Thị trường phụ kiện cho xe hơi hiện nay đang xuất hiện một thiết bị được cho là có tác dụng tiết kiệm nhiên liệu động cơ đốt trong và giảm khói thải. Mẫu sản phẩm là ống nhỏ hình trụ có tên gọi iE được giới thiệu sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường và tăng công suất động cơ.
[xtable=bcenter|450x@]
{tbody}
{tr}
{td}
{/td}
{/tr}
{tr}
{td}Thiết bị được cho là có tác dụng tiết kiệm nhiên liệu động cơ đốt trong và giảm khói thải.{/td}
{/tr}
{/tbody}
[/xtable]
Thiết bị này được lắp đặt bổ sung trong co gió gần bộ chế hòa khí (carburetor) và buồng đốt. Ngoài ra, bộ iE cũng được giới thiệu là có thể được lắp cho tất cả các loại động cơ (xăng, diesel) của ôtô, xe máy hay tàu thủy.
Thiết bị iE làm từ một hợp kim đặc biệt, dạng hình trụ có cánh quạt bên trong và được lắp vào co gió. Cánh quạt giúp làm tăng áp lực của không khí và hướng gió theo kiểu xoáy lốc. Khi không khí di chuyển qua thiết bị iE sẽ tạo xoáy lốc hình phễu hướng tâm qua bộ chế hoà khí vào buồng nổ động cơ.
Nhờ đó, nhiên liệu tiêu hao sẽ giảm, hiệu suất động cơ tăng lên đồng thời hạn chế khí thải gây ô nhiễm môi trường. Lượng nhiên liệu tiết kiệm trung bình đạt từ 10 đến 30% nhờ hỗn hợp xăng, khí được đốt hoàn toàn trong và ngoài xi lanh. Trong đó, ôtô sử dụng động cơ diesel lắp thiết bị trên đã tiết kiệm được 3,4 km/lít, khoảng 33,66%, Camry (diesel) tiết kiệm nhiên liệu 5,8%, Nissan Elgrand tiết kiệm nhiên liệu 29,4%... Tăng công suất máy từ 10 - 30%.
Ngoài ra, còn giảm khói thải 90%, khắc phục xe thải khói đen do lượng khí và xăng dư còn lại thải ra ngoài không nhiều vì được đốt cháy gần như hoàn toàn, tăng tuổi thọ động cơ do dễ cháy nổ, động cơ được hoạt động đều đặn, liên tục...
Gây tốn nhiên liệu, ảnh hưởng động cơ xe
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Hữu Hường, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông, trường Đại học Bách khoa TPHCM khẳng định, không thể lắp thiết bị này cho tất cả các loại động cơ được, cần phải thử nghiệm kỹ lưỡng với dòng xe chạy xăng.
Theo cơ chế hoạt động trên, thiết bị có vai trò như một bộ tăng áp (turbo charge) hoặc siêu nạp (super charge), phải dùng năng lượng để đảm bảo cho thiết bị hoạt động với tốc độ cao thì mới tăng áp suất khí nạp vào động cơ. Nếu không đảm bảo điều này thì tác dụng thiết bị sẽ ngược lại, làm cho công suất động cơ giảm, tăng lượng tiêu hao nhiên liệu và đương nhiên khí độc hại cũng tăng theo.
Đối với động cơ máy dầu (diesel) đời mới, việc lắp thêm thiết bị này là không cần thiết vì đã có turbo charge, nếu lắp iE chỉ cản khí nạp và chắc chắn không mang lại hiệu quả gì.
Cùng quan điểm trên, ThS Nguyễn Đình Hùng, Bộ môn Ôtô - Máy kéo, Khoa Kỹ thuật Giao thông, trường Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng, lý thuyết đã chứng minh khi một động cơ nghiên cứu đúng thì turbo charge của nó giúp tăng công suất từ 15 - 40% nhưng phải kết hợp nhiều yếu tố.
Nếu tăng công suất động cơ theo phương pháp dùng thiết bị iE, áp dụng với máy xăng thì xảy ra trường hợp lúc này mật độ không khí tăng lên khi nạp, với tốc độ súp-páp đóng mở liên tục sẽ tạo ra hiện tượng dao động sóng làm nhiệt độ tăng lên, hiệu quả nạp sẽ kém đi, lúc đó phải dùng một turbo charge đi kèm với bộ làm mát (intercooler) để làm giảm nhiệt xuống.
Một trường hợp xảy ra khi lắp thiết bị này vào động cơ là cánh quạt mà quay tốc độ lớn thì tăng thêm khí nạp, còn quay chậm sẽ cản lại làm tốn nhiên liệu. Lúc này động cơ thiếu khí và công suất tụt giảm, hao nhiên liệu.
Mặt khác, nếu cho rằng việc gắn thiết bị trên vào sẽ giảm khí thải khói đen là không đúng bởi hiện tượng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như kim phun không đúng áp, bẩn, bơm béc chưa đủ hoặc đến thời gian bảo trì máy nhưng chưa làm... Nếu bảo đảm được các quy trình bảo trì động cơ đúng thì không xảy ra hiện tượng trên.
(Sưu tầm)