Khi nào tài xế dễ đạp nhầm chân ga ôtô nhất?
Xe nào cũng có thể đạp nhầm chân ga chân phanh, nhưng trên số sàn có chân côn còn trên số tự động, không gì cả.
Trước hết, bạn nào thường nói hoặc nghĩ mình lái xe giỏi, bất cứ số sàn hay số tự động, thì có thể bỏ qua bài viết này từ đây. Còn nếu không thì các bạn cũng đang như tôi đấy, thử xem chúng ta có tìm thấy điểm chung không nhé.
Lần đầu ngồi lên ôtô, một chiếc Lanos cũ mèm, với tay lần sờ vô-lăng, với chân đạp đủ cả 3 pedal dưới sàn, cảm giác thật lạ, một thế giới mới, những thứ vật dụng, xúc giác mà mới chỉ nghi người ta kể lại. Chỉ mất vài phút để tôi lĩnh hội đâu là chân ga, côn, phanh từ thầy dạy lái. Và tôi bắt đầu học lái.
Ra côn, chết máy. Làm lại. Ra côn, chết máy. Từ từ thôi. Ra côn, giữ lại. Xe bắt đầu nhúc nhích như chú ốc sên cựa mình sau giấc ngủ. "Mớm ga đi", thầy giáo ra lệnh. Tôi hùng hổ chuyển từ chân phanh sang chân ga. Đầu thì bảo mớm mớm thôi xem ga ở ôtô nó khác gì tay ga xe máy. Nhưng không hiểu sao, chân tôi như đeo chì, nhấn một phát đủ nặng, xe rồ lên.
Tôi sợ quá, buông chân côn, xe chồm dựng, chết máy. Từ sau đó, bốn năm ngày tập luyện dần dần cũng quen hơn, nhưng nếu không có thầy với chân phanh phụ, ít nhất tôi đã đâm vào người đi đường 4-5 lần, vì lúc cuống, đạp nhầm hết cả.
Các bạn đừng nói là quy tắc đặt chân chữ V, giữ gót dưới sàn nhé. Lúc cuống rồi, bản năng chỉ biết đạp thật lực thôi. Mà người mới, khó mường tượng chân nọ chân kia lắm.
Sau này lái xe nhiều, nhưng cũng chỉ số sàn. Lần đầu tiên ngồi lên số tự động, tôi cũng tự tin, cũng nói
xe này đáng khinh như bạn Nam Nguyễn. Nhưng có hai lần, khiến tôi nhớ đời, đến bây giờ mỗi lần thực hiện lại động tác đó vẫn còn ám ảnh.
Lần đầu tiên chính là khi vừa ngồi lên xe số tự động. Dù tôi đã nắm vững quy tắc lái xe này về mặt lý thuyết, nhưng lúc dậm chân mới thật lạ. Nếu ở xe số sàn, chân phải nhấn theo lực ra côn ở chân trái, thì trên xe số tự động không có gì làm điểm tựa. Tôi loay hoay, đặt chân phải vào bàn đạp ga, chân trái cũng theo thói quen đạp tới một cái...vào không trung. Ai ngờ, hai chân đạp lực mạnh như nhau, xe chồm lên xô thẳng.
Một lần dừng lại trước cổng nhà người quen, tôi chỉ đợi một xíu nên chân vẫn giữ phanh, cần số ở D. Bất ngờ nhoài người lấy cuốn sổ nhỏ ở phía ghế phụ, như thói quen trên số sàn, tôi bỏ chân xuống sàn, ai ngờ xe lăn bánh. Sợ quá, tôi đạp mạnh phanh. Nhưng không phải, chân đã nhấc ra, luống cuống thế nào, tôi đạp vào chân ga. Cũng rất may mắn là như lần trước, xe đang ở đường vắng.
Tôi tự thấy, một phần vì không quen xe, một phần vì thói quen chủ quan khi dễ điều khiển, người ta mất đi "cứu cánh" là chân côn. Ở xe số sàn, dù thế nào đi chăng nữa, bạn sẽ dúi dụi cả chân côn, chân phanh, họa chăng nhầm thành chân ga thì cũng không nguy hiểm lắm. Nhưng ở xe số tự động, nhầm như thế, cả một lỗi lầm to lớn.
Do vậy, tập luyện xe số tự động trong trường dạy lái trước khi leo lên xe ra phố là điều đáng làm. Không chỉ thêm một tùy chọn cấp bằng riêng cho xe số tự động, mà những người thi bằng B1, B2 như hiện nay cũng cần tăng thêm số giờ luyện tập trong trường, hiểu rõ hơn về xe số tự động, để tránh những sai lầm tày đình, để không phải nói "giá như".
Nguyên Khoa