Re:Sài Gòn Hòn ngọc viễn đông
Về giáo dục, bác Phong lưu viết tỉ mỉ quá
Nhớ thời loạn lạc, ông già mình lúc nào cũng than thở khuyên nhủ một câu : ráng học đi con. Thậm chí xin xỏ cho thằng con học nhẩy một lớp tư lên lớp ba phòng xa cho chắc, nhỡ khi trượt cái Tú tài khỏi đi lính.
Thời trước, bài hát nào cũng có những dấu vết của chiến tranh hay thân phận, hát chơi nghe qua nhưng chịu khó nghe lại, ngẫm nghĩ mới thấy câu cú thật hay, tỷ như bài Trả lại em yêu :
Trả lại em yêu, khung trời Đại Học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt
Trả lại em yêu, khung trời mùa Hạ
Ngọn đèn hiu hiu nỗi buồn cư xá
Vài giọt mưa sa hôn mềm trên má
Tóc em thơm nồng, dáng em hiền hòa.
Anh sẽ ra đi về miền cát trắng
Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng
Anh sẽ ra đi về miền mênh mông
Cơn gió Cao Nguyên, từng đêm lạnh lùng
Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó
Đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ
Đem nỗi thương yêu vào niềm thương nhớ
Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về.
Trả lại em yêu con đường học trò
Những ngày Thủ Đô tưng bừng phố xá
Chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó
Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt
Trả lại em yêu mối tình vời vợi
Ngôi trường thân yêu, bạn bè cũ mới
Đường buồn anh đi bao giờ cho tới?
Nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài
Trả lại em yêu! Trả lại em yêu!
Mây trời xanh ngát...
Nghe như cay đắng cho thân phận con người sống trong thời quê hương ly loạn.
Lại nói về Sài gòn, cho phép mình kể một chút về cái xóm Thơm, chỗ mình ở : Con đường xe lửa như một biên giới ý thức hệ khi một bên là "Quốc gia" với các khu nhà sang như khu Lê lai, Lê lợi, nhà máy Thanh Sơn ( bây giờ là Cty thuốc sát trùng ), Trường dòng Don Bosco ( bây giờ là Trường Đại học Công nghiệp) , Trường dòng Đa Minh....(phường 3-GV bây giờ), với một bên là "Cách mạng" với khu người miền Trung làm nghề dệt, bún, bánh...nghèo nàn ( Phường 1-GV bây giờ), mình ở bên khu người miền Trung Cách mạng. Năm 1968, tự nhiên hàng xóm biết rõ nhau khi thấy anh chàng hàng xóm thợ dệt bỗng hoá thân là Cách mạng...Tết Mậu thân 2 bên bắn nhau chí choé thông qua con đường xe lửa là chứng nhân đôi co nằm giữa. Người nào CM thì ở lại, không CM thì chạy lên Nhà thờ Sao Mai, đối diện Trường Don Bosco (Đại học Công nghiệp) để tỵ nạn tránh đạn.
Những đứa trẻ 10-15 tuổi như mình thích lắm, luôn canh me tới giờ đi lãnh cơm, sữa, bánh mì, thịt hộp....cho nhà mình
. Ông già thì cứ canh chiều hoặc sáng sớm đi làm lại tạt qua Ga xe lửa để xem tình hình...xong về nhìn bà già lắc đầu " vẫn bắn...!"
Bà chị mình, 18 tuổi, đang lăng quăng với 1 chàng xứ Quảng đẹp trai học giỏi (dân Phú Thọ), một ngày kia, ông già nói : nầy, tao thấy nó mặc áo đen đội nón vải mày à. Thôi con, quên nó đi....
Mấy hôm sau, đi học về, không thấy chị đâu, hỏi bà già : ba mày cho nó lên Đà lạt học rồi. Khoái quá vì bớt đi một người hay sai mình mang thư như con chim xanh ... Sau nầy mới biết là ông già âm mưu ly tán đôi trẻ..hehehe !
Ngày 30-4-1975, anh chàng đó, lúc nầy ra mặt đàng hoàng, là một Chỉ huy trong Uỷ ban quân quản của Cách mạng.
Sài gòn, theo mình vẫn thế, trong ý niệm của từng người, là dấu ấn của cuộc đời mình được Sài gòn cưu mang. Chiến tranh hay hoà bình đều có ý nghĩa riêng của nó. Trong mắt mấy thế hệ teen bây giờ, Sài gòn vẫn đẹp như chưa bao giờ đẹp thế. Cái gì qua thôi cho nó qua đi, hạnh phúc chăng đó là cuộc đời mình rất may là được mang cả hai dấu ấn của thế hệ trước 1975 và nay. Được chứng kiến, không ít thì nhiều, những thời khắc lịch sử tuyệt vời của Sài gòn để lâu lâu có cái "nói dóc"
.
Nói gì thì nói chứ lứa tuổi của mình, mình cho là sướng nhất, nầy nhá :
- Sống qua 2 thế kỷ,
- Sống qua 2 chế độ, 2 nền tư tưởng, giáo dục và nhân văn,
- Sống trong một thời kỳ tuyệt đỉnh của âm nhạc,
Mai kia chẳng biết sao, nhưng như thế nầy không tuyệt quá rồi sao các bác ?