RE: Quá trình thực hiện car computer
Hề hề! Tui muốn dấu bài nhưng vì bác qha_vn chưng ra nên kém miếng khó chịu phải chưng ra đây!
Tôi không đủ sức lọ mọ như bác qha_vn nên chọn giải pháp đi kiếm một cái máy tính cỡ nhỏ. Sau khi đi lùng khắp các cửa hàng máy tính cũ thì tôi đã chọn được một chiếc máy DELL PIII nhét vừa vặn vào gầm ghế lái. Việc bố trí máy ở đây có ưu điểm là không phải đi dây quá dài trong xe. Khi mua máy này, tôi yêu cầu lắp RAM 512 MB và bỏ ổ cứng sẵn trong máy. Tổng chi phí mua máy là 100 USD. Ngoài việc rẻ tiền ra, máy này có một ưu điểm mà những máy đời cũ không có. Đó là tính năng giữ nguyên trạng thái như trước khi mất điện. Tính năng này giúp tôi khi cần dừng xe chỉ cần tắt công tắc điện, khi nào dùng máy thì bất công tắc điện là máy lại chạy mà không cần chế lại công tắc bật tắt máy tính.
Sau khi giải quyết vấn đề case, tôi xem xét tiếp vụ thiết bị lưu trữ. Theo suy nghĩ thông thường, mọi người sẽ nghĩ đến giải pháp các thiết bị lưu trữ thay thế HDD như ổ USD, CF card v.v... Nhưng các giải pháp này có mấy nhược điểm:
- Đắt tiền nếu tính theo giá thành trên mỗi GB lưu trữ.
- Tốc độ đọc chậm (thậm chí là rất chậm) và có số lần đọc, ghi giới hạn dẫn đến việc ảnh hưởng tốc độ toàn bộ hệ thống.
Sau khi cân nhắc những nhược điểm này, tôi quyết định chọn phương án mua ổ cứng laptop mới nhãn hiệu SAMSUNG dung lượng 40 GB giá hình như là 50USD.
Phương án này có mấy ưu điểm:
- Rẻ tiền khi tính theo giá thành trên mỗi GB lưu trữ.
- Tốc độ đọc nhanh.
Còn trong trường hợp ổ cứng bị hỏng do rung xóc trên đường thì đơn giản là ta mang đi bảo hành vì ổ cứng này được bảo hành tới 3 năm. Ổ mà không có bất cứ vết trầy xước nào thì đố ai dám không bảo hành cho ta. Tuy lo xa như vậy nhưng tôi đã dùng ổ cứng này hơn 5000km (kể cả khi đi vào những nơi đường không tốt lắm) mà không hề hấn gì!!!
Máy DELL này do là đời cũ nên USB chỉ là 1.1. Để khắc phục nhược điểm này, tôi đã lắp thêm một cái card PCI để có thêm 4 cổng USB 2.0.
Bàn phím thì cắm luôn bàn phím PS/2 đi kèm theo máy để dùng cho tiện vì dưới ghế vẫn còn chỗ trống vì case nhỏ. Chuột thì đã dùng màn hình cảm ứng rồi nên không cần lắp thêm nữa.
Cuối cùng vấn đề mà tốn tiền nhất hóa ra lại là bộ chuyển điện từ 12V-220 V dùng cấp nguồn cho xe. Với suy nghĩ rằng thiết bị điện tử thì khá dễ tính trong vụ này, tôi đã mua một bộ chuyển điện 500W với giá 500 ngàn của TQ về dùng nhưng khi sử dụng thì máy có chạy nhưng không có tín hiệu ra màn hình! [:-(] Sau khi tham khảo ý kiến của bác Hailua_dichat, tôi đã nhờ bác ấy mua trong TP. HCM một bộ chuyển điện của Đài Loan công suất chỉ có 300W nhưng giá tới 1.2 triệu. Khi đó thì toàn bộ hệ thống chạy rất tốt mà không gặp bất cứ vấn đề gì. Hiện nay, ở Hà Nội, các bác có thể mua bộ chuyển điện này ở các đại lý của AST chạy cũng rất tốt nhưng giá cũng tương đương bộ của Đài Loan.
Tuy hệ thống đã hoạt động tốt nhưng vẫn có vấn đề nho nhỏ đó là có tín hiệu nhiễu trên màn hình và tiếng lạo xạo khi nghe nhạc. Mất mấy hôm loay hoay, tôi mới phát hiện ra nguyên nhân là do không nối mát cho hệ thống. Sau khi nối mát cho bộ chuyển điện và vỏ máy tính vào vỏ xe thì những tín hiệu nhiễu và tiếng lạo xạo này đã biến mất.
Đó là diễn biến quá trình lắp đặt máy tính trên ô tô của tôi. Ngày mai tôi sẽ chụp vài tấm ảnh đưa lên để các bác dễ hình dung.
Còn về vấn đề mà một số bác thắc mắc là tại sao không dùng laptop trên xe thì theo tôi có mấy nhược điểm:
- Chi phí đắt vì một cái máy laptop cũ cũng đã cỡ vài trăm USD.
- Mỗi bật máy rồi chuyển tín hiệu ra màn hình sẽ phải thao tác phức tạp.
Tuy nhiên, phương án này lại có rất hay nếu các bác dùng luôn cái máy mà mình đang sử dụng. Khi đi xe thì lắp vào màn hình ngoài, khi dừng xe thì lấy laptop ra để làm việc. Vậy là tiện cả đôi đường!