Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cơ quan này sẽ xây dựng đề án thu phí tự động bằng vệ tinh và nghiên cứu sửa đổi quy định tại Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) hạn chế phải xây trạm tốn kém như hiện nay.
Ngày 24/2, ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường và hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam), cho biết cơ quan này sẽ xây dựng đề án thu phí tự động bằng vệ tinh, đánh giá các ưu, nhược điểm của công nghệ. Cục Đường bộ cũng nghiên cứu sửa đổi quy định hoặc xây dựng nghị định về thu phí bằng công nghệ này
Theo Cục Đường bộ, với công nghệ mới, mỗi phương tiện sẽ gắn thiết bị định vị GPS để nhận tín hiệu vệ tinh. Sau đó, tín hiệu được truyền về trung tâm dữ liệu xác định vị trí phương tiện.
Thiết bị từ trung tâm sẽ tự động trừ phí dịch vụ của xe đi vào khu vực cần thu phí. Bộ thiết bị có giá khoảng 1-1,5 triệu đồng.
Có thể nói đơn giản thế này, dịch vụ thu phí tự động đường bộ ở Việt Nam được áp dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới.
Hệ thống RFID gồm thiết bị đầu đọc RFID Reader trên các cổng long môn tại trạm thu phí và thẻ định danh RFID gắn trên đèn hoặc kính phương tiện (công nghệ sử dụng cho hệ thống thu phí không dừng ETC hiện nay tại Việt Nam). Khi xe đi qua trạm, đầu đọc sẽ nhận biết xe thông qua thẻ định danh và trừ số tiền tương ứng.
Với công nghệ định vị phương tiện qua tín hiệu vệ tinh, thay vì đọc qua thẻ hay biển số xe như hiện nay, để thực hiện thu phí, mỗi phương tiện sẽ phải gắn một thiết bị GPS để định vị nhận tín hiệu vệ tinh.
Sau đó, tín hiệu này được truyền về trung tâm dữ liệu. Hình thức này cũng tương tự như thiết bị giám sát hành trình lắp trên xe kinh doanh vận tải hiện nay, trong đó giám sát hành trình là một thiết bị định vị.
Hệ thống định vị qua vệ tinh sẽ mang lại nhiều lợi ích. Ngoài việc thu phí giao thông, còn phục vụ quản lý, điều tiết giao thông nhờ nắm bắt được vị trí của từng xe.
Các số liệu chính xác về phương tiện, lưu lượng phương tiện sẽ phục vụ cho hữu ích để quy hoạch, thiết kế, quản trị giao thông.
Trong không gian hiện có 24 hệ thống vệ tinh, mỗi vệ tinh sẽ có tọa độ. Dưới mặt đất sẽ có thiết bị nhận tín hiệu kết nối với các vệ tinh. Để định vị chính xác một vị trí, thông thường thiết bị mặt đất phải nhận tín hiệu từ 3 - 5 vệ tinh.
Trên thế giới, ngoài Singapore, Ấn Độ đang ở giai đoạn thử nghiệm và có kế hoạch thay thế hơn 700 trạm thu phí trên quốc lộ bằng một hệ thống thu phí dựa trên vệ tinh, khi đó sẽ trở thành hệ thống thu phí điện tử dựa trên vệ tinh lớn nhất thế giới, bao phủ hơn 130.000 km. Còn Indonesia đang xây dựng hệ thống thu phí qua vệ tinh trên toàn bộ đường thu phí. Năm 2021, quốc đảo này đã trao thầu cho công ty Roatex (Hungary) để xây dựng và vận hành hệ thống thu phí dựa trên vệ tinh và dự kiến trong năm 2023, Indonesia sẽ áp dụng thu phí trên toàn bộ 1.700km đường, dỡ bỏ tất cả trạm thu phí.
Xem thêm: