Em chia sẻ bài viết này trên đường thiên lý, mong các bác đọc để khi tham gia giao thông hãy biết nhường đường cho xe cứu thương, đừng vô tâm với tiếng còi xe cứu thương. Vì sự vô tâm đó đôi khi giết chết một người, mà người đó hoàn toàn có thể được cứu nếu chúng ta cùng ý thức cho việc nhường đường.
Với em, em đã 2 lần cho 2 tài xế nghỉ việc ngay lập tức cũng vì sự vô tâm của họ.
Người tài xế thứ 1:
Khi ngừng đèn đỏ, phía sau là xe cứu thương hụ còi & bấm kèn vậy mà tài xế của em cũng vẫn trơ ra như không có gì. Em liền hỏi "em có nghe tiếng còi hụ phía sau không?" hắn bảo "có" em tiếp lời "Có nghe sao không nhích lên tránh cho xe cứu thương qua" tài xế em nói "Em nhích lên CA phạt làm sao" sau đó em không nhịn được em nói tài xế của em chiều về lãnh lương sớm em nhé. Em cho out ngay buổi chiều hôm đó.
Người tài xế thứ 2:
Cũng là buổi chiều đi đón con gái em từ QK7 về. Phía sau cũng có tiếng còi xe cứu thương vậy mà hắn cũng vô tư chạy mà không biết xi nhan phải để nhường đường. Lúc đó trên xe có con gái em, nó cũng nói nhường đường cho xe cứu thương kìa chú. tài xế em đeo tai nghe, nghe nhạc gì đó nên không nghe. em với tay lên hỏi hắn có nghe tiếng còi hụ không? hắn nói không. "Bây giờ thì nghe chưa" hắn nói dạ nghe "Vậy sao không tránh" hắn nói "đường HVT này xe cứu thương chạy liên tục tránh bao nhiêu lần cho hết, để nó tránh mình chứ mình tránh nó chi, nó có còi mà" rồi thằng này em cũng cho nó lãnh lương sớm ngay chiều hôm đó. Sau đó em dạy con gái em, khi ra đường con phải luôn bik nhường đường cho xe cứu thương nghe không con, vì trên đó có người cần được cứu.
Sau này ngồi phía sau xe, em quan sát thấy rằng, không phải chỉ có riêng 2 thằng tài xế của em mà có rất nhiều người vô tâm. Từ xe 2b đến 4b khi có tiếng còi xe cứu thương hụ ngay phía sau vậy mà họ vẫn bình yên như vại, không né tránh, không tăng ga, mà họ vẫn giữ tốc độ từ tốn đó cho đến khi xe cứu thương qua mặt họ cũng vẫn tốc độ từ tốn đó thông thả về nhà. Trong khi người nhà bệnh nhân thì đứng ngồi không yên trong xe. Em thấy đau lòng cho một cái xã hội vô tâm. dưới đây em mượn bài viết trên báo điện tử vietnamnet thay cho lời kết ạ
Lực lượng cứu thương dù chuyên nghiệp đến mấy cũng phải lắc đầu chào thua, không cứu nổi ca bệnh hiểm nghèo, khi sinh mạng được tính bằng phút. Nguyên nhân xuất phát từ việc vô tâm của số đông những người tham gia giao thông ngày càng phổ biến.
Chào đời nhưng chưa kịp…khóc
Khi nhắc lại chuyện này, ê kíp cấp cứu ngoại viện, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn và Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thanh Bình không thể quên được cảnh tượng ngay giữa trung tâm TP, một người phụ nữ vô gia cư nằm sinh con ngay trên phố, cách bệnh viện chỉ một đoạn đường. Khi ê kíp cấp cứu hối hả chạy đến thì…người phụ nữ ấy đã chuyển dạ sinh con. Cảnh tượng đau lòng khi các bác sĩ chứng kiến người mẹ nằm bất động, còn đứa bé thì đã ngưng thở từ khi nào.
Một ca cấp cứu như vậy, nhiều nhất là 10 phút là tới hiện trường, thế những họ phải mất tới 30 phút mới có mặt tại nơi cần đến. Tuy nhiên tất cả đã quá muộn..
Người mẹ do băng huyết, mất máu nhiều nên ngất đi, còn đứa bé bị dây rốn quấn cổ đã tắt thở.
