Lại thuổng
===
Âm thanh trung thực?
Âm thanh trung thực? Chơi âm thanh bộ dàn, ông nào cũng nói muốn đi tìm cái gọi là Âm Thanh Trung Thực. Đành rằng là thế, nhưng thế nào là trung thực, chuẩn mực của trung thực là gì, tham chiếu của...
www.facebook.com
Chơi âm thanh bộ dàn, ông nào cũng nói muốn đi tìm cái gọi là Âm Thanh Trung Thực. Đành rằng là thế, nhưng thế nào là trung thực, chuẩn mực của trung thực là gì, tham chiếu của trung thực ra sao? Thì hỏi ra hầu như chả ai lý giải được.
Người thì nói, trung thực phải đúng như bản ghi (CD, LP, Tape, file số…), nhưng cái gọi là “trung thực như bản ghi” đó là như nào, làm sao để biết? Và cái gọi là “bản ghi” đó có giống với tự nhiên hay không? Thì quả là một vấn đề cần xem xét. Quá trình biến đổi Analog – Analog hay Analog – Digital và bản ghi trải qua bao nhiêu quy trình kỹ thuật, quá trình xử lý đã gây sai lạc so với âm thanh tự nhiên, chưa nói sở thích và gu nghe, năng lực cảm âm của các ông kỹ thuật làm băng đĩa cũng làm sai khác phần nào. Vậy “trung thực như bản ghi” liệu có phải cái mà ta cần hướng tới hay không?
Có nhiều ông nói, tôi set-up hướng tới trung thực như thật, vậy trung thực như thật là trung thực thế nào? Khi nhiều ông chưa một lần bước chân tới nhà hát để nghe các loại nhạc cụ acoustic trình diễn, hoàn toàn chỉ nghe qua các hệ thống tái tạo và tưởng tượng ra âm sắc của các nhạc cụ nó phải thế này, phải thế kia mới là đúng đắn, là chuẩn chỉ. Thực tế là do khác nhau về vật liệu và cách thức chế tạo cũng như gu thẩm âm của mỗi nghệ nhân cũng như các hãng, âm sắc của các nhạc cụ cùng loại thường có khác nhau ít nhiều, làm nên bản sắc của thương hiệu đó. Ví dụ như tiếng piano của Bosendorfer ấm hơn và hơi đục hơn xíu so với Steinway&Son, tiếng Yamaha hơi sáng hơn tí xíu (đây là cảm nhận hạn chế của tôi khi được nghe một số những cây đàn này, có thể là chưa chuẩn), và nghe nói tiếng các cây violon của Amati, Guaneri và Stradivari cũng có âm sắc khác nhau, tiếc là chưa và có lẽ trong đời sẽ không bao giờ được thưởng thức.
Có một số ông nghe các bản nhạc hòa âm bằng các nhạc cụ điện tử mà vẫn nhận xét là âm thanh trung thực hay không trung thực thì thật là khó hiểu. Làm gì có trung thực khi chỉ một cú gạt tay hay nhấn pedal chân, âm thanh ngay lập tức đổi khác nhờ mạch điện. Nói tới đây tôi lại nhớ tầm 35 năm về trước, khi tôi đang còn là một cậu học sinh cấp 3. Tôi mê đàn guitar điện lắm nhưng vào thời đó guitar điện là một cái gì đó cực kỳ xa xỉ với một thanh niên nghèo. Tôi bèn tự chế guitar điện bằng cách dùng 1 cái nam châm như ngón tay, quấn hàng ngàn vòng dây đồng xung quanh để tạo ra cái magnet bobine gắn vào đàn, đánh rất phê. Lại dựa vào bài viết “Схема искажает звук гитары” trong tạp chí Радио Журнал của Nga thời đó để lắp một cái gọi là “Cục Phơ” để làm méo tiếng guitar, khi cần tiếng guitar mộc thì gạt sang chế độ direct, khi cần méo thì dùng chân gảy 1 cái công tắc, tiếng đàn lúc eo éo như mèo kêu, lúc rè rè như thằng viêm họng, chơi rock rất khoái. Tôi lại lắp một cái ampli bán dẫn 20W, đánh vào một chiếc loa toàn dải Philips 30cm để chơi đàn. Cao hứng tôi hay đánh đàn rất to, vang hết cả khu tập thể (chung cư). Có lần đang trong cơn phê pha, có tiếng gõ cửa rồi một mái đầu bạc ngó vào, hóa ra đó là Giáo sư ngữ văn Hoàng Xuân Nhị, cụ hàng xóm đáng kính 70 tuổi ở dưới tầng 3, bằng giọng hết sức ấm áp và nhã nhặn, cụ nói: “Em đờn nhẹ tay chút cho chúng tôi làm việc nhé”, chúng tôi đây gồm cả các cụ Hoàng Tụy (Giáo sư Toán), Phan Cự Đệ (Giáo sư văn chương), Võ Quý (Giáo sư Sinh học) và nhiều cụ khác ở tầng dưới, toàn trí thức cự phách của Đại Học Tổng Hợp. Tôi xấu hổ quá, từ đó bỏ không chơi đàn điện ở nhà nữa.
Có ông lại nói, hướng đến trung thực như các bộ dàn âm thanh hi-end. Với các ông này có lẽ đã bị tiền làm cho choáng váng. Dàn âm thanh hi-end ở Việt Nam và kể cả trên thế giới được nhiều người coi là chuẩn mực của âm thanh trung thực. Nhưng tôi có nhiều dịp đi nghe các dàn vài ba đến hàng chục tỷ, mà đi về cứ trăn trở mãi, vẫn một bản nhạc ấy, một ca sĩ ấy mà trên hệ loa thùng thì tiếng ra khác, loa kèn tiếng ra khác, loa mành lại càng ra khác…. Mà toàn đồ bạc tỷ cả. Vậy trung thực ở đâu, hỡi người?
Chúng ta nghe bằng tai, bằng cảm xúc là chính, nhưng khi nói ra mồm ít ai dám công nhận rằng tôi nghe bằng cảm xúc, thích thỏa mãn cảm xúc, tiếng bass mềm hay cứng, tiếng tép tơi hay gắt, tiếng trung lồng lộn hay tù mù đều bị áp đặt bởi cảm xúc nghe và trải nghiệm nghe rất lớn, thế nhưng mà đều nói tôi hướng tới trung thực, để chúng bạn audiophile khỏi cười chê thằng này không biết nghe nhạc.
Thế cho nên, cứ bình tĩnh mà nghe, mà thưởng thức, cảm xúc dâng tràn là tốt rồi, miễn là tiếng violon đừng nghe ra thành tiếng kèn là được.