Re:Nhật ký cao điểm 384
Phần kết
Tôi rúc vào vách hầm. Nằm ngủ, có người lính thông tin gác cho giấc ngủ của mình. Cảm thấy thấy rất hối hận vì đã trót nặng lời với họ. Cầu mong các anh ấy thông cảm. Cũng vì nhiệm vụ mà thôi.
Nửa đêm, họ đánh thức tôi dậy. Nghĩ đến chốt, tôi bừng tỉnh. Còn Toán, chưa rõ ra sao. Tôi phải trở lại xác minh cụ thể. Không thể yên thân một mình được. Một mình tôi trở lại chốt, trên đỉnh đồi toan hoang xơ xác. Không 1 tiếng dế kêu, không một động tĩnh nhỏ. Liệu thằng địch có trên đồi không. Tôi lăm lăm khẩu súng trong tay. Nếu có động sẽ dễ phản ứng hơn vì ban đêm. Tôi nhặt những hòn đất nhỏ, ném về nhiều phía. Không có gì. Xác anh Liễu, anh Soạn vẫn nguyên. Toán đã hy sinh. Có lẽ hy sinh vì quả đạn nổ khi tôi bị văng xuống hố bom. Trở lại tổ thông tin, tôi và anh Bội bàn và nhận định:
- Địch không ở lại trận địa vì: Một, nó tưởng ta rút đi, bẫy nó để dập pháo. Hai: hầm trú ẩn và hầm chiến đấu hỏng hết. Nó ở lại ban đêm sẽ bất lợi nếu nó rút. Điều kiện này, đưa bộ đội lên thuận lợi vô cùng. Tôi cũng thêm sốt ruột vì chờ đợi.
Mai rồi, đã gần sáng vẫn không thấy gì. Chúng tôi bàn: Tạm rút xuống chân chốt, nơi bếp anh nuôi, không thể ở đây giữa ban ngày được, định gì thì xuống đó liệu tiếp.
Tới bếp anh nuôi, thấy chính trị viên Truân và bộ phận chi viện ngồi đó, nói rằng đợi khẩu cối 61. Trời ơi, họ có biết tôi mong họ như thế nào không ? Trong lúc tôi chiến đấu đơn độc lẻ loi thì họ vẫn ung dung thế này đây. Là chiến binh, chiến đấu không chỉ bằng ý chí, bằng lòng dũng cảm, bằng lòng trung thành với Tổ quốc nhân dân, còn phải bằng cả lương tâm trung thực nữa kia. Kẻ hèn nhát đã khốn nạn tới mức vô nhân đạo, bỏ mặc đồng đội gặp khó khăn. Đồng đội chết hết vẫn làm ngơ còn biện bạch ra lý do để hợp lý tình huống. Tránh đòn trừng phạt của kỷ luật quân đội. Giữa những đồng đội đã hy sinh so với hạng người này, sao mà khác xa đến vậy, trái ngược đến vậy. Song tôi phải im, nghĩ đến bài học kiểu tối hôm qua với anh Bội, anh Hạng… vì tôi chỉ là binh nhì, “thắng” sao được lý luận của thủ trưởng cao cấp nhất đại đội.
Hỏi tôi về tình hình chốt xong rồi chính trị viên Truân tuyên bố rút. Đánh hay rút là do ông Truân quyết định, ông Truân chịu trách nhiệm. Tôi chỉ là binh nhì, nào tôi có “thẩm quyền” gì lúc này được nữa. Tôi đành chịu lỗi với 7 liệt sỹ, 7 người đồng đội thân yêu đã vĩnh viễn hóa thân vào long đất, nằm lại với ngọn đồi 384. Những đồng đội của tôi đã sống anh dũng, chết vẻ vang cho tổ quốc, non sông, cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Mà phải phơi xương trên ngọn đồi, ngoài tôi ra không ai biết, không ai chôn cất.
Nỗi xót xa day dứt này chỉ có tôi – một chiến binh – một tay súng đã kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ, chiến đấu cùng các anh mới phải trực tiếp gánh chịu trước trách nhiệm tình đồng đội mà thôi.
Câu chuyện về ngọn đồi 384 và kết cục là như thế đấy. Chỉ có những ai lính chiến trường đã trải qua những ngày khói lửa mới hiểu và đồng cảm cho những suy tư day dứt của tôi – một chiến binh nặng tình với đồng đội và mãi mãi khắc sâu trong ký ức kỷ niệm chiến trường.
Phải sống, chiến đấu, chịu đựng trong những ngày khói lửa chiến trận mới thấy được vị đắng của chiến tranh và hiểu hết được nghĩa thật của CHIẾN TRANH là thế nào.
Sau những ngày khói lửa sống, chiến đấu trên cao điểm 384 đã cho tôi bài học lớn của người lính giải phóng quân trên chiến hào diệt Mỹ.
- Sống căm thù, sống yêu thương.
Tôi đã từng nổ súng, xông pha qua nhiều trận đánh trên chiến trường Bình Định – Gia Lai, nhưng kỷ niệm về cao điểm trận địa và những đồng đội thân yêu đã anh dũng hy sinh thì không bao giờ quên được. Những dòng nhật ký trên đây để nhớ về kỷ niệm ngày khói lửa. Như để cáo lỗi với 8 người đồng đội thân yêu, cũng là để thắp lên một nén nhang trước linh hồn các anh – những con người mà tôi rất cảm kích tôn thờ. Trước những tâm hồn cao thượng, nguyện sống xứng đáng trước các anh, quyết không làm hổ thẹn danh dự đồng chí của các anh.
Vì tình đồng chí, đồng đội là thiêng liêng cao cả. Sau chiến tranh, tôi may mắn trở về. Thầm hứa sẽ làm nốt những việc mà trong chiến tranh không làm được: đưa hài cốt các anh về quê hương. Có làm được điều đó tôi mới hoàn tấy nghĩa vụ trách nhiệm tình đồng đội. Vì món nợ tình đồng đội thì không lấy gì trả được.
Mãi mãi nhớ về kỷ niệm 10 ngày đêm sống, chiến đấu trên cao điểm 384 và 8 đồng đội thân yêu đã anh dũng hy sinh nằm lại với ngọn đồi:
Nguyễn Tiến Liễu, Đồng Văn Soạn, Nông Văn Thu, Nguyễn Văn Du, Kiều Minh Toán, Hà Văn Bình, Đào Duy Hiển, Trần Văn Chính
---HẾT---
Nguồn:
https://www.facebook.com/WarComissar