Đưa hai mẹ con về bệnh viện, chiếc xe trắng lầm lũi như…xe tang. Chẳng ai bảo ai, ê kíp cứu thương hôm đó buồn như đưa đám, riêng điều dưỡng Bình đau đớn hơn vì không thể cứu sống sinh linh bé nhỏ mới chào đời.
Ông Bình nói do ý thức giao thông kém, họ vô tư khi nghe tiếng còi xe cứu thương nên gây chậm trễ,
Ê kíp xe cứu thương đang khẩn trương đưa một bệnh nhân về bệnh viện
Rồi ông cũng phải "chia tay" người hàng xóm thân thiết của mình.
Nhận được điện báo cụ bà nhà kế bên bị đột qụy do bệnh cao huyết áp, ông Bình cùng ê kíp cứu thương nhanh chóng khởi hành đi cứu người...
“Nếu ở gần hoặc xảy ra trong bệnh viện thì các bác sĩ sẽ cho mổ ngay để lấy máu tụ…Tuy nhiên, do đường xa, kẹt xe, để tới được, ê kíp cứu thương phải ngồi xe hết gần 20 phút. Bà cụ ngã trong nhà vệ sinh ở tầng 4, khi chúng tôi leo lên đến nơi, sơ cứu và đưa bà vào bệnh viện thì đã quá muộn. Bà bị sốt cao do máu tụ xâm lấn, tràn vào hết não thất nên đã tử vong...” - điều dưỡng Bình xót xa kể lại.
Biết chết mà…không kịp cứu !
Bác sĩ Võ Quang Huy, Phó trưởng khoa Cấp cứu ngoại viện, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, TP.HCM cũng từng trải qua cảm giác bất lực vì không kịp cứu bệnh nhân cũng vì lý do "lãng xẹt":... do người tham gia giao thông vô ý thức.
Kể lại câu chuyện, bác sĩ Huy vẫn còn ám ảnh bởi ca bệnh một cụ ông có tiền sử bệnh tim, ngụ tại đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh.
Vào một buổi sáng, cụ ông dậy sớm ra cửa ngồi uống trà, một lúc sau, cụ than mệt rồi…gục xuống.
Các bác sĩ nhận được điện thoại từ người nhà báo cấp cứu lúc 8 h sáng. Ai cũng hoang mang trong bụng bởi biết rằng cơ hội cứu được bệnh nhân rất mong manh vì xe cứu thương chạy hết tốc lực cũng phải mất 15 phút mới đến nơi, đó là chưa kể gặp sự cố kẹt xe vào giờ cao điểm.
Vừa sửa soạn lên đường, bác sĩ Huy vừa cho gia đình bệnh nhân số điện thoại của bệnh viện gần đó để phòng hờ xe cấp cứu không tới kịp.
Tuy nhiên, bệnh viện "dự phòng" cũng hết sạch xe cấp cứu, người nhà đành phải gọi trạm y tế địa phương đến hỗ trợ sơ cứu cho ông cụ.
Do trạm y tế thiếu thốn dụng cụ, thiết bị nên khi xe cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương đến nơi thì bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở.
Theo bác sĩ Huy: "giờ vàng" để cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ chỉ trong vòng 4 phút, sau 10 phút não sẽ chết, dù bệnh nhân sống sót cũng không thể phục hồi được trí não như cũ.
Là người cống hiến lâu năm trong công tác cấp cứu ngoại viện, bác sĩ Huy nói rất trăn trở với bài toán "cấp cứu - ùn tắc giao thông". Nhiều bác sĩ gọi đây là cuộc chạy đua có tính..."hên- xui", bởi lúc này thời gian là yếu tố quan trọng nhất, chỉ cần đến chậm trễ vài phút, tính mạng người bệnh khó được bảo toàn.
Bác sĩ Huy kể lại, từng chứng kiến cảnh sản phụ sinh em bé trước khi xe cứu thương tới, hoặc sanh ngay trên xe cứu thương, thậm chí là…đẻ rơi.
“Nhiều lần, chúng tôi vận chuyển bệnh nhân đang hấp hối, phải đặt nội khí quản. Người bệnh có thể ngưng tim bất cứ lúc nào, trong khi đường xá thì ùn tắc, nhiều người dân nghe tiếng còi hú cấp cứu nhưng không né nhường đường, mặc cho tài xế và bác sĩ cật lực xin đường bằng tay và…miệng.” - bác sĩ Huy lắc đầu nói.
em cảm ơn các bác xem tin.