩn tôi giới thiệu vợ anh, rồi nói với tôi cái gì đó, ý như là nhận anh em kết nghĩa với tôi.
Tứ hải giai huynh đệ, tất nhiên là tôi nhận. Tôi 20 tuổi, còn anh khoảng 30, dáng người khỏe mạnh, mặt mày chất phát, lâu ngày rồi tôi không còn nhớ tên anh, nhưng tôi biết là anh rất quan tâm với tôi.
Tôi thích một cô gái Campuchia, cô làm thợ may, ba cô người Việt, mẹ cô người Hoa. Dân Campuchia gọi người lai như vậy là “Chênh”, thấy tôi ngày nào cũng sang nhà may của cô ấy chơi, anh chọc tôi xa lanh bòn Chênh hơi, ý nói là tôi thương cô Chênh rồi.
Thương thì chắc là chưa thương, nhưng cái rung động của một anh con trai trước một cô gái đẹp thì có rồi. Tôi 18 tuổi đi lính khi chưa có một mảnh tình vắt vai, nay bước sang tuổi 20 cảm thấy tâm hồn rung động trước một bông hoa xinh tươi miền thôn dã là điều tất nhiên thôi.
Cô gái này con ông già biết tiếng Việt vậy mà cô không nói được tiếng Việt. Dưới thời Pôn Pốt nói tiếng Việt là tự mang bản án đập đầu trước bọn Ăng-ca rồi, nên ông già cô dấu biệt tiếng Việt, do đó cô chỉ biết nói tiếng Campuchia mà thôi.
Nhiều khi cô hỏi chuyện với tôi, cô chỉ vào một món đồ nào đó, như là chỉ vào tấm vải cô đang may rồi hỏi Việt Nam tha dang mach? Ý hỏi Việt Nam gọi là gì?
Vậy thôi, chúng tôi chỉ trò chuyên với nhau chút đỉnh như vậy. Vậy mà về nhà nằm võng tôi lại nhớ ong ong trong đầu cái câu Việt Nam tha dang mách của cô, để rồi hôm sau lại đến để tiếp tục câu chuyện tha dang mách?
 
  • Like
Reactions: rangnhon
Hạng D
26/5/12
4.117
123
48
Xin gởi phần tiếp theo của tập 11 để xem cho trọn bộ:
Mãi 29 năm sau, nay viết lại câu chuyện này tôi vẫn bồi hồi xúc động. Xúc động vậy thôi chứ sự rung động lúc bấy giờ của tôi chẳng là gì với cô gái đó cả. Trong khoảng thời gian tôi ở phum Sophi cô đã tự động rời bỏ căn nhà cô ngồi may đó, để tôi lẻ loi tìm đến căn nhà này, ngồi chơi với bà mẹ Campuchia. Mẹ nói tiếng Campuchia, con nói tiếng Việt, vậy mà chúng tôi cũng hiểu được nhau chút chút, bà mẹ này thường nói với tôi về cái thời kỳ gian khổ của mẹ trong chế độ Pôn Pốt, thiếu ăn. Nếu tìm được cái ăn thêm (như cóc nhái hoặc củ khoai lang, khoai mì) thì phải ăn dấu, ăn giếm, lở à Pôt nó bắt được, nó cắt cổ mổ họng, nhiều người bị như vậy rồi!
Một hôm bà mẹ Campuchia có cái nhà cho cô Chênh ngồi may nói với tôi là có một bà mẹ muốn nhận tôi làm con nuôi, rồi bà dắt tôi qua gặp bà mẹ nuôi của mình.
Đó là một bà mẹ Campuchia lớn tuổi, bà là một tu sĩ, bà cạo đầu, mặc bộ đồ nữ tu màu trắng của Phật giáo nguyên thủy, bà tên là Lênh, tôi gọi là me Lênh. Mọi người chung quanh gọi là dây Lênh (dây tức là bà), vì cháu nội của bà cũng đã 16 tuổi rồi.
Nhà me Lênh nghèo, ông anh kết nghĩa của tôi cũng nghèo, tôi thường được bà mẹ nuôi cũng như ông anh kết nghĩa cho ăn khi thì vài trái xoài dú chín, khi thì điếu thuốc lá thơm, khi thì một nhúm thuốc rê. Của thì ít nhưng lòng rất nhiều, dạt dào tình yêu thương chân chất, làm tôi nhớ mãi đến ngày hôm nay.

Rồi chô chơ-năm thơ-mây đến, tiếng trống bập bùng, tiếng đờn kèn rộn rã kéo chúng tôi vào vòng lễ hội. Đây là bài dân vũ Campuchia thông dụng mà tôi thường được nghe, tôi xin trích một đoạn, tiếng phiên âm thôi:
Oh Xơ-vai-chăn-ti, náry ôn ơi, cùm a vô bơ-đây....
Chăm boong bang thơ-thây, boong tinh lang thơ-mây ối ôn chi liền...
Tôi xin tạm dịch, đại ý:
Ôi Xơ-vai Chăn-ti, em ơi, hãy khoan lấy chồng.
Chờ anh giàu có, anh mua xe mới chở em đi chơi...
Người dân Campuchia không ăn tết âm lịch như mình, cái tết lớn nhất trong năm là chô chơ-năm thơ-mây. Cái nhà sàn cao và rộng rãi của bà mẹ cho cô Chênh ngồi may, nay là tụ điểm cho các cô gái tụ hội trang điểm. Chúng tôi cùng vào đó chơi, các cô hỏi có muốn xức nước hoa không, có muốn trang điểm vẽ mặt không? Tất nhiên là chúng tôi trả lời là không. Rồi các cô khúc khích cười kéo nhau vào buồng thay xiêm áo mới.
Dân Sophi khá giả, các cô gái ăn mặc lộng lẩy, phấn son thơm ngát, mắt sáng long lanh, ngực nở eo thon, tràn đầy sức sống.
Đêm đó, lửa trại bập bùng, trống kèn rộn rả, chúng tôi cùng mọi người bước vào vũ điệu lăm-thôn. Một cô gái xinh đẹp rạng ngời, xiêm y rực rở, ánh mắt long lanh cùng tôi đối diện trong vòng tròn ca múa... Âm nhạc làm chúng tôi sôi lên mà nhảy vào vòng, chứ thực ra tôi múa dở ẹt, điệu bộ cứng nhắc vậy mà được múa chung với một cô gái đẹp nhất nhì trong hội, quả là một diễm phúc bất ngờ.

Tôi thực sự ngẩn ngơ trước sắc đẹp của cô nàng, sáng ra dò hỏi đồng đội cô gái đẹp hôm qua múa lăm-thôn với tôi là ai? Có người biết chuyện, bảo với tôi rằng cô này là mê-mai (bà góa), đẹp lắm, trước bị bắt làm vợ lính Pôn Pốt, nay thằng chồng chạy mất xác, chắc là chết rồi, hiện giờ ở giá, gọi là mê-mai.
Trong thời gian ở Sophi, thỉnh thoảng tôi có chạm mặt cô mê-mai này, cô nhìn tôi e lệ với đôi mắt sắc lẽm, nước da ngăm đen, chúng tôi chẳng biết nói chuyện gì với nhau. Vì tôi có rành rẽ tiếng Campuchia gì đâu, chỉ hiểu được khoảng vài chục từ ngữ thông dụng. Vả lại tôi là con trai mới lớn, thấy gái đẹp là ngại, không dám làm quen, thậm chí tôi cũng chẳng biết nhà cô này nằm ở chổ nào trong cái phum rộng lớn cấp xã này.

Qua cái tết được ít lâu, bỗng một hôm trong đêm tối, chúng tôi nghe tiếng súng ì đùng từ phía Nam lộ 5 dội lại, tiếng súng văng vẳng trong đêm khuya báo hiệu một điều chẳng lành!!!
Mà chẳng lành thật, ở nhà việc xuất quân đi đánh Tà-cuông Krao của tiểu đoàn 3 bị bại lộ. Quân báo địch chắc chắn nằm trong dân ở ngã ba Nimith, nó báo tin cho thằng Pôn Pốt ở Tà-cuông biết trước, chúng dùng kế không thành, đang đêm chờ ta đưa quân vào trận, rồi xông vô tập kích bất ngờ, tiêu diệt gọn một trung đội của đại đội 11... Bị đánh sau lưng, tiểu đoàn 3 vỡ trận, các đại đội tự động rút quân, nhiều đồng chí lạc đội hình, không tìm được đường về, chết khát trên trận địa.
Đại đội tôi có đồng chí Hóa, dân Thủ Đức, nhập ngũ tháng 3/79, khi anh em mình ở tuyến sau xông lên tiếp cứu thì thấy đồng chí ấy chết gụt trên đường rồi, vậy mà cứu lại được, nhưng sống dở, mất sức chiến đấu, trung đội cho làm anh nuôi chuyên nghiệp đến khi ra quân luôn.
Trận này kiểm điểm lại thì thất bại cũng một phần do thông tin bộ đàm đến giờ G lại bị tắt nghẽn, kế hoạch hợp đồng tác chiến bất thành, tiểu đoàn không lệnh được đại đội, mạnh ai nấy đánh, mạnh ai nấy rút... Thương vong lớn, không hoàn thành nhiệm vụ, chỉ huy các cấp trong đơn vị bị trên xuống rủa te tua, bạc đầu, sói trán! Cả tiểu đoàn suốt ngày họp kiểm thảo rút kinh nghiệm, rồi được trên đưa vào diện cũng cố để chuẩn bị bước vào một trận đánh khác, qui mô lớn hơn... đó là trận công-xi-lốp do sư trực tiếp chỉ huy tác chiến.